Trận mưa kỷ lục ở Sài Gòn và những yếu kém triền miên về hạ tầng
Cơn mưa lớn kéo dài do bão số 9 Usagi làm lộ rõ hơn bao giờ hết những khiếm khuyết về xử lý ngập úng của TP.HCM – vấn đề chưa có lời giải trong tương lai gần.
Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 9 Usagi làm ngưng trệ mọi hoạt động ở TP.HCM trong ngày chủ nhật và thứ hai đầu tuần.
Nước ngập ở khắp mọi nơi, tràn từ ngoài đường tràn vào nhà dân, đặc biệt ở khu vực Thủ Đức, Gò Vấp, Nhà Bè. Có những nơi nước cao dâng đến tận eo. Ngập úng kéo theo ùn tắc giao thông. Xe máy, ôtô “sặc nước” chết giữa đường. Thậm chí, nhiều chiếc ôtô hạng sang cũng bị bỏ lại.
Nước dâng đến gần hết bánh xe ôtô 4 chỗ sáng thứ 2 (26/11). Ảnh: Lê Quân.
Lượng mưa đo được cao nhất trong trong ngày chủ nhật (25/11) là hơn 400 mm, theo số liệu của Trung tâm điều hành chống ngập nước TP.HCM. Trong khi đó vào mùa mưa năm nay, đỉnh điểm ngày có 2 trận mưa liên tiếp kéo dài 4 giờ đồng hồ, lượng mưa cao nhất đo được chỉ là gần 90 mm.
“Đây là lần đầu tiên bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố. Những lần trước, bão chỉ quẹt qua Cần Giờ rồi suy yếu nên không có ảnh hưởng lớn như thế này”, ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết. Ông Quyết cũng nhấn mạnh trận mưa ngày 25/11 đạt kỷ lục cả về thời gian lẫn lượng mưa.
Phát triển hạ tầng: Đi sau và đi “ngược”
Lần đầu tiên TP.HCM có bão trong khoảng 20 năm trở lại đây. Thế nhưng, chia sẻ với Zing.vn, ông Hồ Long Phi, Giám đốc trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (WACC) – Đại học Quốc gia TP.HCM nhìn nhận không phải đến tận trận mưa bão này, những yếu kém về hạ tầng trong thoát nước của thành phố mới bộc lộ.
Bởi TP chỉ mưa bình thường chỉ vài tiếng thôi đã ngập cục bộ. Lần mưa bão này to và kéo dài khiến diện bị ngập mở rộng và sâu hơn. Theo ông Phi, vấn đề đầu tiên của thành phố là hạ tầng chưa hoàn chỉnh, hệ thống thoát nước hiện nay mới chỉ hoạt động 30-40% công suất cần thiết. Lượng mưa bão hôm vừa rồi là quá lớn, vượt xa tần suất thiết kế nên gây ngập trên diện rộng.
“Đương nhiên khi bão về, một số công tác chuẩn bị cũng được thực hiện ví dụ như trục vớt rác ở các miệng cống nhưng điều đấy cũng chưa đủ để hạn chế ngập lụt bởi làm sao có thể thay đổi hạ tầng trong ngày một ngày hai để phòng chống bão được”, ông Phi chia sẻ thêm.
Mặt khác, vị KTS chỉ ra TP.HCM đối mặt với tốc độ đô thị hóa tăng rất nhanh, các khu dân cư ngày càng trở nên đông đúc nhất là những nơi như quận 12, Gò Vấp hay Thủ Đức. Xét về mức độ đầu tư, những khu vực này không thể sánh bằng khu vực trung tâm trong khi đó mật độ dân số lại tăng rất cao.
“Hạ tầng đầu tư không kịp, mật độ dân cư lại tăng nhanh dẫn đến những công trình cầu cống, cấp thoát nước không đáp ứng nổi. Ngập úng xảy ra ở những khu vực này sẽ thường xuyên hơn ở quận trung tâm như quận 1, quận 3 hay Phú Nhuận, Bình Thạnh”, ông Phi nói.
Người dân tát nước ra khỏi nhà trong trận mưa kỷ lục. Ảnh: Lê Quân.
Đồng tình với KTS Hồ Long Phi ở vấn đề phát triển chưa đồng đều của thành phố, KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ hạ tầng ở TP.HCM có những khu đã phát triển gần như là hoàn tất có những khu còn chưa có gì. Thậm chí những chỗ được đầu tư cũng hoạt động không hẳn là hiệu quả.
Theo ông, TP.HCM đang đi hơi “ngược” so với kinh nghiệm quốc tế. Thông thường các nước phát triển, cầu cống, đường sá được xây dựng trước xong xuôi thì mới phát triển đô thị.
“Tại các đô thị ở Việt Nam, nhà cao tầng mọc lên, dân cư đến sống đông đúc thấy thiếu cầu đường, hệ thống thoát nước mới bắt đầu xây dựng hoặc nâng cấp. Hạ tầng không thể giải quyết nhanh và ngân sách lại có hạn dẫn đến việc phát triển không tương xứng. Ngập úng hay kẹt xe là hệ quả mà thôi”, ông Sơn nói.
KTS Ngô Viết Nam Sơn bổ sung thêm việc mật độ dân cư cao dẫn đến việc rác thải xả ra cao. Khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn rác vào lưới chắn, cản trở dòng chảy khiến nước không thoát được và gây ngập.
Chống ngập cho TP.HCM: Đắt đỏ và kéo dài
“Lâu lâu thành phố mới phải đón bão một lần. Các nước khác có bão to đường cũng úng. Quan trọng là sau đó nước rút rất nhanh còn ở nước ta là cống không thoát được nước nên mưa là ngập úng kéo dài”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Lấy Nhật Bản làm ví dụ. Là quốc gia gần biển, hàng năm Nhật Bản phải đón nhiều cơn bão có cường độ mạnh nhiều hơn Việt Nam nhưng nhờ dự án kênh thoát nước ngầm ngoại vi đô thị, hay còn gọi là dự án G. Với kinh phí 3 tỷ USD, được xây dựng trong 13 năm, người dân Tokyo và các vùng lân cận đã tránh được các đợt ngập lụt nặng trong những năm qua.
Đường hầm chống ngập của Nhật Bản. Ảnh: New York Tímes
Hoặc như thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, tương tự TP.HCM, Kuala Lumpur là nơi hợp lưu của 2 dòng sông, chỉ cần mưa xuống là ngập. Tuy nhiên, một trong những giải pháp thông minh có một không hai đã được triển khai tại thành phố này là xây dựng một đường hầm “2 trong 1″, vừa dùng để thoát lũ và phục vụ giao thông.
Trong điều kiện thời tiết bình thường, đường hầm sẽ được sử dụng như hầm đường bộ bình thường cho xe cộ qua lại. Tuy nhiên, khi nước sông tràn bờ, nó sẽ được chuyển thành một kênh thoát lũ ngay bên dưới những con đường, giúp cho các con đường phía trên không bị ngập.
Với chi phí nửa tỷ USD, đường hầm mang tên SMART dài 9,7 km tại thủ đô Kuala Lumpur đã trở thành hầm đường bộ kết hợp thoát lũ đầu tiên trên thế giới.
Đường hầm thông minh (SMART Tunnel) ở Kuala Lumpur, Malaysia trong điều kiện thời tiết bình thường được sử dụng như hầm đường bộ cho xe cộ qua lại. Ảnh: The Star
Khi nước sông tràn bờ, đường hầm sẽ được chuyển thành một kênh thoát lũ ngay bên dưới những con đường. Hình ảnh ghi lại bằng camera. Ảnh: The Star
Quay trở lại trường hợp TP.HCM, ông Hồ Long Phi cho rằng thành phố vẫn đang theo lộ trình từng bước xây dựng kế hoạch chống ngập: đi từ việc nâng cấp hệ thống thoát nước, ngăn triều và tạo không gian điều tiết nước. “Tuy nhiên việc chống ngập ở TP.HCM sẽ đắt đỏ hơn rất nhiều”.
Chỉ tính riêng việc nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, TP.HCM sẽ cần đến 3 tỷ USD – bằng với kinh phí xây dựng đường hầm thoát nước của Nhật Bản.
“Song song với nâng cấp hệ thống thoát nước là phải ngăn triều. Dự án giai đoạn 1 với số vốn 10.000 tỷ đã khởi công nhưng hiện nay đang treo. Nếu hoàn thành sẽ điều tiết được nửa lượng nước. Nửa còn lại phụ thuộc vào không gian điều tiết nước”, ông Phi cho biết thêm.
“Hiện nay không gian điều tiết này đang đi xâm hại nặng nề. TP.HCM dù lên kế hoạch xây dựng nhưng chắc chắn không dễ dàng gì bởi đây liên quan đến việc mặt bằng đất đai”, ông Phi nói.
Trận bão đi qua càng lộ rõ những khiếm khuyết về hạ tầng của TP.HCM trong việc xử lý ngập úng. Đắt đỏ và kéo dài là những gì để miêu tả về dự án chống ngập TP.HCM lúc này. Theo các chuyên gia, ít nhiều cũng phải 20 năm nữa TP.HCM mới có một hệ thống cấp thoát nước hoàn chỉnh.
Hà Phương
Theo PLO
Nhà cửa bị vây trong biển nước ở Khánh Hòa nhìn từ trên cao
Ngày 26.11, nhiều khu dân ở tỉnh Khánh Hòa tiếp tục bị nước lũ bao vây, người dân không thể ra ngoài. Tại nhiều khu vực, do mưa lớn kéo dài, nước lũ ngập sâu, người dân phải bỏ nhà đi nơi khác tá túc tạm. Thậm chí, chân cầu cũng trở thành nơi ăn, ngủ của người dân vùng ngập lụt.
Dưới đây là chùm ảnh và video clip PV Lao Động ghi lại từ trên cao:
Video nhà cửa ở xã Vĩnh Hiệp (TP Nha Trang, Khánh Hòa) chìm trong biển nước nhìn từ trên cao. Video: Nhiệt Băng
Nước lũ rút chậm do mưa lớn kéo dài. Ảnh: Nhiệt Băng
Nhiều đoạn đường sắt cũng bị nước lũ uy hiếp, nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: Nhiệt Băng
Người dân buộc phải đóng cửa nhà, đi nơi khác tá túc, chờ nước lũ rút. Ảnh: Nhiệt Băng
Nước lũ rút chậm do mưa lớn kéo dài. Ảnh: Nhiệt Băng
Nhiều nơi nước ngập sâu hơn 1m. Ảnh: Nhiệt Băng
Xã Diên An (huyện Diên Khánh) trong mênh mông biển nước. Ảnh: Nhiệt Băng
Người dân xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa bất chấp nguy hiểm đi lại trong dòng nước siết. Ảnh: Nhiệt Băng
Nhiều người dân lấy chân cầu Đường Sắt (đường Võ Nguyên Giáp) làm nơi ngủ, nghỉ những ngày lũ lụt. Ảnh: Nhiệt Băng
NHIỆT BĂNG (THỰC HIỆN)
Theo LĐO
Sửa xe 'hốt bạc' khi nhiều tuyến đường Sài Gòn thất thủ sau bão Ngày 26/11, nhiều tuyến đường ở Sài Gòn vẫn trong tình trạng thất thủ do ảnh hưởng của trận mưa lớn ngày 25/11. Dịp này, dịch vụ sửa xe di động tận dụng cơ hội kiếm bạc triệu. Dịch vụ sửa xe hốt bạc mùa ngập nước Nhiều tuyến đường ở TPHCM như An Dương Vương, Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân), Phan Huy...