Trạm cứu hộ trái tim: Đừng chê nữa, vì có thể bạn đã bỏ qua những điều tuyệt vời này!
Đúng là Trạm cứu hộ trái tim không thiếu những hạt sạn, nhưng cũng có những điều tuyệt vời, và một đoạn kết thật sự “chữa lành”.
“Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn”.
Tôi cứ nhớ đến trích dẫn này từ cuốn sách “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” của Luis Sepúlveda sau khi xem xong tập cuối Trạm cứu hộ trái tim, cuốn sách kể về đàn mèo ở bến cảng nuôi nấng, yêu thương và đùm bọc một chú hải âu con. Trong Trạm cứu hộ trái tim có rất nhiều “con mèo” như thế.
Không khó để hiểu tại sao Trạm cứu hộ trái tim lại là bộ phim gây tranh cãi nhiều đến thế. Nhưng trong bài viết này, xin được phép bỏ qua tất cả những hạt sạn liên quan đến câu chuyện chuyên môn nghiệp vụ, hay những tình tiết được cho là khiên cưỡng, thậm chí ngô nghê. Chỉ xin được phép nói về những điều tử tế ngọt ngào, điều mà tập cuối Trạm cứu hộ trái tim đã kết nối được và khiến những khán giả như tôi nhận ra, hóa ra từ đầu tới cuối, bất chấp những sóng gió, chỉ trích, bộ phim vẫn luôn trung thành với cái lõi của câu chuyện, trung thành với bức thông điệp lan truyền những giá trị tốt đẹp của mình.
Ngân Hà trong Trạm cứu hộ trái tim gây tranh cãi bởi nhiều lý do: nhạt nhẽo, ngu ngơ, không đủ mưu sâu kế hiểm, cũng không đủ mạnh mẽ đứng lên tự bảo vệ mình… Xem Ngân Hà, khán giả chưa thấy “đã”. Cũng khó trách người xem, vì đúng là nhân vật này không thực sự là một vai diễn xuất sắc của Hồng Diễm. Thêm nữa, việc diễn một nhân vật từ đầu tới cuối không có gì ngoài sự tử tế và thiện lương, đương nhiên sẽ không thể gây ấn tượng bằng những vai diễn phản diện đa sắc thái.
Nhưng cá nhân tôi từng rất thích một bình luận của khán giả xem phim bảo vệ Ngân Hà, đại ý rằng nếu Ngân Hà cũng thâm hiểm như An Nhiên, cũng tâm cơ như Nghĩa, cũng nhất quyết đứng lên đòi lại công bằng, ăn miếng trả miếng như Mỹ Đình, thì bộ phim sẽ không bao giờ có hồi kết. Và rồi sẽ có thêm bao nhiêu đứa trẻ nữa cũng lớn lên như Nghĩa, như Nhiên của quá khứ? Chẳng phải lấy nhân nghĩa, tử tế và vị tha để cảm hóa những điều xấu xa trong cuộc đời này mới là đích đến cuối cùng của con người hay sao?
Nếu Ngân Hà cũng đáp trả An Nhiên và Nghĩa bằng đúng cái cách mà họ gieo bất hạnh xuống cuộc đời cô, thì thử hỏi sẽ có đoạn kết Anh Chi, Kitty và Gôn chơi thân với nhau hay không? Hay cả những đứa trẻ cũng sẽ trở nên hận thù, oán giận, và rồi mang theo vết sẹo ấy đến hết đời?
Video đang HOT
Có lẽ sẽ không bao giờ có một An Nhiên oán giận, sân si, một Nghĩa hận thù, một Vũ sợ yêu đương và kết hôn, hay một Ngân Hà thiếu thốn tình cảm đến thế nếu như năm xưa, các bậc phụ huynh cư xử khác. Giá như bà Lan ứng xử mềm mại hơn với cô bé bị cầm nhầm đôi giày múa; giá như ông Trường khéo léo hơn và tìm cách giúp đỡ người bạn hoạn nạn của mình; giá như bà Trúc không đi ngoại tình… thì có lẽ những đứa trẻ như Nhiên, như Nghĩa, như Vũ đã lớn lên với một cuộc đời khác.
Điều tuyệt vời ở Ngân Hà, đó là cô đã không để cho bi kịch ấy lặp lại với thế hệ sau. Dù cho Ngân Hà có khiến người xem tức đến mất ngủ, thì cho đến sau cùng, bộ phim vẫn chứng minh những lựa chọn của cô, cách ứng xử của cô là chính xác.
Trở lại với câu chuyện “con mèo dạy hải âu bay”, một điều tuyệt vời khác ở Trạm cứu hộ trái tim, là bộ phim xây dựng rất nhiều nhân vật “con mèo” như thế, những kẻ yêu thương và đùm bọc một ai đó không giống mình. Đó là khi Ngân Hà cưu mang, giúp đỡ Anh Chi dù cả hai chỉ là người dưng nước lã. Đó là khi Nghĩa vẫn chấp nhận và che chở cho Gôn dù cậu bé chính là hiện thân của… cặp sừng mà An Nhiên đã cắm lên đầu anh suốt bao năm. Đó cũng là khi Vũ luôn dành tình yêu vô điều kiện cho Kitty – con gái riêng của Hà.
“Tại sao chị tốt với em thế?” là câu hỏi mà bé Gôn dành cho Anh Chi. Câu hỏi ấy, có lẽ chẳng ai trả lời được. Bởi lòng tốt là thứ đẹp đẽ luôn tồn tại mà chẳng cần bất cứ lý do gì. Nếu thứ gì đến trong đời cũng phải đi kèm với điều kiện, thì cuộc đời này nghiệt ngã biết bao nhiêu. Ngân Hà, dù là nhân vật chẳng được lòng tất cả, dù bị chỉ trích rất nhiều bởi những thất bại, những xôi hỏng bỏng không trong nhiều việc, thì vẫn luôn có một việc nữ chính làm rất xuất sắc, ấy chính là gieo hạt mầm của lòng tốt và lan tỏa nó đến rất nhiều người.
Tôi rất thích cách bộ phim xây dựng nhân vật Anh Chi, từ một cô bé mồ côi trở thành một tình nguyện viên, mang tiếng nói của “trạm cứu hộ trái tim” vượt ra khỏi biên giới Tổ quốc. Nếu năm xưa, cô gái ngu ngơ Nguyễn Nguyễn Ngân Hà không gieo một hạt mầm lòng tốt bằng việc giúp đỡ một bé gái 12 tuổi bị tố ăn trộm trong siêu thị, thì liệu rằng rất nhiều năm sau đó, có một tình nguyện viên Anh Chi năng nổ, lan tỏa sức mạnh của lòng tốt đến bao mảnh đời bất hạnh ở những quốc gia xa xôi hay không?
Một số cư dân mạng cười cợt tình tiết Ngân Hà được bình chọn là một trong những người phụ nữ Việt Nam thay đổi thế giới, sau nhiều năm hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng. Người ta không hiểu Ngân Hà làm được trò trống gì mà đòi thay đổi thế giới? Xin thưa, “thế giới” được nói đến không hẳn là quả địa cầu, mà đó chỉ đơn giản là thế giới xung quanh nơi con người ta đang sống, lao động và cống hiến. Ngân Hà chỉ là một người phụ nữ nhỏ bé có trái tim bao dung và rất nhiều lòng tốt. Thế giới xung quanh chúng ta đều có thể trở nên tốt đẹp hơn, đáng sống hơn, bớt “toxic” đi nhờ những trái tim bao dung và thiện lương như Ngân Hà.
Đúng là Trạm cứu hộ trái tim không thiếu những hạt sạn, nhưng cũng có những điều tuyệt vời như vậy, và đoạn kết phim thật sự “chữa lành”, dành cho những ai là người xem phim đúng nghĩa chứ không chỉ xem trích đoạn!
Khi diễn viên truyền hình 'ngược sóng'
Vân Dung chịu đánh, chịu khóc như thể bị rút hết sức lực. Cù Thị Trà chuyên vai tiểu tam lại trở thành người cương trực...
Rũ bỏ hình tượng cũ
Cù Thị Trà coi vai vận động viên đấu kiếm Đông trong Những nẻo đường gần xa như một cơ hội lớn để "rũ bỏ" bóng dáng tiểu tam đã "hằn sâu" trong khán giả về mình. Chính vì thế, cô đầu tư rất nhiều thời gian cho vai diễn. Cù Thị Trà xin học tại lò tập đấu kiếm để có thể hiểu được môn thể thao và nắm bắt tinh thần của bộ môn này.
"Tôi nói với huấn luyện viên, anh cứ cho em tập nhiều hơn nữa lên, gấp mấy lần người mới tập cũng được. Dù vai của tôi có thể dùng người đóng thế cảnh đấu kiếm nhưng tôi vẫn muốn tập để tự đóng các cảnh này", Cù Thị Trà chia sẻ.
"Táo bà" Vân Dung (giữa) có một vai diễn khó đoán trong Người một nhà. VFC
Chọn ngược như vậy một phần do ê kíp sản xuất, muốn thử khả năng của diễn viên, và họ cũng tin diễn viên có thể thay đổi được. Thứ nữa, họ muốn xây dựng một nhóm diễn viên nòng cốt, vẫn những con người đấy và khả năng diễn xuất ứng biến được mở rộng dần ra. - NSND Trung Anh
Trong khi đó, ở Người một nhà, vai diễn bà Thư của "Táo bà" Vân Dung cũng là một vai "ngược sóng" với những gì danh hài thường diễn. Trước đó, chị từng vào vai mẹ Diễm trong phim truyền hình Ghét thì yêu thôi, mẹ Diễm Loan trong Hướng dương ngược nắng, bà chủ trọ Vân trong 11 tháng 5 ngày, bà Thanh trong Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ... Ở những vai diễn này, nhân vật của Vân Dung có điểm chung là các bà mẹ có con gái, có duyên nhờ những miếng hài xinh xinh nho nhỏ trong phim. Tuy nhiên, ở Người một nhà, bà Thư dường như bị "dìm" trong đòn roi, hành hạ và nước mắt. Một nhân vật khá u ám, thậm chí ở những tập đầu tiên khiến khán giả vô cùng ức chế.
Đến chính Vân Dung cũng chia sẻ sự "ngược sóng" này. Nữ diễn viên cho biết đây là lần đầu tiên vào vai không đánh người mà bị người đánh. Thậm chí, có cảnh quay bị đánh khiến chị choáng 2 ngày liền.
"Đây là vai diễn đầu tiên tôi ngoan, tôi hiền, tôi lành và tôi cam chịu như thế... Tất cả những cảnh khóc với tôi thì không khó, nhưng tôi rất sợ vì những cảnh đó làm tôi rất mệt. Hầu như là rút hết 200% sức lực của tôi, rút ruột rút gan và cứ mỗi một cảnh như thế khóc xong, quay xong tôi không thể thở được, tim tôi cứ đập thình thịch", Vân Dung nhớ lại.
Cù Thị Trà trong phim Những nẻo đường gần xa. CHỤP MÀN HÌNH
NSND Thu Hà, vốn luôn gắn với hình tượng tiểu thư "lá ngọc cành vàng", vẻ dịu dàng ngoan hiền, lại liên tiếp có những vai diễn "ngược sóng". Năm 2021, chị nhận vai bà Bạch Cúc trong Hướng dương ngược nắng, một người đàn bà mưu mô. Đây là vai diễn mà chính NSND Thu Hà cũng phải thốt lên là trái ngược hoàn toàn với mình ngoài đời đến 80% về tất cả mọi thứ. Năm 2024, NSND Thu Hà vào vai bà Hạ Lan trong Trạm cứu hộ trái tim, một người đàn bà có vẻ ngoài lạnh lùng, cay nghiệt với chồng con, luôn có những quyết định cực kỳ tỉnh táo. Đặt trên nền Trạm cứu hộ trái tim có nhiều tình tiết thiếu logic, vai diễn Hạ Lan thậm chí còn được coi là "gánh team" cho tác phẩm này.
Cũng có thể kể đến nhiều nghệ sĩ khác đã đi theo sóng ngược, để có những vai diễn khác phù hợp với mình. Đó là NSND Trung Anh, người từng thành công nổi bật với vai xã hội đen Lương Bổng trong Người phán xử. Trước đó, NSND Trung Anh vẫn được đánh giá cao với những vai hiền lành kiểu như ông bố quốc dân của Về nhà đi con thì Lương Bổng lại là nhân vật cực kỳ máu lạnh, có số má trong giang hồ. NSƯT Thanh Quý đột nhiên trở thành một bà mẹ chồng ghê gớm trong Hoa hồng trên ngực trái, sẵn sàng đặt điều cho con dâu, cố tình cho con dâu uống thuốc tránh thai để không thể có con...
Tăng khả năng diễn xuất ứng biến
Tới thời điểm này, vai diễn của Cù Thị Trà ở Những nẻo đường gần xa vẫn đang dừng lại ở mức tàm tạm. Cô chưa có được những phân cảnh đắt giá, khiến khán giả phải nhớ và nhắc đến như khi làm tiểu tam trong các phim Hành trình công lý, Đừng làm mẹ cáu, Chúng ta của 8 năm sau, Gặp em ngày nắng. Mặc dù vậy, bộ phim vẫn tiếp tục lên sóng và khán giả có thể chờ đợi cô thể hiện ở những tập tiếp theo. Trong khi đó, vai diễn của Vân Dung đã qua thời điểm bị khán giả thắc mắc về độ u ám.
NSND Trung Anh cho biết: "Nói về tâm lý diễn viên, ai cũng muốn làm nhiều dạng vai, nhất là những dạng vai ngược. Tức là mình luôn được chọn ở cái dạng vai này, bỗng dưng được chọn cái dạng vai ngược lại thì diễn viên thường thích làm kiểu như thế". NSND Trung Anh cũng cho biết, chính trong sự đi ngược này, diễn viên sẽ phải tìm kiếm những điều phù hợp với mình. Chẳng hạn, Lương Bổng là vai ông bị làm khó nhất.
NSND Thu Hà trong Trạm cứu hộ trái tim. CHỤP MÀN HÌNH
"Vai đó làm khó tôi rất nhiều. Hình thể như tôi thì không thể đóng ngầu kiểu đi đứng khuỳnh khoàng hay xăm trổ được, làm thế thì không thể lại được với những người có hình thể cao lớn. Tôi phải chọn cách dùng ánh mắt để thể hiện kiểu ngầu của mình. Tôi thường xuyên chiếm gương, tập với gương ở nhà liên tục", NSND Trung Anh chia sẻ.
Về việc liệu có phải do thiếu diễn viên phim truyền hình nên các diễn viên được đề nghị đóng vai "ngược sóng" không, ông Trung Anh cho rằng không phải. "Chọn ngược như vậy một phần do ê kíp sản xuất, muốn thử khả năng của diễn viên, và họ cũng tin diễn viên có thể thay đổi được. Thứ nữa, họ muốn xây dựng một nhóm diễn viên nòng cốt, vẫn những con người đấy và khả năng diễn xuất ứng biến được mở rộng dần ra", NSND Trung Anh nói.
Việc xây dựng những "diễn viên nòng cốt" như vậy có vẻ đúng với nhiều trường hợp như NSND Lan Hương "Bông", hay NSƯT Thanh Quý, nghệ sĩ Tú Oanh... Họ được mời liên tục ở nhiều dạng vai khác nhau, hiền có, dữ có, chính có, phụ có. Điểm chung của họ là dù ở vị trí nào cũng tạo nên những vai diễn thú vị và được nhiều khán giả yêu quý.
Khán giả bình phim Việt: An Nhiên đáng thương hơn nữ chính 'Trạm cứu hộ trái tim'? Phim 'Trạm cứu hộ trái tim' đang bắt đầu xoáy sâu vào những diễn biến tâm lý của nhân vật An Nhiên. Khán giả cho rằng đây là nhân vật đáng thương nhất phim chứ không phải nữ chính. Ở tập tối qua của Trạm cứu hộ trái tim, sau khi bị mẹ chồng "hạ nốc ao", lên sóng trực tiếp bênh vực...