Trăm thứ lo không bằng lo con ngán sữa
Không khoa trương khi nói sữa chính là “phát kiến cách mạng”, giải pháp đơn giản bổ sung dinh dưỡng thiết yếu cho con người. Sữa quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Vì vậy, tình trạng trẻ ngán sữa là mối bận tâm lớn với những bậc làm cha, làm mẹ.
“Cuộc sống vốn đã bộn bề nhiều mối lo. Thế nhưng, không có nỗi buồn phiền nào lớn hơn việc con của mẹ thiếu điều kiện phát triển tối ưu chỉ vì con không chịu uống sữa”. Đây là tâm sự của rất nhiều bà mẹ mang nỗi niềm “con không thích sữa”.
Căng thẳng chuyện con ngán sữa
Khi nói đến sữa, ai trong chúng ta cũng biết đến nguồn dinh dưỡng quý giá của nó và sữa được coi là năng lượng thiết yếu mỗi ngày đối với trẻ nhỏ. Ấy vậy mà, một số trẻ dường như không thích sữa hoặc không muốn tiếp tục uống sữa chỉ bởi cảm giác… ngán.
Con ngán sữa luôn là câu chuyện căng thẳng của bố mẹ – Ảnh: IDP
Theo phản ánh của một số phụ huynh, trẻ thường phản ứng lại khi họ đưa sữa: thái độ né tránh, dùng dằng tỏ vẻ khó chịu hoặc tìm cách đối phó, trước mặt phụ huynh trẻ giả bộ uống rồi sau đó đem đổ đi hoặc ói ra hết. Chị Lan (Hà Nội) cho biết mỗi buổi sáng, chị đều đưa cho con hai hộp sữa để uống vào sáng và trưa tại trường. Nhưng đã mấy tuần liền, ngày nào về chị cũng thấy còn một 1 – 2 hộp nguyên trong cặp. Lấy ra rồi lại bỏ vô, căn dặn con phải uống để có sức khỏe học tập, vui chơi. Con dạ dạ, vâng vâng nhưng cuối cùng vẫn không chịu uống. Mỗi lần như vậy chị đều kiên trì với con, tuy nhiên không tránh khỏi căng thẳng, bực tức khi con không nghe lời. Còn với chị Hà (Thủ Đức) có con đang học lớp 2 tâm sự “Nhìn những đứa trẻ khác uống sữa mà ham. Con mình đã thấp bé còn không chịu uống sữa. Ở nhà còn nhiều sữa lắm, mua về để đó chứ con nhất quyết không uống. Không ít lần bắt gặp con đem sữa đổ đi. Mình nóng tính lên, la mắng con, sau đó lại thấy thương. Con mình thường rất bướng nên mình đành bó tay thôi. Áp lực công việc rồi còn lo chăm sóc con, đôi lúc stress kinh khủng nhưng không biết san sẻ với ai vì ba nó cũng bận rộn suốt ngày”.
Không ai hiểu và thương con bằng tấm lòng cha mẹ, nên có bất kỳ sự thay đổi nào ở trẻ cũng đều ảnh hưởng tới tâm trạng của mọi người trong gia đình, mẹ đau đầu, ba lo nghĩ, không khí gia đình cũng trở nên nặng nề hơn.
Video đang HOT
Ép trẻ uống sữa… câu chuyện dài kỳ
Trẻ ngán sữa, đa số phụ huynh đều tìm cách ép con uống bởi ngoài cách bắt buộc thì không còn cách nào khác. Càng ép trẻ càng kích động, nhiều bậc phụ huynh còn dọa nạt, la mắng con. Nhưng bạn không biết rằng, những căng thẳng bạn tạo ra cho trẻ sẽ để lại hậu quả nặng nề về mặt tâm lý sau này. Nhiều trẻ vì thế cũng trở nên lì đòn, dễ cáu bẳn, khó tính hoặc trở nên nhút nhát, tự ti, khó giao tiếp.
Trẻ đã lớn nên mẹ cần khéo léo hơn để trẻ chủ động tìm đến sữa. Nếu cứ ép con uống loại sữa mà mẹ cho là phù hợp nhất, điều đó chỉ gây mối ác cảm đối với con. Vì vậy, mẹ nên lắng nghe ý kiến trẻ, cho trẻ quyền quyết định và để con uống sữa chủ động.
Một số bà mẹ có con ngán sữa vẫn có cách đối phó riêng. Chị Lam (Quận 1 – TPHCM), chia sẻ “Vì con không chịu uống sữa nên tôi điều chỉnh khẩu phần ăn và chế biến nhiều món ăn có sữa trong đó như sữa với trái cây, bánh flan, cho con ăn sữa chua…”. Còn chị Nhiên (Quận 7 – TPHCM) thì có cách đổi hương vị sữa liên tục để trẻ tìm được khẩu vị mình thích. Tuy nhiên, chị Lam và chị Nhiên vẫn chưa tìm được biện pháp tốt nhất cho trẻ thích uống sữa dài lâu. Các món ăn chế biến từ sữa con cũng mau ngán, đổi sữa liên tục cũng cảm thấy không yên tâm về chất lượng dinh dưỡng.
Phương Nhã
Theo TNO
Ngán sữa Hãy hiểu trẻ
Có những đứa trẻ từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành đều thích uống sữa - điều này không cần phải bàn luận bởi như vậy rất tốt. Nhưng với những trẻ trước giờ vẫn uống đều đặn bỗng dưng một ngày nói câu "con ngán sữa, không muốn uống nữa" thì sao? Hãy xem cách giải quyết của một số phụ huynh có con ngán sữa.
Giải quyết vấn đề ngán sữa ở trẻ từ 4 -11 tuổi luôn là bài toán khó! - Ảnh: IDP
Làm lơ con ngán sữa
Nhiều mẹ cho rằng: Ngán sữa thì không cần cho trẻ uống nữa, đợi một thời gian sau trẻ sẽ cảm thấy thèm và uống lại. Tình trạng ngán sữa này có lẽ cũng giống như ngán cơm, ngán cháo. Sự thật có phải vậy?
Với những ông bố, bà mẹ suy nghĩ theo chiều hướng "động cơ bình xăng" (ví não trẻ hoạt động như đồng hồ bình xăng, khi sắp hết xăng thì đổ và nhìn vào đồng hồ, biết khi nào cần đổ). Theo đó, con ngán sữa chỉ là trạng thái nhất thời, đợi khi nào có nhu cầu, trẻ sẽ tự đòi mẹ mua sữa.
Những năm tháng ấu thơ rất quan trọng đối với việc hình thành thói quen ăn uống lành mạnh. Vì vậy, cho trẻ uống sữa mỗi ngày là thói quen rất tốt vì sẽ cung cấp đầy đủ năng lượng cho mọi hoạt động, tăng sức đề kháng phòng tránh bệnh tật. Bạn đừng phó mặc khi trẻ không thích sữa vì những thói quen được hình thành từ giai đoạn ấu thơ rất khó thay đổi theo thời gian.
"Uống hoặc bị đòn"
Nhiều người khác quá coi trọng vào chế độ dinh dưỡng của con nên khi thấy trẻ có biểu hiện không thích uống sữa đã cảm thấy bất ổn. Mỗi lúc đưa hộp sữa cho con uống, thấy thái độ né tránh, càu nhàu "con không thích uống sữa, mẹ đừng bắt con uống nữa" mà nhiều bậc phụ huynh cảm thấy "nóng trong người", vội la mắng con, bắt ép con phải uống sữa. Tất nhiên, trẻ có thể miễn cưỡng nghe lời. Nhưng không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng dễ bảo. Những trẻ bướng bỉnh thường phản kháng mạnh mẽ, thẳng thắn từ chối, giận dỗi thậm chí đối phó bằng cách giấu cha mẹ, đem sữa bỏ đi. Trong trường hợp này cả phụ huynh và trẻ đều mệt mỏi, ảnh hưởng đến không khí gia đình. Điều quan trọng, việc ép trẻ uống sữa bằng "đòn roi" sẽ gây ra những bất ổn về tâm lý sau khi trẻ trưởng thành.
Biến tấu món ăn với sữa
Trên một diễn đàn dành cho phụ huynh, một bà mẹ chia sẻ "Trước đây con mình không thích sữa. Để đảm bảo dinh dưỡng cho con, mình chịu khó tìm hiểu các món ăn kết hợp với sữa, tăng khẩu vị cho bé. Thế nhưng cũng không khả quan vì có nhiều món tốn công, tốn sức mà con thì cứ mãi lắc đầu không ăn". Hoặc như trường hợp của chị Khánh Dung, có con 8 tuổi. Con chị trước vẫn thường uống 3 hộp sữa mỗi ngày nhưng gần đây có biểu hiện ngán sữa. Vì vậy, chị phải thường xuyên lên mạng, tìm hiểu thông tin và "biến tấu" sữa thành các món ăn như trái cây dầm sữa tươi, gà nấu sữa, súp măng tây... Con chị cũng không chịu ăn.
Phương pháp này chỉ mang tính tương đối, có thể trẻ thích hoặc không nhưng để thúc đẩy trẻ uống sữa chủ động thì chưa đủ thuyết phục. Vì vậy, cần có hương vị nào đó khiến trẻ thích uống sữa và uống sữa chủ động.
Trẻ ngán sữa - câu hỏi chưa có lời đáp
Trên các tạp chí nước ngoài, đã có nhiều bài viết điều tra về thực tế ngày càng có nhiều trẻ em không thích sữa nhưng vẫn không tìm được lời giải vì sao. Dễ dàng bắt gặp các chủ đề "Tại sao ngày càng nhiều trẻ em không thích sữa?" thu hút hàng ngàn lượt xem và bình luận những vẫn không tìm được lý giải phù hợp. Nhiều người cho rằng vì uống nhiều sữa quá sẽ khiến trẻ bị ngán. Không cùng ý kiến, số khác lại nghĩ vì đến tuổi mà trẻ không muốn uống nữa mà thôi...
Cha mẹ muốn con được phát triển tối ưu và đảm bảo nguồn năng lượng cung cấp cho mọi hoạt động. Vì vậy, sữa là thực phẩm quan trọng mà bậc phụ huynh nào cũng muốn con uống mỗi ngày. Tuy nhiên, băn khoăn, lo lắng và đối phó trẻ ngán sữa khi không hiểu con muốn gì sẽ tạo áp lực không chỉ riêng cho con trẻ mà còn cho cả bản thân những người làm cha mẹ.
Hoài Ngô
Theo TNO
Giúp quý bà không 'về hưu' sớm trong 'chuyện ấy' Mãn kinh là một giai đoạn tất yếu xảy ra trong cuộc đời mỗi người phụ nữ, đánh dấu việc kết thúc khả năng sinh sản cũng như suy giảm chức năng tình dục. Trước khi mãn kinh, các Eva còn phải trải qua một giai đoạn tiền mãn kinh - thời kỳ trước khi dứt hẳn kinh nguyệt với những biểu hiện...