Trấn Thành: “Tất cả những hào quang này chỉ là… tạm thời thôi”
Ngồi lại với Trấn Thành, người đã chinh phục hết những đỉnh cao ở mọi con đường anh dấn thân, nhưng vẫn còn nguyên khát khao trở thành số 1 ở những hành trình khác.
Từ chỗ là “ông vua không ngai” của truyền hình, mở bất kỳ kênh nào lên cũng thấy, anh phút chốc trở thành “ông vua phòng vé” với kỷ lục doanh thu của “Cua lại vợ bầu”. Cảm giác của một người đứng trên đỉnh cao là như thế nào?
Ai đứng trên cao cũng luôn lo sợ. Sợ vì không biết mình đã đủ giỏi cho vị trí đó chưa? Sợ người khác nhìn lên, rồi sợ mình ở trên nhìn xuống. Tôi thích mình giống như một người leo núi, để miệt mài nỗ lực, để luôn có một mục tiêu để hướng tới. Nên mọi thành công, với tôi, chỉ là tạm thời mà thôi. Có một câu tôi vô tình đọc ở đâu đó và thấy rất hay:
“Trước khi làm một việc thành công, hãy cố trở thành một người thành công. Chưa làm người thành công nhưng làm được một việc thành công, thì thành công ấy chỉ là tạm thời. Còn khi đã là người thành công thì ngay cả việc làm không thành công cũng chỉ là tạm thời”.
Thế nên tôi luôn coi những thành quả mình đang có chỉ là tạm thời. Tôi không xem mình là Vua truyền hình hay Vua phòng vé. Ai ưu ái gọi thì tôi xin cám ơn, chứ tôi không dám nhận. Vì Vua nào mà… chả có nhiệm kỳ, ai mà chả có lúc phải đi xuống. Huống chi Vua thì phải đi kèm với đủ thứ trách nhiệm. Nên thôi tôi cứ mải miết làm việc, với hy vọng vào cuối đời, khi mọi người nhìn lại sự nghiệp của mình thì sẽ nói: “Đấy là một nghệ sĩ thành công”.
Chúng ta ai cũng khao khát dẫn đầu, đã dẫn đầu rồi thì tiếp theo sẽ là gì đây?
Thực ra bước lên đỉnh cao đã khó, duy trì cái đỉnh cao ấy còn gian nan (và thú vị) hơn. Nên nếu như một nghệ sĩ hoang mang không biết phải làm gì tiếp theo, thì đã đến lúc… đi xuống được rồi. Một nghệ sĩ có tầm nhìn luôn biết đặt ra những mục tiêu mới. “Avengers: Infinity War” hay tuyệt đỉnh rồi người ta vẫn làm phần tiếp theo đó thôi, chứ đâu thể… đóng cửa Marvel được. Tôi học tư duy này từ điện ảnh Mỹ: khi làm bước một thì đã có bước thứ năm, thứ sáu rồi. Trong cuộc đời mình, tôi luôn đề ra những kế hoạch năm năm, mười năm. Tôi không thiếu việc để làm, chỉ không biết mình đủ sức đạt được những mục tiêu đề ra hay không mà thôi.
Còn bao nhiêu đỉnh cao mà tôi còn chưa chạm tới: biên kịch, đạo diễn, tôi còn ước mơ trở thành sản xuất âm nhạc. Trấn Thành chưa bao giờ là con người thiếu hoài bão. Đó là những cái đỉnh cao giúp cho tôi luôn nhìn lên, thôi thúc tôi vươn lên.
Mười mấy năm trước, có một chàng nghệ sĩ vô danh, đi chiếc xe Wave rách nát, chờ đợi để được diễn những tiểu phẩm nhỏ xíu. Ngày ấy, ước mơ lớn nhất của anh ta là gì?
Được nổi tiếng!
Đã bước vào nghề này, nếu có ai dám nói: “Em không cần nổi tiếng, chỉ cần việc làm thôi” thì tôi khuyên người ấy nên bỏ nghề, đi làm việc khác. Đặc thù của nghề này là phải nổi tiếng, phải biết phấn đấu. Với tôi, đã làm việc thì phải đặt ra mục tiêu cao nhất, còn chuyện ta đạt được bao nhiêu phần trăm mục tiêu đề ra thì lại là chuyện khác. Ai hoạt động nghệ thuật mà nói không mưu cầu danh tiếng thì rõ ràng người ấy không thật. Phải có cái khao khát ấy, còn việc Tổ Nghiệp cho mình bao nhiêu, khán giả cho mình bao nhiêu thì việc ấy tính sao. Phải đặt ra mục tiêu và làm hết mình để vươn đến đó. Còn không có mục tiêu thì chúng ta sẽ trở thành những kẻ đi lạc, trong cái bản đồ của đời mình.
Tôi nhớ mãi một ngày Tết của chục năm trước. Tôi chỉ là một gã diễn phụ cắc ké trong sân khấu kịch Sài Gòn của ông trùm showbiz lúc bấy giờ là Phước Sang. Diễn viên phụ gặp sếp thì mừng lắm. Tôi chúc Tết ảnh và ảnh chúc lại.
Ảnh hỏi tôi: “Việt Nam nhiêu người em?”, tôi ngạc nhiên không biết sao ảnh hỏi thế, nhưng vẫn trả lời: “Dạ bảy tám chục triệu chi đó”. Anh Phước Sang nói: “Vậy anh chúc cho 70 triệu người Việt Nam sẽ biết Trấn Thành”. Hỏng chừng câu ấy đã thành sự thật! Tôi rất biết ơn anh đã… phán cho tôi câu ấy.
Sơn Tùng từng nói: “Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được, phải chịu được cảm giác không ai chịu được”. Cái cảm giác khó chịu nhất ấy ở anh là gì?
Ngoài cảm giác mất tự do, không được làm những điều mà một người bình thường có thể làm, tôi không thấy có bất kỳ khó chịu nào. Tôi không phải trả giá gì quá ghê gớm cho thành công của mình. Đã qua rồi cái giai đoạn mà chỉ một cái comment tiêu cực cũng khiến cho mình buồn. Mình phải hiểu: cái công việc này không thể làm hài lòng được mọi người. Như tôi đã nói: cảm giác yêu ghét của khán giả dành cho mình cũng là tạm thời. Chúng ta chỉ có thể làm hài lòng một nhóm người, trong một thời gian nhất định. Thời gian trải qua, trải nghiệm khác đi, tư duy thay đổi, mình làm những sản phẩm khác biệt thì mình sẽ làm hài lòng một nhóm khán giả mới, có thể vô tình làm phật ý một nhóm khán giả cũ. Khi nhìn ra được cốt lõi của vấn đề thì mình sẽ không khó chịu nữa. Ngày xưa đọc comment buồn chứ, cứ suy nghĩ mãi sao người ta lại chê mình. Giờ thì mình chỉ nghĩ: à, cái bạn này không có thích kiểu nghệ thuật mà mình đang làm. Khác gu thôi mà, vậy thì không buồn nữa. Đã không thể thoát khỏi những lời chê, thì chỉ còn cố làm sao để càng nhiều người đồng tình với sản phẩm của mình càng tốt thôi.
Ngoài tự do chẳng lẽ không còn gì để mất sao? Bạn bè và cộng sự chẳng hạn…
Tôi chọn bạn rất kỹ. Những người tôi xem là bạn từ đầu thì đến giờ vẫn đang ở lại với tôi. Từ ngày vào nghề đến giờ, sự nghiệp có thể thay đổi, nhưng bản chất con người của tôi không thay đổi. Bạn tôi không hề thấy tôi thay đổi. Như Anh Đức chẳng hạn, chơi từ cấp 2 đến giờ vẫn thân, dù cả hai không còn là việc cùng nhiều như trước.
Còn cộng sự ư? Tôi tự hào là mình sống hết lòng với bản thân, bạn bè và cộng sự. Còn việc họ đối xử với mình như thế nào thì tôi… không chắc. Mỗi người có một cách suy nghĩ, một cách cư xử trong cuộc sống. Ta chỉ có thể sống tốt nhất phần của mình. Để khi nhìn về bất kỳ mối quan hệ nào, ta không cảm thấy hối hận vì mình đã cư xử không tốt trong thời điểm đó.
Gameshow đã phát triển rất rực rỡ vài năm trước đây và anh là gương mặt quen thuộc nhất của các nhà đài. Phim anh đóng thì đã phá rất sâu kỷ lục doanh thu. Nhưng sân khấu thì lại rất buồn…
Tôi nghĩ mọi lĩnh vực nghệ thuật đều có thời kỳ vàng son của nó. Cũng như thời trang, nó sẽ phát triển theo đúng một vòng tuần hoàn để quay lại đỉnh cao của mình. Khi một ngành nghệ thuật hội đủ những yếu tố để hồi sinh, tập hợp đủ những nhân tài cùng một lúc thì nó sẽ trở lại thời hoàng kim.
Sân khấu đã qua thời hoàng kim, nhưng biết đâu nó sẽ trở lại mạnh mẽ hơn thì sao? Tôi chưa bao giờ bỏ sân khấu. Tết nào tôi cũng làm kịch dài chứ không hề chạy show đi tỉnh. Quan điểm của tôi: cái gì thịnh hành thì mình làm nó trước. Truyền hình đang thịnh thì ta là truyền hình để đáp ứng nhu cầu khán giả. Để rồi lúc phù hợp, tôi sẽ trở về sân khấu với một diện mạo huy hoàng hơn.
Tôi đang ấp ủ ước mơ về nhạc kịch. Tôi vẫn giữ khao khát được làm đạo diễn cho những vở nhạc kịch kinh điển như Notre-Dame de Paris, đầu tư nghiêm túc. Lúc ấy sân khấu sẽ trở lại. Không có môn nghệ thuật nào chết cả. Nó vẫn nằm đâu đó trong tiềm thức người ta và chờ ngày trở lại thôi. Khi có đủ nhân tài, ngày ấy sẽ đến.
Tương lai là một bí ẩn, nhưng hiện tại thì ai cũng thấy: nhiều nhân vật xuất chúng của sân khấu thì… không còn ở đó nữa. Anh tin là sân khấu không chết, nhưng nếu… nó chết thì sao?
Tôi không sinh ra với bổn phận phải cứu rỗi cho bất kỳ một ngành nghệ thuật nào cả. Việc này giống như bạn ở trong một ngôi nhà, không lẽ bạn cứ… ở trong đó hoài, không mua ngôi nhà mới sao. Chúng ta luôn hướng tới những cái văn minh, phát triển. Xã hội đi tới đâu ta đi tới đó. Sân khấu khựng lại vì nó đang có một lỗ hổng nào đó, chưa đáp ứng được thời cuộc. Lỗ hổng ấy không được sửa chữa thì khán giả sẽ bị cuốn theo những cái mới: gameshow, truyền hình, youtube… Điều ấy không có gì ngạc nhiên cả. Sân khấu cần một cuộc cách mạng, và tôi tin là nó sẽ có những người là cuộc cách mạng ấy.
Chúng ta đừng mải nghĩ về ngôi nhà cũ, vì theo thời gian thì mình vẫn phải mua ngôi nhà lớn hơn và lớn hơn nữa. Rồi một ngày nào đó, khi đi ngang con phố cũ, nhìn lại căn nhà xưa, có khi nó đã trở thành một đô thị mới rồi. Căn nhà cũ đã mất, nhưng tình cảm của ta dành cho nó không mất. Nhìn lại nó, ta nhớ xuất phát điểm của mình. Đâu có gì tồn tại mãi theo thời gian. Biết đâu cũng ngôi nhà ấy, nếu trời thương không ai đập đi xây đô thị thì vài chục năm sau, nó sẽ trở thành… một khu phố cổ. Giá trị sẽ lên gấp trăm lần. Biết đâu sẽ có những người mang sân khấu trở lại huy hoàng hơn?
Nhưng sân khấu có vẻ như đang được… định nghĩa lại, bởi những người như Trấn Thành, Trường Giang… Với những người trẻ, họ đang lầm tưởng những tiểu phẩm hài mà mình đang xem trên truyền hình chính là sân khấu.
Đâu có sao. Cứ để họ lầm tưởng. Rồi một ngày ta tái sinh sân khấu và người trẻ sẽ đón nhận nó như một phát minh. Năng lượng sẽ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Sân khấu cũng sẽ chuyển đổi, tái sinh với một diện mạo mới.
Hãy cùng hy vọng như thế. Trở lại với truyền hình, dường như không một show nào mà anh không dẫn được. Anh có thể nói chuyện với người già lẫn em bé, từ người dân quê cho tới nhân vật showbiz. Đấy là năng khiếu, hay kết quả của một quá trình tu tập?
Tôi tin là do Trời cho. Một nghệ sĩ chạm được trái tim người khác theo tôi 70% là thiên phú hơn là rèn luyện. Chúng ta chỉ có thể rèn luyện để bớt sai, chứ không thể rèn luyện để tốt hơn. Vì chỉ cần bớt sai là đã tốt hơn. Những nghệ sĩ lớn sinh ra với một cá tính không bình thường. Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng, Mỹ Tâm… đều có một cuộc sống khác thường. Họ suy nghĩ không giống ai, nhưng lại dám nghĩ dám làm, họ dám đặt ra những vấn đề không ai chạm tới. Tôi nghĩ cá tính ấy là Trời ban. Số phận đặt để họ vào vị trí ấy.
Tôi cũng thế. Ông Trời cho tôi khả năng lắng nghe và thuyết phục. Khi ngồi với ai, tôi đều có thể biến thành bạn của họ ở thời điểm đó, ở đúng cái lứa tuổi đó. Tôi nói chuyện với người già thì tôi thâm trầm, để cùng trải lòng với họ qua những mảnh ghép thời gian. Nhưng khi nói chuyện với một đứa con nít, tôi phải dọn cho đầu óc mình thật trống rỗng, để làm bạn với nó, để nó không đề phòng mình, trao câu chuyện cho mình. Còn với những người gặp nỗi đau, tôi lắng nghe họ trút hết nổi lòng. Họ trút xong rồi, tôi cho họ lời khuyên. Tôi không nghĩ những điều ấy không luyện tập được. Trời cho ai thì người ấy hưởng. Như những danh họa, họ vẽ những bức tranh mà những người khác có học cả đời cũng không vẽ nổi. Đấy là năng lượng đặc biệt Trời dành cho những người đặc biệt.
Nghĩa là khi anh khóc trong talkshow, thì đấy là vì anh đau cũng nỗi đau của nhân vật, chứ không phải là một kỹ năng diễn xuất?
Tôi không biết mình có khác người hay không. Nhưng tôi không phải mẫu người dẫn chương trình chỉ ngồi đó để khai thác nhân vật. Tôi muốn giúp họ nhiều hơn. Tôi muốn lắng nghe và mở khóa cho họ trút hết nỗi lòng của mình. Tôi chưa bao giờ chủ động khui câu chuyện của ai, để rồi câu chuyện ấy trở nên ồn ào và quay lại khiến họ tổn thương hơn. Tôi luôn tìm cách khơi gợi để họ nói ra những góc khuất mà họ vẫn giấu trong bóng tối. Họ lôi nó ra ánh sáng, lấy nước dội đi những vết bẩn. Tôi muốn cùng họ gột rửa những vết bẩn ấy, mở ra những góc nhìn mới tích cực hơn, để họ biết cách ngăn chặn nỗi đau. Phải có dũng khí đối diện với nó thì mới gạt nó sang được một bên, thay vì tránh né nó. Tôi luôn đặt mình vào vị trí của họ, để suy nghĩ xem nếu mình là họ, mình sẽ cảm thấy như thế nào. Vì những người trong showbiz, họ cũng là đồng nghiệp, là bạn của mình mà…
Nghĩa là anh lắng nghe và tâm sự, chỉ thay đổi vị trí nói chuyện từ quán cà phê lên… truyền hình?
Nếu bạn muốn tâm sự, Trấn Thành là một lựa chọn tuyệt vời. Tôi thích nghe câu chuyện, dù trên TV hay ở ngoài đời. Tôi thích chơi đùa với cảm xúc, tôi học được rất nhiều từ những câu chuyện của bè bạn. Nó cho tôi những trải nghiệm vô giá mà không cần đọc sách. Vì mỗi người ta gặp đều là một quyển sách rồi. Tôi đọc quyển sách đời họ với đúng cái tầng tư duy của họ, rồi lại đọc một lần theo tầng tư duy của tôi và đưa cho họ một góc nhìn mới. Tôi nói là tôi hiểu họ, nhưng nếu họ nhìn mọi thứ ở một góc khác đi, đời họ có khi sẽ khác đi.
Như anh kể ở đây, thì có lẽ cuốn “Cẩm nang trở thành MC chuyên nghiệp” của Trấn Thành sẽ mỏng lét. Vì không có tài năng thiên bẩm, thì mất đi 70% cơ hội thành công rồi. Chả lẽ không còn lời khuyên nào khác?
Còn chứ. Tôi khuyên các bạn hãy nhìn mọi thứ khác đi. Khi Galilei Galileo nói trái đất xoay quanh mặt trời thì ổng chính là người dị hợm nhất. Nhưng ổng vẫn cứ tin như thế. Muốn làm người dẫn chương trình tốt, hãy nghĩ khác những gì người khác nghĩ. Lời khuyên thứ hai là hãy là nghề có tâm. Một người dẫn show tốt không phải là người có kiến thúc giỏi. Vậy là chưa đủ. Muốn làm tốt thì phải nói có sức thuyết phục. Khán giả phải tin, phải được truyền cảm hứng. Để làm được, bạn phải có lề lối tri thức đúng đắn, để đặt ra vấn đề đúng đắn. Phải đặt cái tâm vào đó, mang đến cho khán giả một tư duy thật mới mẻ, thuyết phục khán giả tin vào cái mới ấy. Đấy mới là một người dẫn chương trình thành công.
Anh trả lời phỏng vấn nhiều, phỏng vấn người khác cũng nhiều. Vậy với anh như thế nào là một cuộc nói chuyện thành công?
Người phỏng vấn phải đặt được ba loại câu hỏi.
1. Loại câu hỏi mà người ta có thể trả lời.
2. Loại câu hỏi mà người ta muốn trả lời.
3. Loại câu hỏi mà bạn muốn người ta trả lời.
Đôi khi cuộc phỏng vấn chỉ là cái cớ để người ta được nói những gì mà họ vẫn muốn nói mà chưa có cơ hội.
Vậy bây giờ tôi hỏi anh một câu thử xem anh muốn trả lời không: Tiền nhiều để làm gì?
Tôi không dám nói về gia đình người khác. Tôi rất nể ông Đặng Lê Nguyên Vũ vì tôi nhìn thấy giữa tôi và ông có những điểm tương đồng. Đời có 4 bước: Làm việc, tận hưởng, chia sẻ, cống hiến. Làm việc để có lý do mình xuống trái đất. Tận hưởng là để gặt hái thành quả mình gieo. Chia sẻ để trao đổi cái mình có cho người ta và nhận lại cái mà mình chưa có. Cống hiến là tầng cuối cùng: tìm hạnh phúc khi được cho đi mà không cần nhận lại sự đền đáp. Tiền nên được dùng lúc này nhất: Để làm được những điều mà ta không thể làm nếu không có tiền.
Vậy có tiền để làm gì? Để làm được những điều mà ta không thể làm nếu không có tiền.
Nhưng khi có quá nhiều tiền rồi thì có khi tiền chẳng còn quan trọng nữa? Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sống để kiếm tiền. Tôi là người mà có ít hay nhiều tiền tôi cũng có thể tận hưởng cuộc sống. Tôi hỏi anh: anh cần tiền hay thích tiền?
Tôi nghĩ là cả hai.
Tôi cần tiền chứ không thích nó. Tôi cần tiền để làm những việc cần làm. Quan trọng là ta tìm thấy hạnh phúc ở đâu kìa, chứ đâu phải có bao nhiêu tiền. Đừng nhầm lẫn: ta hạnh phúc với tiền, hay ta hạnh phúc với những cái mà tiền mang lại, hay chỉ là những điều nho nhỏ xinh xinh mà chả có tiền nào mua được? Ta cần tiền hay hạnh phúc? Có tiền, có nổi tiếng chỉ là chặng đường là A tới B thôi. Đã nổi tiếng rồi thì ta xài sự nổi tiếng ấy thế nào? Ta hưởng thụ hay xây dựng? Tôi đang khai thác sự nổi tiếng của mình để kêu gọi mọi người làm từ thiện. Tôi sử dụng sự nổi tiếng ấy để truyền cảm hứng cho mọi người: rằng khi ta làm một điều tốt, lòng ta tự nhiên thấy vui vui. Rằng khi ta nói không với những thứ xấu xa, cuộc sống ta tự nhiên cũng vui vui. Tôi đang trả ơn cho cuộc đời này. Đấy là ý nghĩa tối cao của sự nổi tiếng, khi ta cải thiện cuộc sống và tư duy của mọi người. Ai làm nghệ sĩ phải nhớ mãi bài học: nghệ sĩ là người mang đến cái đẹp cho đời. Không mang đến cái đẹp cho cuộc đời này, bạn chỉ là người kinh doanh nghệ thuật mà thôi!
Trở lại với câu nói: thành công chỉ là tạm thời. Bạn có nghĩ hạnh phúc, mà cụ thể là hạnh phúc hôn nhân, cũng là tạm thời không. Vì bữa giờ xem báo, thấy chia tay nhiều quá.
Khi bước vào một cuộc hôn nhân, bạn phải trả lời câu hỏi: mình kết hôn… để làm cái gì? Mục đích của mình khi lấy chồng/vợ là gì? Không xác định mục đích là gãy. Yêu được là duyên, cưới được là nợ. Duyên là cớ đế gặp, nợ là lý để ở. Hôn nhân cũng rất cần bản lĩnh. Hôn nhân phải mang lại cho chúng ta hạnh phúc và lý do để sống tiếp.
Anh vừa nói đến mục đích. Vậy mục đích cuộc hôn nhân của anh là…
… Là để đêm về tôi không phải ngủ một mình. Tôi sợ cô đơn, tôi thích chia sẻ. Tôi tìm được người mà tôi cần. Và quan trọng hơn, tôi tìm đúng. Ít nhất lúc này tôi rất hài lòng với cuộc sống hôn nhân của mình. Hari là người tôi có thể chia sẻ tất cả mọi việc. Tôi xác định được mục đích, và tôi tin mình đang có một cuộc hôn nhân… thành công.
Vậy chúc anh tiếp tục thành công, cả trong cuộc sống lẫn công việc.
Cám ơn anh.
Theo Trí Thức Trẻ
Trấn Thành: Gã MC "đa nhân cách" và bất khả thay thế
Không có ai là không thế thay thế trong làng giải trí, nhưng Trấn Thành có lẽ là một ngoại lệ hiếm hoi. Trong khá nhiều gameshow, sự có mặt của Trấn Thành gần như gắn liền với thành công và ấn tượng.
Những danh xưng trong làng giải trí vốn rất dễ gây tranh cãi và bất đồng. Nhưng Trấn Thành lại là một ngoại lệ hiếm hoi. Danh hiệu MC không thể thay thế có lẽ được sinh ra để dành riêng cho Trấn Thành, sau tất cả những gì ngôi sao này làm được.
Tay MC "đa nhân cách" trên sân khấu
Nếu theo dõi Trấn Thành trong mọi show diễn, những khán giả yêu thích thuyết âm mưu có lẽ còn cho rằng ngôi sao này thuộc dạng... đa nhân cách.
Thật vậy, sự đa dạng và khả năng biến hoá của Trấn Thành trên sân khấu cứ khiến người ta liên tưởng tới những bộ phim Hollywood, khi một người có thể sống với nhiều "con người" khác nhau.
Sự đa dạng trên sân khấu của Trấn Thành không chỉ nằm ở ngoại hình, mà nằm trong tính cách và những lần "hóa thân" của anh
Trấn Thành có thể khiến khán giả cười bò trong Thách thức danh dài, Ơn giời cậu đây rồi, nhưng cũng khiến người ta rơi nước mắt nghẹn ngào với Sau ánh hào quang.
Anh có thể nhí nhố chọc cười thiên hạ với sự "lầy lội" trong Đại chiến kén rể, Người ấy là ai, nhưng khi chia sẻ tại Sao Hoả sao Kim , Trấn Thành vẫn khiến đám đông phải lặng người suy ngẫm.
Tới cả những game show cực khó với thí sinh toàn là trẻ em như Nhanh như chớp nhí, Biệt tài tí hon, Trấn Thành cũng không gặp khó khăn nào đáng kể. Anh hoà mình dễ dàng vào thế giới nội tâm của đám trẻ, chiếm niềm tin và thiện cảm từ chúng theo cách của một người bạn, chứ không phải một ngôi sao.
Trấn Thành cực kì thành công trong việc tương tác cùng mọi đối tượng, từ nghệ sĩ, người bình thường, người lớn và thậm chí là trẻ nhỏ
Trong khi nhiều đồng nghiệp lúng túng và gượng gạo trong những gameshow kiểu này, Trấn Thành vẫn ung dung tung hoành như thường lệ. Bởi với ngôi sao đặc biệt này, mọi sân khấu đều giống như lãnh địa của riêng anh.
Đáng nể hơn, trong mọi lần biến hoá của Trấn Thành, ngôi sao này đều thuyết phục người xem một cách tuyệt đối.
Trấn Thành cực giỏi trong việc tạo ra cảm xúc cho chính mình, trước khi mang điều đó tới cho khán giả. Nhìn cách anh rơi nước mắt trước khi làm khán giả khóc, làm bạn với thí sinh nhí trước khi làm giám khảo, người ta sẽ hiểu rằng Trấn Thành đang sống những cuộc đời khác nhau trên sân khấu.
Ngôi sao không thể thay thế của làng giải trí
Không ai là không thể thay thế, nhất là trong showbiz vốn có dư thừa sự cạnh tranh. Nhưng với riêng Trấn Thành, thay thế anh là một điều quá khó, nếu như không muốn dùng từ "bất khả thi"
Ngay ở trong mảng hài vốn thừa thãi những MC tài năng thì Trấn Thành vẫn là lựa chọn hàng đầu của hầu hết nhà sản xuất. Dấu ấn mà Trấn Thành để lại trong Thách thức danh hài, Người ấy là ai, Khi đàn ông mang bầu rất rõ rệt và tạo ra một thứ sắc màu riêng biệt cho các gameshow.
Sau ánh hào quang - talkshow làm nên đỉnh cao nghề nghiệp của Trấn Thành
Thú vị hơn, ở mỗi gameshow, người ta lại thấy Trấn Thành thể hiện một hình ảnh khác, phong cách khác.
Nếu Thách thức danh hài "show ra" một Trấn Thành khôn ngoan, lém lỉnh thì ở Khi đàn ông mang bầu, người ta lại bắt gặp một Trấn Thành giàu tình cảm và dễ xúc động. Ở Sao Hoả sao Kim lại là một Trấn Thành "lầy lội" nhưng hiểu biết và chín chắn.
Nhanh như chớp nhí, Biệt tài tí hon lại là lãnh địa để Trấn Thành thể hiện sự hồn nhiên, nhân hậu trong tính cách.
Và trong nhiều gameshow khác nữa, khán giả cứ được dịp hoa mắt với sự biến hoá của ngôi sao giải trí này. Và đáng sợ hơn, mọi lần "biến hoá" của Trấn Thành đều thành công và tự nhiên như thể đó mới là con người thật anh vốn có!
So sánh một cách đơn giản thì vai trò của Trấn Thành trong nhiều gameshow hài cũng gần giống như Xuân Bắc trong Đuổi hình bắt chữ, Lại Văn Sâm trong Ai là triệu phú. Họ tạo ra được một thứ dấu ấn riêng biệt và quen thuộc tới mức nếu thay thế, bản sắc của gameshow cũng sẽ mất đi!
Những phong cách biến hóa đa dạng của Trấn Thành trên sân khấu đang khiến anh trở thành một MC khó thay thế nhất trong làng giải trí
Ở Trấn Thành, thiên phú lớn nhất của anh là điều khiển cảm xúc của người khác và chính bản thân mình. Thứ thiên phú hiếm hoi đó cộng với tài năng, nỗ lực không ngừng nghỉ của Trấn Thành đã tạo ra một ngôi sao đặc biệt nhất của làng giải trí.
Anh có thể không cần danh hiệu MC số 1, số 2, nhưng chắc chắn là MC không thể nào thay thế trong showbiz Việt!
Theo Trí Thức Trẻ
Đọ tướng phu thê các cặp đôi Vbiz: Hari - Trấn Thành giống nhau nhưng chưa bằng trùm cuối Cụm từ "tướng phu thê" đã trở nên khá phổ biến hiện nay. Những cặp đôi được xem là có tướng phu thê khi có sự tương đồng trên gương mặt và ở showbiz Việt cũng có không ít sao Việt có tướng phu thê với người thương. Người ta vẫn thường hay nói với nhau rằng, các cặp đôi sở hữu những...