Trái đất có thể bị ‘vây’ bởi thiên thạch ngoài hệ Mặt trời
Một nghiên cứu mới đặt câu hỏi liệu hành tinh của chúng ta có thể thu hút những vị khách đá và băng từ bên ngoài hệ mặt trời hay không – và làm thế nào các nhà khoa học có thể phát hiện ra chúng.
Ngoài không gian có nhiều vật thể lạ
Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra rằng các vật thể trôi nổi từ các hệ sao ngoài hệ Mặt trời, có thể bị hút bởi lực hấp dẫn của Trái đất và tồn tại trên quỹ đạo quanh hành tinh của chúng ta suốt hàng triệu năm. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới được công bố vào ngày 17.5, hầu hết các vật thể này có thể quá nhỏ để phát hiện bằng kính viễn vọng hiện tại.
Avi Loeb, giáo sư vật lý tại Đại học Harvard phân tích: “Các vật thể đi vào hệ Mặt trời, từ không gian giữa các vì sao bên ngoài có thể bị mắc kẹt vào các quỹ đạo xung quanh Mặt trời do di chuyển gần với hành tinh có lực hút lớn như sao Mộc. Chúng tôi điều tra khả năng một số trong số chúng bị “bắt” và trở thành Vật thể gần Trái đất (NEO)”.
Những “kẻ xâm nhập từ các vì sao bên ngoài” này thường ở dạng những tảng đá băng khi bị hất ra khỏi hệ thống sao của chúng trước khi lạc tới hệ Mặt trời. Tuy nhiên, Loeb và các đồng nghiệp cũng không loại trừ khả năng các vật thể do người ngoài hành tinh chế tạo có thể đi vào hệ Mặt trời.
Những kẻ xâm nhập hệ Mặt trời là ai?
Những vị khách du hành giữa các vì sao đã được các nhà thiên văn học rất quan tâm kể từ năm 2017, khi “kẻ xâm nhập” đầu tiên — một tảng đá hình điếu xì gà có tên Oumuamua được phát hiện ở sát chúng ta.
Oumuamua dài 400 mét, hình dạng thuôn với chiều dài gấp khoảng 10 lần chiều rộng, khiến nó khác biệt với bất kỳ tiểu hành tinh hoặc sao chổi nào có nguồn gốc từ hệ Mặt trời mà chúng ta từng biết. Sau khi quan sát kỹ hơn tảng đá có hình giống mũi lao, các nhà khoa học kết luận rằng nó đã lang thang trong thiên hà của chúng ta, không liên kết với bất kỳ hệ sao nào trong hàng trăm triệu năm trước khi tình cờ lạc trôi vào hệ Mặt trời.
Video đang HOT
Một cuộc tìm kiếm mới về các vật thể trong không gian giữa các vì sao lại bùng lên khi xuất hiện vật thể thứ hai không lâu sau đó. Sao chổi Borisov – một quả cầu băng và bụi có kích thước bằng tháp Eiffel từ bên ngoài hệ Mặt trời được phát hiện vào năm 2019.
Cả Oumuamua và Borisov đều không bị ràng buộc bởi lực hấp dẫn với Mặt trời, có nghĩa là cả hai vật thể này cuối cùng sẽ rời khỏi hệ mặt trời một cách thất thường như khi chúng bước vào đó. Vật thể hình điếu xì gà lúc này đã chạy ra ngoài quỹ đạo của sao Hải Vương. Trong bài báo cáo mới, các tác giả nghiên cứu đã điều tra xem liệu các vật thể từ không gian liên sao có thể bị hấp dẫn bởi lực hấp dẫn của Mặt trời hay thậm chí là các hành tinh hay không. Nếu có bị tác động thì buộc các vật thể từ không gian liên sao đó phải bị nhốt lại trong hệ Mặt trời.
Những kẻ bị Trái đất thu hút
Những nỗ lực trước đây để nghiên cứu ý tưởng này đã tập trung vào khả năng thu hút vật thể của Mặt trời và sao Mộc vì đây là 2 thiên thể lớn nhất hệ Mặt trời. Đối với nghiên cứu mới, các nhà khoa học bắt đầu điều tra xem liệu Trái đất cũng có thể bắt giữ các vật thể từ không gian liên sao và giữ chúng dưới dạng NEO hay không.
Sử dụng các mô phỏng số, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng Trái đất có thể định kỳ bắt giữ các vật thể từ không gian giữa các vì sao trên quỹ đạo của mình. Tuy nhiên, hiệu ứng này nhỏ hơn so với hiệu ứng của sao Mộc khoảng một nghìn lần do khối lượng Trái đất nhỏ hơn sao Mộc 300 lần và Trái đất có địa chỉ “khó tìm” hơn.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bất kỳ vật thể nào bị hấp dẫn bởi lực hấp dẫn của Trái đất sẽ không ổn định và sẽ chỉ duy trì quỹ đạo quanh hành tinh của chúng ta trong một thời gian ngắn hơn so với các NEO hiện được biết đến. Bởi lẽ, những vật thể này sẽ bị xáo trộn quỹ đạo do tương tác với các hành tinh khác hoặc với Mặt trời. Cuối cùng, chúng sẽ bị ném ra khỏi hệ Mặt trời giống như chúng đã bị ném ra khỏi các hệ sao từng tá túc trước đây.
Loeb giải thích rằng, mặc dù nhóm không đưa ra giả thuyết rằng hiện có các vật thể quay quanh Trái đất đến từ môi trường liên sao, nhưng các nhà thiên văn học nên tiếp tục kiểm tra khả năng này. Nghiên cứu các vật thể xung quanh Trái đất có nguồn gốc từ các vì sao khác, có thể tiết lộ những hiểu biết mới về sự hình thành của các hệ sao xa xôi. Tuy nhiên, Loeb nói thêm, có thể có một khả năng nhỏ là cuộc điều tra những vị khách này có thể tiết lộ điều gì đó thậm chí còn phi thường hơn.
Loeb cho biết: “Các vật thể đến từ không gian giữa các vì sao có nguồn gốc từ bên ngoài hệ Mặt trời và có khả năng có nguồn gốc từ công nghệ, tương tự như năm tàu thăm dò giữa các vì sao mà nhân loại đã phóng đi: Voyager 1 và 2, Pioneer 10 và 11, và New Horizons (trong số năm tàu này, chỉ có Voyager 1 và 2 đã rời khỏi hệ Mặt trời). Nếu các vật thể từ ngoài hệ Mặt trời đến hành tinh chúng ta, có nguồn gốc nhân tạo… thì chúng có thể cho ta biết về các nền văn minh ngoài Trái đất”.
Phát hiện ra hành tinh ngoài hệ Mặt trời có hoạt động núi lửa giống Trái đất
Nhiệt độ bề mặt của hành tinh ấy dường như ấm hơn một chút so với Trái đất và nó nằm trong vùng có thể ở được, còn được gọi là vùng Goldilocks.
Nơi ấy các điều kiện có thể phù hợp với nước ở dạng lỏng và có khả năng tồn tại sự sống.
Mô phỏng về hành tinh LP 791-18 D vừa được quan sát
LP 791-18 D - một ngoại hành tinh (hành tinh bên ngoài hệ Mặt trời), có kích thước gần bằng Trái đất, cùng tồn tại trong thiên hà của chúng ta và quay quanh một ngôi sao mờ, đang đưa ra bằng chứng thuyết phục về hoạt động núi lửa bên ngoài hệ Mặt trời.
Việc phát hiện ra hành tinh này được thực hiện bằng cách sử dụng vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp (TESS) của NASA, kính viễn vọng không gian Spitzer (hiện đã ngừng hoạt động) và các đài quan sát trên mặt đất.
Một ngoại hành tinh giống mặt trăng Io của sao Mộc
Các nhà khoa học đã suy luận rằng hành tinh đá này có khả năng được bao phủ bởi núi lửa, giống như mặt trăng Io của sao Mộc, được biết đến với hoạt động núi lửa mạnh nhất hệ Mặt trời. Mặc dù chưa thể quan sát trực tiếp hoạt động núi lửa của hành tinh mới được phát hiện, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng tương tác hấp dẫn với một hành tinh lân cận lớn hơn khiến nó trải qua hoạt động núi lửa bề mặt do nhiệt thủy triều.
Quỹ đạo của hành tinh được xác định ở giữa quỹ đạo hai hành tinh khác trong hệ thống. Hành tinh phía trong lớn hơn Trái đất khoảng 0,2 lần, trong khi hành tinh phía ngoài (LP 791-18 C) lớn hơn khoảng 2,5 lần.
Nhóm nghiên cứu giải thích rằng trong mỗi quỹ đạo, các hành tinh D và C đi qua rất gần nhau. Mỗi lần đi ngang qua hành tinh khối lượng lớn hơn, C tạo ra một lực hấp dẫn lên hành tinh D, làm cho quỹ đạo của nó có dạng hình elip. Trên đường elip này, hành tinh D bị biến dạng một chút khi quay quanh ngôi sao. Những biến dạng có thể tạo ra ma sát bên trong hành tinh D đủ để làm nóng đáng kể bên trong nó và tạo ra hoạt động núi lửa trên bề mặt. Điều này tương tự như cách sao Mộc và một số mặt trăng khác ảnh hưởng đến vệ tinh Io (xem thêm bài Con người chuẩn bị ngắm rõ dung nhan mặt trăng nhiều núi lửa nhất hệ Mặt trời tại đây).
Giáo sư thiên văn học Ian Crossfield của Đại học Kansas, một trong những tác giả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, giải thích: "Vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng quan sát trực tiếp nào về núi lửa ngoại hành tinh, nhưng hành tinh này là một ứng cử viên đặc biệt có khả năng".
Nếu hành tinh này có hoạt động địa chất như suy đoán của nhóm nghiên cứu, thì nó có thể duy trì một bầu khí quyển. Với bầu khí quyển, nhiệt độ ở phía nửa đêm của hành tinh có thể cho phép nước ngưng tụ trên bề mặt.
Đáng chú ý nơi biên giới ngày đêm
Hành tinh độc đáo này không quay, hay chính xác là bị khóa thủy triều với sao mẹ, với một mặt vĩnh viễn là ánh sáng ban ngày và mặt kia chìm trong bóng tối. Đồng tác giả nghiên cứu Bjorn Benneke, người đứng đầu nhóm thiên văn học tại Đại học Montreal cho biết: "Ở phía ban ngày, trời quá nóng đối với nước ở dạng lỏng, vì vậy có khả năng rất khô và nóng - có thể là sa mạc. Về phía ban đêm, có thể có một sông băng lớn".
Tuy nhiên, khu vực đáng chú ý nhất là gần điểm ranh giới, nơi ngày và đêm gặp nhau. Ở đây, sông băng ban đêm tan chảy có khả năng tạo thành bề mặt nước lỏng. Benneke cho biết thêm có khả năng tình trạng núi lửa sẽ xảy ra trên khắp hành tinh, ngay cả dưới lớp băng vào ban đêm.
Nằm cách hệ Mặt trời khoảng 86 năm ánh sáng, hành tinh này lớn hơn Trái đất một chút và quay quanh một ngôi sao lùn đỏ. Ngôi sao lùn này nhỏ hơn và mát hơn đáng kể so với mặt trời của chúng ta và hành tinh này hoàn thành quỹ đạo hình elip quanh sao mẹ chỉ trong 2,8 ngày. Nhiệt độ bề mặt của hành tinh dường như ấm hơn một chút so với Trái đất và nó nằm trong vùng có thể ở được, còn được gọi là vùng Goldilocks, nơi các điều kiện có thể phù hợp với nước ở dạng lỏng và có khả năng tồn tại sự sống.
Stephen Kane, nhà vật lý thiên văn hành tinh của Đại học California, Riverside cho biết: "Tôi tưởng tượng ra một bề mặt gồ ghề, non trẻ của hành tinh sau hàng triệu năm hoạt động liên tục của núi lửa. Vì hiệu ứng hấp dẫn không quan tâm đến ngày và đêm, nên tôi cũng ngờ rằng hoạt động núi lửa trải đều trên bề mặt hành tinh".
Kane nói thêm rằng hành tinh vẫn đang giải phóng khí từ bên trong nó, cho thấy sự hiện diện của bầu khí quyển. Tuy nhiên, do môi trường khắc nghiệt của nó, hành tinh này khó có thể ở được, mặc dù không thể loại trừ khả năng có dạng sống thích nghi với những điều kiện như vậy.
Một câu hỏi lớn trong sinh vật học vũ trụ, lĩnh vực nghiên cứu rộng rãi về nguồn gốc sự sống trên Trái đất và cả vũ trụ, là liệu hoạt động kiến tạo hoặc núi lửa có cần thiết cho sự sống hay không. Đồng tác giả Jessie Christiansen, nhà khoa học nghiên cứu tại Viện Khoa học ngoại hành tinh của NASA cho biết: "Ngoài khả năng cung cấp bầu không khí, các quá trình này có thể khuấy động các vật liệu mà nếu không có gì tác động thì chúng sẽ chìm xuống và bị mắc kẹt trong lớp vỏ, gồm cả những thứ mà chúng ta cho là quan trọng đối với sự sống, ví dụ như carbon".
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về hoạt động núi lửa và thời gian của các quá trình thoát khí trên hành tinh. Kane nhấn mạnh rằng sao Kim, hành tinh chị em của Trái đất, chỉ mới được xác nhận là có hoạt động núi lửa gần đây nhờ việc thăm dò và khám phá các thiên thể lân cận của chúng ta được tăng cường.
Hình ảnh đầu tiên về tiểu hành tinh Trojan cách Trái Đất 530 triệu năm Từ ngày 25-27/3 vừa qua, tàu thăm dò Lucy đã sử dụng L'LORRI - thiết bị chụp ảnh có độ phân giải cao nhất của tàu này, để ghi lại những hình ảnh đầu tiên của 4 tiểu hành tinh Trojan của Sao Mộc. Ảnh minh họa. (Nguồn: NASA) Tàu thăm dò Lucy của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA)...