Trạm yêu thương – Tập 7: Những người trẻ mang yêu thương đi thật xa
Câu chuyện được chia sẻ trong Trạm yêu thương là những sinh viên Đại học Y Hà Nội xung phong chi viện cho miền Nam giữa thời điểm nơi đây đang là tâm dịch của cả nước.
Mở cửa Trạm yêu thương bằng ca khúc COVID nhanh đi đi, bộ ba bạn trẻ Minh Hải, Mạnh Cầm, Thành Trung – những sinh viên Đại học Y Hà Nội – không chỉ thể hiện sự mong mỏi về một ngày mai không còn dịch bệnh mà còn thể hiện sự nhiệt huyết, tinh thần vì cộng đồng của những người trẻ.
Nguyễn Ngọc Minh Hải – sinh viên chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa, trường ĐH Y Hà Nội khóa 2016 – 2022 không còn là cái tên xa lạ khi tháng 7/2021, mạng xã hội lan truyền ảnh chụp lá thư tay Hải viết gửi Ban Giám hiệu nhà trường xung phong vào tâm dịch Covid-19 ở Bình Dương với nội dung khiến nhiều người xúc động: “Khi Tổ quốc cần, thanh niên không ngại khó’, đặc biệt khi là sinh viên Y Hà Nội, mang trong mình niềm tự hào của mái trường có truyền thống hơn một thế kỷ phụng sự Tổ quốc và chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Minh Hải là một trong rất nhiều sinh viên ngành Y sẵn sàng lên đường chống dịch ở thời điểm đó. Ngay khi biết tin này, Nguyễn Thành Trung và Đỗ Mạnh Cầm hai sinh viên năm cuối cũng mạnh dạn viết thư xin tham gia vào đội tình nguyện của Đại học Y chi viện cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại miền Nam. Những lá đơn ấy được viết ngay khi họ vừa được nghỉ hè một ngày.
Với sinh viên Đại học Y, năm cuối là thời điểm quan trọng nhất khi kỳ thi bác sỹ nội trú gần kề, thậm chí quan trọng hơn cả thi Đại học. “Vì thi Đại học không đỗ bạn có thể thi lại, còn thi nội trú thì cả đời chỉ có một lần duy nhất”, Mạnh Cầm chia sẻ.
Video đang HOT
Thế nhưng, họ tự động viên mình đó là việc cá nhân, mà việc cá nhân thì nên gác lại cho công việc chung của cả nước. Vì thế, ba bạn trẻ đã sẵn sàng và tình nguyện cho công việc chung này.
Chia sẻ với Trạm yêu thương, nhóm sinh viên Đại học Y cho biết: vào tâm dịch họ làm tất cả mọi việc từ lấy mẫu bệnh phẩm, truy vết F0, đi điều trị cho đến công việc hành chính chưa bao giờ làm như lập danh sách, rà soát đối tượng, xây dựng kho lưu trữ thông tin… Và tình hình ở đó khắc nghiệt hơn rất nhiều so với những gì họ tưởng tượng. “Những cuộc điện thoại dồn dập với nội dung nguy kịch lắm rồi, hay F0 đã mất báo về liên tục. Chúng em đã hỗ trợ thành phố Thuận An truy vết 5.997 F0. Có lẽ chỉ khi chương trình Trạm yêu thương lên sóng, gia đình và người thân mới biết chúng em đã gần với F0 và đối diện với nguy hiểm như thế”, Minh Hải bật mí.
Khi được hỏi có bao giờ thấy sợ không, nhóm sinh viên Đại học Y Hà Nội thẳng thắn trả lời: “Lo lắng thì có, còn sợ thì không”. Và điều họ không mong muốn nhất chính là đồng đội của mình nhiễm COVID-19. Vì điều đó đồng nghĩa với việc tinh thần của mọi người sẽ đi xuống và sẽ bớt đi một người để giúp đỡ được rất nhiều F0 đang cần trợ giúp.
Trong hành trình nơi tâm dịch ấy, có cả sự ngưỡng mộ từ những người đồng nghiệp. Bác sỹ Dương Thị Thủy – CDC Bình Dương được nhóm sinh viên trường Y ví như người không biết mệt bởi công việc của chị bắt đầu từ sáng sớm hôm trước kéo dài tới 2-3h sáng hôm sau. Chị Thủy cũng chỉ là một người bình thường như bao người khác, nhưng sức mạnh đến từ suy nghĩ sợ rằng sự chậm trễ của mình có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người”.
Nếu Mạnh Cầm và Minh Hải giấu gia đình chuyện mình xung phong vào khu vực đang là tâm dịch thời điểm bấy giờ, vì sợ bố mẹ sẽ lo lắng thì Thành Trung lại viết đơn tình nguyện khi ngồi bên cạnh mẹ. Gia đình Trung có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Bố Trung mất sớm, từ nhiều năm nay sức khỏe mẹ đã yếu nhưng vì để nuôi hai anh em Trung ăn học nên phải gồng mình tiếp công việc sửa xe đạp mà bố em để lại. Với mẹ, Thành Trung là trụ cột duy nhất của gia đình, vì thế khi con trai đăng ký đi chống dịch mẹ không khỏi lo lắng. Thế nhưng là một sinh viên Y khoa, Trung chọn gác lại gánh nặng gia đình để quyết tâm lên đường, đóng góp một phần sức lực của mình vào công việc chung của đất nước.
Nhân vật của Trạm yêu thương số này không chỉ sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn nhất, sẵn sàng giúp đỡ mọi người mà họ còn sẵn sàng sẻ chia. Ngay khi biết tin Trạm yêu thương trao tặng món quà đặc biệt, Minh Hải và Mạnh Cầm đã thống nhất dành tất cả cho Thành Trung với hy vọng món quà đó sẽ phần nào san sẻ bớt gánh nặng hiện tại của gia đình bạn, để Trung có thêm thời gian và yên tâm hoàn thành ước mơ trở thành bác sĩ trong tương lai.
Đón xem Trạm yêu thương phát sóng lúc 10h00 ngày 12/02 trên kênh VTV1.
Trạm yêu thương: "Vitamin" lòng tốt được lan tỏa từ người lao công
Câu chuyện của chị Lê Thị Trâm trong Trạm yêu thương tuần này sẽ là một minh chứng tiếp theo về sức lay động mạnh mẽ của tình người.
Ngay phần đầu tiên Yêu thương ơi chào nhé, chương trình Trạm yêu thương mở ra với những lát cắt về năm 2021 - một năm đầy biến động khi dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhưng cũng từ đó nảy ra những hạt mầm của sự yêu thương, tinh thần sẻ chia với những giúp đỡ kịp thời và đúng lúc. Chị Lê Thị Trâm, nhân viên Công ty Môi trường đô thị Hà Nội bị cướp đi tải sản lớn nhất của gia đình là chiếc xe máy, rồi chính chị sau khi được các nhà hảo tâm giúp đỡ đã tặng lại tài sản giá trị ấy cho những đồng nghiệp khó khăn, là một câu chuyện điển hình như vậy.
Khoảnh khắc nữ công nhân nghèo bị cướp xe máy trong đêm sẽ được người trong cuộc kể lại trong Trạm yêu thương qua hồi tưởng của chị Lê Thị Trâm, qua những thước phim quý giá từ camera của một nhà dân ghi lại và qua chia sẻ của Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự, Công an quận Nam Từ Liêm - người đầu tiên gặp chị Trâm sau vụ cướp hôm ấy.
"Khi mà chúng tôi tiếp nhận trình báo của chị Trâm, chị rất hoảng loạn. Là công nhân thường xuyên làm đêm, lại là nữ, gần như thời điểm chị Trâm làm việc không có ai. Ngoài việc quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tìm cho bằng được các đối tượng trong vụ cướp, chúng tôi đã mời chị Trâm đến và tặng một chiếc xe làm phương tiện đi lại...", trung tá Đặng Mạnh Cường - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Nam Từ Liêm chia sẻ trong chương trình.
Chị Trâm vừa đối mặt với điều không may nhất lại ngay lập tức nhận được những điều may mắn với tấm lòng của các nhà hảo tâm trên khắp cả nước. Thế nhưng, điều khiến rất nhiều người chú ý là việc chị đã tặng luôn 3 chiếc xe cho 3 người đồng nghiệp khó khăn khác, đồng thời đề nghị cộng đồng ngừng hỗ trợ giúp mình.
Cho đi một khối tài sản không hề nhỏ trong khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, lý do nào khiến một nữ lao công như chị Trâm có một quyết định bất ngờ đến như vậy? Điều này sẽ được lý giải trong phần 2 - Hiểu để yêu thương, cùng khoảnh khắc ấn tượng khi BTV Bảo An đưa khán giả đến gặp gỡ chủ nhân của 3 chiếc xe mà chị Lê Thị Trâm trao tặng. Những chia sẻ về nữ lao công - người tặng xe cho họ dù không hề quen biết, thậm chí chưa gặp lần nào chắc chắn sẽ khiến khán giả thêm những bất ngờ thú vị về nhân vật của Trạm yêu thương, về suy nghĩ và cách trao đi yêu thương của những tấm lòng nhân ái.
Rất nhiều cung bậc cảm xúc, có cả những giọt nước mắt, có cả nụ cười hạnh phúc và những câu chuyện giản dị về tình người, về lòng tốt sẽ được bật mí và lan tỏa trong Trạm yêu thương - Hãy cứ cho đi sẽ lên sóng lúc 10h00 ngày 15/01/2022 trên kênh VTV1.
Trạm yêu thương: Người khiếm thị Việt Nam đầu tiên hoàn thành half-marathon nhờ cú chạm tay Chương trình Trạm yêu thương tuần này sẽ mang đến câu chuyện đầy màu sắc của Nguyễn Huy Việt, người khiếm thị đầu tiên của Việt Nam hoàn thành half marathon. Với người khiếm thị, tham gia các hoạt động thể thao là một điều vô cùng khó khăn bởi quá trình tập luyện cho đến thi đấu đều ở trong bóng tối....