Trận không chiến chớp nhoáng giữa tiêm kích Mỹ và Libya
Trong chiến dịch Tự do Hàng hải ngoài khơi Libya năm 1981, biên đội tiêm kích F-14 Mỹ chỉ mất chưa đầy 45 giây để bắn hạ hai máy bay Su-22.
Tiêm kích F-14 Tomcat của Mỹ. Ảnh: Playbuzz.
Ngày 19/8/1981 là mốc quan trọng với dòng tiêm kích F-14 Tomcat của Mỹ. Đó là lần đầu tiên nó thực hiện nhiệm vụ tác chiến đối không và bắn hạ chiến đấu cơ đối phương, theo Aviationist.
Năm 1974, Đại tá Gaddafi, lãnh đạo Libya lúc đó, tuyên bố lãnh hải nước này kéo dài tới vĩ tuyến 3230′. Điều này được cho là không phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng Mỹ không có phản ứng nào. Ngay cả khi máy bay trinh sát Mỹ bị tấn công trong khu vực này, tổng thống Jimmy Carter vẫn ra lệnh cho Hạm đội 6 tránh xa khu vực.
Tuy nhiên, khi Tổng thống Ronald Reagan lên nắm quyền, mọi thứ đã thay đổi. Ông ra lệnh cho hải quân Mỹ tiến hành chiến dịch Tự do Hàng hải (FON), đỉnh điểm là cuộc tập trận phóng tên lửa trên vùng biển mà Libya coi là lãnh hải của mình.
Tháng 8/1981, hải quân Mỹ tiến hành chiến dịch FON với sự tham gia của tàu sân bay USS Forrestal và USS Nimitz, nhằm mục đích chứng tỏ cho Tripoli thấy Washington nghiêm túc về quyền triển khai sức mạnh hải quân trên vùng biển quốc tế.
Quy tắc tham chiến trong chiến dịch FON cho phép chỉ huy tại thực địa tiến hành bất cứ hành động nào cần thiết mà không cần chỉ thị của cấp cao hơn, nhưng các phi công chiến đấu không được khai hỏa trừ khi bị tấn công.
Để đối phó hải quân Mỹ, Libya triển khai các chiến đấu cơ và tiêm kích bom như Su-22, Mig-23 và Mig-25 do Liên Xô chế tạo, cùng tiêm kích Mirage F-1 và Mirage 5D của Pháp.
Khi chiến dịch FON bắt đầu vào ngày 18/8/1981, một biên đội MiG-25 đã tiếp cận cụm tàu sân bay Mỹ, nhưng nhanh chóng bị tiêm kích F-4J trên tàu sân bay USS Forrestal và các tiêm kích F-14 trên USS Nimitz xuất kích ngăn chặn.
Trong ngày đầu tiên, máy bay Lybia xuất kích khoảng 35 lần để do thám tàu sân bay Mỹ. Dù không nổ ra giao tranh, các tiêm kích Mỹ và không quân Lybia vẫn thực hiện nhiều động tác cơ động nguy hiểm.
Không quân Libya chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao hơn trong ngày thứ hai. Sáng 19/8, hai tiêm kích F-14 Mỹ do trung tá Henry Kleemann và trung úy Larry Muczynski điều khiển đang tuần tra chiến đấu ngoài khơi Libya thì phát hiện biên đội tiêm kích Su-22 tiếp cận.
“Rõ ràng họ tiến về phía chúng tôi và bay lên độ cao 6 km ngang chúng tôi, rồi tăng tốc lên 1.000 km/h. Máy bay của Kleemann dẫn đầu và tôi ở vị trí góc 3 giờ cách khoảng 1,6 đến 3,2 km so với anh ấy . Khi đến gần máy bay Libya, chúng tôi thấy họ có lực lượng dẫn đường mặt đất rất tốt. Mỗi khi chúng tôi ngoặt hướng để chiếm ưu thế thì họ cũng ngoặt theo để vô hiệu hóa”, Muczynski nhớ lại.
Video đang HOT
Hai chiếc F-14 không thể giành được lợi thế ban đầu trước biên đội Su-22. Phi công Mỹ quyết định bật chế độ tăng lực tối đa và tăng tốc lên 926 km/h. .
Máy bay Su-22 của không quân Libya. Ảnh: Photobucket.
Khi máy bay của Kleemann ở cách đối phương hơn 300 m, anh ta nghiêng sang trái để vượt qua và nhận dạng đối phương. Nhưng lúc này, phía trái máy bay dẫn đầu của Libya xuất hiện quầng lửa khi động cơ tên lửa kích hoạt. Vệt sáng màu vàng lớn cùng khói lao khỏi máy bay và bay hướng tới Kleemann. Sau đó, nó bay vòng lên phía máy bay của Muczynski nhưng không chiếc nào bị bắn trúng.
Sau khi khai hỏa tên lửa vào biên đội F-14 Mỹ, hai chiếc Su-22 Libya bị coi là đã tuyên chiến và phi công Mỹ có quyền bắn trả.
Kleemann đuổi theo chiếc Su-22 dẫn đầu nhưng khi thấy máy bay của Muczynski đang tiếp cận mục tiêu, anh ta vòng lại để nhắm vào máy bay phía sau. Khi cách đối phương khoảng 1,2 km, Kleemann phóng tên lửa AIM-9L, bắn trúng đuôi chiếc Su-22, khiến nó lộn nhào. Phi công Libya nhanh chóng bật ghế phóng dù để thoát hiểm.
Sau đó, Muczynski phóng tên lửa bắn hạ máy bay Su-22 còn lại. Phi công đối phương cũng bật ghế phóng khỏi máy bay, nhưng Muczynski không thấy dù mở. Hai chiếc F-14 sau đó trở về tàu sân bay an toàn, trong khi phía Libya bắt đầu tiến hành chiến dịch tìm kiếm cứu nạn các phi công.
Một giờ sau, hai tiêm kích MiG-25 bay ở tốc độ Mach 1.5 hướng về tàu sân bay USS Nimitz. Nhưng các tiêm kích F-14 xuất kích đánh chặn, buộc họ phải quay đầu trở về.
Trận không chiến giữa F-14 và Su-22 đánh dấu lần đầu thực chiến của F-14, cũng là trận không chiến đầu tiên giữa các tiêm kích cánh cụp cánh xòe. Trận đánh diễn ra trong vòng chưa đến 45 giây, kể từ khi máy bay Libya phóng tên lửa cho đến khi chiếc Su-22 thứ hai bị bắn rơi.
Duy Sơn
Theo VNE
Giải mã cái chết của phi công tiêm kích Mỹ trên chiến trường Iraq
Thiếu tá Speicher thiệt mạng sau khi tiêm kích F/A-18C Hornet bị MiG-25 Iraq bắn rơi, nhưng nhiều năm sau sự thật mới được hé lộ.
Thiếu tá phi công Scott Speicher của hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy
Rạng sáng ngày 17/1/1991, ngày đầu tiên của chiến dịch Bão táp Sa mạc, hải quân Mỹ phải hứng chịu tổn thất đầu tiên khi tiêm kích F/A-18C Hornet của thiếu tá Scott Speicher bị bắn rơi cách Baghdad 160 km. Trong nhiều năm, không ai biết rõ số phận của phi công này, cũng như tình huống khiến anh ta bị bắn rơi.
Phải tới tháng 8/2009, quan chức hải quân Mỹ mới xác nhận đã tìm thấy hài cốt của Speicher tại Iraq. Tài liệu giải mật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho thấy chiếc F/A-18C đã bị bắn hạ bởi một tiêm kích đánh chặn MiG-25 của không quân Iraq. Mỹ đã có thể mất tới 3 máy bay trong trận đánh rạng sáng 17/1, nếu phi công Iraq không chấp hành mệnh lệnh từ cấp trên, theo War is Boring.
Vào lúc 2h30 sáng hôm đó, ba phi đoàn máy bay của hải quân Mỹ bắt đầu xâm nhập không phận Iraq. Mục tiêu của họ là căn cứ Tammuz, nơi đóng quân của các phi đội MiG-25, MiG-29 và nhiều loại máy bay cường kích của không quân Iraq.
Phi đoàn đầu tiên gồm 10 tiêm kích F/A-18C Hornet của phi đội VFA-81 và VFA-83. Họ bay theo đội hình dàn ngang với giãn cách từ 1,6 đến 8 km. Nhiệm vụ của nhóm này là chế áp lực lượng phòng không Iraq, dọn đường cho các biên đội cường kích và ném bom sau đó.
Nhóm tiếp theo là 8 chiếc A-6E Intruder, có nhiệm vụ ném bom xuống căn cứ Tammuz. 3 máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowlers và 4 chiếc F-14A Tomcat nhận trách nhiệm yểm trợ nhóm Hornet và Intruder. Do không được trang bị hệ thống nhận diện điện tử hiện đại, biên đội F-14A bay phía sau để hộ tống các máy bay ném bom.
Do bay ở độ cao lớn, các máy bay Mỹ dễ dàng bị lực lượng phòng không Iraq phát hiện. Một chiếc MiG-25PD thuộc Phi đội 96 của Iraq do trung úy Zuhair Dawoud điều khiển đang trực chiến tại căn cứ Qadessiya được lệnh xuất kích đánh chặn. Máy bay nhanh chóng cất cánh về hướng nam, bật tăng lực và tăng tốc lên 1.730 km/h, hướng thẳng đến đội hình tiêm kích F/A-18C Mỹ. Trung tá Michael Anderson, chỉ huy phi đội tiêm kích F/A-18C, phát hiện chiếc MiG-25 ngay sau khi nó cất cánh.
Máy bay MiG-25PD bị quân Mỹ thu giữ vào năm 2003. Ảnh: War is Boring.
Hệ thống cảnh báo radar trên MiG-25 cho Dawoud biết những chiếc F/A-18C đang tìm cách khóa mục tiêu vào anh ta. Tuy nhiên, do chưa được lệnh khai hỏa nên Dawoud bắt đầu bay vòng quanh đội hình Hornet ở khoảng cách 72 km.
Dù đã nhận định chiếc MiG-25 là quân địch, Anderson vẫn ra lệnh không khai hỏa và chờ xác nhận từ máy bay cảnh báo sớm E-3A Sentry. Nhưng máy bay Iraq lại ở ngoài rìa theo dõi của Sentry và không bật radar, khiến tổ lái trên chiếc E-3A không có đủ thông tin nhận dạng.
Anderson bắt đầu bám theo Dawoud trong vòng lượn, cho tới khi họ bay ngang nhau và máy bay Iraq tắt hệ thống tăng lực, khiến phi công Mỹ không thể thấy nó nữa. Dawoud báo cáo tình hình về chỉ huy mặt đất. Đáp lại, dẫn đường mặt đất hướng dẫn chiếc MiG-25 bay về phía đông và tấn công mục tiêu ở cách đó 32 km.
Sau đó, Dawoud bật radar, khóa được một mục tiêu ở khoảng cách 25 km và phóng một tên lửa R-40RD. Phi công này liên tục bám bắt mục tiêu cho tới khi thấy một vụ nổ khổng lồ, sau đó là máy bay đối phương bốc cháy và rơi xuống đất.
Hộp đen máy bay của Speicher được tìm thấy vào năm 1995, cho thấy quả tên lửa R-40RD phát nổ ngay dưới buồng lái chiếc tiêm kích F/A-18C của phi công này. Đầu đạn nổ mảnh nặng 70 kg ngay lập tức xé rách thùng dầu phụ và giá treo vũ khí của chiếc Hornet, khiến máy bay mất kiểm soát. Speicher thoát ly khỏi máy bay nhưng sau đó thiệt mạng vì thương tích, chiếc tiêm kích F/A-18C rơi cách Qadessiya khoảng 75 km.
Dawoud tiếp tục tìm kiếm mục tiêu sau khi dẫn đường mặt đất thông báo về nhóm máy bay Mỹ thứ hai. Đó là biên đội 3 chiếc A-6E của VA-75 do trung tá Robert Besal chỉ huy.
Lần này, máy bay cảnh báo sớm đã phát hiện ra tiêm kích MiG-25 và phát tín hiệu báo động cho lực lượng Mỹ. Không lâu sau, Dawoud tiếp cận biên đội của Besal từ phía trên. Trung tá Mike Steinmets, phi công bay cùng Besal, ngoặt gấp về bên phải, khiến máy bay Iraq vọt qua bên trái.
Sau khi thực hiện vòng lượn, Dawoud vào được vị trí công kích ngay phía sau nhóm A-6E. Dawoud mở radar, khóa mục tiêu, sẵn sàng nhấn nút phóng tên lửa tầm nhiệt R-40TD. Tuy nhiên, chỉ huy mặt đất lại bác bỏ yêu cầu khai hỏa của Dawoud, lệnh cho phi công này xác nhận mục tiêu bằng mắt thường.
Dawoud áp sát đủ gần để thấy đèn bên trong buồng lái của Steinmets và Besal, sau đó thông báo xác nhận mục tiêu và xin lệnh bắn. Dẫn đường mặt đất vẫn không chắc chắn nên ra lệnh cho chiếc MiG-25 thoát ly và trở về căn cứ.
Trên đường về căn cứ, Dawoud chuẩn bị tinh thần cho các đợt phản công của Mỹ. Mắt anh ta luôn dán vào bộ phận hiển thị của hệ thống cảnh báo chiếu xạ (SPO).
Khi về tới Qadessiya, Dawoud thấy nơi này đã bị phá hủy tan hoang khi bị 3 chiếc Tornado của không quân hoàng gia Anh thả hàng trăm quả mìn xuống đường băng. Một tiêm kích MiG-25 dự định cất cánh sau Dawoud bị hư hại, phi công bị thương nặng. Chiếc MiG-25 của Dawoud buộc phải hạ cánh trên đường băng dự bị, sau đó trở về hầm chứa an toàn.
Sáng 18/1, Dawoud gửi báo cáo về trận đánh kèm thông tin từ dẫn đường mặt đất. Báo cáo này sau đó được gửi lên lãnh đạo không quân Iraq để xác nhận. Tuy nhiên, các sĩ quan cấp cao đã không chấp nhận bản báo cáo thành tích của Dawoud, cho rằng trước đó họ đã nhận hàng chục báo cáo bắn rơi máy bay Mỹ như vậy mà không có cách nào để xác minh thông tin.
Lính Mỹ tìm kiếm hài cốt Speicher trên sa mạc Iraq năm 2009. Ảnh: US Navy
Dù phi công này cung cấp được thông tin về hướng bay và vị trí tên lửa đánh trúng mục tiêu, quan chức Iraq vẫn không biết tìm kiếm xác chiếc F/A-18C ở đâu. Phải vài ngày sau, khi thẩm vấn trung úy Larry Slade, hoa tiêu trên một chiếc F-14A bị bắn rơi, phía Iraq mới biết Mỹ đã mất một tiêm kích F/A-18C cùng phi công.
Bất chấp thông tin tràn ngập về vụ mất tích của Speicher, tình báo Iraq phải mất tới 4 năm để xác định danh tính của phi công này và khớp với báo cáo từ Dawoud. Họ cũng không đưa ra xác nhận chính thức hay thông báo cho phía không quân.
Phải tới cuối năm 1995, Dawoud mới biết về cuộc điều tra của phía tình báo và viết thư tới tổng thống Saddam Hussein để giải thích về nhiệm vụ. Khi đó, chính phủ Iraq mới đưa ra xác nhận và trao thưởng cho phi công này.
Tử Quỳnh
Theo VNE
'Tia chớp' P-38, tiêm kích bắn hạ nhiều máy bay nhất thế giới Với 1.800 lần bắn hạ máy bay địch, tiêm kích P-38 Lightning là một trong những chiến đấu cơ hiệu quả nhất thế giới trong các trận không chiến. Một chiếc P-38 Lightning của không quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia P-38 Lightning (Tia chớp) là chiến đấu cơ nổi tiếng trong Thế chiến II, được hãng Lockheed sản xuất vào năm 1937 nhằm đáp...