Tràn lan ‘lò’ mổ gia cầm lậu
Cận Tết, các điểm giết mổ gia cầm lậu trên địa bàn TPHCM mọc lên như nấm, hoạt động công khai.
Thời gian qua, do nhu cầu tiêu thụ gà, vịt tươi sống của người dân TPHCM tăng mạnh nên hoạt động buôn bán, giết mổ gia cầm cũng nở rộ. Các “lò giết mổ di động” mọc lên nhan nhản tại các chợ lẻ, lề đường, nút giao thông.
Bao nhiêu cũng có
Gà, vịt sống vô tư bày bán ngay bên lề đường (ảnh chụp tại cầu Trường Đại, phường 15, quận Gò Vấp – TP HCM)
Chiều 28/12/2010, chúng tôi có mặt tại Làng Đại học Thủ Đức (TP HCM). Tại đây, gà, vịt sống được bày ra dọc đường; khách có nhu cầu, người bán không ngần ngại giết mổ ngay tại chỗ.
Ghé một “lò giết mổ” gia cầm của hai vợ chồng người Bình Định ở gần Trường Đại học An ninh, chúng tôi ngỏ ý muốn lựa mua một trong số hàng chục con gà đang được bày la liệt ngay dưới nền đất.
Chị bán hàng chào khách: “Mua đi hai cậu, thích con nào, chị làm con đó, 5-10 phút là xong”. Khi thấy chúng tôi có vẻ lo ngại gà bị dịch bệnh, chị bán hàng quả quyết: “Gà chị lấy mối quen ở Đồng Nai, khỏe mạnh thế này, bệnh thế nào được. Trong kia (phía vệ đường, nơi có một cái chòi nhỏ căng bằng bạt ni lông là nơi nhốt và giết mổ gà, vịt) còn cả 14-15 con, cậu thích con nào cứ chọn”.
Chúng tôi ghé vào chòi, đã có mấy vị khách đang đợi chồng chị giết mổ gà. Trong chòi, lông, tiết gà, vịt, nước thải vung vãi khắp nơi được gạt xuống rãnh nước đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc.
Tại các chợ lẻ dọc đường Hà Huy Giáp (quận 12), đường Bình Long (quận Tân Phú), ngã tư Phan Văn Trị – Thống Nhất (quận Gò Vấp), ngã ba Bà Quẹo (quận Tân Bình),… nhiều điểm bán gia cầm sống, giết mổ tại chỗ cũng hoạt động công khai và khá nhộn nhịp.
Nhiều sạp gắn bảng quảng cáo : “Làm gà lấy liền”, “Nhận đặt gà cúng các loại”. Hỏi thăm một chủ tiệm bán gà cúng trên đường Bình Long (quận Tân Phú), chúng tôi được biết hiện giá gà cúng dao động ở mức 120.000-130.000 đồng/kg chưa làm, nếu khách có nhu cầu làm sẵn, cửa hàng sẽ tính phí 10.000 đồng/con.
Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn mua thường xuyên gà cúng với số lượng lớn (để bán), chủ một cửa hàng trên đường Hiệp Bình (quận Thủ Đức) cho hay chỉ cần đặt cọc trước 1/3 số tiền, muốn mua bao nhiêu cũng sẽ được cung cấp tận nơi…
Video đang HOT
Nguồn gà chủ yếu được lấy từ tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. “Nếu muốn có tem kiểm dịch thì chi phí đắt hơn khoảng 30% so với giá gà không cần tem chứng” - người bán cho biết.
Ngày 1/1/2011, chúng tôi rảo qua một số khu vực kể trên, tình hình buôn bán gia cầm sống càng nhộn nhịp hơn. Thậm chí đến 15h, trên đường Nguyễn Thị Định (quận 2), đoạn gần đường dẫn lên cầu Phú Mỹ, vẫn còn rất nhiều điểm bán gà, vịt, chim, cò sống và giết mổ tại chỗ hoạt động. Nhiều xe máy treo đầy gà, vịt đậu ngay rìa đường để bán mà không có bất kỳ ai kiểm tra, nhắc nhở…
Bất lực hay thả nổi?
Từ nhiều năm nay, TPHCM đã có phương án quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; nghiêm cấm buôn bán gia cầm sống; giết mổ thủ công, nhỏ, lẻ không qua kiểm dịch. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn rất nhiều điểm bán, giết mổ gia cầm chưa qua kiểm dịch hoạt động công khai.
Thậm chí, tại nhiều chợ nội thành, như chợ Trần Chánh Chiếu (quận 5), chợ Thị Nghè, chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh), chợ Võ Thành Trang (quận Tân Bình)… vẫn còn nhiều người bán gia cầm sống.
Điều đáng lo ngại là việc buôn bán diễn ra nhộn nhịp, hầu như tất cả các điểm bán gia cầm sống đều coi việc giết mổ tại chỗ cho khách hàng là việc làm bình thường.
Một nhân viên quản lý chợ ở khu vực Văn Thánh cho hay chỉ khi nào có đợt kiểm dịch theo chỉ đạo định kỳ của Chi cục Thú y thì các chợ mới tiến hành kiểm tra.
Tuy nhiên, cũng chỉ kiểm tra được một số cửa hàng có đăng ký kinh doanh trong chợ. Còn các sạp di động bán ngoài lề đường, bán tại các chợ tạm, tự phát gần như không có ai kiểm tra…
Báo cáo của Chi cục Thú y TP HCM cho thấy tính đến ngày 20/12/2010, trên địa bàn TP đang có khoảng 151 điểm bày bán gia cầm sống trái phép. Nhiều nhất là tại các quận, huyện: Bình Chánh (36 điểm), quận 12 (29 điểm), quận Gò Vấp (27 điểm), Hóc Môn (23 điểm), quận 5 (13 điểm), quận 7 (7 điểm).
Tuy nhiên, thực tế chắc chắn lớn hơn rất nhiều. Nhiều quận, huyện không có trong danh sách nhưng theo ghi nhận của chúng tôi vẫn có nhiều điểm buôn bán, giết mổ gia cầm lậu hoạt động công khai…
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, thừa nhận hiện nay tình hình kinh doanh sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không bao bì, nhãn mác vẫn tồn tại và có chiều hướng gia tăng.
Các điểm kinh doanh giết mổ gia cầm trái phép đã phát hiện từ lâu nhưng do hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành TP và quận, huyện không hiệu quả, việc kiểm tra xử lý chưa được thực hiện thường xuyên và đồng bộ nên không giải quyết triệt để được.
Cửa ngõ vào TP bị thả nổi
Cũng theo ông Phan Xuân Thảo, hơn một tháng qua, đoàn kiểm tra liên ngành TP số 5 đã không hoạt động do không có lực lượng CSGT tham gia phối hợp. Vì vậy, tuyến Quốc lộ 1A, cửa ngõ vào TPHCM, bị buông lỏng khiến gia cầm chưa qua kiểm dịch vào TP dễ dàng hơn.
Chi cục Thú y cũng như Chi cục QLTT TPHCM đã có văn bản báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm, đề nghị CSGT cử nhân sự phối hợp các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh trong thời điểm cận Tết Nguyên đán như hiện nay. Tuy nhiên, việc phối hợp vẫn chưa thường xuyên và không hiệu quả.
Theo Người Lao Động
Kinh hoàng mục kích lò mổ trâu
Nguồn gốc không rõ ràng, quy trình giết mổ và sơ chế thành phẩm không đảm bảo vệ sinh. Các sản phẩm thịt bày bừa ra nền ximăng có nhiều phân trâu vương vãi.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là Tết nguyên đán. Thời điểm này các lò mổ tăng cường hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường. Do đó, vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở nên cần quan tâm hơn bao giờ hết.
Bên cạnh các lò mổ với quy mô công nghiệp của các thành phố lớn, nhiều lò mổ vừa và nhỏ trên khắp các vùng trong cả nước cũng ra sức hoạt động ngoài sự kiểm soát của các cơ quan chức năng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Toàn cảnh lò mổ trâu của một gia đình trong thôn
Phúc Lâm là làng mổ trâu có từ lâu. Ở đây hầu hết các hộ gia đình đều sống bằng nghề mổ trâu bò. Tuy chỉ là một thôn nhỏ song mạng lưới cung cấp sản phẩm lại phủ rộng khắp các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... và nhiều tỉnh thành lân cận khác.
Hoạt động giết mổ trâu bò của các hộ gia đình ở đây chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Quy mô lò mổ nhỏ do vậy việc đầu tư hạn chế. Thêm vào đó, làng Phúc Lâm vốn ở nông thôn nên việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm dường như không có.
Mỗi ngày một lò mổ hộ gia đình như thế này cho ra thị trường khoảng 20-40 con trâu, bò. Tính ra cả làng đến vài trăm con. Phần lớn số trâu, bò thịt ở đây đều được vận chuyển từ biên giới phía Bắc, trong đó có một phần nhỏ từ các hộ chăn nuôi vùng phụ cận.
Nguồn gốc không rõ ràng, quy trình giết mổ và sơ chế thành phẩm không đảm bảo vệ sinh. Các sản phẩm thịt bày bừa ra nền ximăng có nhiều phân trâu vương vãi. Phần nội tạng được tẩy trắng bằng cách ngâm chung với vôi trong một khoảng thời gian. Tiết trâu và các sản phẩm ít có giá trị khác được sơ chế qua loa. Mỡ đun sôi để nguội thành từng khối lớn và xếp thành chồng cao vút trong những gian bếp chật hẹp... Những sản phẩm này sau đó sẽ được chở đi các nơi có nhu cầu tiêu thụ.
Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi lại được tại một lò mổ ở thôn Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang:
Tết cổ truyền đang đến gần, nhu cầu của thị trường rất lớn. Vì vậy vấn đề kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải mạnh mẽ, gắt gao hơn để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Thiết nghĩ những cơ sở nhỏ, những lò mổ kiểu hộ gia đình như thế này rất cần các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và giám sát quy trình bắt, giết, mổ chặt chẽ hơn.
Đây không chỉ là vấn đề thực phẩm mà nó còn ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh thái và môi trường sống của cư dân trong khu vực.
Theo Tuoitre
Ghê rợn chuyện lấy nước cống để... tưới rau Xung quanh cánh đồng rau là hàng chục điểm nắp cống bị bật tung, để lộ ra những hố nước đen sì... Nếu không tận mắt chứng kiến cảnh người dân đặt máy bơm hay gánh nước từ cống ngầm tưới ruộng rau thơm, hành ống... thì ít ai biết rằng rau ở đây đang được trồng bằng nước thải. Không chỉ Bắc...