Trầm cảm tăng vọt ở Mỹ
Mối lo về tình hình tài chính, sức khỏe khiến nhiều người Mỹ, đặc biệt là nhóm Mỹ Latin, gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong mùa dịch.
Theo một nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tỷ lệ người trầm cảm và có ý định tự tử đã tăng vọt trong đại dịch.
Từ tháng 4 đến tháng 5/2020, cuộc khảo sát trực tuyến theo dõi tỷ lệ trầm cảm, ý định tự tử và sử dụng chất kích thích của người Mỹ thông qua bảng câu hỏi.
Theo đó, các nhà nghiên cứu phát hiện tỷ lệ người mắc các bệnh tâm thần cao hơn so với ghi nhận trong các nghiên cứu khác, Insider đưa tin.
Trong những tháng đầu của đại dịch, 29% người lớn cho biết có các triệu chứng trầm cảm, tăng vọt so với con số 23,5% được báo cáo trước đó. 8% người được hỏi cho biết có ý định tự tử và 18% sử dụng chất kích thích, so với con số 13,3% được ước tính bởi một báo cáo trước đó của CDC.
Đại dịch ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe tâm thần của nhiều người. Ảnh: Flickr.
Video đang HOT
Đặc biệt, người Mỹ Latin là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Báo cáo cho thấy 40,3% trong số họ có các triệu chứng trầm cảm so với 25,3% người da trắng và 27,7% người da đen.
Người Mỹ Latin cũng có tỷ lệ định tự tử cao (22,9%, so với 5,3% của người da trắng và 5,2% ở người Mỹ da đen) và lạm dụng chất kích thích gia tăng (36,9%, so với khoảng 15% người Mỹ thuộc các nhóm khác).
Những phát hiện này nhấn mạnh mối quan ngại của các chuyên gia sức khỏe tâm thần kể từ khi đại dịch bắt đầu vào tháng 3/2020. Nhiều chuyên gia lo ngại một “làn sóng tự tử” có thể xảy ra do ảnh hưởng của đại dịch, đặc biệt là đối với các cộng đồng người da đen, Mỹ Latin có nguy cơ cao mắc Covid-19 và các bệnh nghiêm trọng khác.
Annette Nunez, nhà trị liệu tâm lý và là người sáng lập Not Your Standard Doctor, cho biết tỷ lệ mắc các bệnh tâm thần cao ở người Mỹ gốc Latin có thể là do cộng đồng của họ trên khắp nước Mỹ bị dịch Covid-19 tấn công đặc biệt nghiêm trọng.
Theo CDC, người Latin có nguy cơ nhập viện vì Covid-19 cao gấp 4 lần và nguy cơ tử vong do các biến chứng liên quan đến Covid-19 cao gấp 2,8 lần so với người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha.
Người Mỹ Latin đối mặt nhiều khó khăn về tài chính và sức khỏe tâm thần mùa dịch. Ảnh: Getty Image.
Theo nghiên cứu mới nhất của CDC, các cộng đồng người Mỹ Latin cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thất nghiệp, mất an ninh nhà ở và lương thực không ổn định. Nunez cho biết do mất việc làm, nhiều gia đình không có bảo hiểm để chi trả cho bất kỳ phương pháp điều trị y tế nào nếu có người trong nhà bị ốm.
Bên cạnh sự căng thẳng về tài chính và sức khỏe trong mùa dịch, tỷ lệ trầm cảm còn gia tăng trong cộng đồng này do nhiều người không thể thăm nom, gặp gỡ người thân.
“Nhiều người không dám nói về cảm giác buồn bã và lo lắng của mình vì xấu hổ. Lâu dần, những cảm xúc đó chuyển thành căng thẳng và trầm cảm”, Nunez nhận định.
Nunez cho biết các quan chức và nhân viên y tế nên ưu tiên xem xét các yếu tố như rào cản ngôn ngữ, tầm quan trọng của những người chữa bệnh bằng tâm linh và sự chú trọng đến tôn giáo trong một số cộng đồng khi đang phát triển các chương trình hỗ trợ người dân.
Thiếu nữ tâm thần bị nhốt trong chuồng 5 năm
Không có tiền điều trị, lại sợ cô gái tâm thần tự làm mình bị thương, gia đình dựng một cái chuồng sắt nhỏ trong nhà để nhốt cô.
Cô gái đã bị nhốt trong chuồng sắt 5 năm vì gia đình không đủ tiền điều trị. Ảnh: Sun .
Cô gái 29 tuổi sống cùng gia đình và từng mơ ước trở thành người mẫu chuyên nghiệp trước khi được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm hồi năm 2014, một người bạn cho biết.
Cô gái gặp hiện tượng ảo giác và phải nằm trong khoa tâm thần bệnh viện ở tỉnh Negros Occidental. Theo người bạn trên, sau một năm điều trị, tình trạng của cô gái có cải thiện nên các bác sĩ cho phép về nhà.
Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên tồi tệ sau khi bố cô gái đổ bệnh năm 2015, đồng nghĩa với việc gia đình không đủ điều kiện kinh tế để thuốc thang cho cô. Do cô không được dùng thuốc nên tình trạng trầm cảm và ảo giác lại bắt đầu xuất hiện.
"Đôi lúc cô ấy ném đồ đạc vào hàng xóm, hoặc đi lang thang ra khỏi nhà rồi lên xe buýt. Có lần gia đình phải đi tìm và một tuần sau mới biết cô ấy đang ở tỉnh Cebu, sau khi được cảnh sát thông báo", người bạn nói, cầu mong sẽ có tổ chức nào đó ra tay giúp đỡ.
Để ngăn cô trốn khỏi nhà, gia đình đành phải dựng một cái chuồng nhỏ trong nhà rồi nhốt cô vào trong. Video được quay lại cho thấy người phụ nữ trẻ ngồi trong chuồng, loay hoay tìm cách mở cửa và thì thầm với người đang ghi hình mình.
"Cô ấy cứ gặm nhấm chiếc váy đang mặc cho đến khi nó nát tươm, vì thế người nhà phải lấy bao tải may thành đồ cho cô ấy mặc. Họ phải nhốt lại để cô không tự làm đau mình, không phải vì họ không yêu thương cô nữa", người bạn khẳng định.
Hiện tại, người bạn này cầu cứu sự trợ giúp của các nhà chức trách và tổ chức liên quan để đưa cô gái quay lại bệnh viện điều trị.
"Các dịch vụ y tế hiện rất đắt đỏ, đặc biệt là những bệnh viện tâm thần tư nhân. Tôi hy vọng sẽ có người giúp đỡ đưa cô ấy trở lại con người trước đây", người bạn nói thêm.
Nước Anh chống chọi với cơn lốc xoáy biến chủng SARS-CoV-2 Nước Anh bước vào phong tỏa toàn quốc lần thứ ba trong vòng chưa đầy 10 tháng, một thực tế mà rất nhiều người Anh đến giờ vẫn còn thấy là điều khó tin. Như lời một bài hát vui, rằng nếu như có cỗ máy thời gian, thì mọi người sẽ bỏ qua năm 2020, để thể hiện cảm xúc trầm cảm,...