Trải nghiệm ’sóng gió’ nơi ‘rốn thông tin’
Trong khoảng thời gian làm việc tại Cơ quan thường trú (CQTT) tại Mỹ từ năm 2018 tới nay, tôi nhận được khá nhiều lời động viên và chia sẻ của các đồng nghiệp từ các đơn vị thông tin của TTXVN ở trong nước, bởi cho rằng tôi đã có một nhiệm kỳ “sóng gió” như những gì nước Mỹ đã phải trải qua.
Phóng viên Đặng Huyền dẫn hiện trường làm tin bầu cử trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát ở nước Mỹ, ngày 10/3.
Có lẽ trong lịch sử, cường quốc số một thế giới này chưa khi nào lại phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn đến như vậy với không chỉ 3 cuộc khủng hoảng kép về kinh tế, sức khỏe, phân biệt chủng tộc, mà còn là sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội dẫn tới vụ bạo động trên Điện Capitol ngày 6/1/2021, nơi được coi là biểu tượng tôn nghiêm của nền dân chủ Mỹ. Những sự kiện và biến động lớn này chắc chắn có những tác động và ảnh hưởng không nhỏ tới công việc cũng như cuộc sống của các phóng viên thường trú như chúng tôi.
Tuy nhiên, vấn đề nào cũng luôn có hai mặt của nó và đối với tôi, đây chính là quãng thời gian làm việc tuyệt vời được miêu tả với 5 từ ngắn gọn, đó là “sôi động, thú vị, thách thức, hiệu quả và trải nghiệm nhất” trong suốt hơn 20 năm làm việc tại TTXVN, mà không phải đồng nghiệp ở CQTT ngoài nước cũng may mắn có được. Chỉ trong hơn 3 năm, bản thân tôi tự nhận ra mình đã trưởng thành hơn rất nhiều, không chỉ trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, công tác quản lý mà cả công tác đối ngoại nhờ sự nỗ lực phấn đấu, học hỏi không ngừng để vượt qua những khó khăn và thử thách.
Nhớ lại năm đầu khi “chân ướt chân ráo” tới Mỹ, tôi dường như bị ngợp trước biển tin tức ở nơi được coi là “rốn thông tin của vũ trụ”, mặc dù cũng đã ý thức trước được điều này cũng như được các lãnh đạo và các đồng nghiệp nhắc nhở. Vốn đã sôi động bởi là cường quốc hàng đầu với tầm ảnh hưởng lớn, bao trùm trên hầu hết các lĩnh vực và khu vực của thế giới, song dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ còn “ nóng” hơn bao giờ hết với một loạt những thay đổi đi ngược lại chính sách đối nội và đối ngoại truyền thống cũng như những phát biểu, tuyên bố và hành động “gây sốc” không theo chuẩn mực ngoại giao nào của ông chủ Nhà Trắng.
Sau năm đầu tiên làm việc trong môi trường đầy biến động và khó lường, tôi buộc phải thích nghi, năng động và nhạy bén hơn để nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình, để đưa ra những dự đoán và nhận định về chiều hướng thông tin, quan trọng hơn là phải lên được kế hoạch và sắp xếp thời gian hợp lý, khoa học để khớp với các bản tin ở nhà do chênh lệch múi giờ. Từ giai đoạn đầu bị “choáng ngợp”, tôi dần quen với áp lực công việc và việc thức tới 2 – 3h sáng đã trở thành chuyện “cơm bữa” khi phải hoàn thành kịp thời những bài viết phân tích sâu ngay sau khi sự kiện diễn ra cho các chuyên mục “Theo dòng thời sự”, “Tiêu điểm trong ngày”, hay chuẩn bị lên hình dẫn hiện trường cho các bản tin thời sự, talk bình luận sâu, phỏng vấn chuyên gia cho chương trình 360 độ hay điểm báo tuần.
Với tôi, năm nào trong nhiệm kỳ công tác tại Mỹ cũng để lại những dấu ấn và kỷ niệm khó quên gắn liền với các sự kiện chính trị quan trọng và nổi bật ở Mỹ. Nói tới năm 2018, tôi không thể không nhắc tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ với việc đảng Cộng hòa cầm quyền thất bại trong việc giữ quyền kiểm soát hạ viện, tạo thế cân bằng trong cơ quan lập pháp Mỹ và có tác động lớn tới các quyết sách của chính quyền Tổng thống Trump.
Video đang HOT
Lần đầu tiên làm tin bầu cử Mỹ là một trải nghiệm khá thú vị và cũng khá căng thẳng vào những giai đoạn nước rút. Khác với tưởng tượng của tôi rằng các địa điểm bầu cử của Mỹ chắc phải quy mô và hoành tráng, nhưng các điểm bỏ phiếu ở đây được tổ chức thật đơn giản, có khi chỉ là một khu nhà kho hay phòng học và các cử tri có thể ăn mặc thoải mái tại địa điểm bỏ phiếu, đặc biệt khi phỏng vấn thì không bao giờ các cử tri cho biết quan điểm của họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ ai.
2019 cũng là năm sôi động không kém với một sự kiện vô cùng đặc biệt: cuộc gặp Mỹ – Triều Tiên lần thứ hai diễn ra ở Việt Nam. Ngay sau thông báo chính thức Việt Nam được lựa chọn là nơi diễn ra sự kiện, không chỉ ở trong nước mới hối hả mà CQTT tại Washington cũng “sôi động” từng ngày với khâu chuẩn bị, lên kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp ở Ban biên tập tin Thế giới, TTXVN và Truyền hình Thông tấn. Đó thực sự là thời gian khá vất vả với các cuộc hẹn phỏng vấn chuyên gia, phỏng vấn phóng viên Mỹ sẽ tới Việt Nam để đưa tin sự kiện hay dẫn hiện trường, nhận định về khả năng đạt được thỏa thuận lúc nửa đêm hay sáng sớm khi nhiệt độ xuống âm độ.
Đây cũng là năm có nhiều chuyến thăm và làm việc nhất giữa Chính phủ Việt Nam và Mỹ. Chính vì vậy, việc có mặt tại các cơ quan Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng hay Bộ Tài chính Mỹ cũng là công việc thường xuyên của tôi cũng như các anh em phóng viên khác. Đó cũng là những lần đi làm tin căng thẳng và vất vả với các cuộc kiểm tra an ninh khắt khe, thủ tục và quy định phức tạp, hay phải chạy hối hả, len lỏi giữa các phóng viên của các hãng báo chí khác.
Bước vào năm 2020, tôi và anh em CQTT cũng chuẩn bị tâm thế “chiến đấu” trong sự kiện chính trị được cho là quan trọng và nổi bật nhất diễn ra 4 năm một lần ở cường quốc này – cuộc bầu cử tổng thống – với các kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết cho các chuyến đi tới những điểm tranh luận trực tiếp của các ứng cử viên hai đảng, cuộc bầu cử sơ bộ, đại hội của hai đảng, các cuộc tranh luận chính thức đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống cuối cùng, rồi các ngày bầu cử quan trọng như ngày ‘Siêu thứ Ba”.
Thế rồi, đại dịch COVID-19 xảy ra khiến nước Mỹ nhanh chóng bị nhấn chìm trong cuộc khủng hoảng y tế trước sự bất ngờ và bàng hoàng của thế giới. Mỹ ghi nhận số người mắc và tử vong vì COVID-19 hằng ngày tăng với tốc độ chóng mặt, trở thành tâm dịch của thế giới. Vào thời điểm đó, nhiều lúc tôi cứ nghĩ hay mình đang mơ, tuy nhiên giấc mơ đó lại có thật, đang hiện hữu trước mắt với nhiều nguy cơ và thách thức. Bản thân tôi, các phóng viên ở địa bàn cũng không thể tin nổi Mỹ có lúc lại rơi vào tình cảnh “khốn khó” đến vậy, khi các siêu thị và cửa hàng đều không có nước uống, khẩu trang, nước rửa tay khô, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh cho người dân trong những tháng đầu đại dịch bùng phát.
Với tôi, đó không chỉ là những khó khăn và thách thức về mặt tâm lý và tinh thần mà cả về trách nhiệm với công việc cũng như trách nhiệm đối với người thân, đồng nghiệp và với cộng đồng nơi mình đang sinh sống. Lúc đó, điều quan trọng nhất tôi xác định được chính là cần phải giữ vững niềm tin vượt qua đại dịch và phải nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Và cho tới thời điểm này, tôi và anh em cơ quan thường trú tự hào khẳng định, chúng tôi đã làm được.
Chắc chắn rằng, 2020 sẽ là một năm không thể nào quên với người dân Mỹ bởi đại dịch COVID-19 đã khiến nước Mỹ phải trải qua những khoảnh khắc đau thương khi hàng trăm nghìn người tử vong, rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ cuộc Đại suy thoái, phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sắc tộc với những cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra trong một thời gian dài trên hầu hết các thành phố, và kết thúc bằng bầu cử tổng thống gây tranh cãi cùng với vụ bạo loạn chết người tại Điện Capital. Còn với chúng tôi, đó cũng chính là quãng thời gian đi cùng nước Mỹ qua các sự kiện đó. Mỗi hình ảnh, bài viết gửi về không chỉ phản ánh sự kiện diễn ra, mà trong đó còn có tình yêu, trách nhiệm, nhiệt huyết và trải nghiệm của người phóng viên tại địa bàn.
Vất vả với công việc là vậy, nhưng không phải phóng viên chúng tôi không có những trải nghiệm thú vị khi được khám phá văn hóa, cuộc sống, con người và phong cảnh nước Mỹ. Sẽ là những khoảnh khắc tuyệt vời không thể quên khi được hòa cùng người dân đổ về khu trung tâm của thủ đô với những tiếng còi xe bấm theo nhạc để ăn mừng chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống, là cảm giác phiêu lưu và mạo hiểm khi đi trên những cung đường dài hàng trăm km chỉ có cánh đồng đá mà không có một trạm xăng nào hay phải đi nhờ trên chiếc xe container của lái xe đường dài bắt trên đường, là cảm xúc thật ấm áp khi nhận được sự giúp đỡ tận tình của người dân Mỹ trong mọi hoàn cảnh… Đối với tôi, thế đã là đủ để cảm thấy thật may mắn và có động lực để tiếp tục nỗ lực và cống hiến không ngừng cho dòng tin thông tấn.
Tác nghiệp trong hoàn cảnh chiến tranh
Cuộc đụng độ quân sự 11 ngày đêm giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas của Palestine vào trung tuần tháng 5/2021 đã gây ra không ít khó khăn, nguy hiểm cho các phóng viên Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Israel.
Phóng viên dẫn hiện trường tại thành phố Lod phải dùng thiết bị gọn nhẹ, cơ động.
Cuộc giao tranh giữa Israel và Palestine trung tuần tháng 5/2021 bắt nguồn sâu xa từ các vấn đề sắc tộc, tôn giáo. Vì vậy, mối nguy hiểm không chỉ đến từ bom đạn mà còn là nguy cơ bị những kẻ cực đoan quá khích ở cả hai bên tấn công. Theo thống kê, Hamas và các nhóm vũ trang ở Gaza đã phóng gần 4.000 quả rocket về phía Israel.
Trong 11 ngày diễn ra chiến sự, nhóm phóng viên TTXVN thường trú tại Israel đã có mặt tại hầu hết các điểm nóng, từ thánh địa Jerusalem nơi khởi nguồn của những mâu thuẫn tôn giáo, tới thành phố Lod nơi các cuộc bạo loạn sắc tộc diễn ra từng ngày từng giờ; từ hiện trường tên lửa rơi giữa khu dân cư đông đúc ở thành phố Tel Aviv tới các khu vực miền nam Israel nơi phải hứng chịu những làn "mưa rocket" bắn sang từ Dải Gaza. Đằng sau những hình ảnh, bài viết, phỏng vấn và dẫn hiện trường là tinh thần cảnh giác luôn thường trực trong quá trình tác nghiệp, tự đề phòng và bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm rình rập, có thể mất mạng bất cứ lúc nào.
Bị rocket tấn công nhiều nhất là thành phố miền trung nam gần ranh giới với Dải Gaza, đặc biệt là Askhelon nằm trên "vành đai lửa" của các chùm rocket hướng tới một loạt thành phố quan trọng dọc theo bờ biển Israel. Ngày thứ hai của cuộc chiến, thành phố này đã có hai người thiệt mạng và 90 người bị thương do bị các mảnh văng của rocket rơi trúng các khu dân cư. Đường phố Askhelon giữa trưa nhưng bên ngoài rất vắng vẻ. Bầu trời xanh ngắt càng nổi rõ những vệt khói trắng - đường đi của rocket. Giữa trung tâm thành phố lác đác mới có một vài chiếc xe đi lại. Công sở đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc. Người dân được cảnh báo ở trong phòng trú ẩn cả ngày, chỉ ra đường khi có việc khẩn cấp. Tại ngôi nhà bị tấn công hôm trước, cả bức tường dày phía sau và gara ôtô đã bị đánh sập. Các nạn nhân trong gia đình này đều đã được đưa vào bệnh viện thành phố. Những người hàng xóm vẫn chưa hoàn hồn khi thuật lại sự việc.
Hiện trường ngôi nhà bị trúng rocket tại Askhelon, nơi có 2 người thiệt mạng.
Với phóng viên nước ngoài, ai cũng phải ghi nhớ những kỹ năng cơ bản nhất để tránh rocket, liên tục theo dõi phần mềm cảnh báo trên điện thoại và học cách lắng nghe tiếng còi báo động để biết rocket đang ở xa hay gần. Gần biên giới với Palestine, tất cả chỉ có 10-15 giây để tìm chỗ trú ẩn. Những lúc không kịp chạy vào tòa nhà nào gần đó thì chỉ còn cách nằm rạp xuống đất, dùng tay che phần đầu và cổ rồi... phó mặc cho số phận quyết định. Tác nghiệp tại các khu vực miền trung và miền nam Israel trong những ngày này nguy cơ bị trúng đạn pháo là rất cao. Có phóng viên cẩn thận mặc cả áo chống đạn và đội mũ sắt. Thế nhưng nguy hiểm không ngăn được các phóng viên đổ về Askhelon bởi một tấm ảnh hoặc một đoạn clip ghi lại hậu quả chiến tranh đôi khi có giá trị gấp hàng nghìn lần lời nói.
Một mảnh rocket nhỏ tại thị trấn Netivot, gần biên giới với Gaza.
Tại Tel Aviv, trung tâm kinh tế chính trị quan trọng được bảo vệ hàng đầu của Israel, người dân không còn thờ ơ với cuộc chiến như những ngày đầu. Đường phố vắng vẻ hẳn vì nhiều người trú ẩn trong nhà. Dù đã quá quen với những tình huống chiến tranh, đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua người dân nơi đây phải chứng kiến thương vong khi tên lửa rơi xuống các quận Ramat Gan, Holon, Herzilya. Có thời điểm chỉ trong vòng 5 phút phía Hamas đã bắn dồn dập vào Tel Aviv tới 137 quả tên lửa và rocket. Phần mềm cảnh báo trên điện thoại đỏ quạch và tiếng còi báo động liên tục vang lên. Hệ thống phòng thủ "Vòm Sắt" được cho là có thể đánh chặn 90% số tên lửa bắn sang, nhưng 10% còn lại không ai dám chắc sẽ rơi vào đâu.Tâm lý sợ hãi có tác động dây chuyền và đầy ám ảnh.
Ngoài nguy hiểm bom đạn, nguy cơ bị hành hung khi đưa tin từ các thành phố nơi xảy ra xung đột giữa các cộng đồng dân cư cũng là một nỗi lo thường trực với các phóng viên, nhà báo. Với tâm lý thù ghét lẫn nhau giữa hai cộng đồng Do Thái và Arab ở các thành phố có hai cộng đồng cùng chung sống, những đối tượng quá khích đã xuống đường đập phá cửa hàng, nhà cửa, xe ô tô. Một số phóng viên đưa tin tại hiện trường đã bị tấn công và đập phá máy ảnh, máy quay. Trong một số trường hợp nhạy cảm, các phóng viên còn bị chính lực lượng an ninh dùng vũ lực để cản trở tác nghiệp. Không chỉ bị tấn công tại hiện trường, một số nhà báo địa phương còn nhận được những lời đe dọa tính mạng với lý do đưa tin không cân bằng, hoặc không ủng hộ bên này hoặc bên kia. Trên một số nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội như WhatsApp, Facebook hay Telegram, những kẻ cực hữu chửi bới, dọa nạt và huy động nhau tấn công phóng viên.
Phỏng vấn thị trưởng Askhelon.
Một số phóng viên bản địa có điều kiện đã được tòa soạn cử thêm vệ sĩ bảo vệ trong lúc tác nghiệp. Còn với các phóng viên khác, bản năng thường trực là quan sát và... chạy bất cứ khi nào có nguy hiểm. Mối đe dọa đôi khi chỉ thể hiện qua một ánh mắt thiếu thiện cảm của một phần tử cực hữu nào đó. Khi tác nghiệp tại thành phố Lod, các phóng viên đi tác nghiệp ít nhất phải có 2 người hỗ trợ nhau, có hình nhận diện phóng viên Việt Nam để tránh bị hiểu lầm. Quần áo gọn gàng, giày thể thao, thiết bị quay chụp nhỏ gọn, cơ động để có thể nhanh chóng rút lui khi cần.
Theo thống kê của Liên minh Nhà báo Israel, ít nhất 20 phóng viên các cơ quan báo chí đã bị tấn công gây thương tích hoặc bị đe dọa kể từ khi các cuộc bạo lực xảy ra ở Jerusalem cho đến khi cuộc xung đột chấm dứt vào ngày 21/5. Phía Palestine có một nhà báo thiệt mạng do trúng tên lửa. Rất may, các phóng viên của TTXVN thường trú tại địa bàn vẫn giữ được an toàn và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nỗi sợ hãi đã không thể ngăn cản phóng viên xông ra hiện trường phản ánh toàn cảnh cuộc chiến, với hàng trăm tin bài, phỏng vấn, phóng sự và chùm ảnh nóng hổi gửi về phục vụ bạn đọc trong nước.
Chìa khóa mở kho vaccine thế giới Trong cuộc họp ở Geneva (Thụy Sĩ) liên quan tới đề xuất tạm thời miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19, kết thúc rạng sáng 10/6, các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã nhất trí xây dựng lộ trình đàm phán hướng tới soạn thảo một thỏa thuận nhằm đạt mục tiêu tăng cường...