Trái cây Thái Lan, Trung Quốc lại ồ ạt vào Việt Nam
Mỗi ngày Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD để nhập rau củ quả từ Thái Lan và Trung Quốc. Trong khi đó, trái cây trong nước lại phải “vật vờ” chờ “giải cứu”… Điều gì khiến trái cây ngoại ngày càng hấp dẫn người tiêu dùng trong nước?
Hàng nhập bán… đổ đống
Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam chi 164 triệu USD để nhập khẩu rau quả, tức mỗi tháng chi hơn 80 triệu USD. Trong đó, rau, củ, quả nhập từ Thái Lan và Trung Quốc chiếm tới 70% kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam với hơn 114 triệu USD trong 2 tháng đầu năm.
Chọn mua trái cây tại một siêu thị ở quận 2 (TP.HCM). Ảnh: T.H
Như vậy, mỗi ngày Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD (tương đương hơn 44 tỷ đồng) nhập rau, củ, quả từ 2 thị trường trên. Điều đáng nói, bên cạnh các sản phẩm trái cây xứ lạnh, trái cây ôn đới mà Việt Nam không sản xuất được, phần lớn rau củ quả nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc… đều tương tự các sản phẩm có sẵn trong nước.
Thái Lan là thị trường nhập rau, củ, quả lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm đến nay với 83 triệu USD, chiếm 50% kim ngạch với các sản phẩm gồm xoài, mãng cầu, me, sầu riêng, mít, măng cụt, chôm chôm… Còn với Trung Quốc, Việt Nam nhập khẩu rau, củ, quả trị giá 32 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, chủ yếu là bắp cải, xà lách, khoai tây, cam, táo…
Chị Nguyễn Như Thảo, chủ cửa hàng trái cây Lan Thảo (quận Tân Bình, TP.HCM), cho biết, từ một người chuyên kinh doanh trái cây nội địa, hai năm nay, chị chuyển hẳn sang nhập khẩu, phân phối trái cây Thái Lan. Theo chị Thảo, trái cây Thái Lan cùng chủng loại với trái cây Việt Nam nên chị sẵn mối khách quen, trái cây Thái Lan mẫu mã đẹp, lại “khuất mắt” chuyện thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh… nên người tiêu dùng rất dễ “xiêu lòng”. “Trái cây Thái Lan không cầu kỳ bao bì kiểu dáng như hàng châu Âu hay hàng Mỹ, Nhật, Hàn… nhưng rất dễ bán vì mùi vị quen thuộc với người Việt Nam, ngọt, chua hay đắng đều rất đậm đà…” – chị Thảo phân tích.
Video đang HOT
Trong khi đó, tại các hệ thống siêu thị như BigC, CoopMart hay các cửa hàng trái cây nhập khẩu, những loại này được bày bán với giá rẻ bất ngờ, đổ đống trên các quầy kệ. Một số loại trước đây là hàng “sang chảnh” thì nay giá cũng rất bình dân như táo Pháp các loại 39.900 đồng/kg, nho đen Nam Phi 99.000 đồng/kg, lê nâu Hàn Quốc 90.000 – 100.000 đồng/kg…
“Chạnh lòng” trái cây nội
Trong khi trái cây nhập khẩu ngày càng phổ biến tại thị trường Việt Nam, nhiều sản phẩm trái cây nội rơi vào thế “lép vế” trên sân nhà. Ông Nguyễn Thành Phong-Giám đốc DNTN xuất nhập khẩu trái cây An Hòa (Tiền Giang), cho biết, có một thực tế đáng buồn cho người tiêu dùng trong nước là khi trái cây chín, thương lái lựa ra, chọn những quả ngon, đẹp, chất lượng tốt… đóng gói xuất khẩu, số còn lại không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu mới bán ra chợ, siêu thị… cho người tiêu dùng trong nước.
Số hàng này cũng không được chăm chút trong quá trình vận chuyển, bảo quản, sơ chế… nên khi đến tay người mua thì đã bầm dập rất nhiều, chất lượng đã thấp lại càng giảm… Không chỉ vậy, những thông tin về dư lượng thuốc BVTV, kháng sinh, chất làm chín… tồn dư trong trái cây khiến người tiêu dùng lo ngại về chất lượng của trái cây Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng tâm lý “sính ngoại” và do “khuất mắt” nên nhiều người tiêu dùng trong nước chuộng mua hàng nhập khẩu. Trái cây Thái, dù cùng loại với trái cây Việt Nam, tuy nhiên, một số loại có mùa vụ thu hoạch kéo dài, hương vị, chủng loại có đa dạng hơn nên lấy được lòng người Việt.
“Những loại trái cây ôn đới như táo, lê, nho… thì có thể chấp nhận được nhưng trái cây Thái Lan thì chất lượng cũng tương đương với trái cây trong nước. Còn hàng Trung Quốc thì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại…” – ông Hòa phân tích.
Theo Dantri
Khi trái cây quá lệ thuộc thị trường Trung Quốc
Đã cuối vụ trái cây hè, sản lượng không nhiều, nhưng giá một số loại trái cây lại liên tục giảm. Theo thương lái, nguyên nhân giá trái cuối vụ giảm do sức tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc rất chậm. Đặc biệt, trái sầu riêng bị dội hàng do thị trường Trung Quốc "ăn" chậm.
Cuối vụ vẫn... neo trái chờ giá
Có mặt tại khu vực chợ Long Khánh (Đồng Nai), chúng tôi ghi nhận, hiện một số loại trái cây như sầu riêng, chôm chôm nhãn, chôm chôm Thái, bơ... đang vào cuối vụ nhưng giá lại thấp dần. Cụ thể như giá chôm chôm thường chỉ còn từ 3.000-5.000 đồng/kg; sầu riêng hạt lép mua xô tại vườn giá bình quân chỉ khoảng 18.000-20.000 đồng/kg, giảm tới khoảng 1/3 mức giá so với đầu vụ.
Sầu riêng chuẩn bị xuất sang thị trường Trung Quốc
Tiếp tục tìm hiểu tại các vựa trái cây xuất khẩu lớn trên địa bàn TX.Long Khánh, chứng kiến nhiều xe "công" xếp hàng dài chờ xuất bến, cả chủ vựa lẫn nhân viên đóng hàng, bốc hàng ngồi không chờ khách thay cho cảnh mua bán tấp nập như những mùa trước.
Chị Võ Thị Trúc Thanh, chủ vựa trái cây Thanh Trung (gần bến xe Long Khánh) nhận xét, vụ thu hoạch trái cây năm nay tiêu thụ rất chậm.
"Các vườn báo trái đã chín nhiều nhưng chúng tôi vẫn buộc phải nhờ bà con neo lại trên cây để chờ khi bạn hàng Trung Quốc đặt thì mới vào hái, vì hái xuống để từ sáng đến chiều chậm tiêu thụ là rớt thêm mấy giá liền". Theo chị Thanh, mặt hàng sầu riêng, từ khi Trung Quốc giảm nhập khẩu, có lúc giá rớt chỉ còn hơn 20.000 đồng/kg.
Các vựa thu mua chôm chôm tại các huyện Xuân Lộc, Long Khánh, cũng nằm trong tình trạng gặp khó khăn khi xuất bán hàng ra thị trường miền Bắc và Trung Quốc. Khi nghe chúng tôi hỏi thực hư việc có thời điểm Trung Quốc cấm nhập sầu riêng VN, các chủ vựa khẳng định không có chuyện đó mà chỉ là họ hạn chế mua bởi chất lượng sầu riêng giống Ri6 thấp do ảnh hưởng đợt hạn, mặn vừa rồi.
Lệ thuộc thị trường Trung Quốc
Thời điểm hiện tại những nhà vườn trồng sầu riêng và chôm chôm của HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Bình Lộc (xã Bình Lộc - TX Long Khánh) đang bước vào đợt thu hoạch cuối vụ (vét vườn).
Theo phản ảnh của bà con trong HTX, cùng thời điểm này năm trước giá sầu riêng, chôm chôm vẫn cao, còn năm nay ngay đầu vụ giá trái đã bị giảm, nhất là với sầu riêng Ri6, đầu vụ bán được 47.000 đồng/kg, sau đó giảm chỉ còn 30.000 đồng/kg và giữ giá cho đến nay.
Ông Phùng Thanh Tâm, Chủ nhiệm HTX cho biết: "Mới đây có những đoàn khách Trung Quốc tìm vào tận các vườn cây của HTX để hỏi thăm về kỹ thuật canh tác và khảo sát thị trường rất kỹ. Họ còn đặt vấn đề mua thử mẫu chôm chôm Dava của HTX về để nghiên cứu". Theo ông Tâm, càng ngày thị trường trái cây xuất khẩu càng khó do bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Thực tế, có thời điểm các vựa ngưng thu mua, giá trái xuống thấp khiến bà con buộc phải tìm thương lái nhỏ để bán được giá cao hơn.
Để có vụ thu hoạch trái cây hè năm nay, nông dân phải đổ chi phí đầu tư cao hơn hẳn mọi năm để vườn cây vượt qua giai đoạn hạn hán, mặn xâm nhập. Dù đầu tư cao năng suất nhiều vườn cây vẫn bị giảm mạnh, thậm chí còn bị ảnh hưởng đến các vụ sau.
Trao đổi với PV, ông Lê Thanh Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Tân (Long Khánh) cho biết: "Vụ trái cây hè năm nay đa số nhà vườn đều bị giảm thu nhập, thậm chí thua lỗ, vì bà con phải bỏ công, chi phí gấp đôi để chăm sóc vườn cây vượt qua đợt hạn hán vừa rồi. Vậy nhưng có vườn cây vẫn bị thất trắng, nhà vườn càng gặp khó khăn hơn khi vào đợt thu hoạch rộ trái cây lại bị rớt giá, kéo dài cho đến cuối vụ!".
Theo ông Hiệp, hầu hết sầu riêng trong vùng đều tập trung về các đầu mối thu mua lớn xuất qua Trung Quốc nên khi thương lái Trung Quốc ngưng thu mua thì giá sầu riêng giảm mạnh.
Theo Minh Sáng (Nông nghiệp Việt Nam)