Trái phiếu Chính phủ phát hành năm 2019 chủ yếu được dùng làm gì?
Tính từ đầu năm đến nay đã có tổng cộng 197.419 tỷ đồng TPCP được phát hành, cao hơn 19% so với cả năm 2018.
Theo báo cáo thị trường tiền tệ hàng tuần của Trung tâm Phân tích & Tư vấn đầu tư thuộc công ty chứng khoán SSI vừa công bố, trong tuần đến ngày 13/12 vừa qua, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã dừng gọi thầu sau 4 tuần phát hành liên tiếp. Kho bạc Nhà nước ( KBNN) gọi thầu 6.000 tỷ đồng với các kỳ hạn 10,15 và 20 năm. Nhu cầu với kỳ hạn 10 và 15 năm khá cao và toàn bộ lượng gọi thầu được bán hết, đây cũng là 2 kỳ hạn được các NHTM ưa thích.
Lãi suất trúng thầu chững lại đà giảm trong vài phiên gần đây và nhích nhẹ 2 điểm cơ bản (bps) ở kỳ hạn 15 năm. Đối với kỳ hạn 20 năm, lượng đăng ký chỉ bằng 67% lượng chào bán và không phát hành thành công. Lãi suất đăng ký thấp nhất ở kỳ hạn 20 năm là 4,06%/năm, vẫn cao hơn mức lãi suất trúng thầu tại phiên gần nhất vào cuối tháng 11 là 4bps.
Tính từ đầu năm đến nay, có tổng cộng 197.419 tỷ đồng TPCP được phát hành, cao hơn 19% so với cả năm 2018, chủ yếu là để tài trợ nguồn trả nợ gốc. Lượng TPCP tăng thêm (phát hành – đáo hạn) từ đầu năm đến nay thực chất giảm 28% so với cả năm 2018. Lượng phát hành các kỳ hạn 5 năm và 7 năm tiếp tục thu hẹp, chỉ khoảng 13,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 7% tổng lượng phát hành. Kỳ hạn trái phiếu trúng thầu bình quân tăng từ 12,15 năm trong 2018 lên 13,57 năm.
Video đang HOT
Năm 2020 có khoảng 128 nghìn tỷ đồng TPCP đến hạn (gồm cả 1 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ) – cao hơn 11,6% so với 2019. SSI Research cho rằng, nhu cầu đầu tư TPCP để tăng tài sản có thanh khoản của các NHTM và xu hướng nới lỏng tiền tệ sẽ khiến lãi suất TPCP rất có thể sẽ giảm tiếp trong 2020 nhưng mức giảm sẽ nhỏ hơn nhiều so với 2019 và nằm trong khoảng 30-50bps.
Trên thị trường thứ cấp, thanh khoản liên ngân hàng giảm bớt đã khiến lãi suất nhích tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lợi tức TPCP các kỳ hạn 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm lần lượt là 1,55%/năm, 1,82%/năm, 2,01%/năm, 3,51%/năm, 3,65% năm, 4,07%/năm và 4,49%/năm; tương ứng 6bps, -7bps, 3bps, 1bp, 2bps, 2bps và -1bp so với tuần trước.
Thanh khoản thị trường cải thiện với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 45,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với tuần trước trong đó giao dịch outright chiếm 58%. NĐTNN mua ròng mạnh tới 1.878 tỷ đồng sau 2 tháng giao dịch yếu và chủ yếu là bán ròng. Kỳ hạn được mua ròng chủ yếu là 25-30 năm, lên tới 1.988 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, NĐTNN đã mua ròng 15.153 tỷ đồng TPCP trên thị trường thứ cấp.
Phương Thảo
Theo Toquoc.vn
Hút vốn hiệu quả từ thị trường trái phiếu Chính phủ
Tại Hội nghị 10 năm hoạt động và phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ diễn ra ngày 12/10, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã và đang trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho đầu tư phát triển.
Cần cải thiện thanh khoản thị trường TPCP để thu hút nhà đầu tư mới. Ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức.
"Thị trường TPCP Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ vừa qua là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á", bà Phan Thị Thu Hiền nói.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, quy mô thị trường TPCP đến hết tháng 11/2019 bằng 25,1% GDP năm 2019, gấp 12 lần so với năm 2009. Khối lượng giao dịch bình quân phiên trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 9.000 tỷ đồng/phiên, tăng 24 lần so với năm 2009, bằng 0,9% dư nợ trái phiếu niêm yết.
Bên cạnh đó, thị trường TPCP đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho ngân sách Nhà nước (NSNN), gắn phát hành TPCP với tái cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài khi thị trường thuận lợi, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư. Trong giai đoạn 2009 - 2019, kênh phát hành TPCP đã huy động được 1,96 triệu tỷ đồng cho NSNN, bình quân đạt khoang 175.000 tỷ đồng/năm.
Việc tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài, với chi phí huy động vốn hợp lý đã tạo điều kiện cho Chính phủ tăng vay nợ tại thị trường trong nước, giảm vay nợ nước ngoài, góp phần giảm rủi ro của danh mục nợ công.
Ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia trưởng tài chính Ngân hàng thế giới (WB) cho biết: Thời gian qua, thị trường TPCP đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. WB đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước Việt Nam trong việc hợp tác, thúc đẩy quan hệ, phát triển thị trường TPCP Việt Nam.
Tuy nhiên, chuyên gia của WB cũng khuyến nghị: Trong xu thế thị trường TPCP Việt Nam ngày càng lớn mạnh, cần mở rộng mạng lưới các nhà đầu tư nắm giữ TPCP để giảm dần sự phụ thuộc vào các nhà đầu tư từ khu vực ngân hàng; cần có khung pháp lý khuyến khích đông đảo, đa dạng hơn các nhà đầu tư ngoài ngân hàng (bảo hiểm, các quỹ đầu tư...) và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường TPCP, củng cố danh mục TPCP để số lượng mã trái phiếu ít hơn, nhưng quy mô và tính thanh khoản tốt hơn.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, cần gắn kết giữa huy động vốn TPCP với điều hành NSNN và quản lý ngân quỹ; xác định cụ thể khối lượng huy động vốn hàng năm, công bố công khai lịch biểu, khối lượng, kỳ hạn phát hành trái phiếu chi tiết theo hàng quý để nhà đầu tư chủ động bố trí nguồn vốn tham gia; tiếp tục cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch, rút ngắn quy trình từ khâu phát hành đến đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán trái phiếu phù hợp với định hướng phát triển công nghệ 4.0 để tăng thanh khoản trên thị trường thứ cấp.
Theo Minh Phương/Báo Tin tức
Huy động hơn 26 nghìn tỷ TPCP trong tháng 11/2019 Tháng 11/2019, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức 25 phiên đấu thầu, huy động được tổng cộng 26.126 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP), tăng 29% so với tháng 10/2019. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm Trong đó, có 13.729 tỷ đồng TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành và 12.397 tỷ đồng TPCP...