Trận đánh làm nên học thuyết ‘chiến tranh chớp nhoáng’ của Đức năm 1917
Chiến thuật của Anh trong trận Cambrai năm 1917 là nền tảng để quân đội Đức phát triển học thuyết Blitzkrieg trong Thế chiến II.
Xe tăng Anh đột kích phòng tuyến Đức tại Cambrai. Ảnh: Wikipedia.
Sáng sớm 20.11.1917, ba sư đoàn Đức đóng tại phía bắc thành phố Cambrai (Pháp) sẵn sàng chiến đấu trong hệ thống phòng ngự đa tầng gồm lô cốt, hào chiến đấu, ụ súng máy liên hoàn và nhiều lớp rào thép gai. Tuy nhiên, chiến thuật mới của Anh đã gây bất ngờ cho đối phương, đồng thời tạo cảm hứng để quân đội Đức phát triển học thuyết “Bliztkrieg” (chiến tranh chớp nhoáng) trong Thế chiến II, theo National Interest.
Trong trận đánh này, bộ binh Anh sẽ vướng phải hàng rào thép gai hoặc bị súng máy hạ gục nếu tiến công theo cách truyền thống. Quân Đức cũng bố trí sẵn lực lượng đông đảo để phản công chớp nhoáng, chiếm lại trận địa đã mất khi đối phương đang tái tập hợp đội hình. Đây là kịch bản thường thấy trong các trận đánh đẫm máu vào nửa đầu Thế chiến I.
Tuy nhiên, trận đánh Cambrai đánh dấu sự ra đời của chiến thuật mới, làm thay đổi bản chất chiến tranh. Quân Anh huy động 476 xe tăng Mark IV tập trung trong phạm vi hẹp, che chắn bộ binh trên vùng đất trống trước phòng tuyến Đức, sau đó chọc thủng tuyến phòng ngự dưới sự yểm trợ của pháo binh và không quân.
Đây không phải lần đầu tiên xe tăng tham chiến. Trong cuộc tiến công ở Somme tháng 7.1916, xe tăng Anh đã loại bỏ hàng rào thép gai và các ụ súng máy, giúp bộ binh hạn chế tiêu hao sinh lực. Tuy nhiên, 32 xe tăng Mark I tham chiến trong trận này không đủ sức chọc thủng phòng tuyến địch, dễ dàng bị bộ binh và pháo binh Đức đánh bại.
Trận Cambrai là lần đầu xe tăng tham gia tấn công với vai trò chủ lực. Thay vì mất nhiều tuần lập trận địa pháo và dễ bị lộ ý đồ, cuộc tấn công của Anh bắt đầu bằng hỏa lực tập trung trong thời gian ngắn. Quân Anh dựa vào trinh sát và các phép toán để tính đường đạn, cho phép các khẩu đội pháo nã chính xác vào mục tiêu, hạn chế việc bắn theo trực giác. Không quân Anh cũng tham gia yểm trợ bộ binh.
Những chiếc xe tăng Mark IV tham gia trận đánh
Quân đội Anh sử dụng 7 sư đoàn bộ binh, ba lữ đoàn xe tăng, 1.000 khẩu pháo và 5 sư đoàn kỵ binh trong trận Cambrai. Việc triển khai đội hình thiết giáp lớn, pháo binh bất ngờ đánh cấp tập cùng sự yểm trợ của không quân là hình thái đầu tiên của học thuyết Blitzkrieg, chuyên gia quân sự Michael Peck nhận định.
Ban đầu, chiến thuật này dường như phát huy hiệu quả. Giữa làn khói và sương mù buổi sáng, các cỗ chiến xa của Anh băng qua hàng rào dây thép gai và tiêu diệt các ụ súng máy. Có những mũi tấn công bị phục kích, cầm chân như Sư đoàn Cao nguyên Scotland số 51 tại Flesquieres, nhưng tuyến phòng thủ Đức vẫn bị chọc thủng.
“Đây là thành công đáng kinh ngạc. Quân Anh chọc thủng hơn 6 km trong phòng tuyến dày 10 km với tốc độ chưa từng có. Quân Đức trải qua hàng loạt cảm xúc, từ hoài nghi đến chán nản tuyệt vọng”, sử gia Alexander Turner và Peter Dennis cho biết.
Video đang HOT
Quân Anh chịu 4.000 thương vong trong ngày đầu giao tranh, con số quá ít so với 57.000 quân thiệt mạng để chiếm gần 8 km vuông trong ngày mở đầu trận Somme.
Tuy nhiên, Anh không đạt được các mục tiêu quan trọng sau khởi đầu thành công này. Lực lượng tấn công bị kiệt sức mà không khai thác được sức mạnh kỵ binh. Sau ba năm đánh trong chiến hào, binh lính Anh không quen với việc cơ động liên tục trên chiến trường. Hệ thống liên lạc bị cắt đứt, một nửa lực lượng thiết giáp Anh bị hỏng. Các khẩu đội pháo Đức bắn thẳng vào những xe tăng Mark IV chậm chạp, phá hủy hàng chục chiếc.
“Mục tiêu trong ngày đầu tiên không đạt được. Mất đi yếu tố bất ngờ, quân Anh buộc phải gồng mình đối phó lực lượng dự bị của Đức”, sử gia Turner cho biết.
Xe tăng Mark IV cơ động qua hầm hào trước trận đánh. Ảnh: Wikipedia.
Đức tung ra 17 sư đoàn, trong đó gồm nhiều tiểu đoàn đột kích tinh nhuệ. Lực lượng này xâm nhập chiến tuyến quân Anh, bao vây nhiều đơn vị tiền tuyến, đánh chiếm các sở chỉ huy và trận địa pháo. Ngày 30.11, quân Đức thọc sâu tới 3,2 km trong phòng tuyến Anh, trước khi phải ngừng đà tiến công.
Khi trận đánh kết thúc vào đầu tháng 12, mỗi bên hứng chịu khoảng 45.000 thương vong, ranh giới chiến tuyến trở về mốc ban đầu.
Từ kinh nghiệm rút ra sau trận đánh này, Đức đã xây dựng học thuyết Bliztkrieg, sử dụng lực lượng thiết giáp khổng lồ để phát động xâm lược Pháp vào năm 1940, chọc thủng mọi phòng tuyến và buộc đối phương đầu hàng chỉ trong vòng 6 tuần.
Theo Duy Sơn (VnExpress)
Phép màu khiến quân Anh và Đức đang bắn nhau quay ra bắt tay, đá bóng
Tưởng rằng những kẻ thù ở hai đầu chiến tuyến chỉ có thể nghĩ tới việc tiêu diệt nhau. Vậy nhưng phép màu đã xảy ra ở chiến trường nước Pháp, vào dịp Giáng sinh.
Bức vẽ trên tờ The Illustrated London News, ngày 9.1.1915, về cảnh lính Anh và Đức bắt tay đổi mũ với nhau giữa hai chiến hào
Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổi bật với hình ảnh những chiến hào và điều kiện chiến đấu đáng sợ không thể tưởng tượng nổi mà những người lính phải chịu đựng hàng ngày. Tuy vậy, bất chấp mọi sự tệ hại, một phép màu đã xảy ra vào năm 1914. Nó trở thành mối đe doạ với chính phủ các bên cũng như tiến trình của cuộc chiến.
Mối đe doạ đó là gì? Giáng sinh.
Người Đức bắt đầu cuộc chiến vào tháng 7.1914. Chiếm được Bỉ và một phần nước Pháp, họ tự tin rằng mình sẽ chiếm Paris nhanh chóng và cuộc chiến sẽ kết thúc trước Giáng sinh. Người Anh, người Pháp, và các đồng minh của họ cũng tin rằng mình sẽ đánh bại quân Đức trước Giáng sinh. Tất cả bọn họ đã lầm.
Quân Đồng minh đẩy lùi bước tiến của người Đức trong Trận Marne lần thứ nhất, kéo dài từ ngày 5 đến ngày 12.9, ép quân Đức rút về thung lũng Aisne cố thủ. Quân Đồng minh tiến tới vào ngày 13.9, và Trận Aisne lần thứ nhất bắt đầu. Trận đánh kết thúc trong thế giằng co.
Người Đức muốn tiến tới vùng bờ biển của nước Pháp, và phe Đồng minh không muốn điều đó xảy ra. Hai bên đào rất nhiều tuyến hào, cố gắng đánh tạt sườn nhau. Các lớp hào bị chia cách bởi các vùng được gọi là "no man's land" (vùng đất nằm giữa khu vực chiến sự mà không bên nào chiếm đóng được do sức ép của quân địch).
Quân Đồng minh ngặn chặn quân Đức bằng cách đào hào về hai phía Đông - Tây, người Đức cũng làm điều tương tự, cho đến khi chiến tuyến của cả hai phe kéo dài tới Biển Bắc.
Đến đầu tháng 12, mỗi bên đã đào hơn 250km chiến hào cũng như hứng chịu những thiệt hại to lớn trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến. Anh mất gần 100.000 quân. Với Pháp, chỉ riêng trong tháng 8, thiệt hại của họ đã gấp đôi con số đó, gần như tương đương với thiệt hại của Đức.
Không phải mọi binh lính đều chết trong chiến đấu. Bệnh tật có tác động rất kinh khủng trong điều kiện lạnh lẽo, chật hẹp và ẩm ướt, cũng như bùn và nước bẩn. Trong chiến hào, chân người lính thường ướt sũng. Thiếu thốn sự điều trị, vậy là tình trạng hoại tử và cái chết lan ra khắp nơi.
Có khi hào được đào sâu để chôn cất chính những người lính mà chúng bảo vệ. Nhưng kể cả những đoạn hào tốt nhất cũng có thể trở thành những cái bẫy chết người nếu trúng đạn trực diện, vì lực nổ của bom đạn sẽ tập trung hơn so với khi nổ ở không gian mở. Thường thì binh lính chỉ có thể nhìn trong vô vọng khi bom đạn nổ trước mặt, vì họ không thể trốn đi khi tất cả bị dồn sát vào nhau.
Cuối cùng là công tác tuyên truyền. Các bên đều miêu tả đối phương như súc vật vô cảm, vì người ta sẽ giết nhau dễ dàng hơn nếu không nhìn đối phương như con người nữa.
Vậy nhưng đến tối ngày 24.12, các vùng đình chiến xuất hiện. Không ai rõ nó bắt đầu từ đâu, nhưng người ta tin rằng nó bắt đầu từ vùng Flanders trước khi lan rộng ra toàn bộ Mặt trận Phía Tây.
Những người lính Anh thuộc đơn vị Khinh kỵ Northumberland gặp mặt quân Đức ở "no man's land"
Quân Đức bắt đầu hát những bài ca Giáng sinh. Rồi đèn và thuốc lá được thắp lên - một điều nguy hiểm vì nó sẽ giúp quân Anh thấy rõ vị trị quân Đức.
Nhưng kể cả khi hầu hết người Anh không hiểu tiếng Đức, họ vẫn nhận ra các giai điệu. Một số trong bọn họ đã hát cùng bằng tiếng Anh. Vì thế, ánh đèn và diêm được thắp sang nhiều hơn dọc theo tuyến quân Đức. Không một người Anh nào muốn bắn họ.
Đến buổi sáng ngày Giáng sinh, Trung sĩ Công binh J.J. &'Nobby' Hall dán một dấu hiệu báo mừng Giáng sinh lên một cây gậy và vẫy nó dọc theo chiến hào. Một dấu hiệu tương tự cũng được vẫy lên ở tuyến quân Đức.
Đến buổi trưa, một lính Đức nhảy ra khỏi chiến hào bất chấp việc bị quân Anh ngắm bắn. Anh ta giơ tay và đi qua "no man's land" mà không mang vũ khí. Binh nhì Ike Sawyer tiến ra để gặp mặt. Khi đến giữa vùng trống, họ bắt tay. Từ phía quân Đức, nhiều binh lính cũng tiến lên, giơ tay và gặp những người Anh ở giữa vùng trống.
Vài lính Đức bẻ cành cây thông để làm cờ trắng khi họ băng qua. Những món quà gồm thức ăn, thuốc lá, quần áo được trao đổi với nhau. Hai bên đã chơi những trận bóng đá, và người Đức không thể nhịn cười khi chơi cùng những người Scotland không thèm mặc gì dưới những bộ "kilt" - bộ đồ truyền thống của người Scotland, khá giống một chiếc váy.
Tình bạn ấm áp như vậy chỉ xuất hiện ở trận tuyến giữa Anh và Đức. Người Pháp không có tâm trạng mà kết thân với kẻ thù đang chiếm lấy một phần đất nước họ. Ở Mặt trận Phía Đông, người Nga không ăn mừng Giáng sinh cho đến ngày 7.1 (nước Nga lúc này vẫn theo bộ lịch cũ nên tính ngày chậm hơn các nước khác).
Vì có nhiều người Đức làm việc ở Anh trước chiến tranh, nên họ có thể nói tiếng Anh khá tốt. Thậm chí, Đại uý Clifton Stockwell đã bắt tay một lính Đức làm bồi bàn ở nhà hàng ông hay tới ăn trước cuộc chiến. Một lính Anh khác thì để một lính Đức từng làm thợ cắt tóc trước chiến tranh được cắt tóc và cạo râu cho mình.
Lính Anh và lính Đức gặp nhau ở "no man's land" trong cuộc đình chiến không chính thức. Mặc dù mọi người dành tình cảm ấm áp cho nhau, họ cũng có một quy tắc bất thành văn: Cả hai bên không được tới chiến hào đối phương để không làm lộ vị trí kho vũ khí và vị trí phòng thủ. Và cũng không phải tất cả các vị trí trên chiến tuyến giữa Anh và Đức được yên bình, một số nhỏ vẫn chiến đấu trong dịp Giáng sinh.
Chính quyền các bên cảm thấy như bị làm nhục. Họ đe doạ bằng những hình phạt khắc nghiệt cho những ai làm thân với quân địch, nhưng nó chẳng có hiệu quả gì với những người lính lúc này đã làm bạn với nhau.
Điều đáng sợ nhất với chính quyền các bên đó là cuộc chiến sẽ kết thúc ở Mặt trận Phía Tây. Hơn nữa, các phong trào chống lại hoàng gia và ủng hộ chủ nghĩa cộng sản lan rộng ở nhiều nước làm giới cai trị phương Tây lo sợ điều tệ hại nhất có thể xảy ra cho chính phủ của họ nếu binh lính vứt bỏ vũ khí và đi đến hoà bình lâu dài.
Với những người trên chiến tuyến, sự đình chiến hầu hết đều kéo dài đến hết ngày 26.12. Ở một số nơi khác nó còn diễn ra lâu hơn, nhưng với binh nhì Archibald Stanley, nó đã kết thúc ngay sau ngày 24.12. Sĩ quan chỉ huy của anh này, lo sợ một cuộc nổi loạn, đã cho phép đình chiến trong ngày hôm đó. Ngay hôm sau, ông ta ra lệnh cho binh lính bắn bất kỳ lính Đức nào còn đứng ở "no man's land". Nhưng chẳng ai tuân lệnh.
Đến chiều muộn, sợ rằng mình đang mất quyền kiểm soát, viên sĩ quan người Anh bắn chết một sĩ quan Đức không vũ trang. Mọi thứ tệ hại dần từ đó. Cuộc chiến tiếp diễn và những vũ khí mới được sử dụng như khí gas độc, vậy là cả hai bên không còn hứng thú với một cuộc đình chiến thứ hai nữa.
Peter Knight và Stefan Langheinrich, cháu của những người lính tham gia Thế chiến thứ nhất, bắt tay nhau ở đài tưởng niệm Cuôc đình chiến Giáng sinh ở Frelinghien, Pháp để tái hiện hình ảnh sự kiện
Đến ngày 11.11.2008, một đài tưởng niệm Cuộc đình chiến Giáng sinh được dựng lên ở Frelinghien, Pháp. Con cháu của các cựu binh, những người đã liều lĩnh để tinh thần Giáng sinh tác động đến họ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất dù chỉ trong ngày một hai ngày, đã tham dự ngày khánh thành đài tưởng niệm.
Theo Danviet/Huy Đức (WarHistoryOnline)
Mỹ suýt bị Mexico xâm lược bằng một cuộc chiến đẫm máu Đó là một trăm năm trước khi Mexico gần như xâm chiếm Mỹ theo lời đề nghị của Đức. Nếu điều tồi tệ đó xảy ra, thảm họa thật không lường nổi. Tháng 1.1917, Ngoại trưởng Đức Arthur Zimmermann gửi một điện tín mã cho Heinrich von Eckardt là Đại sứ Đức tại Mexico. Trong bối cảnh Đức bị quân Đồng minh dồn...