Trà sen Bách Diệp từ tâm…
Tôi được biết về tâm huyết của anh chị Xuân – Doanh qua lời giới thiệu của một người có khiếu thưởng trà, đam mê trà.
Câu chuyện mang trà Tân Cương ướp sen Tây Hồ cũng thật lắm công phu, đủ thấy rằng, đằng sau những tách trà thơm ngon, có rất nhiều nhọc nhằn và sự tận tâm.
Vạn sự khởi đầu nan
Lời chào hàng “ Trà sen Bách Diệp Tây Hồ – Trà Tân Cương Thái Nguyên tiêu chuẩn VietGap” khiến tôi tò mò tìm đến Nhà phân phối trà Xuân Doanh trong con ngõ nhỏ 234 đường Hoàng Quốc Việt. Gặp anh chị càng hiểu hơn về những táo bạo có phần “mạo hiểm” khi dành gần như toàn bộ vốn liếng của mình đầu tư vào lĩnh vực này với mong muốn khách hàng được thưởng thức trà sen Tây Hồ chính hiệu.
Một góc cửa hàng phân phối Trà Tân Cương Thái Nguyên của vợ chồng anh chị Xuân Doanh.
Pha một chén trà cầu kỳ trong căn phòng nhỏ ở đường Hoàng Quốc Việt, đôi vợ chồng trẻ quê ở Thái Nguyên đã tâm tình về những dự định, những tâm huyết của mình từ những ngày đầu “chân ướt chân ráo” rời quê về Thủ Đô lập nghiệp cách đây hơn 2 năm.
Mang trong mình một khát khao làm giàu từ đặc sản của quê hương, anh Nguyễn Ngọc Doanh chia sẻ: Tôi có may mắn được sinh ra và lớn lên ở đất trồng chè, tuổi thơ của tôi gắn liền với bạt ngàn những đồi chè xanh mướt, nên dường như thú vui uống chè hàng ngày đã như ăn vào máu nhiều năm nay. Cho đến một ngày, tôi quyết tâm rời quê xuống Hà Nội mở đại lý phân phối trà, cung ứng chủ yếu trên địa bàn Thủ đô. Nhưng rồi, sau hơn một năm tìm hiểu, nghiên cứu thị trường và học hỏi cách thức ướp trà, vợ chồng tôi quyết tâm tìm một ngã rẽ mới, đó là trà sen Bách Diệp Tây Hồ này.
Chị Triệu Thị Xuân hàng ngày cứ 4h sáng lại ra đầm sen để ướp trà.
Video đang HOT
Ý tưởng của anh Doanh chị Xuân là một bài toán khó khi mà trên thị trường, trà sen Tây Hồ chính hiệu đã trở thành một thứ đặc sản trứ danh nhiều năm nay. Điều khó khăn chính là thị trường tiêu thụ, làm sao để khách hàng biết đến sản phẩm này khi mà đối tượng thưởng thức không hề “dễ chiều”, món ngon tới tay người, chắc hẳn không thể ngày một ngày hai. Và điều ấy đồng nghĩa với rất nhiều công việc phải thực hiện, nhiều cách thức quảng bá để mọi người có thể biết đến sản ph ẩm thực tế.
Hiểu rằng “vạn sự khởi đầu nan” chị Triệu Thị Xuân, vợ anh Doanh luôn đồng hành, ủng hộ chồng, chị từ bỏ công việc ở một công ty lớn trên quê nhà để khăn gói xuống Hà Nội cùng chồng khởi nghiệp. Hai vợ chồng dồn hết tâm huyết, tài sản của gia đình để đầu tư vào lĩnh vực này. Việc đầu tư không hề nhỏ so với những gì mà anh chị tích cóp, chắt chiu nhiều năm nay.
Theo chia sẻ của anh Doanh, nếu muốn có sự bền vững, ổn định thì luôn phải chủ động về nguyên liệu. Về nguồn trà, với anh Doanh chị Xuân thì rất dễ dàng bởi gần như chỉ cần nhìn vào cánh trà, anh chị đã biết đâu là loại ngon, loại đảm bảo chất lượng. Còn với nguồn sen, sau nhiều ngày tận tụy tìm hiểu, cuối cùng cũng nhờ cơ duyên, anh chị Xuân Doanh đã gặp gỡ được một “quý nhân” và thầu được một đầm sen lớn giữa lòng Thủ đô. Theo như chị Xuân kể, người bạn của gia đình sau một lần uống thử trà Tân Cương của cửa hàng và nghe được dự dịnh của anh chị đã quyết định cho anh chị thầu lại đầm sen mà từ trước đến nay chỉ được trồng để làm nơi thưởng lãm. Sự may mắn ấy đã tạo nên một động lực lớn để đôi vợ chồng dồn công sức vào lĩnh vực này.
Trà sen Bách Diệp được ướp từ sen Bách Diệp (Quan Âm) và trà Tân Cương Thái Nguyên.
Không phải là doanh nghiệp với những tính toán lời lãi quá nhiều nên việc tìm hiểu và đầu tư của họ cũng không theo cách thức thương mại hóa. Họ chỉ tận tụy tự tay làm phần lớn các công việc, từ thu mua trà của gia đình, làng xóm đến việc sáng sớm hai vợ chồng cùng nhau ra đầm sen ướp từng gói trà, đếm từng cánh sen nở.
Chị Trần Thị Xuân chia sẻ: Chị đã đọc rất nhiều sách, học hỏi nhiều người để tìm ra cách ướp trà sen tốt nhất. Lựa chọn sen để ướp trà cũng phải rất cẩn thận và tỉ mỉ vì chỉ có loài sen Bách Diệp (tức là sen Quan Âm) mới là loại sen ướp trà ngon nhất. Mùa sen Hà Nội vừa qua, hương sen thanh khiết, cứ 4h sáng tôi lại ra đầm sen ướp trà. Thời điểm này, mặt trời chưa mọc, khi đóa sen mới mở vừa độ và vẫn còn đọng sương, lúc đó tâm hồn người ướp trà cũng an nhiên, thư thái… Tôi không phải là người Hà Nội nhưng tôi đã tìm hiểu rất nhiều về nghề “Ướp trà sen”, từng ngắt sen Bách Diệp trồng ở Tây Hồ về so sánh với sen ở đầm nhà mình và đúng là cùng loại sen Bách Diệp khi ướp cho ra hai loại trà sen ngon như nhau. Lúc đó cảm giác thật sự vô cùng hạnh phúc…
Túc tắc, tận tâm với tấm lòng hướng thiện
Nhấp chén trà thơm, quả thực khó cầm lòng bởi hương vị đậm đà của sen quyện với chút ngọt chát dịu mát của trà Tân Cương. Nước trà sen xanh mát mắt, rất ấn tượng. Thường thì món trà khi đã ướp sen sẽ có màu nước hơi đỏ đậm nhưng lạ lùng là trà sen ở đây nước vẫn xanh trong, uống cả tiếng đồng hồ vẫn thấy ngòn ngọt trong miệng.
Trà sen Bách Diệp có hương thơm đậm đà và màu nước xanh mát.
Tôi vốn là người rất thích thưởng trà, cũng uống khá nhiều loại trà, thậm chí có những loại rất đắt đỏ nên nhìn nước có thể đánh giá được trà nào ngon. Chia sẻ về điều này, chị Xuân tâm sự: Trên thị trường trà sen được bán rất nhiều nhưng có những loại trà màu nước bị đỏ chính là bởi nguồn nguyên liệu trà chưa chuẩn vì thế mà dù ướp trà đúng cách thì cũng vẫn khó giữ được màu trà.
Nguồn trà sạch và đảm bảo chất lượng cũng không phải dễ kiếm tìm nếu như không thông hiểu về cách thức trồng, chăm sóc chè. Theo anh chị Xuân – Doanh, có khi cả làng trồng chè nhưng chỉ được có một vài gia đình trồng đúng chuẩn vì thế mà anh chị đã đầu tư rất kĩ công đoạn thu mua này. Kể cả người trong gia đình có trồng chè mà không đạt tiêu chuẩn VietGap anh chị cũng nhất quyết không mua.
Thậm chí, anh Doanh còn cất công đi nhiều tỉnh để mua các loại trà mang về uống nhằm so sánh chất lượng. Anh bảo, tất cả các loại trà từng thử đều không loại nào bằng Trà Tân Cương quê anh nên anh nghĩ đó không chỉ là một may mắn mà còn là một “nhân duyên”. Từ đó, mọi tâm huyết anh chị dồn vào việc làm trà sen, mặc cho việc đầu tư ban đầu khá lớn mà hàng hóa thì chưa bán được nhiều, chủ yếu mới gửi biếu và chào hàng theo kiểu lấy công làm lãi.
Trà sen Bách Diệp Tây Hồ của nhà phân phối trà Xuân Doanh đang trên đà tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Dĩ nhiên là, còn quá nhiều công việc phía trước, đòi hỏi sự kiên trì và tiếp tục nỗ lực hơn nữa của đôi vợ chồng trẻ nhưng có lẽ “quả ngọt” đang chờ đợi họ phía trước bởi thị trường hiện vẫn đang rất mở, rất cần những sản phẩm chất lượng, được làm bằng “chữ tâm” và vì lợi ích khách hàng. Anh Doanh tâm sự: Chúng tôi chỉ nghĩ cứ cố gắng hết mình với công việc này, đem đến những sản phẩm đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng hài lòng và đón nhận. Vợ chồng tôi vẫn bảo nhau, chắc chắn mình làm tốt, làm tử tế thì trời không phụ. Còn bây giờ cứ túc tắc, tận tâm với tấm lòng hướng thiện và cố gắng quảng bá đặc sản của quê hương mình, xa hơn nữa là xây dựng được một thương hiệu trà sen Bách Diệp trên thị trường.
Hương sen lan tỏa từ ấm trà vừa pha, thưởng trà quả thực làm cho tâm hồn người thư thái. Nhìn trà sen lại nghĩ đến ngày Tết, mọi người thường săn lùng trà ướp hoa sen tươi để thưởng thức và làm quà tặng ngày Tết. Đó vốn là nét văn hóa ẩm thực của những người thành đạt, tinh tế và biết hưởng thụ. Người tặng và người nhận trà sen đều sẽ đón nhận được hương vị thanh tao của thức quà mang đến an lành, may mắn. Cũng tin là, với tâm huyết ấy, anh chị Xuân Doanh cũng sớm có được một “chỗ đứng” nào đó trong lĩnh vực này, mong là trà sen Bách Diệp Tây Hồ ngày một nhiều người biết đến và sẽ đến được tay nhiều người tiêu dùng thông thái.
Theo Congluan
Chè cốm, phong vị mùa thu
Hà Nội bước vào mùa thu. Những gánh cốm thấp thoáng trên phố đưa hương nhẹ nhàng thanh tao của thức quà kết tinh hương vị đất trời và sương sớm. Có nhiều cách để thưởng thức món cốm, nhưng vào tiết trời mới khẽ chạm thu, có lẽ món chè cốm là hợp vị hơn cả.
Những người sành ăn thường nấu chè cốm tươi chính vụ bởi hạt cốm căng sữa đúng thì con gái với hương thơm xao xuyến cả đất trời. Có lẽ, cốm thơm còn bởi lá sen già bọc kỹ, ướp cả hương đồng gió nội thấm từng hạt căng mọng sữa. Bạn có thể kết hợp chè cốm với nhiều nguyên liệu khác nhau như đỗ xanh, hạt sen, ngô ngọt... Nhưng ta nên nấu kiểu truyền thống của các bà các mẹ ở đất Hà thành xưa sẽ giữ nguyên được hương vị của món chè cốm Hà Nội.
Cốm để nấu chè nếu được làm từ cốm tươi sẽ ngon hơn. Cốm tươi mua về, rửa qua nước lạnh thật nhanh. Các bà các mẹ thường tỉ mẩn ngồi nhặt hết vỏ, "mày" trấu lẫn trong cốm. Nếu trái mùa hoặc bạn không ở Hà Nội, có thể nấu chè bằng cốm khô nhưng phải biết sơ chế đúng cách. Cốm khô mua về, bạn nên cho ra một chiếc rá nhỏ, xả ướt cốm dưới vòi nước lạnh. Sau đó, bạn ngâm cốm trong nước lạnh khoảng 3 - 5 phút cho mềm rồi vớt ra cho "ráo nước". Bạn nên lưu ý, không nên ngâm cốm quá lâu để tránh bị nhão, hoặc vữa hạt cốm khi nấu chè.
Bí quyết để món chè cốm có độ ngọt thanh là nhờ được nên duyên bởi đường phèn. Các bà các mẹ thường đun cho đường phèn chảy ra rồi cho nước vào khuấy đều, để riêng ra. Sau khi chè sôi, các bà các mẹ thường nêm thêm chút xíu muối để "điều vị" cho món chè. Ngoài ra, để tăng thêm độ sanh sánh, kết dính của món chè cốm, người nội trợ thường cho thêm một ít bột sắn dây. Theo kinh nghiệm, ta nên cho bột sắn dây vào bát con, hòa loãng thật kỹ với chút nước sao cho bột không bị vón cục.
Để chè cốm "lên màu" đẹp, người nội trợ khéo thường mua vài ba cái lá dứa. Sau khi rửa sạch, lá dứa được cắt thành khúc nhỏ rồi cho vào máy xay với khoảng 1 lít nước. Xay xong, ta vắt lấy nước cốt và bỏ bã. Cho phần nước cốt lá dứa đã lọc vào nồi, đặt lên bếp và đun nhỏ lửa. Đợi nước bắt đầu sôi lăn tăn, ta đổ cốm vào nồi và đun cho thật sôi.
Sau khi nồi chè sôi khoảng 5 phút, ta trút phần bột sắn dây đã hòa loãng và nước đường phèn vào. Lúc này, bạn nên khuấy cho thật đều tay để chè được sánh và không bị khê ở phần đáy. Khuấy liên tục liên tục như vậy cho đến khi chè sánh mịn thì nêm đường cho vừa vị ngọt rồi đun khoảng 1 phút nữa thì tắt bếp.
Đợi cho chè cốm nguội bớt, bạn có thể cho thêm đá lạnh vào đáy bát trước khi múc chè vào bát. Thêm chút nước cốt dừa, dừa tươi nạo sợi lên trên, ta đã có thể thưởng thức. Chè cốm thường được múc vào bát thủy tinh để người thưởng thức có thể nhìn thấu vẻ đẹp của món này. Cốm còn nguyên hạt hòa lẫn với bột sắn dây nấu cùng nước lá dứa tạo ra màu xanh của trời thu dịu mát. Nước cốt dừa và dừa nạo trắng nõn vắt bên trên bồng bềnh như những đám mây vô ưu trôi bồng bềnh phiêu lãng...
Trong tiết đầu thu mát dịu, ta cùng thưởng thức vị ngọt bùi thanh tao của món chè cốm sanh sánh dịu dàng. Dường như, hương thơm của lúa non ngậm đòng, tinh túy của đất trời như lưu mãi phong vị mùa thu trong ký ức những người yêu Hà Nội.
Theo Phapluatxahoi
5 địa chỉ bán súp cua hấp dẫn thu hút thực khách tại TP HCM Súp cua sền sệt, vị beo béo, hương thơm lừng luôn có mặt trong danh sách món ăn phải thử ở TP HCM. Những địa chỉ sau sẽ giúp bạn không bỏ lỡ món ăn cuốn hút này. Súp cua cô Bông là địa chỉ nổi tiếng ở TP HCM với món súp cua ngon, bổ, rẻ. Mỗi phần súp cua có giá...