Trạm yêu thương: Cô bé giành giải “Đại sứ văn hóa đọc” và tình yêu văn học từ người cha mù
Dù bố không thể nhìn thấy nhưng ông lại là người tiếp sức cho cô gái Bùi Thị Thu Nhớ theo đuổi đam mê văn học và ca hát.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Gio Linh, Quảng Trị, từ năm lớp 1 Bùi Thị Thu Nhớ đã trở thành “đôi mắt” dẫn bố đi hát rong để có thêm thu nhập cho cả nhà. Dù bố của Nhớ bị mù, nhưng ông lại là người tiếp thêm sức mạnh và đam mê cho con gái theo đuổi đam mê văn học và ca hát. Giải Ba quốc gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” và giải A cuộc thi “Tìm kiếm tài năng thiếu niên vùng đông Quảng Trị” là kết quả cho một hành trình nỗ lực cùng niềm tin về tương lai tươi sáng của bố và Nhớ. Câu chuyện “Cổ tích cho họa mi” sẽ được Thu Nhớ kể lại trong Trạm yêu thương lúc 10h00 ngày 27/8 trên kênh VTV1.
Xuất hiện trên sân khấu Trạm yêu thương, Bùi Thị Thu Nhớ (15 tuổi) gây ấn tượng bởi nụ cười hồn nhiên, trong sáng, đặc biệt là giọng hát thánh thót như họa mi khi em thể hiện ca khúc “Ba kể con nghe” trên sân khấu chương trình. Dù có phần gầy gò và nhỏ bé so với bạn bè cùng trang lứa, nhưng Nhớ rất tự tin, hoạt bát khi giới thiệu về bản thân dù đây là lần đầu tiên em xuất hiện trên sóng truyền hình.
Nhớ hào hứng khoe thành tích mà mình đạt được trong những năm qua và giải thưởng mà em tâm đắc nhất là Giải Ba quốc gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”. Bài thi đó được Nhớ lấy cảm hứng từ bố em. Kể về bố, đôi mắt của cô bé 15 tuổi ánh lên sự tự hào: “Bố em bị mù bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc màu da cam. Thế nhưng, bố rất thích nghe đọc sách, nhất là truyện cổ tích. Tình yêu văn học của em được nhen nhóm từ những lần đọc truyện cho bố nghe”.
Không chỉ đạt giải thưởng về văn hóa đọc, Nhớ còn đạt giải A cuộc thi “Tìm kiếm tài năng thiếu niên vùng đông Quảng Trị”. Giải thưởng này cũng chính nhờ bố đã truyền cảm hứng cho con gái. Nhớ kể, từ năm 6 tuổi em đã cùng bố đi hát rong. Không nhìn thấy gì nhưng bố em rất đam mê âm nhạc. Thích bài nào là bố nhờ thu âm lại rồi nghe cho bằng thuộc mới thôi. Những lần theo bố đi hát rong, thi thoảng Nhớ cũng được dịp trổ tài. Những năm đi hát rong cùng bố, lời ca tiếng hát về quê hương dần ăn sâu vào tâm hồn cô gái bé nhỏ.
Video đang HOT
Lạc quan là thế nhưng ít ai biết rằng gia đình Nhớ thuộc diện hộ nghèo của xã. Ngoài trợ cấp khuyết tật của bố Nhớ, cả gia đình trông chờ vào từng đồng bạc lẻ từ công việc hát rong. “Mỗi ngày hai bố con em hát được mấy chục bài. Lúc đầu em thấy vui lắm vì kiếm được tiền để mua sách vở và quần áo mới. Nhưng có khi bị khách xua đuổi, hoặc gặp bạn bè trong quán ăn, những lời bâng quơ của họ khiến em hơi chạnh lòng” – Nhớ buồn bã chia sẻ. Những lúc như thế, Nhớ càng quyết tâm học thật giỏi để thoát nghèo. Suốt 9 năm liền, em luôn đạt học sinh khá, giỏi toàn diện.
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Thu Nhớ ấp ủ ước mơ trở thành luật sư, còn bố em có một mong ước thật giản dị, đó là có một chiếc loa thùng mới để đi hát không gặp khó khăn như trước đây nữa. Món quà từ Trạm yêu thương sẽ phần nào giúp gia đình Nhớ san sẻ gánh nặng về kinh tế và giúp em viết tiếp ước mơ đang rộng mở phía trước.
Câu chuyện về nghị lực vươn lên trong cuộc sống của Thu Nhớ và hành trình lan tỏa tình yêu âm nhạc, văn học của người cha mù sẽ được bật mí trong Trạm yêu thương chủ đề “Cổ tích cho họa mi” lúc 10h00 ngày 27/8 trên kênh VTV1.
Cô gái khuyết tật vượt khó bằng tình yêu thương
Là một người khuyết tật vận động nhưng Nguyễn Thị Thanh Thiện đã vượt qua mọi mặc cảm về bản thân để vươn lên trong cuộc sống.
Cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Thanh Thiện là khách mời của chương trình "Trạm yêu thương" số 34. Ảnh: VTV
Thanh Thiện không chỉ giành được học bổng của Chính phủ Australia mà còn được bang South Australia trao giải thưởng Sinh viên Quốc tế trong hạng mục "Gắn kết cộng đồng". Với cô gái khuyết tật, khiếm khuyết của bản thân chính là một món quà khiến mình mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.
Mỗi khách mời đến với chương trình "Trạm yêu thương" đều từng mang trong mình một mặc cảm về bản thân, Nguyễn Thị Thanh Thiện sinh năm 1989 tại Quảng Bình cũng không phải là ngoại lệ. Sinh ra với một đôi tay không bình thường, càng lớn lên, cô gái 8X càng nhận thấy sự khác biệt giữa mình với các bạn cùng trang lứa. Nỗi mặc cảm ấy càng rõ rệt và nhân lên khi Thanh Thiện đủ tuổi đến trường.
Nguyễn Thị Thanh Thiện tự tin khi đứng trên sân khấu của "Trạm yêu thương". Ảnh: VTV
Thầy cô khuyên Thanh Thiện nên vào học trường khuyết tật để có môi trường học tập tốt nhất, thế nhưng ngay từ nhỏ, cô bé đã mong muốn được học và phấn đấu như những người bạn bình thường của mình.
Năm lên 7 tuổi, Thanh Thiện được nhận vào tiểu học, với điều kiện trong 4 tuần học thử, nếu không đạt thì sẽ không được đi học nữa. "Khi đó mình dồn sức lực để tập viết cả ngày lẫn đêm, khi các bạn nghỉ thì mình tranh thủ ngồi học. Mình phải cố gắng nhiều hơn các bạn để chứng minh với mọi người rằng, mình có thể làm được" - Thanh Thiện nhớ lại. Và sự nỗ lực ấy đã được đền đáp, sau 4 tuần, Thanh Thiện được nhận vào học và bắt đầu những tháng ngày vươn lên không ngừng nghỉ.
Năm 2008, Thanh Thiện thi đỗ Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng chuyên ngành Sư phạm. Khi được hỏi vì sao lựa chọn ngành học này, cô gái trẻ thành thật cho biết: "Khi mình đi học, biết gia đình khó khăn nên nhiều thầy cô không nhận tiền học phí. Chính vì vậy, mình muốn trở thành cô giáo. Lúc ấy mình chỉ nghĩ sẽ học thật nhanh, có kiến thức để lên dạy học cho những em nhỏ vùng sâu vùng xa, giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn như mình".
Cô gái trẻ cũng đã có những chia sẻ xúc động về những khó khăn mà mình phải trải qua. Ảnh: VTV
Ước mơ thánh thiện như vậy, nhưng thử thách của cuộc sống chưa dừng lại với Thanh Thiện. Năm thứ nhất Đại học, vì lý do khách quan, Thanh Thiện phải đứng trước hai lựa chọn: chuyển trường hoặc lựa chọn ngành học khác.
Thông tin đó khiến Thanh Thiện một lần nữa rơi vào tuyệt vọng với những mặc cảm về bản thân, về cơ thể khuyết tật của mình. Thế nhưng, thay vì chìm đắm mãi trong sự tự ti, bằng nghị lực của bản thân và sự động viên của gia đình, Thanh Thiện đã lựa chọn chuyển qua học Khoa tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng. Tại đây, vừa học, cô vừa mạnh dạn tham gia hoạt động tình nguyện với nhóm sinh viên của trường. Lựa chọn này không chỉ giúp Thanh Thiện mạnh mẽ, mà còn giúp bản thân có cơ hội vươn xa hơn.
Năm 2016, Thanh Thiện nhận được học bổng Chính phủ Australia. Trong thời gian học tập ở đất nước xinh đẹp này, cô gái luôn tham gia các hoạt động tình nguyện, đóng góp cho cộng đồng. Khi đã chinh phục tấm bằng thạc sĩ tại Australia, cô gái trẻ lại lựa chọn quay về quê hương để giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn.
Món quà của chương trình sẽ phần nào giúp Thanh Thiện đạt được ước mơ. Ảnh: VTV
Thay vì mặc cảm, đến thời điểm hiện tại, Thanh Thiện lại cho rằng, khuyết điểm với cô là một món quà, vì chỉ khi là người khuyết tật, cô mới có cơ hội tiếp xúc với nhiều người có hoàn cảnh giống mình, đồng cảm và hiểu hơn về câu chuyện của họ, tiếp thêm sức mạnh cho những người khuyết tật và cho bản thân để vượt qua khó khăn.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Thanh Thiện nói rằng, mình sẽ tiếp tục nỗ lực để có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Hiện cô đang xây dựng tủ sách tiếng Anh để cho các bạn khó khăn có thể mượn và học. Ngoài ra, Thanh Thiện còn mở câu lạc bộ cho các bạn khuyết tật có thêm tự tin và vươn lên trong cuộc sống. "Sống chỉ có một lần thôi nên phải đi và làm những điều có ích" - đó là phương châm của Thanh Thiện.
Câu chuyện về hành trình vươn lên đầy nghị lực của cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Thanh Thiện sẽ mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc trong chương trình "Trạm yêu thương" số 34 với chủ đề "Đóa hoa thiện lành", phát sóng vào 10h ngày 20.8 trên kênh VTV1.
Trạm yêu thương: 10X sở hữu giọng hát đặc biệt dù mắc bệnh phát ra tiếng kêu lạ Câu chuyện về điều kỳ diệu từ âm nhạc và nghị lực sống của chàng trai mắc bệnh lạ Đinh Viết Tường đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc trong "Trạm yêu thương". Mắc hội chứng "Tourette" - bệnh lý hệ thần kinh co giật, phát ra những âm thanh kỳ lạ ở cổ họng, thế nhưng Đinh Viết Tường (sinh năm...