Trạm cấp nước Mỹ Đình II trắng trợn lừa dân suốt 10 năm
Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở khu đô thị Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội phải trả một khoản tiền không nhỏ để được dùng nước… nhiễm asen vượt quá giới hạn cho phép gấp từ 2-8 lần.
Sự thật, này đã khiến toàn bộ những hộ dân ở đây vô cùng phẫn nộ.
“Cháy nhà ra mặt chuột”
Những ngày này tại khu đô thị Mỹ Đình II, chúng tôi bắt gặp cảnh nhà nhà dùng nước tinh khiết đóng bình, người người dùng nước tinh khiết đóng bình. Họ mua nước đóng bình về sử dụng trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Cho nên, số lượng nước đóng bình tiêu thụ ở đây tăng lên đột biến. Chỉ cần bước vào bất cứ một ngôi nhà nào thì bình nước dựng chật kín góc sân, thềm nhà. Hỏi ra mới hay, người dân sợ nước nhiễm asen do tòa nhà cung cấp nên không dám sử dụng, dù đã nhận được thông báo về việc cơ quan chức năng ngừng cung cấp nước từ trạm cấp nước Mỹ Đình II và mở van đấu nối với nguồn nước sạch của nhà máy nước Sông Đà – Hòa Bình để người dân tạm thời sử dụng trong khi chờ khắc phục.
Người dân thấy mình bị lừa một cách trắng trợn trong 10 năm qua nên vô cùng tức giận. Bây giờ, không ai dám sử dụng nước để ăn uống. “Nước sạch” giờ chỉ có một nhiệm vụ là để giội bồn cầu. Cuộc sống của họ gần như bị đảo lộn hoàn toàn.
Video đang HOT
Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, ông Vũ Anh Trị, cư dân phòng 420, CT5 bức xúc: “Chúng tôi chuyển về đây sinh sống ngay khi khu đô thị đưa vào hoạt động năm 2004. Nhiều lần pha trà uống, thấy màu nước trà có biểu hiện lạ, tôi đã sinh nghi nhưng không ngờ nồng độ asen trong nước lại cao như thế. Chúng tôi đã ký hợp đồng dùng nước sạch. Họ cũng nói, cấp nước sạch cho chúng tôi dùng đồng thời trộn thêm 50% nguồn nước sạch của nhà máy nước Sông Đà – Hòa Bình.
“Trước đây, mỗi khi đường nước Sông Đà bị vỡ, họ yêu cầu chúng tôi sử dụng nước tiết kiệm. Tuy nhiên, đến nay khi các cơ quan chức năng điều tra nồng độ asen trong mẫu nước cao và đã yêu cầu trạm cấp nước Mỹ Đình II (công ty TNHH một thành viên Dịch vụ nhà ở và khu đô thị – HUDS là chủ đầu tư xây dựng và cũng là đơn vị quản lý vận hành) thì mới lộ ra sự thật rằng: Chúng tôi chưa từng được sử dụng một giọt nước nào từ 50% nước của nhà máy nước Sông Đà – Hoà Bình như họ nói. Một sự lừa đảo trắng trợn. Đúng là “cháy nhà mới ra mặt chuột”, ông Trị nói.
Bà Hồ Thu Cát ở B12, BT6 cho biết: “Chúng tôi ở dưới khu biệt thự. Cũng may, một số gia đình vẫn còn giữ được giếng tự khoan từ ngày làm nhà để sử dụng nên giờ trở thành nguồn nước dùng chung cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, nước này chúng tôi chỉ dùng để tắm giặt, còn ăn, uống đều phải sử dụng nước tinh khiết đóng bình. Mỗi ngày, nhiều gia đình ở đây phải bỏ tiền triệu để mua nước đóng bình về dùng”. Cùng bức xúc với cách làm ăn có tính lừa đảo của phía trạm cấp nước Mỹ Đình II, ông Vũ Văn Dần, CT1A thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Phía cơ quan quản lý đã khắc phục việc dừng cấp nước bằng cách hứa sẽ đấu nối đường nước Sông Đà cho người dân chúng tôi sử dụng. Tuy nhiên, nước về rất nhỏ giọt. Hơn nữa, đối với những gia đình có trẻ nhỏ với nhu cầu sử dụng nước cao thì vô cùng bất tiện. Đợt tới đây, tôi phải đưa cả gia đình đi khám bệnh tổng thể xem sao vì đã 10 năm sử dụng nguồn nước nhiễm độc này rồi, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe là cao lắm”.
Người dân ở khu đô thị Mỹ Đình II trình bày nỗi bức xúc của mình với PV.
Cơ cực chịu đựng vì không còn sự lựa chọn
Theo phản ánh của nhiều hộ dân, họ vẫn nghi ngại chuyện phía công ty nước sạch nói đã đấu nối đường nước Sông Đà tạm thời cho bà con sử dụng trong khi khắc phục sự cố. Bà Phạm Thị Minh Nguyệt, phòng 312, CT5 rất ái ngại cho hay: “Họ đã họp tổ dân phố, ra thông báo nói tạm thời đấu nối đường ống nước Sông Đà nhưng thực lòng, chúng tôi nghe thì biết vậy chứ đâu được chứng kiến mà biết họ có đấu nối thật hay không”.
Hơn nữa, hiện tại nước về rất nhỏ giọt. Họ nói do khu dân cư đông nên cần đợi đồng hồ tổng lớn hơn mới đáp ứng hết nhu cầu. Tuy nhiên, nước về chỉ được 10-15 phút vào buổi sáng và tối. Như thế, nước chỉ đủ cho một số nhà có đường ống thấp dùng thôi. Đối với nhà ở tầng cao như nhà tôi, đường ống cao chẳng có tý nước nào suốt hai ngày hôm nay. Nhà có cháu nhỏ đều phải “sơ tán” đến nhà người quen. Muốn có nước dùng, chúng tôi phải mang thùng, xô xuống dưới tầng hầm để xe, nơi có bể chứa nước rồi đợi xếp hàng may ra mới có tý nước dùng. Mà dùng nước cũng chẳng biết có phải nước sạch thật không nữa nên vẫn phải mua và tích nước đóng bình tinh khiết trong nhà để dùng cho mọi sinh hoạt.
Còn bà Nguyễn Thị Thực, B50, BT1A lại tỏ quan điểm: “Bây giờ chúng tôi không muốn khắc phục gì hết, cũng không tin vào những sự cải tạo. Có cải tạo đến mấy rồi đâu lại vào đấy. Chúng tôi yêu cầu phía các cơ quan chức năng liên quan tìm cách cho chúng tôi được sử dụng nguyên nguồn nước sạch theo đường ống nước Sông Đà. Như thế, chúng tôi mới yên tâm. Giữa lòng Hà Nội mà dùng nước giếng khoan là không chấp nhận được. Nước giếng khoan lại nhiễm độc, nguy cơ hại đến sức khỏe cao thì thật là vô lương tâm. Họ đã “ăn” trắng trợn vào kinh tế và sức khỏe của chúng tôi”.
Chính quyền vẫn “vô tư”
Trong khi người dân rất bức xúc vì mình bị lừa, nhu cầu chính đáng và lòng tin bị xâm phạm trắng trợn thì phía chính quyền có vẻ “bình an vô sự”. Bởi khi trao đổi với bà Bùi Minh Phương, tổ trưởng tổ dân phố thì bà này cho rằng: “Hiện nay, nước sông Đà đã được đấu nối cho dân sử dụng. Các cơ quan chức năng đã khắc phục rồi và không còn vấn đề gì nữa”. Tuy nhiên, những gì chúng tôi ghi nhận thực tế thì hoàn toàn ngược lại.
Nhiễm asen lâu ngày có thể dẫn đến ung thư
Trả lời báo giới, PGS.TS. BS.Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng cục Quản lý môi trường y tế, bộ Y tế từng khẳng định: Asen (hay còn gọi là thạch tín) là một chất rất độc, độc gấp bốn lần thuỷ ngân. Asen nguyên tố và các hợp chất của asen được cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và liên minh châu âu (EU) công nhận là các chất gây ung thư nhóm 1. Khi uống phải một lượng thạch tín (As2O3) bằng nửa hạt ngô, người ta có thể chết ngay tức khắc. Asen có thể xâm nhập cơ thể theo ba đường: Hô hấp, da và chủ yếu là tiêu hóa. Nếu bị nhiễm độc từ từ, mỗi ngày một ít, tuỳ theo mức độ bị nhiễm và thể tạng mỗi người, có thể xuất hiện nhiều bệnh như: Rụng tóc, buồn nôn, sút cân, ung thư, giảm trí nhớ…,đặc biệt tác hại tới phụ nữ và trẻ em.
Asen khi thâm nhập hàng ngày vào cơ thể, kể cả ở hàm lượng thấp cũng gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe như: Gây hoại tử các vết loét ở tay, chân, làm rối loạn sắc tố da, sừng hóa gan bàn tay, gan bàn chân, thậm chí liên quan đến bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư bàng quang, ung thư gan.
Theo Đời sống & Pháp luật