Trải nghiệm chưa từng có của 9X Việt tại Mỹ
Sống ở New York 7 năm, Võ Tường Vy (25 tuổi, quê TP HCM) chưa bao giờ khám bệnh online, đeo khẩu trang ra đường hay xếp hàng dài chờ đến lượt vào siêu thị.
Võ Tường Vy sống tại Brooklyn, thành phố New York, là cựu sinh viên Baruch College, đang hoàn thành chương trình thực tập ngành STEM sau tốt nghiệp tại một công ty tài chính. Tối 8/4, sau 8 tiếng làm việc online, Vy tắt máy tính, tập vài động tác thể dục rồi chuẩn bị rau, thịt đã mua từ thứ bảy tuần trước để nấu bữa tối. Ăn uống, vệ sinh cá nhân xong, Vy lại mở máy, gọi điện về hỏi thăm gia đình rồi vào kiểm tra phần việc của mình trong dự án gây quỹ cộng đồng của du học sinh Việt nhằm ủng hộ công tác phòng chống dịch tại quê nhà.
Hơn 20 ngày nay, trừ ba buổi sáng cuối tuần đi chợ, mọi sinh hoạt của Vy gói gọn trong căn hộ thuê cùng một chị bạn người Việt. “Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều kể từ giữa tháng 3, khi Covid-19 bùng phát ở New York. Nó khiến mình phải thay đổi trong tâm thế phòng bệnh chứ không mong được chữa bệnh. Hàng loạt hành động, thói quen chưa từng có trước đây giờ gắn với mình không rời”, Vy nói.
Võ Tường Vy chia sẻ về cuộc sống hiện tại ở New York.
Giữa tháng 2, khi đọc thông tin dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc và châu Á, thậm chí lan sang một số nước châu Âu, Vy rất lo lắng. Cô bắt đầu nghĩ tới việc đi tìm mua khẩu trang để phòng dịch, việc trước đó chưa bao giờ nghĩ tới khi ở Mỹ. Bởi quốc gia này không có văn hóa đeo khẩu trang như Việt Nam và một số nước châu Á. Đi 10 cửa hàng, Vy phải trắng tay ra về.
Lên Amazon, trang mua sắm trực tuyến lớn và phổ biến nhất ở Mỹ, để đặt hàng, Vy liên tục nhận được thông báo hết hàng hoặc còn hàng với mức giá trên trời. Cô không thể mua nổi một chiếc khẩu trang bởi từ đầu tháng 2, nhiều người châu Á ở Mỹ đã tìm mua trước Vy để phòng chống dịch.
Tuần sau đó, ghé vào hiệu thuốc sau giờ làm để mua một số thuốc thông dụng, Vy thử hỏi mua khẩu trang y tế, trong đầu nghĩ câu trả lời sẽ là “Không có”. May mắn, hiệu thuốc còn hàng. Cô mua được 16 chiếc cho mình và chị bạn cùng nhà. Để tiết kiệm khẩu trang cho trường hợp cần thiết, Vy thường quấn khăn kín mặt, đeo kính, đội mũ khi ra đường. Việc quàng khăn trùm mặt cũng giúp cô ít bị kỳ thị hơn khi nhiều người Mỹ tỏ thái độ phân biệt với những người gốc Á trong dịch này. Họ mặc định chỉ có người bị bệnh mới đeo khẩu trang.
Vy dùng khăn quàng kín mặt mỗi khi ra đường vì không mua được nhiều khẩu trang. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Đầu tháng 3, khi New York xác nhận những ca mắc Covid-19 đầu tiên, Vy đã đoán trước tình hình sẽ căng thẳng bởi New York đông dân, mọi người không ý thức hết sự nguy hiểm của loại virus này, vẫn thường xuyên tụ tập. Vy nghĩ chỉ cần một người nhiễm bước lên tàu điện ngầm là F0, F1 xuất hiện khắp thành phố. Trong khi đó, chính quyền không có biện pháp cách ly người bệnh và người tiếp xúc gần chặt chẽ như Việt Nam. Vy bắt đầu cẩn thận hơn, đặc biệt khi phải đi làm bằng tàu điện ngầm. Cô luôn bịt mặt kín nhất có thể, liên tục dùng nước rửa tay khô để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Giữa tháng 3, New York xác nhận gần 1.000 ca nhiễm và tình hình trở nên mất kiểm soát. Chính phủ lo lắng, đưa ra một số biện pháp để giảm tụ tập đông người như yêu cầu các công ty cho nhân viên làm việc từ xa, cửa hàng kinh doanh không thiết yếu buộc phải đóng cửa, người dân được yêu cầu ở nhà và nếu buộc phải ra ngoài thì đứng cách nhau tổi thiểu 2 m. Đường phố New York vắng lặng chưa từng thấy. Cách đây vài hôm, khi Chính phủ khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, đã có nhiều người Mỹ thực hiện. Đó là điều chưa từng có tiền lệ.
Công ty của Vy cho nhân viên làm việc ở nhà – tin mừng nhất giữa rất nhiều tin xấu mà Vy đọc mỗi ngày. Thậm chí, lịch hẹn khám lại với bác sĩ ở bệnh viện của Vy cũng bị huỷ và thay vào đó là khám online, kết nối với bác sĩ qua Internet. Cô không còn phải lo lắng hàng ngày lên tàu điện ngầm hai lần, đứng giữa hàng chục người không đeo khẩu trang hay ánh mắt kỳ thị của những người bản địa.
Đường phố Brooklyn, New York chỉ lác đác vài người đi bộ trong sáng 8/4. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Giờ đây mỗi tuần, Vy chỉ phải ra ngoài một lần để mua thực phẩm. Vy đã tưởng tượng cảnh mọi người vào chợ, siêu thị đông đúc bởi dù hạn chế ra đường, ai cũng cần phải mua nhu yếu phẩm. Cô chuẩn bị đầy đủ áo, khăn, mũ và cả găng tay để bảo hộ. Thay vì đi chợ vào nửa buổi như trước, Vy dậy từ sáng sớm, đến chợ lúc 7h để tránh phải tiếp xúc với nhiều người trong giờ cao điểm.
Ở chợ hay siêu thị lúc này luôn có người đứng ngoài sắp xếp, yêu cầu mọi người xếp hàng cách nhau 2 m và hạn chế số người vào mua hàng cùng lúc. Cách làm của địa phương khiến Vy yên tâm hơn nhưng vẫn không thể chủ quan. Khi về nhà, không cho đồ vào tủ lạnh ngay như mọi khi, cô đem hết thực phẩm mua được ra rửa lại với nước muối. Vy cũng cố gắng lựa những thực phẩm có thể để lâu, cung cấp nhiều vitamin giúp tăng đề kháng.
“Trước đây, mình chưa bao giờ cẩn thận đến mức đó, cũng chưa làm những hành động tỉ mỉ như vậy nhưng thực tế khiến mình phải thay đổi để an toàn”, Vy nói.
Đến ngày 8/4, New York có hơn 142.000 người nhiễm nCoV, gần 5.500 người chết, chiếm hơn 40% tổng số người tử vong vì Covid-19 ở Mỹ. Bệnh viện quá tải, đến mức không còn chỗ chứa xác bệnh nhân. Với những người có biểu hiện nhẹ như ho, sổ mũi, bệnh viện sẽ điều hướng khám với bác sĩ qua Internet chứ không được đến cơ sở y tế. Đối với những người có triệu chứng mắc Covid-19 rõ ràng, bác sĩ phải chẩn đoán qua Internet trước rồi mới quyết định có cho đến bệnh viện xét nghiệm hay không.
“Một chị bạn người Việt của mình đã sốt hơn một tuần, ho và khó thở, hai lần tự đến viện cấp cứu nhưng không được cho xét nghiệm và bị trả về. Lần thứ ba, khi sức khỏe quá yếu, chị đã tự đến hai bệnh viện nữa và được xét nghiệm, cấp cứu hồi sức nhưng sau đó cũng bị trả về trong đêm để tự chữa trị tại nhà”, Vy kể và cho hay đó không phải trường hợp cá biệt. Rất nhiều người ở Mỹ rơi vào tình trạng tương tự vì bệnh viện quá tải, bác sĩ phải lựa chọn điều trị cho ai.
“Mình trong nhóm tuổi có khả năng khỏi bệnh cao hơn đồng nghĩa cơ hội được chữa trị trong bệnh viện là ít hơn”, Vy nói tiếp, xác định không may nhiễm sẽ phải tự chữa.
Vy Võ ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Gia đình của Vy ở Việt Nam hiểu được tình hình nên lo lắng, bản thân Vy cũng lo nhưng chưa nghĩ sẽ về Việt Nam vào lúc này do có nhiều trở ngại liên quan đến công việc, hợp đồng thuê nhà, thủ tục xin lại visa nếu về Việt Nam và cả việc di chuyển trong thời gian này sẽ khó khăn.
Vy cho rằng mình may mắn hơn nhiều bạn du học sinh khác, những người phải đối mặt với đại dịch ở nơi đất khách quê người khi còn quá ít tuổi, trường cho nghỉ học không có ký túc xá để ở và cũng không có người thân bên cạnh. “Dù gì mình cũng có nguồn tài chính ổn định, có bảo hiểm y tế, công ty lại cho làm ở nhà nên có phần an tâm hơn”, Vy nói.
Song song với việc tự phòng bệnh, Vy luôn quan tâm đến sự vất vả của các bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu và những người trực tiếp tiếp xúc với người bệnh ở cả Mỹ và Việt Nam. Hiện, Vy tham gia điều hành dự án gây quỹ cộng đồng “ Pay It Forward by Du học sinh Việt Nam” để chung tay góp sức cho công tác chống dịch tại Việt Nam, đồng thời đóng góp cùng hội người Việt sinh sống ở Mỹ để lập quỹ mua khẩu trang cho y bác sĩ tại đây.
Vy mong dịch sớm qua đi để cuộc sống trở lại bình thường nhưng có lẽ sẽ phải chờ lâu bởi “Mỹ không kiểm soát dịch bệnh tốt như Việt Nam”. Cô kêu gọi mỗi cá nhân thực hiện đúng và nghiêm chỉnh những quy định về việc phòng chống để cùng chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh này.
Dương Tâm
Việt kiều Mỹ: Đảo lộn vì dịch Covid-19, người dân lại càn quét siêu thị
Để ngăn dịch Covid-19, các bang ở Mỹ như New Jersey, New York, Connecticut, Michigan và Maryland đóng cửa rạp chiếu phim, sòng bạc và phòng tập thể dục... cuộc sống của người Mỹ đảo lộn. Người dân lại càn quét siêu thị.
Một quán cà phê Việt Nam ở Los Angeles đã đóng cửa vì dịch Covid-19
Vì lo ngại dịch Covid-19, người dân tiếp tục ùn ùn đi mua hàng dự trữ tại các siêu thị và các chợ như Costco, Sam's Club, Walmart, Ralphs, Target...
Vì "cháy hàng" liên tục, nhiều chợ không còn đủ hàng để bán hoặc bán cầm chừng. Có nơi còn treo bảng đóng cửa khi dòng người xếp hàng còn dài.
Nhiều siêu thị, chợ bị "càn quét"
Nhiều kệ hàng trống trơn khi người dân kéo nhau đi mua hàng dự trữ
Cảnh "cháy hàng" trên nhiều kệ/tủ ở siêu thị
Các tiệm làm thẩm mỹ như tiệm nail hay tiệm tóc vắng thê thảm. Một số tiệm đóng cửa, một số tiệm hoạt động cầm chừng, chỉ nhận khách quen qua điện thoại và đề nghị nhân viên ở nhà.
Các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê cũng không còn khách hàng tới lui. Mấy ngày trước, thiên đường giải trí Las Vegas còn quảng cáo miễn phí phòng khách sạn cho du khách thì nay đã tuyên bố đóng cửa...
Và hàng triệu người yêu hoa rất tiếc nuối khi ban tổ chức Lễ hội hoa anh đào quốc gia thông báo hủy một số sự kiện.
Từ 16.3, học sinh bắt đầu học ở nhà, khiến nhiều gia đình người Việt ở Mỹ khó khăn khi phụ huynh phải đi làm.
Biển khuyến cáo không tụ tập đông người để ngăn dịch Covid-19
Một người Mỹ trang bị áo mưa phòng dịch Covid-19
Các tiệm làm nail.... ế khách vì dịch Covid-19
Các nhà hàng, quán ăn cũng ế khách
Cuối tuần qua các nhà thờ cũng đã có lệnh đóng cửa, chỉ những người có trách nhiệm sẽ thực hiện các thánh lễ qua livestream. Trên các xa lộ, nhiều bảng khuyến cáo tránh tụ tập nơi đông người đã xuất hiện. Có nơi đã dựng trạm xét nghiệm virus ngay trên xa lộ.
Các sân bay quốc tế Los Angeles và San Francisco quá tải. Dòng người Mỹ từ các nơi trên thế giới về lại Mỹ.
Tính đến sáng 17.3, số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ là 4.657 và đã có 86 người tử vong.
Theo đài CNN, chính quyền tổng thống Donald Trump đang thảo luận về đề xuất thi hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc.
Theo thanhnien.vn
Hơn 27.000 người chết vì nCoV toàn cầu Số người chết tiếp tục tăng mạnh ở Mỹ và châu Âu, nâng số ca tử vong toàn cầu lên 27.215, trong số 593.656 ca nhiễm. Covid-19 xuất hiện ở 199 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, số ca nhiễm tại Mỹ tăng nhanh nhất trong vòng 24 giờ qua, tăng 16.419 ca so với một ngày trước đó, lên 101.854...