Trận chiến Covid-19 của một bác sĩ dân tộc Jrai
Suốt 17 ngày đêm cách ly, điều trị 70 bệnh nhân là F0 và F1 Covid-19, bác sĩ Siu Ru và đồng nghiệp có lúc kiệt sức.
Bác sĩ Siu Ru, 37 tuổi, người dân tộc Jrai, là phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Đêm 1/2, khi nam bệnh nhân 18 tuổi đang điều trị tại khoa có kết quả dương tính nCoV (sau Bộ Y tế ghi nhận là “bệnh nhân 1888″), bác sĩ Siu Ru và 10 đồng nghiệp bước chân vào trận chiến Covid-19.
Năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai từng tiếp nhận cách ly cả trăm trường hợp nhập cảnh, F1, người về từ Đà Nẵng, Vĩnh Phúc… nhưng đây là lần đầu tiên điều trị bệnh nhân Covid-19. “Kinh nghiệm điều trị như tờ giấy trắng”, bác sĩ Ru ngày 25/2 nhớ lại.
Lúc đó, trong đầu vị bác sĩ người dân tộc thiểu số bùng lên hàng loạt câu hỏi hóc búa, nguy cơ lây nhiễm chéo đang ở mức độ nào? nếu mình cũng dương tính thì sao? khoa trở thành ổ dịch thì hậu quả lớn thế nào… Đứng cạnh anh, một nữ điều dưỡng khóc vì lo lắng lây nhiễm bởi chị từng trực tiếp truyền dịch, tiêm thuốc cho “bệnh nhân 1888″ khi chưa biết người này dương tính. Tiếng khóc khiến bác sĩ Ru bừng tỉnh. Anh giữ chặt đôi vai đang rung lên của đồng nghiệp, giúp chị trấn tĩnh lại.
“Phải loại bỏ nỗi sợ hãi này. Chỉ có đoàn kết, bình tĩnh mới giải quyết được vấn đề”, anh nói.
10 “chiến sĩ” diệt Covid-19 khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Theo bác sĩ Ru, số trường hợp cần cách ly dự kiến lên tới hơn 60 người. Việc cần làm trước tiên là đáp ứng đủ số giường bệnh. Anh xin chỉ đạo của ban giám đốc bệnh viện, được trưng dụng thêm ba khoa Da liễu, Phục hồi chức năng, Đông y sát cạnh, nâng tổng số giường lên 70. Vài ngày trước, khi Gia Lai phát hiện một vài ca dương tính nCoV, các bệnh nhân đang điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới đã được di chuyển sang khu vực khác, nhường lại giường trống.
Tuy nhiên, xuất hiện vấn đề mới, có quá nhiều nhóm đối tượng cần cách ly trong khu, phòng riêng. Tất cả họ đều là bệnh nhân nội trú, có bệnh lý, hoặc chấn thương tương đối nghiêm trọng. Ngoài ca F0, còn có người đến từ vùng dịch trong tỉnh là bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng, viêm ruột thừa, người suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo… Một số trường hợp là người Việt từ Campuchia về quê ăn tết có bệnh tật. Thậm chí, có ca F1, F2 có triệu chứng ho khan.
Các bác sĩ, điều dưỡng phải xác minh lại lịch sử dịch tễ từng bệnh nhân, sắp xếp đối tượng cách ly vào đúng nhóm. Mỗi khi các F có kết quả xét nghiệm âm tính, họ mới dám “thở nhẹ một tiếng”, song không dám lơ là cảnh giác.
Video đang HOT
Những ngày tiếp theo, khoa nhận thêm các bệnh nhân Covid-19 từ thị xã Ayunpa, Phú Thiện… chuyển tới, tổng cộng 9 người. Đa số bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, việc điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế thuận lợi. Biến cố ập đến khi có ba bệnh nhân đột ngột diễn tiến bệnh nặng dần, khó thở. Ảnh chụp X-quang phổi xuất hiện đốm mờ, phát hiện tổn thương.
“Chúng tôi thực sự bối rối và lo lắng”, bác sĩ Ru chia sẻ.
Vì không có máy CT scan, MRI chụp chiếu sâu cho bệnh nhân, lại thiếu kinh nghiệm điều trị thực tế, bệnh viện đã đề nghị chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ. May mắn, sau đó ba bệnh nhân được truyền kháng thể và các thuốc kịp thời. Bệnh nhân đáp ứng tốt, các tổn thương phổi cải thiện rõ rệt, hết sốt, khó thở.
Bác sĩ Ru (ở giữa) và đồng nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Khoa Bệnh Nhiệt đới là nơi chuyên điều trị các bệnh liên quan đến vi khuẩn, vi trùng như sốt xuất huyết, sởi, viêm màng não, bạch hầu… nay tiếp nhận cả bệnh nhân nội, ngoại khoa, khiến nhân viên y tế không tránh khỏi lúng túng.
Để giải quyết tình trạng vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa điều trị bệnh lý tốt nhất, đối với các bệnh nhân nguy cơ nhiễm nCoV thấp, các bác sĩ chuyên khoa mặc đồ bảo hộ đầy đủ, vào thăm khám cho họ. Riêng với các F1, nhóm bác sĩ Bệnh Nhiệt đới chủ động kết nối hội chẩn từ xa qua điện thoại, để chuyên gia thăm khám, ra y lệnh. Đặc biệt, nhóm bệnh nhân suy thận mạn, có thể trạng yếu nhất được theo dõi sức khoẻ sát sao, chăm sóc và động viên, trấn an tinh thần nhiều hơn. Dù phải cách ly vì Covid-19, lịch chạy thận nhân tạo của họ không bị gián đoạn vì bất kỳ lý do gì.
Bác sĩ Ru cho biết, trong suốt 17 ngày làm nhiệm vụ, mỗi bác sĩ, điều dưỡng chỉ có ba bộ đồ y tế để thay đổi. Mỗi lần tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân nặng thuộc diện F1, theo quy định, nhân viên y tế phải tắm gội, giặt toàn bộ quần áo đang mặc. Như vậy, cứ khoảng 8-12 tiếng, thì lặp lại quy trình thăm khám – làm vệ sinh một lần. Thời tiết Gia Lai những ngày đầu tháng hai khá lạnh, khoảng 12-15 độ C, thiếu nắng. Áo quần giặt vắt bằng tay không kịp phơi khô. Thành ra, chiếc máy sấy tóc trở thành máy sấy quần áo cấp tốc. Thỉnh thoảng, bác sĩ Ru phải mặc quần áo còn chút hơi ẩm.
Nam bác sĩ thừa nhận, khối lượng công việc lớn, thời gian làm việc kéo dài liên tục, xuyên tết nguyên đán cũng khiến anh và đồng nghiệp có lúc rơi vào tình trạng quá tải, kiệt sức. Những lời động viên, san sẻ trách nhiệm từ bệnh viện, gia đình, bạn bè và các nhà hảo tâm khiến họ vững tin, dịch bệnh nhất định sẽ được đẩy lùi.
Đến ngày 17/2, toàn bộ 70 F0 và người cách ly được chuyển tới Bệnh viện Dã chiến Gia Lai điều trị tiếp. Một số bệnh nhân đã có kết quả âm tính, khoa Bệnh Nhiệt đới được giải phóng. Hiện, bác sĩ Ru và đồng nghiệp đã được ra khu cách ly nghỉ ngơi. Khoảng một tuần nữa họ sẽ được về nhà sau hơn một tháng xa cách.
Nhiều cơ sở y tế không phát hiện COVID-19 dù bệnh nhân tới khám 2 lần
Trong đợt dịch này, nhiều cơ sở y tế bỏ sót các ca COVID-19, không phát hiện ra ca bệnh dù người đó đến khám liên tiếp 2 lần.
Liên tiếp các cơ sở y tế bỏ sót bệnh nhân mắc COVID-19 như Bệnh viện Thăng Long, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, Bệnh viện Vinmec Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, Phòng khám Raffles Medical, TTYT huyện Kinh Môn và mới đây nhất là Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng.
Hàng loạt bệnh viện bị phong toả
Trường hợp đáng chú ý nhất có thể kể đến là chuyên gia người Nhật Bản, BN2229, nam, 54 tuổi, chết tại Hà Nội ngày 13/2 vừa qua. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trước khi qua đời, BN2229 từng tới khám 2 lần tại Phòng khám Raffles Medical (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhưng cơ sở này không phát hiện ra bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
Bệnh nhân không khỏe tới khám tại Phòng khám Raffles Medical ngày 3/2, được chẩn đoán nhiễm độc tiêu hóa, mua một số thuốc không rõ loại. Ngày 8/2, bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ (38 độ C), tái khám tại Phòng khám Raffles Medical, tại đây được làm test nhanh cúm A, B cho kết quả âm tính.
Khách sạn Somersert Westpoint, nơi bệnh nhân tử vong.
Khởi điểm đợt dịch COVID-19 lần này tại Việt Nam là trường hợp nữ công nhân tại Hải Dương. Báo cáo cho thấy, ngày 15/1, nữ công nhân đến Bệnh viện Thăng Long xét nghiệm COVID-19. Người này có kết quả âm tính và bay sang Nhật Bản xuất khẩu lao động ngày 16/1. Sau đó 1 ngày, nữ công nhận được bên Nhật Bản xét nghiệm khẳng định kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ngày 28/1 Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng ghi nhận bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Trường hợp này là bệnh nhi, đang điều trị tại đây, được xét nghiệm và cho kết quả dương tính. Bệnh nhân có mẹ là công nhân làm việc tại Công ty Poyun (Chí Linh, Hải Dương). Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm trước đó với người mẹ đều âm tính. Vụ việc khiến bệnh viện bị phong toả ngay trong đêm.
Tương tự, ngày 2/2, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cũng phải phong toả bệnh viện đa khoa tỉnh do ghi nhận có bệnh nhân COVID-19. Tiền sử dịch tễ trước đó bệnh nhân có đau bụng được đưa đến TTYT huyện Ia Pa chữa trị. Do nơi đây đang bị phong tỏa nên được hướng dẫn ra TTYT huyện Phú Thiện chữa trị.
Sau khi được thăm khám tại TTYT huyện Phú Thiện, bệnh nhân tiếp tục được đưa tới Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai rồi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai điều trị.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, các bác sĩ hội chẩn và xác định không có yếu tố dịch tễ. Tuy nhiên sau đó một điều dưỡng phát hiện bệnh nhân có yếu tố dịch tễ là cư trú tại xã Kim Tân (huyện Ia Pa) nên lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngày 31/1. Đến đêm 1/2, kết quả xác định bệnh nhân dương tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Đáng lưu ý trong thời gian qua có sự việc để lọt bệnh nhân COVID-19 là trường hợp của TTYT huyện Kinh Môn (Hải Dương). Đây là bệnh nhân nam, 60 tuổi, là công nhân của Công ty Xi măng VICEM Hoàng Thạch được phát hiện thông qua sàng lọc cộng đồng. Bệnh nhân là F2 của ca bệnh COVID-19, ở nhà 7 ngày thì bắt đầu có triệu chứng ho, sốt. Người bệnh có đi khám tại TTYT huyện Kinh Môn nhưng nhân viên y tế không phát hiện bệnh. Phải đến khi xét nghiệm lại, bệnh nhân mới có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tình trạng bệnh của người này sau đó diễn biến rất nhanh và đang là ca bệnh nặng.
Mới đây nhất là trờng hợp của nữ điều dưỡng 26 tuổi làm việc tại Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng. Đây là bệnh nhân làm nhiệm vụ tiếp đón, phân luồng bệnh nhân đến khám. Ngày 21/2, bệnh nhân được Bệnh viện Đại học Y Dược lấy mẫu làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cùng với các nhân viên y tế của bệnh viện (tổng số 89 mẫu). Kết quả, bệnh nhân dương tính.
Đáng nói là trong 14 ngày trở lại đây, bệnh nhân không đi ra khỏi Hải Phòng, không có triệu chứng bệnh lý hô hấp nào đặc biệt. Hải Phòng đã phong toả Bệnh viện Giao thông Vận tải và đang rà soát tất cả những người có liên quan.
Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng vừa ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2.
Đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc sớm
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), trong đợt dịch thứ 3 tại Việt Nam, có nhiều cơ sở y tế phải đóng cửa, phong toả tạm thời do để lọt các ca COVID-19. Nguy hiểm hơn, đợt dịch này có 83% số ca không có biểu hiện lâm sàng cụ thể, rất khó phát hiện; 14,2% trường hợp gặp biểu hiện nhẹ. Do đó, Bộ Y tế đã điều chỉnh hướng dẫn về phân luồng, cách ly, biện pháp điều trị, phát hiện bệnh trong khu vực khám chữa bệnh.
Để tránh bỏ lọt những trường hợp mắc COVID-19, theo ông Khuê, các cơ sở y tế tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, cập nhật vào phần mềm bệnh viện an toàn, phòng khám an toàn.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế đẩy mạnh xét nghiệm trong bệnh viện, sàng lọc sớm các ca bệnh. Bệnh viện cũng cần cảnh giác với tất cả các ca bệnh có ho, sốt, khó thở, dù không có yếu tố dịch tễ cũng xét nghiệm ngay hoặc đưa về điều trị tập trung ở các bệnh viện có thể cấp cứu được.
Liên quan tới việc ca COVID-19 tới cơ sở y tế khám 2, 3 lần những không được phát hiện, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết có thể do liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí an toàn bệnh viện. Do đó, ngoài các tiêu chí chấm điểm bệnh viện, các cơ sở y tế phải kích hoạt thêm hệ thống báo động viêm viêm đường hô hấp tại tất cả 63 tỉnh/thành phố thông qua các chương trình trước đây đã có nhằm phát hiện sớm các ca nghi ngờ, phân luồng bệnh nhân.
Tai nạn giao thông thảm khốc khiến 4 người chết, 1 người bị thương Vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa 2 xe máy trên Quốc lộ 14 đoạn qua thôn Plei Dư, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Sáng 15-2, Công an huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai đang tiến hành làm rõ vụ tai nạn thảm khốc khiến 4 người chết và 1 người bị thương nặng. Hiện trường vụ tai...