Trái phiếu Chính phủ – kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế
Thời gian qua, Bộ Tài chính thực hiện nhiều biện pháp phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ gắn với tái cơ cấu nợ công và đạt những kết quả nhất định. Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về những vấn đề có liên quan đến phát triển thị trường trái phiếu.
Đa dạng hóa nhà đầu tư, tăng quy mô giao dịch
Phóng viên (PV): Thưa bà, từ trước năm 2015, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp về khung khổ pháp lý để phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ nhưng phải đối mặt với một số khó khăn?
Bà Phan Thị Thu Hiền: Đúng vậy, chúng ta gặp một số khó khăn chính như thị trường trái phiếu Chính phủ quy mô nhỏ (năm 2014 là 13,84% GDP), các ngân hàng thương mại nắm giữ đến 79,7% thị phần năm 2014; trái phiếu Chính phủ đa phần phát hành kỳ hạn dưới 5 năm, theo đó, kỳ hạn bình quân danh mục nợ trái phiếu Chính phủ có năm chỉ 2,38 năm (cuối năm 2013), ảnh hưởng đến tính bền vững nợ công. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện các giải pháp tái cơ cấu thị trường gắn với tái cơ cấu nợ công nhằm mục đích kéo dài kỳ hạn danh mục nợ trái phiếu Chính phủ, đa dạng hóa nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ. Kết quả đạt được đến nay là khả quan khi kỳ hạn trái phiếu Chính phủ được kéo dài, các sản phẩm trái phiếu phát hành trên thị trường với nhiều loại kỳ hạn, nhà đầu tư ngày càng đa dạng.
Bà Phan Thị Thu Hiền.
PV: Xin bà cho biết những kết quả cụ thể hơn?
Bà Phan Thị Thu Hiền: Có thể khẳng định, nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ có sự thay đổi căn bản theo hướng mở rộng, đa dạng hóa, giảm mạnh tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại. Tính đến cuối tháng 7-2018, tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại là 51,1% (giảm mạnh so với mức 79,7% năm 2014); còn lại là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các công ty bảo hiểm (trong đó chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ), Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư khác nắm giữ. Ngoài ra, bên cạnh sản phẩm trái phiếu truyền thống với lãi suất cố định đã phát triển sản phẩm trái phiếu không trả lãi định kỳ, trái phiếu có kỳ trả lãi linh hoạt. Đồng thời đã phát hành đa dạng các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm để hình thành đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường trái phiếu. Sự đa dạng này giúp quy mô giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng lên mức khoảng 9.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2017, tăng mạnh so với mức khoảng 1.000-2.000 tỷ đồng/phiên trong giai đoạn 2011-2013. Trong 7 tháng năm 2018, giá trị giao dịch bình quân đạt khoảng 10.400 tỷ đồng/phiên… Như vậy có thể thấy, trái phiếu Chính phủ ngày càng khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của nền kinh tế.
Mức độ phát triển chưa tương xứng
PV: Có những ý kiến cho rằng cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ vẫn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Khi ngân hàng tập trung vào mua trái phiếu Chính phủ thì sẽ không muốn cho vay đối với doanh nghiệp?
Bà Phan Thị Thu Hiền: Với chủ trương đa dạng hóa hệ thống các nhà đầu tư trên thị trường, Bô Tài chính đã tập trung xây dựng và hoàn thiên khung pháp lý làm cơ sở cho viêc hình thành và phát triển các nhà đầu tư dài hạn, tạo cầu bền vững cho thị trường, bao gồm: Quỹ hưu trí tự nguyện; quỹ bảo hiểm liên kết; khuyến khích hoạt động đầu tư vào trái phiếu của các công ty bảo hiểm, bảo hiểm tiền gửi, nhà đầu tư nước ngoài. Do đó có thể nói rằng, thị trường trái phiếu Chính phủ hiện nay không còn lệ thuộc vào các ngân hàng. Tôi cũng khẳng định việc mua trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng thương mại không ảnh hưởng đến hoạt động cho vay. Bởi ngân hàng thương mại nắm giữ trái phiếu Chính phủ với hai mục tiêu: Mua và nắm giữ trái phiếu để bảo đảm các chỉ tiêu an toàn vốn, sinh lời và mua để kinh doanh trái phiếu khi có nguồn vốn nhàn rỗi nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Trong quá trình hoạt động, các ngân hàng thương mại luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
PV: Nếu so với các nước trong khu vực thì thị trường trái phiếu Việt Nam đang đứng ở đâu và có thể phát triển tiếp ra sao?
Bà Phan Thị Thu Hiền: Nếu so sánh với tiềm năng của nền kinh tế và các nước trong khu vực thì quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn nhỏ. Tính đến thời điểm tháng 7-2018, dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam là 39,9% GDP năm 2017, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ là 29,2% GDP năm 2017. Tại thời điểm hiện tại, quy mô thị trường trái phiếu của Malaysia là 95% GDP (thị trường trái phiếu Chính phủ chiếm 49,7% GDP); Thái Lan là 73% GDP (thị trường trái phiếu Chính phủ chiếm 53% GDP), Hàn Quốc là 124,6% GDP (thị trường trái phiếu Chính phủ chiếm 73,6% GDP), Trung Quốc là 68,8% GDP (thị trường trái phiếu Chính phủ chiếm 49,8% GDP)…
Video đang HOT
Nguyên nhân chủ yếu là do sự phát triển của nền kinh tế còn ở mức độ thấp nên nguồn vốn tiết kiệm dài hạn từ các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí bắt buộc còn hạn chế, trong khi hệ thống các quỹ hưu trí tự nguyện đang bắt đầu hình thành. Hoạt động của nhà tạo lập thị trường chủ yếu tập trung trên thị trường sơ cấp, vai trò trên thị trường thứ cấp còn hạn chế. Hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp với tốc độ phát triển của thị trường. Thời gian tới, thị trường trái phiếu Chính phủ cần phát triển các sản phẩm mới, vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, thực hiện các giải pháp nhằm tăng thanh khoản trên thị trường, tăng quy mô giao dịch. Năm 2019, chúng tôi sẽ tập trung phát triển nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ theo thông lệ quốc tế, thí điểm nghĩa vụ chào giá cam kết chắc chắn hai chiều đối với nhà tạo lập thị trường nhằm thúc đẩy phát triển thị trường thứ cấp.
PV: Trân trọng cảm ơn bà.
HOÀNG GIANG (thực hiện)
Theo qdnd.vn
Chờ cú bật của thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Sẽ có một đầu mối trung tâm thông tin, một sàn giao dịch tập trung các trái phiếu. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng có lộ trình để sớm thành lập. Tương lai cho kênh huy động vốn phi ngân hàng được Chủ tịch UBCKNN tiết lộ mới đây.
Chuyển động mới trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Email thông báo lợi suất trái phiếu do một doanh nghiệp bất động sản phát hành được một công ty chứng khoán gửi tới các khách hàng mới đây, với lợi suất đầu tư kỳ hạn 12 tháng hơn 9%/năm. Mức vốn đầu tư tối thiểu yêu cầu là 200 triệu đồng.
Ở một công ty chứng khoán khác vốn khá có thế mạnh trong lĩnh vực này, số trái phiếu doanh nghiệp chào bán tới các nhà đầu tư đã lên khoảng 30-40 sản phẩm. Không chỉ ở CTCK, một người gửi tiền khi đến giao dịch tại ngân hàng đúng dịp cũng có thể được nhân viên giới thiệu đầu tư sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp.
Một thực tế thời gian gần đây là sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp đang được bán rộng rãi hơn tới nhiều đối tượng. Trái chủ của nhiều doanh nghiệp ngoài ngân hàng còn có doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân...
Nguyên nhân cũng một phần bởi các ngân hàng - người mua chính các trái phiếu doanh nghiệp trước đây - bị hạn chế hơn khi rót vốn vào sản phẩm này. Thông tư 15/2018 có hiệu lực ngày 2/8 đã yêu cầu kiểm soát nội bộ chặt chẽ và nghiêm cấm các ngân hàng mua trái phiếu DN để đảo nợ. Hơn nữa, khi lãi suất trái phiếu Chính phủ hay lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm và ở mức thấp như vài tháng trước, lợi suất cao hơn cũng là nguyên nhân khiến trái phiếu doanh nghiệp trở nên hấp dẫn.
Đi kèm với việc đưa trái phiếu doanh nghiệp tới đại chúng, hiện đã có nhiều hơn các tổ chức phát hành niêm yết trái phiếu trên sàn chứng khoán. Số liệu thống kê trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM cho thấy, hiện đã có tổng cộng 10 tổ chức phát hành niêm yết 45 loại trái phiếu trên sàn này.
Nếu như trước đó sân chơi trái phiếu doanh nghiệp niêm yết chỉ có sự tham gia của một vài cái tên như Vingroup, CII, HIFC thì ngay cả những đơn vị chưa niêm yết cổ phiếu như Anco, TTC Edu cũng góp mặt. Từ năm 2017, tổng cộng có thêm 19 trái phiếu với giá trị niêm yết 17.730 tỷ đồng được lên sàn.
Vẫn chờ một cú bật
Bóc riêng một góc nhỏ là nhóm các trái phiếu doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn, điểm tích cực có thể thấy là thanh khoản trên thị trường này đã sôi động hơn với khối lượng giao dịch 8 tháng đầu năm xấp xỉ cả năm trước. KLGD của thị trường trái phiếu niêm yết quý II tăng 61% cùng kỳ.
KLGD của thị trường trái phiếu niêm yết quý II gấp 1,61 lần cùng kỳ - Nguồn: HoSE
Quy mô trái phiếu niêm yết ở HoSE cũng tăng nhanh so với thời gian trước, xấp xỉ 22.482 tỷ đồng. Nhưng nhìn sang quy mô cổ phiếu cùng sàn, giá trị trái phiếu niêm yết chỉ tương đương 3,06%.
Quy mô toàn bộ thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện xấp xỉ 1,25% GDP. Trong khi vốn tín dụng tương đương khoảng 130% GDP. Vốn huy động từ thị trường chứng khoán dù vẫn khiêm tốn nhưng cũng đã xuất hiện nhiều hơn các thương vụ tỷ đô chào bán cổ phần. Bên cạnh việc giá cổ phiếu tăng và sự gia nhập của nhiều doanh nghiệp mới, số tiền có thêm nhờ phát hành cổ phiếu mới cũng là một yếu tố giúp vốn hóa thị trường chứng khoán có thời điểm vượt mức 70% GDP.
Xét về cả giá trị tuyệt đối và tỷ trọng so với GDP, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đều thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia trong khu vực. Tại Malaysia, thị trường này có quy mô tương đương hơn 40% GDP.
Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam thấp hơn đáng kể so với nhiều nước-Nguồn HSC
Băn khoăn về một thị trường trái phiếu doanh nghiệp chậm lớn đã trở thành vấn đề được tập trung thảo luận trong Diễn đàn thị trường vốn và tài chính tổ chức gần đây khi các chuyên gia bàn về các kênh huy động vốn phi ngân hàng và sự mất cân đối của nền kinh tế khi quá phụ thuộc vào tín dụng.
Điều mà thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu hiện nay được nhiều chuyên gia nhắc tới cũng chính là câu chuyện minh bạch, sự thiếu vắng một cơ quan xếp hạng tín nhiệm và tính thanh khoản của thị trường.
Chủ tịch UBCKNN cũng thừa nhận việc Việt Nam chưa có tổ chức tín nhiệm có uy tín để xếp hạng là một nguyên nhân khiến kênh huy động qua trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, việc phát triển thị trường này còn phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của thị trường, nhận thức xã hội để tiếp cận các sản phẩm tài chính mới.
Cùng đó thị trường trái phiếu Chính phủ trước đây cũng chưa phát triển đủ để trở thành tiêu chí chuẩn (benchmark) cho thị trường. Nhưng đến giai đoạn này, theo ông Dũng, trái phiếu Chính phủ của Việt Nam đã có thanh khoản và cấu trúc kỳ hạn tốt, đường cong lợi suất hợp lý... Đây sẽ là cơ sở để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở thời điểm hiện nay.
"Khi mua trái phiếu doanh nghiệp, chúng tôi hy vọng doanh nghiệp sẽ được đánh giá tín nhiệm và niêm yết trên sàn chứng khoán để tăng tính thanh khoản", ông Andy Ho nhấn mạnh.
Theo ông, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm được thành lập cần được đánh giá cao trên thế giới. Không thể sử dụng một cơ quan xếp hạng tín nhiệm không tốt, bảo vệ/ che đậy cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, ông Andy Ho đưa ra ý kiến về việc cải cách thủ tục về phá sản để đảm bảo giảm rủi ro tín dụng cho trái chủ.
Ông Andy Ho đề xuất sớm thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín-Ảnh: VnExpress
Ông Ketut Kusuma, Chuyên gia cao cấp về Thị trường vốn Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định thị trường trái phiếu bị giới hạn bởi tính minh bạch hạn chế, thông tin về nhà phát hành và thị trường không có sẵn đối với phần đông các nhà đầu tư (đặc biệt là các tổ chức phi ngân hàng).
Theo một đề xuất được Giám đốc Khối Khách hàng tổ chức và nghiên cứu CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) Fiachra MacCana đưa ra, bản thân phía tổ chức phát hành cần cung cấp thông tin tốt hơn, chính xác, nhanh chóng và tin cậy để nhà đầu tư cảm thấy yên tâm khi rót tiền vào Việt Nam.
Sẽ có trung tâm thông tin và sàn giao dịch chung cho trái phiếu doanh nghiệp
Từ phía đại diện cơ quan quản lý, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết Bộ Tài chính cùng cơ quan này đang xây dựng đề án thành lập thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Rút kinh nghiệm từ trái phiếu Chính phủ, tất cả thông tin sẽ được tập trung về một đầu mối là Trung tâm thông tin thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trung tâm này sẽ công bố các thông tin về việc phát hành và báo cáo tài chính. Bộ cũng chỉ đạo xây dựng sàn giao dịch tập trung để đưa các trái phiếu lên sàn niêm yết, qua đó nhà đầu tư có thể giao dịch cũng như biết được giá và định giá doanh nghiệp.
Khuôn khổ pháp lý để hình thành tổ chức xếp hạng tín nhiệm vốn đã có ở Việt Nam cách đây hai năm. Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cũng tiết lộ đã có đơn vị xin phép đăng ký thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Nhưng điều quan trọng hơn là tổ chức được thành lập phải có uy tín.
"Tổ chức xếp hạng tín nhiệm cần có thời gian hoạt động hoặc sự bảo đảm của Chính phủ để xây dựng uy tín cho tổ chức này. Như tại Thái Lan, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã được quốc gia này thành lập sau đó liên doanh với Moody's. Đây cũng là mô hình cần suy nghĩ để Việt Nam thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm giai đoạn tới", ông Dũng cho hay.
Chủ tịch UBCKNN: "Hoạch định chiến lược cần vừa đi tắt đón đầu vừa phù hợp với giai đoạn phát triển" - Ảnh: VnExpress
Đại diện Chính phủ - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Việt Nam cần có sự đột phá trong phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bên cạnh việc phát triển các định chế trung gian như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
Thị trường vẫn cần thời gian để lớn. Giới đầu tư vẫn đang chờ đợi từ những tích lũy về lượng để thị trường có thể đón nhận một cú bật đột phá sau những gợi mở về chính sách. Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, bảo hiểm, kênh trái phiếu khi được khơi thông cũng sẽ gỡ bài toán mất cân đối của nền kinh tế quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng hiện nay.
Theo Ngọc Linh
Người đồng hành
ECB hạ dự báo tăng trưởng hai năm 2018 và 2019 Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hạ dự báo tăng trưởng cho năm nay và năm 2019 xuống lần lượt là 2% và 1,8% so với mức 2,1% và 1,9% đưa ra trước đó. Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 13/9, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi thông báo thể chế này giữ nguyên dự...