Trải nghiệm Cao Xiêm (Quảng Ninh)
Theo người dân Bình Liêu, ở khắp các thôn, bản từ Húc Động, Vô Ngại, Tình Húc, Lục Hồn, Đồng Tâm đến Hoành Mô đều có thể quan sát thấy đỉnh Cao Xiêm.
Thế nhưng, số người đã từng đặt chân lên đỉnh núi này thì chưa nhiều. Có lẽ vì vậy mà Cao Xiêm còn khá xa lạ và kỳ bí.
Theo tài liệu xưa, độ cao của núi Cao Xiêm là 1.330 mét so với mực nước biển. Ngày nay, bằng công nghệ đo đạc bản đồ hiện đại, đã xác định Cao Xiêm cao 1.429 mét so với mực nước biển. Với độ cao này, Cao Xiêm được coi như “nóc nhà” của Quảng Ninh.
Để chinh phục Cao Xiêm, chúng ta có thể xuất phát từ 3 địa điểm: Bản Cao Thắng (xã Lục Hồn), bản Lục Ngù (xã Húc Động) và bản Ngàn Mèo (xã Lục Hồn).
Hành trình lên đỉnh Cao Xiêm, chúng ta được chiêm ngưỡng những bản làng của các dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu, ở đó mỗi ngôi nhà đều có những kiến trúc rất riêng, rất đặc biệt của các dân tộc anh em. Theo lối mòn, chúng ta đi xuyên qua những cánh rừng thông bát ngát, thi thoảng lại gặp những chùm hoa mua, những vạt hoa sở nở trắng rừng. Trong làn gió mát vu vi xen qua những rặng thông xanh mướt chúng ta cảm nhận được mùi hương quế, hoa hồi thoang thoảng khiến bao mệt mỏi cứ thế mà tan biến.
Vượt qua những cánh rừng thông bạt ngàn với nhiều triền dốc, chúng ta như lạc vào một thảo nguyên xanh mướt, không khí trong lành đến kỳ lạ. Ở đây, giờ không còn là cánh rừng ngút ngàn, thay vào đó là những “cánh đồng” cỏ tự nhiên bằng phẳng xa tắp. Trên thảo nguyên xanh này, chúng ta có thể thoả sức cắm trại, vui chơi hoà mình vào thiên nhiên, núi rừng Bình Liêu. Đây cũng là thời điểm, mọi người có thể nghỉ ngơi sau nửa chặng đường chinh phục Cao Xiêm.
Video đang HOT
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng ta vượt dốc đi xuyên qua một cánh rừng thông chừng 2km. Khi những cây thông cuối cùng xuất cũng là lúc chúng ta cảm nhận được một thế giới vô cùng khác biệt, đó là những áng mây, sương mù bắt đầu quyện vào mỗi bước chân. Giờ đây, chúng ta bước vào một “thế giới” khác, mờ mờ ảo ảo, thật huyền bí. Theo người dân địa phương, thì vào những ngày có sương mù, chỉ cần đi cách nhau hơn chục mét là người sau đã không thể nhìn thấy người đi phía trước. Vì vậy khi chinh phục Cao Xiêm vào ngày mù trời mọi người cần bám sát nhau để không bị lạc đường.
“Chặng đường mù” – nói như người dân bản địa, là quãng đường gian nan nhất để chinh phục đỉnh Cao Xiêm. Chúng ta sẽ phải vượt qua 1/3 chặng đường còn lại với những triền núi có độ dốc lớn, men theo con đường mòn quanh co, uốn lượn qua những tảng đá với mọi hình thù. Ở trên núi, với mây, sương mù dày đặc, ta cảm nhận được cái lành lạnh của mùa đông, sự ướt át của mưa, sự trong lành của núi rừng, cùng với những làn gió từ biển thổi vào khiến mệt mỏi tan biến.
Trên đỉnh Cao Xiêm, hiện vẫn còn những hầm hào, những con đường được mở lên núi sót lại. Nơi đây, ngày xưa từng được cắm một ngọn cờ thể hiện chủ quyền của nước Việt Nam. Cũng chính vì vậy, người Sán Chỉ (Bình Liêu) còn gọi núi Cao Xiêm là “Kèo Kăm Khây” (núi Cắm Cờ), người Tày gọi là “Khau Cẳm cờ”…
Cao Xiêm là đỉnh núi án ngữ giữa biên giới và biển trời Đông Bắc Quảng Ninh. Vào những ngày nắng ráo, từ đỉnh Cao Xiêm, chúng ta có thể bao quát cả một vùng rộng lớn từ Tiên Yên đến Hải Hà, Đầm Hà… Theo người dân nơi đây, phía Đông đỉnh núi hướng tầm nhìn vượt huyện Hải Hà, Đầm Hà ra Vịnh Bắc Bộ. Phía Tây có thể nhìn vượt qua những dãy núi cao biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Sườn Nam hướng tầm nhìn xuống thung lũng Bình Liêu và xa hơn là núi đồi thấp khu vực Tiên Yên. Còn sườn Bắc hướng tầm nhìn đến dãy núi “anh em” là Cao Ly và xa hơn là vùng núi Quảng Nam Châu hùng vĩ.
Hãy đến với Cao Xiêm – Đỉnh núi Cột cờ để cảm nhận được hồn thiêng sông núi, nơi gặp gỡ đất trời vùng Đông Bắc Tổ quốc.
Trải nghiệm sương mù ở bản Phạt Chỉ huyện Bình Liêu - Quảng Ninh
Nếu như bạn muốn du lịch vùng cao thì nên đến bản Phạt Chỉ (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh), nhất là khi thời tiết đang chuyển sang hè, đến Phạt Chỉ để trải nghiệm cảm giác những ngày sương mù và không khí se se lạnh.
Bản Phạt Chỉ có tới 9 tháng/năm chìm trong sương mù
Bản Phạt Chỉ, nằm ở lưng chừng dãy núi Quảng Nam Châu có độ cao 1.507m so với mực nước biển. Phạt Chỉ có tới 9 tháng sương mù bao phủ. Về mùa đông và mùa xuân, sương mù gần như cả ngày, có khi ở trung tâm xã Đồng Văn nắng rực rỡ, nhưng đến bản Phạt Chỉ ta vẫn được tắm trong sương mù.
Ngày nay, từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, đường đến Phạt Chỉ đều đã bê tông hóa, dù đi bằng ô tô hay xe máy đều thuận. Nhiều du khách muốn trải nghiệm bằng xe máy, đi trên con đường quanh co uốn lượn, hai bên đường là những rừng cây nguyên sinh chìm trong sương mù lúc ẩn lúc hiện. Những ngày mù sương, dù phóng tầm mắt cũng không nhìn được xa quá 100m, cảnh vật mờ mờ rồi từ từ hiện rõ dần lên gợi niềm vui cho những ai thích khám phá.
Du khách đến với Phạt Chỉ vào dịp tháng 4, tháng 5 này, khi thời tiết đang chuyển sang hè, ở lại qua đêm bản Phạt Chỉ thì ở Homestay của người dân bản địa. Hôm trước trời mù sương, hôm sau ta thức dậy, mở mắt thấy ngày nắng lên rực rỡ, khi đó Phạt Chỉ giống như khoác trên mình tấm áo mới, vì du khách có thể phóng được tầm mắt ra xa, một vùng núi non trùng điệp. Ở nhiều điểm còn nhìn được sang cả nước bạn Trung Quốc, với những ngôi nhà cao tầng thấp thoáng xa xa.
Du khách thích thú trải nghiệm sương mù ở Cột mốc 1327
Điểm thu hút đông khách đến với Phạt Chỉ là Cột mốc 1327. Những ngày sương mù lại làm cho du khách thích thú, vì cảm tưởng như đang leo bậc thang lên cõi hư vô, chìm trong sương mù bao phủ. Nhiều du khách hào hứng tự chụp cho mình những bức ảnh mờ mờ trong sương. Anh Nguyễn Văn An, một du khách đến từ TP Hạ Long cho hay: Không ngờ ở trong tỉnh mà cũng có nơi sương mù thú vị thế này. Năm nay, tôi động viên bà xã cùng các con, sao phải đi đâu xa, cứ đến bản Phạt Chỉ là thấy sương mù lãng mạn đâu phải mất công đến tận đâu đâu mới có.
Du lịch đến với Phạt Chỉ đã nâng cao nhận thức rõ rệt của người dân. Trước đây do bản nhiều sương mù, hạt thóc bà con gặt về không phơi được vì luôn ẩm ướt, thậm chí thóc nảy mầm luôn trên sân phơi. Gia súc bà con chăn nuôi ốm còi cọc vì cứ ăn cỏ đẫm sương suốt ngày đau bụng, nay bà con đã trồng cỏ voi rồi cắt về tích ở nhà cho khô cho súc vật ăn. Nhiều hộ chuyển trồng lúa sang trồng củ cải, do đất tươi xốp lại thường xuyên được giữ ẩm vì sương mù, nên củ cải không cần phải bón tăng trọng củ vẫn to tầm 0,5kg đến 2kg/củ.
Nếu du khách muốn trải nghiệm ăn nghỉ của người Dao thì đến với Homestay A Dào nằm ở trung tâm bản
Nếu ai đó vẫn còn đắn đo, đến Phạt Chỉ ăn nghỉ thế nào thì hãy đến thăm mô hình Homestay A Dào nằm ở trung tâm bản. Khách đến đây được thưởng thức những món ăn do chính người Dao chế biến, xem tận mắt cách tráng phở và xay thóc bằng cối xay đá của người Dao. Điều nhiều du khách khó quên, đó là thưởng thức món củ cải thái mỏng, phơi tai tái ngoài trời nắng trên mái ngói âm dương hoặc trên gác bếp rồi xào với thịt lợn bản. Nhiều khách ăn xong đều không quên mua về nhà vài ba cân củ cải để người nhà mình cùng thưởng thức. Vậy là với những ngôi nhà mái ngói âm dương, cối xay đá, sương mù một thời gian khó thì nay lại là sản phẩm du lịch. Nếu ai đó muốn ngủ qua đêm ở Phạt Chỉ, thì cũng có ngay chỗ nghỉ trong ngôi nhà bờ tường lát gỗ khang trang của Homestay A Dào với giá thuê chỉ bình dân và chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng.
Đến Phạt Chỉ vào thời gian này, bạn còn được tham gia nhiều ngày vui của Bình Liêu, từ ngày 15 đến 17/4/2022, tại huyện Bình Liêu diễn ra Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ ở Bình Liêu. Hội Soóng cọ được tổ chức tại nhà văn hóa, sân vận động xã, núi Cao Ly (xã Húc Động) với các hoạt động mang bản sắc dân tộc như: Nghi lễ cầu may truyền thống, hát Soóng cọ, đêm lửa trại Cao Ly và các môn đá bóng nữ, đẩy gậy, kéo co... chắc chắn sẽ làm thỏa mãn du khách.
Khám phá Bình Liêu (Quảng Ninh) qua tour ngắn ngày Những năm qua, Bình Liêu (Quảng Ninh) luôn là điểm đến hấp dẫn cho du khách dù chỉ cảm nhận điểm đến này trong các tour ngắn. Dạo quanh các cung đường đẹp, ghé thăm các bản làng hoặc khám phá chợ phiên luôn là những lựa chọn xứng đáng. Hình ảnh những thửa ruộng bậc thang là một trong những điểm nhấn...