Trần Quang Đức chứng minh không cắt ghép chân dung Quang Trung
Trước những nghi ngờ cho rằng bức chân dung vua Quang Trung do Trần Đức cung cấp không xác thực, nhà nghiên cứu vừa đưa ra nguồn gốc bức ảnh.
Cách đây không lâu, chân dung vua Quang Trung là vấn đề nóng gây tranh luận từ giới học thuật, nghiên cứu lịch sử tới nhiều độc giả.
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức – người đưa ra bức ảnh chụp tranh vẽ chân dung vua Quang Trung, cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính – người khẳng định bức ảnh Trần Quang Đức cung cấp là một trong ba bức tranh vẽ vua Quang Trung do họa sĩ nhà Thanh vẽ, đã nhận phản ứng dữ dội từ cộng đồng.
Bức ảnh chụp tranh vẽ với chú thích là vua Quang Trung gây bão tranh luận, thậm chí có người nghi ngờ đó là bức ảnh cắt ghép.
Nhiều người phản bác, khẳng định tranh vẽ người gầy gò, ốm yếu đó chắc chắn không phải chân dung vua Quang Trung, bởi thứ nhất, nó khác xa với hình dung về một Quang Trung cao lớn, oai hùng. Thêm nữa, nhiều nguồn sử sách cho rằng vua Quang Trung không sang dự lễ mừng thọ Càn Long; mà cử một nhân vật “đóng thế” đi thay. Bởi vậy, dù bức ảnh công bố có đúng là tranh vẽ vua nước Nam Quang Bình đi nữa, thì đó cũng không phải là chân dung thật của Quang Trung.
Ngay giữa tâm bão dư luận, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã lên tiếng giải thích, bức ảnh anh đưa lên vốn được một người bạn từ Trung Quốc gửi cho. Bức ảnh ấy được người bạn chụp từ cuốn catalogue của nhà đấu giá Sotheby, in hình những hiện vật được đấu giá vào năm 1981.
Tuy nhiên, vẫn có những nghi ngờ quanh lời giải thích này. Không chỉ có ý kiến phản bác, hai nhà nghiên cứu nhận nhiều lời chỉ trích. Thậm chí, một nhà nghiên cứu khác còn đưa ra nghi vấn, phải chăng bức ảnh mà Trần Quang Đức công bố là một bức ảnh chỉnh sửa bằng phần mềm photoshop, cắt ghép, không phải ảnh chụp trung thực.
Sau một thời gian giữ im lặng, mới đây nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã đưa ra tài liệu gốc của bức ảnh mà anh đưa lên Facebook. Anh công bố đã tìm được vựng tập đấu giá của nhà Sotheby’s phát hành năm 1981.
Tập catalogue phát hành năm 1981 của nhà Sotheby’s có bức tranh vẽ “vua Quang Trung”.
Video đang HOT
Theo tập Catalogue of Chinese Decorative Arts do Sotheby’s phát hành, tại trang 76 có in bức ảnh chụp bức tranh, với lời giới thiệu: “Bức tranh chân dung bằng màu nước trên lụa vẽ vua An Nam mới lên ngôi, Nguyễn Quang Bình, đội mũ, mặc áo bào đỏ, với những con rồng vàng, cùng dòng niên đại 1790 (kích thước tranh 99cm x 56cm)”.
Trần Quang Đức cung cấp thêm thông tin, trong cuốn Tử Quang Các thanh điểm họa tượng sách, cho biết vào năm Hàm Phong thứ tư (năm 1854), Tử Quang Các trong cung nhà Thanh vẫn lưu giữ 2 trục tranh chân dung An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình. Nhà nghiên cứu đoán rằng, việc bức tranh thất lạc, bị đưa ra ngoài có lẽ là sau khi liên quân tám nước chiếm Bắc Kinh vào năm 1901. Bởi khi đó, Bộ Tư Lệnh của liên quân tám nước được đặt tại Tử Quang Các, cũng chính là khu vực Trung Nam Hải, xung quanh có rất nhiều người phương Tây.
Vào thời Thanh, Tử Quang Các là nơi treo giữ các bức chân dung được coi là công thần của nhà Thanh, gồm 280 bức. Các bức họa này đều được vẽ theo trục dọc, gồm phía trên là lời đề tán, phía dưới là tranh chân dung. Hiện tại, những bức còn lại có thể biết đến chưa đủ 30 bức, hầu hết nằm trong các bộ sưu tập cá nhân, bảo tàng trong và ngoài Trung Quốc. Nhiều bức trong số đó cũng đã được Sotheby’s phát mãi rải rác trong nhiều năm.
Trang 76 của tập catalogue có ảnh chụp tranh vẽ chân dung “Quang Trung”, chứng minh bức ảnh mà Trần Quang Đức cung cấp không phải là ảnh cắt ghép, chỉnh sửa.
Cuộc tranh luận về chân dung vua Quang Trung bắt nguồn từ việc nhà nghiên cứu Trần Quang Đức công bố một bức ảnh, chụp bức tranh từng lưu tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. Bức tranh có ghi An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của vua Quang Trung khi ở bên nhà Thanh). Ngay tại thời điểm công bố bức tranh trên trang Facebook cá nhân, nhà nghiên cứu đã nhận định: “Lai lịch tường tận của bức tranh cần đợi những khảo cứu chuyên sâu hơn. Ít nhất cho tới thời điểm hiện tại, bức tranh này vẫn tiệm cận với ’sử thực’ hơn cả”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính từ tư liệu đó, đã khảo cứu thêm các chi tiết trong tranh như chi tiết trang phục đặc trưng của vua quan thời đó, đọc dấu triện trên tranh, đọc bài thơ ngự bút của vua Càn Long viết trên tranh, và đoán định bức tranh Trần Quang Đức công bố là ảnh chụp một trong ba bức tranh chân dung Quang Trung do vua Càn Long chỉ thị họa sĩ Trung Quốc vẽ trong thời điểm vua Quang Trung sang chúc thọ bát tuần vua Càn Long. Tác giả ba bức tranh này là họa sĩ Mậu Bính Thái và họa sĩ phụ tá là Y Lan Thái. Các khảo cứu trên đã được Nguyễn Duy Chính công bố.
Theo Thu Hiền (Zing)
Tranh luận lịch sử: 'Bức họa về vua Quang Trung thiếu thuyết phục'
Một số nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng bức tranh được cho là vẽ vua Quang Trung do tác giả Trần Quang Đức công bố mới đây "không thuyết phục".
Vua Quang Trung là nhân vật kiệt xuất của dân tộc ta. Tuy nhiên, lịch sử triều Tây Sơn ngắn ngủi cùng với những tư liệu về triều đại này bị thất lạc khiến chân dung về vị vua này vẫn còn là ẩn số.
Gần đây, TS Nguyễn Duy Chính công bố kết quả nghiên cứu cho rằng đã tìm được chân dung của vua Quang Trung "cận sử" nhất từ trước đến nay, gây ra nhiều ý kiến tranh luận.
Cụ thể, ông Chính tìm được hai tư liệu hình vẽ vua Quang Trung trong chuyến đi Bắc Kinh dự lễ thọ vua Càn Long này, một trong bộ tranh "Thập toàn phu tảo", và một bức trong bộ tranh đồ sộ "Bát tuần Vạn thọ thịnh điển".
Cùng hướng nghiên cứu này, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cũng công bố trên trang cá nhân bức tranh được cho rằng họa chân dung vua Quang Trung, hiện được lưu giữ tại bảo tàng Cố cung Bắc Kinh.
Bức hình được cho là vẽ vua Quang Trung do tác giả Trần Quang Đức công bố. Ảnh: Trần Quang Đức.
Vua Quang Trung không đi sứ Trung Quốc
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng bức tranh được nhà nghiên cứu Trần Quang Đức công bố với hướng tiếp cận từ lịch sử Trung Quốc thiếu thuyết phục.
"Các sử liệu của nước ta cũng như của Trung Quốc đều cho biết rằng vua Quang Trung không đi sứ Trung quốc trong dịp mừng thọ vua Càn Long bát tuần đại khánh. Thậm chí, lịch sử Trung Quốc có chép rõ ràng rằng họ biết vua Quang Trung cử người khác đóng giả. Như vậy, Quang Trung không hề có mặt trong sự kiện này thì không thể nào chứng minh bức tranh được nhà Thanh vẽ là chân dung của ông. Còn nếu bức tranh này vẽ một Quang Trung giả thì lại là chuyện khác", ông Giang nói.
GS.TSKH Vũ Minh Giang. Ảnh: ĐHQG Hà Nội.
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, ngay từ hướng tiếp cận từ ghi chép của triều Thanh đã không thuyết phục, thêm vào đó nhân vật trong bức tranh được công bố không hề giống với diện mạo được sử sách mô tả về vua Quang Trung, cả về hình dáng đến tính cách.
Các tài liệu như Đại Nam thực lục tiền tiên, Đại Nam chính biên liệt truyện quyển 30, Hoàng Lê nhất thống chí và nhiều tài liệu khác đều mô tả Quang Trung có gương mặt phương phi, có phần dữ tợn và tạo ra nét uy mãnh từ ánh mắt đến nét mặt, khiến người đối diện phải sợ hãi.
Nhưng diện tướng của người trong bức tranh được nhà nghiên cứu Trần Quang Đức công bố lại không toát ra được phong thái của võ tướng, càng không giống với mô tả về vua Quang Trung.
"Có thể đến nay vẫn còn sót lại bức họa chân dung nào đó của vua Quang Trung. Về mặt khoa học lịch sử, chúng ta không thể bác bỏ khả năng này. Nhưng bức họa đó không thể nào có nguồn gốc từ đời nhà Thanh và do người Trung Quốc vẽ", GS Vũ Minh Giang nêu quan điểm.
Sử sách không ủng hộ
Dũng Phan, tác giả cuốn Sử Việt 12 khúc tráng ca, cho rằng để hình dung về về vua Quang Trung, ngoài những nguồn sử liệu từ nhà Thanh (Trung Quốc), cần phải xem xét những mô tả từ các sử gia đời trước qua các tư liệu còn sót lại.
Dũng Phan - tác giả cuốn Sử Việt 12 khúc tráng ca.
Tây sơn thuật lược miêu tả Nguyễn Huệ "Tóc Huệ quăn, mặt mụn đầy, có một con mắt nhỏ, nhưng mà cái tròng rất lạ".
Chính sử nhà Nguyễn cũng mô tả: "Nguyễn Văn Huệ là em Nhạc, tiếng nói như chuông, mắt sáng như điện, giảo, kiệt, thiện chiến ai cũng phải sợ... Bốn lần đánh Gia Định, lúc ra trận đều đi trước, sĩ tốt hiệu lệnh nghiêm minh, thuộc hạ ai nấy dốc lòng vâng mệnh".
"Hai đoạn miêu tả trên khác hoàn toàn bức tranh được công bố. Có nghĩa, ngoài việc dùng tài liệu của sử nhà Thanh (là bức tranh), quan điểm của tôi là phải dựa vào sự miêu tả ngoại hình của những nguời thân cận với vua Quang Trung và sử gia đời trước.
Mặt khác, triều Nguyễn sau khi giành được thiên hạ đã ra sức phủ nhận nhà Tây Sơn mà còn miêu tả vậy chứng tỏ khí thế Quang Trung toát ra ắt không tầm thường. Người đánh trận từ năm 18 tuổi, bất khả chiến bại há có thể hom hem?", tác giả cuốn Sử Việt 12 khúc tráng ca đặt câu hỏi.
Ngoài ra, theo tác giả Dũng Phan, một điều khác cần lưu ý là phong cách mà Quang Trung đánh trận: Luôn đi đầu và chém đầu kẻ quay lưng bỏ chạy. Do đó, vua Quang Trung phải có khí phách hơn là nho nhã như bức tranh kia.
Theo Minh Nhật (Zing)
Về dự thảo Luật An ninh mạng: Ảnh hưởng cách mạng công nghiệp 4.0? Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 khóa XIV. Song một số điều trong dự thảo được đánh giá là có nhiều bất cập, dễ gây ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận Cách...