Trái phiếu DN – nguồn vốn tiềm tàng của dự án PPP
“Nếu như việc huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cho dự án PPP khó, tại sao không huy động từ thị trường vốn trong nước?” – ông Dominic Scriven, Trưởng nhóm Công tác thị trường vốn của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đặt vấn đề.
Bài toán nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho dự án PPP cần có nhiều lời giải. Ảnh: Lê Tiên
Giải quyết được câu hỏi này có thể mở ra một lời giải tốt cho bài toán nguồn vốn cho đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP).
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, riêng danh mục dự án PPP ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020 của các bộ, ngành, địa phương đề xuất thì tổng nhu cầu đầu tư theo hình thức PPP đã là 375 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoảng 120 nghìn tỷ đồng là dự kiến vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án, còn lại cần huy động từ khu vực tư nhân.
Thời gian qua, dự án PPP chủ yếu huy động vốn vay từ các ngân hàng thương mại trong nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, việc huy động nguồn tín dụng trong nước hiện nay cho các dự án PPP giao thông nói riêng, dự án PPP nói chung là rất khó khăn. Lý do vì dự án PPP thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn dài. Hiện các ngân hàng trong nước sử dụng nguồn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước đang có chủ trương giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và phù hợp thông lệ quốc tế.
Nguồn vốn tín dụng thương mại nước ngoài có khả năng về nguồn cung vốn và thời hạn vay tốt hơn so với mặt bằng trong nước. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các dự án PPP hạ tầng lớn, quan trọng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông thời gian qua cho thấy, các tổ chức tín dụng nước ngoài đều yêu cầu các cơ chế bảo lãnh rủi ro về lưu lượng, doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ, quy hoạch… Trong khi đó, cơ chế, chính sách và nguồn lực để bảo lãnh các rủi ro nêu trên là chưa sẵn sàng.
Bài toán nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho dự án PPP sẽ cần phải có nhiều lời giải.
Một trong số đó, theo gợi ý của ông Dominic Scriven là từ thị trường vốn trong nước. Theo số liệu của Nhóm Công tác thị trường vốn của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, thị trường vốn Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể trong mấy năm qua, cả về tổng giá trị vốn hóa của thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu, từ 70 tỷ USD lên 200 tỷ USD. Tổng giá trị giao dịch hàng ngày của hai thị trường này tính đến cuối năm 2018 hay đầu năm 2019 có thể sẽ vượt 1 tỷ USD/ngày. Tổng số vốn huy động được cho các đơn vị phát hành/doanh nghiệp trong nước đạt 5 – 10 tỷ USD.
Ông Dominic Scriven nhận định, quy mô thị trường vốn khá lớn, gần bằng GDP là số liệu cần suy nghĩ để có hướng thu hút vào dự án PPP. Ông Dominic Scriven nói rõ hơn, khi nói về vai trò của thị trường vốn đối với dự án PPP không nên nói về cổ phiếu, mà nên lưu ý nhiều hơn về trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp.
Để huy động được vốn, ông Dominic Scriven cho biết, phải xây dựng được một mạng lưới nhà đầu tư tổ chức của Việt Nam. Bởi vì hiện nay, hoạt động trên thị trường vốn của các nhà đầu tư tổ chức mới chiếm 20%, còn lại là nhà đầu tư cá nhân. Người Việt đầu tư chứng khoán lướt sóng rất nhiều, sẽ rất khác với đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp dự án PPP.
Video đang HOT
Về vấn đề người bán ra – nhà phát hành trái phiếu, đối với doanh nghiệp dự án PPP là công ty mới thành lập sẽ khó huy động vốn trong dân chúng. Trái phiếu doanh nghiệp dự án PPP cần được phát hành thông qua các nhà phát hành riêng lẻ cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, không phát hành ra công chúng. Việc phát hành đó được đơn giản về thủ tục, thậm chí không cần có lợi nhuận.
Đối với câu chuyện huy động vốn vay từ các ngân hàng nước ngoài, ông Dominic Scriven chia sẻ, nếu không có công cụ bảo lãnh về tỷ giá, thì cần phát triển các thị trường phái sinh, thị trường tương lai về tỷ giá để cân đối rủi ro. Nhà đầu tư và ngân hàng nước ngoài không am hiểu thị trường Việt Nam nên cần tham gia vào các giao dịch phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá giữa VND và đồng tiền của nước họ. Một thị trường phái sinh phát triển đầy đủ sẽ giúp nhà đầu tư, ngân hàng nước ngoài giảm rủi ro rất nhiều khi bỏ nguồn vốn lớn tham gia vào các dự án PPP tại Việt Nam.
Nguyệt Minh
Theo baodauthau.vn
Đầu tư PPP: Doanh nghiệp ngoại muốn Việt Nam chịu một phần rủi ro về ngoại hối
"Chúng tôi đã nghe đề cập nhiều lần về những rủi ro ngoại hối nhưng trên thực tế phải có một bên chấp nhận chịu những rủi ro này. Nếu các nhà đầu tư nước ngoài phải chịu, họ sẽ tính giá các rủi ro đó vào dự án khiến cho chi phí dự án tăng cao hơn và không mang tính kinh tế cao", ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam nói.
DN nước ngoài kiến nghị về dự án PPP - Ảnh: Internet
Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam cho rằng, trước khi nguồn tài chính quốc tế có thể "chảy" tới để hỗ trợ chương trình PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) tại Việt Nam thì quan trọng nhất là việc cân bằng hợp lý các rủi ro.
Phải có bên chịu rủi ro ngoại hối
"Chúng tôi đã nghe đề cập nhiều lần về những rủi ro ngoại hối nhưng trên thực tế phải có một bên chấp nhận chịu những rủi ro này. Nếu các nhà đầu tư nước ngoài phải chịu, họ sẽ tính giá các rủi ro đó vào dự án khiến cho chi phí dự án tăng cao hơn và không mang tính kinh tế cao. Vấn đề ở đây là sự cân bằng rủi ro thay đổi theo dự án và tùy hoàn cảnh, và không dễ dàng để viết thành luật", ông Kenneth Atkinson nêu.
Ông Ryu Hang Ha - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) nêu quan điểm để thúc đẩy đầu tư vào hình thức PPP, các nhà đầu tư cần được cho phép có nhiều lựa chọn khác nhau để huy động vốn đầu tư. Tuy nhiên, hiện các quy định nghiêm ngặt đã trở thành trở ngại cho việc đầu tư.
Trong Nghị định 63/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về PPP, điểm quan trọng nhất là "sự đảm bảo của chính phủ" đối với việc chia sẻ rủi ro giữa chính phủ và nhà đầu tư vẫn chưa được sửa đổi.
Còn ông Koji Ito - Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đề nghị quy định rõ hơn về các trường hợp áp dụng luật nước ngoài.
Điều 467 của Nghị định 63 có quy định các hợp đồng có liên quan của dự án có thể áp dụng luật nước ngoài, nhưng Nghị định 63 lại không quy định rõ là có thể áp dụng luật nước ngoài đối với những hợp đồng mà một trong các bên kí kết là pháp nhân nước ngoài hay không?
Bên cạnh đó, cho phép sử dụng trọng tài bên ngoài Việt Nam đối với toàn bộ các dự án hạ tầng, bao gồm cả bất động sản (liên quan đến quy định về giải quyết tranh chấp). Những tranh chấp phát sinh tại các dự án PPP liên quan đến xây dựng, kinh doanh thiết bị cơ sở hạ tầng, có thể hiểu rộng ra là đều thuộc các dự án bất động sản. Do vậy, sẽ ảnh hưởng xấu đến việc thu xếp tài chính cho dự án từ các tổ chức tài chính nước ngoài.
Diễn đàn kinh tế Việt Nam thường niên 2018
Hiệp hội này cũng đề nghị cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp có quyền thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền kinh doanh thiết bị dự án.
Nghị định 63 có quy định về việc thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền kinh doanh thiết bị dự án. Tuy nhiên, Luật Đất đai và Luật Dân sự lại không quy định rõ việc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được phép nhận thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Do đó, vẫn còn tồn tại vấn đề là nhà đầu tư và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn.
Ngoài ra, phía doanh nghiệp Nhật cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam phải chịu một mức độ rủi ro nhất định trong việc chuyển đổi tỷ giá (liên quan đến thanh toán đáo hạn).
Không có dự án PPP thật sự?
Ông Tony Foster - Trưởng nhóm Công tác cơ sở hạ tầng của VBF nhận định, hầu như không có bất kỳ dự án nào tuân theo cơ chế PPP quy định tại Nghị định 15 và Nghị định 63 (Quy Chế PPP).
"Không có dự án PPP nào nhận được nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính căn cứ theo Nghị định 15. Mặc dù có nhiều sự nhầm lẫn trên báo chí về tên gọi của PPP, chúng tôi không biết có bất kỳ dự án PPP nào theo quy chế PPP đã được hoàn thành bởi các nhà tài trợ tư nhân hoặc là dự án được các ngân hàng tư nhân hỗ trợ tài chính", ông Tony Foster nêu.
Tại sao không có các dự án PPP thật sự? Chuyên gia này đặt câu hỏi và lý giải rằng PPP rất phức tạp, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của nhà nước là có hạn. Vì vậy, chắc chắn sẽ phát sinh các vấn đề chính trị.
Hơn nữa, PPP chỉ có thể bền vững nếu được thực hiện hiệu quả và công bằng. Điều này có nghĩa là phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia là những người có thể quản lý chương trình.
Ông Tony Foster cho rằng các vướng mắc chính đối với PPP hiện nay là không có hướng dẫn hoặc cẩm nang hướng dẫn về việc làm thế nào để nhận được nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính. Do đó, các nhà đầu tư tư nhân và ASAs không biết làm thế nào để được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, việc không có các nguyên tắc cung cấp nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính đã khiến nhiều nhà tài trợ và ASAs cho rằng PPP sẽ cần rất nhiều thời gian. Vì thế, dường như là họ không mặn mà lắm với PPP.
Kỳ vọng gì ở luật PPP mới?
Các chuyên gia của nhóm công tác cho rằng luật PPP mới nên có một cách tiếp cận khác, nên xem xét các dự án PPP từ góc nhìn thị trường và thương mại, thay vì góc nhìn của dự án đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân truyền thống. Nhà đầu tư tham gia đấu thầu được tự do cơ cấu dự án theo cách thức tốt nhất và tuân thủ pháp luật hiện hành.
Theo nhóm công tác, một trong những khó khăn mà các dự án PPP gặp phải là việc xác định nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt tài chính cho các dự án. Luật PPP mới nên làm rõ các vấn đề liên quan đến các bảo đảm và bảo lãnh đối với dự án, cũng như các nguyên tắc về chuẩn bị và giải ngân nguồn vốn hỗ trợ bù đắp tài chính cho dự án.
Nghị định 63 quy định nhà đầu tư dự án có thể chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án đã ký kết cho bên cho vay, hoặc nhà đầu tư khác chỉ sau khi hoàn tất việc xây dựng, hoặc là (nếu dự án không có công trình xây dựng) ngày vận hành thương mại. Nghị định 63 không đưa ra bất kỳ ngoại lệ nào cho hạn chế này, nên có thể gây ra quan ngại đối với việc thực hiện dự án PPP.
Lý do là việc chuyển nhượng luôn cần phải được chấp thuận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, là cơ quan sẽ xem xét và chấp thuận nhà đầu tư mới. Việc hạn chế chuyển nhượng này có thể là không cần thiết.
Hơn nữa, việc hạn chế chuyển nhượng cho bên cho vay trước khi hoàn tất xây dựng hoặc trước ngày vận hành thương mại, tùy từng trường hợp, là không thể chấp nhận được đối với bên cho vay. Do dó, quy định này có thể ảnh hưởng đến việc huy động vốn trong giai đoạn xây dựng của các dự án PPP.
Nhóm công tác cũng đề xuất nên bỏ quy định công khai thông tin chi tiết về giá dịch vụ và chỉ giữ lại quy định về công khai các thông tin cơ bản về dự án. Luật PPP mới cũng nên quy định linh hoạt hơn về việc huy động vốn cho dự án, như cho phép các dự án PPP không phải áp dụng các điều kiện về phát hành trái phiếu trong một số trường hợp cụ thể và phụ thuộc vào các điều kiện áp dụng với bên mua trái phiếu...
Lam Thanh
Theo motthegioi.vn
Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm vướng mắc dự án chống ngập 10.000 tỷ tại TP.HCM Thủ tướng Chính phủ vừa giao Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm tra, xác minh các vấn đề được nêu tại báo cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn xây dựng Meinhardt về dự án chống ngập, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong thực hiện dự...