Trả hơn 1 triệu đồng để… mua lối đi vào nhà
Muốn có lối đi vào nhà và buôn bán, một số hộ dân sống tại nơi tổ chức chợ hoa phải bỏ tiền mua mặt bằng là vỉa hè và đường đi trước nhà mình. Riêng những người bán hoa phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua mặt bằng…
Quy hoạch chợ hoa để… bán lối đi?
Chợ hoa Tết tại phố núi Pleiku (Gia Lai) năm Giáp Ngọ được mở tại vỉa hè và một phần lòng đường phía phải đường Nguyễn Tất Thành (QL14, theo hướng Kon Tum- Đăk Lăk), và một số khu đất trống tại đường Nguyễn Lương Bằng. Việc tổ chức chợ hoa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn là việc làm rất cần thiết và đúng đắn, tuy nhiên quá trình triển khai của UBND TP Pleiku đã biểu hiện nhiều bất cập.
Mặt bằng chợ hoa trên đường Nguyễn Tất Thành (NTT) được hình thành từ 6m lòng đường và 2m vỉa hè. Vì vậy, từ khi chợ hoa hoạt động (từ ngày 20/12- 23h ngày 30/12 âm lịch) hàng chục hộ dân sống trên con đường này bỗng dưng mất lối đi vào nhà. Đặc biệt là những hộ kinh doanh, buôn bán những mặt hàng như bánh, kẹo, quà Tết… đã rơi vào bế tắc khi chỗ đi không còn. Bất đắc dĩ, để có lối đi vào nhà mình, một số hộ phải bỏ tiền ra mua lối đi vào nhà với giá 1,4 triệu đồng/lô. Tuy nhiên, việc kinh doanh buôn bán của họ đã bị ảnh hưởng rất nhiều.
Chị Thùy Dung bán tạp hóa bánh kẹo, quà tết… cho biết, cận Tết gia đình chị đã mua rất nhiều hàng hóa về để bán, nhưng bỗng dưng lối đi vào nhà chị được chính quyền thông báo sẽ “biến” thành chợ hoa. Ngoài ra, chính quyền cũng thông báo “ưu tiên” cho những gia đình như nhà chị sống trên đường NTT sẽ được mua mặt bằng trước nhà mình. Dù không muốn, nhưng gia đình tiểu thương này đã phải bỏ ra 2,8 triệu đồng để mua 2 lô lấy lối đi vào nhà mình: “Cận Tết là dịp buôn bán được nhiều hàng nhất, mình đã lấy rất nhiều hàng nên bắt buộc phải mua lối đi thôi. Nhưng chợ hoa mở ngay trước nhà nên năm nay mình buôn bán khá ế, bằng giờ năm ngoái khách mua đông lắm rồi”, tiểu thương này cho biết.
Chợ hoa là lòng đường và vỉa hè khiến nhiều người dân bị “rào” lối đi trước nhà, nếu không bỏ tiền mua lô thì khó mà buôn bán
Một người dân sống trên đường NTT (phường Hoa Lưu) bức xúc, chiều ngày 14/1, gia đình họ nhận được thông báo lối đi vào nhà mình sẽ tạm thời bị mất, và yêu cầu chủ hộ ngày 15/1 lên phường họp lấy ý kiến. Tại đây, phường cũng ra luôn thông báo ngày 16/1 sẽ bốc thăm lô, và “ưu tiên” cho các hộ sống trên đường NTT được mua những lô trước nhà mình. Dù thấy rất vô lý và bất bình nhưng sự phản đối của họ đều vô nghĩa, bởi dường như chính quyền chỉ mời họ lên cho có lệ.
“Chợ hoa tổ chức cấm luôn cả xe ô tô đi ở đường nhà tôi, nếu có mua lô thì chúng tôi cũng đâu có được đi xe. Gần Tết nhiều việc nhưng tôi đã phải mang xe đi gửi. Trước đó, tôi thấy khi họ phân lô có viết chữ lối đi, nhưng sau đó thì bị xóa”, chủ hộ trên cho biết.
Trước tình thế trên, nhiều hộ dân sống trên đường NTT đã phải bỏ tiền ra mua lối đi vào nhà mình. Một phần chợ hoa quy hoạch thực chất là để bán lối đi cho người dân một cách vô lý!
Kêu ai?
Không chỉ người dân sống trên đường NTT bức xúc, mà ngay cả những người bán hoa cũng rơi vào cảm giác tương tự. Một người bán hoa (xin được giấu tên) cho biết, năm ngoái anh bán hoa tết tại Pleiku lỗ 200 triệu, nhưng năm nay anh vẫn bán với gần 1.000 chậu hoa cúc và cây cảnh. Số hoa này được chở từ Phú Yên lên với giá thuê 7 triệu đồng/xe 8 tấn (chở được khoảng 150 chậu).
Giá thuê xe năm nay tăng gần 2 triệu đồng so với năm ngoái, việc thuê xe gần Tết không phải là dễ nhưng khổ nỗi mỗi lô mặt bằng lại khá đắt và diện tích nhỏ. Một lô chỉ để được khoảng hơn 20 chậu hoa cúc loại vừa, trong khi số lượng chậu hoa trong 1 chuyến xe khá lớn khiến người bán hoa gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, tiểu thương này đã phải bỏ ra gần 20 triệu đồng để mua 16 lô mặt bằng.
Chợ hoa lác đác trên đường NTT vì phần lớn mặt bằng được giành để “ưu tiên” bán cho các hộ dân
Video đang HOT
Tuy nhiên, người này cũng cho biết, tuy mua 16 lô nhưng anh chỉ sử dụng có 8 lô ngoài mặt đường, 8 lô còn lại ở mãi phía trong rất khó bán nên anh gần như để trống: “Diện tích mỗi lô quá nhỏ nên tôi phải mua nhiều, nhưng không ngờ lại bốc thăm trúng lô trong thì đành chịu. Nhiều lô chỉ là khu đất trống rác rưởi lung tung mới được cào bằng, ai mà muốn bước chân vào mua”. Theo người đàn ông này, sở dĩ anh để các lô phía trong trống trong khi chỗ để hoa vẫn thiếu vì phía trong ít có người ghé vào mua và việc vận chuyển rất tốn tiền. Công bốc vác năm nay lại cao lên đến 3 triệu đồng/xe, và đội bốc vác ở chợ hoa này là “độc quyền” khi chủ xe hoa và người nhà muốn bốc hoa của mình cũng không được.
Không chỉ vậy, an ninh tại chợ hoa cũng không đảm bảo khi người bán hoa vừa trưng bày hoa đã có một số đối tượng đến xin “đểu”, không cho thì khó mà buôn bán yên thân: “Lúc đầu tôi tưởng khách đến mua hoa khi nó hỏi chậu hoa giá bao nhiêu. Biết giá nó nói cho nó xin chứ không mua. Có báo với đội an ninh thì cũng vậy thôi”, một người bán hoa nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Tiến Giang – Phó Chủ tịch phường Hoa Lư – cho biết, chợ hoa được tổ chức 2 phường Phù Đổng và Hoa Lư. Riêng Hoa Lư có 200 lô, trong đó đường NTT chiếm 90 lô (70 lô dính vào lối đi của người dân) và có 23 lô được “ưu tiên” cho người dân sống trên đường này mua lại. Ông Giang cũng thẳng thắn chia sẻ, việc quy hoạch chợ hoa có nhiều vấn đề không được người dân đồng tình và ông đã báo cáo lên cấp trên. Còn việc chợ hoa như thế nào thì phường chỉ làm theo sự chỉ đạo của thành phố.
Một lô với mặt bằng bẩn thỉu, nhếch nhác thế này cũng có giá 1,2 triệu đồng
Trước thực trạng trên, chúng tôi đến UBND TP Pleiku để làm việc với ông Võ Phúc Ánh- Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Pleiku- đơn vị trực tiếp quản lý chợ hoa. Ông Ánh cho biết, ông chuẩn bị đi thị sát chợ hoa. Chúng tôi đi theo sau xe ô tô cuả ông Ánh thì chiếc xe này đi một vòng tròn đường NTT, xe chỉ dừng lại lúc đón ông Vũ Tiến Anh- Phó phòng rồi đi một mạch thoát khỏi chợ hoa.
Cán bộ “thị sát” kiểu này, dân còn biết kêu ai?
Tuệ Mẫn
Theo Dantri
Tết đến, sếp to lo hết chỗ... cất quà
Người có chức quyền thì "lo" người khác "đi" Tết mình. "Lo" đến nỗi "sợ" không có chỗ mà cất quà, rồi thì biếu người thân không hết, đành phải cho con em mang ra các đại lý để... bán lại.
Đón Tết hay mừng năm mới là thời khắc chắp nối cho biết bao ước mơ và khát vọng của con người. Và ở mỗi quốc gia, Tết còn là bản sắc văn hóa truyền thống, phù hợp với các điều kiện tự nhiên, khí hậu, tập quán sinh hoạt...
Tất cả quy ra... thóc
Lo Tết là dồn sức cho Tết. Nào phải lo riêng cho cá nhân mình, mà gần thì lo cho gia đình, họ hàng người thân, xa thì lo cho cộng đồng xã hội. Để "ai cũng có Tết". Nghe cứ như... khẩu hiệu, nhưng đó là một sự thật.
Gần đến Tết, người ta phải lo gì nữa? Lo năm nay lương, thưởng Tết sẽ tăng hay giảm. Lương, thưởng tăng hay giảm liên quan rất nhiều đến việc chi tiêu cho Tết. Người càng nhiều quan hệ, lo Tết càng nhiều. Người có chức quyền thì "lo" người khác "đi" Tết mình. "Lo" đến nỗi "sợ" không có chỗ mà cất quà, rồi thì biếu người thân không hết, đành phải cho con em mang ra các đại lý để... bán lại.
Xã hội hình thành cả một thói quen lo quà Tết (chọn quà) để đi sếp, sếp cũng được phân loại A, B, C (1, 2, 3) tùy theo tính chất và mức độ quan hệ. Nói trắng ra thì đó là một hình thức "hối lộ công khai".
Các cụ bảo: "Của biếu là của lo, của cho là của nợ". Đặt nó vào dịp Tết, thấy rõ như in. Vì "lo" thế, nên nhà nước "đọc" ra được cái lệ và cái tệ này, nên mới ra chỉ đạo nghiêm cấm việc cán bộ biếu quà Tết.
Thế còn nhận quà Tết thì sao? Chắc chắn cũng phải "cấm" luôn. Khốn nỗi, người ta thường nói, "cái gì không quản được thì cấm". Quản, cấm thế nào được khi có người đi Tết sếp, đi Tết cấp trên bằng cây kiểng vài chục triệu, đến trăm triệu, rồi rượu, rồi bánh trái. Tất cả đều được quy ra thóc (tiền). Thậm chí cái cây cảnh vừa đem đến nhà sếp đã được chở thẳng ra... đại lý hoa cảnh để nhanh chóng quy ra thóc.
Người càng có nhiều quan hệ làm ăn, càng phải lo Tết nhiều. Xin đừng nói việc lo Tết cũng liên quan đến cơ chế làm ăn? Đến ngay cả có chỉ đạo "cấm" rồi mà người thực hiện chỉ đạo cũng đứng ngồi không yên. Ai cũng đi Tết sếp cả, mình không đi xem ra khó coi.
Thế nên chuyện cấm biếu quà Tết chỉ là chuyện nói cho có chuyện trước thực tế kể trên. Nếu anh ta không đi Tết mình năm nay mà vẫn được trọng dụng, và vẫn lên lương, lên thưởng theo đúng năng lực, chuyên môn, thì họa hoằn cái lệ và cái tệ biếu quà làm khí đệm thăng quan, tiến chức kia mới chấm dứt. Bằng không sẽ thua thiệt đủ đường.
Để chấm dứt một cái tệ trong dịp lễ thiêng liêng của dân tộc, cần phải thay đổi thói quen chạy quà biếu tết. Thực tế, làm việc cho các công ty nước ngoài, khoái và sướng vì chẳng phải lo quà chạy biếu sếp.
Cái vòng luẩn quẩn này mà còn chưa tháo ra được, thì dù có gom vài ba cái Tết vào làm một thì cũng chẳng thay đổi được gì. Còn chơi Tết thì sao?
Chen chúc lễ chùa đầu năm. Ảnh: Lê Phú/ Tin tức
Chơi Tết
Chơi Tết cũng muôn hình vạn trạng. Chơi Tết cũng đôi khi không tách bạch được với chuyện lo Tết.
Bia rượu được tiêu thụ mạnh nhất trong dịp này. Chén bác, chén chú, chén tôi, chén anh, chén tạc, chén thù, chén nhường, chén kính, đến mức không còn thời giờ để cho gan làm nhiệm vụ giải độc.
Rủ nhau đi du lịch cũng là một cách chơi Tết mới, nhất là của những người trẻ. Sau đêm giao thừa với những nghi lễ tối thiểu đón mừng năm mới tại các ngôi chùa hay các điểm vui chơi công cộng, ngay từ mùng 01 Tết, nhiều gia đình đã cổng khóa then cài để đi du lịch.
Đáng nói, khách đi du lịch, hay trảy hội xuân cũng tương ứng với việc tăng rác thải cho các di tích, thắng cảnh. Đến đâu cũng thấy ngập tràn rác, rác đầy dưới chân, rác vương vãi khắp mọi nơi, và tiền lẻ cũng biến thành rác, được dán, được thả, được gài khắp chốn linh thiêng.
Tết là mùa của trăm hoa đua nở, nên có thể nói việc chơi Tết liên quan đến hoa trái, cây cảnh luôn mang đến cho con người không khí ấm áp, rực rỡ, an lành. Thế nhưng chơi cũng phải biết chơi cho ra chơi.
Chẳng biết từ bao giờ, mùa xuân tươi đẹp thế, nhiều màu sắc thế, vui thế, lại là mùa để cho những thứ cây mang hàm ý phát tài phát lộc lên ngôi, mà đôi khi ý nghĩa bị gán cho chỉ vì liên quan đến cách phát âm.
Đơn cử chuyện trái sung, cả năm chẳng ai thèm để ý, bỗng dưng đến Tết, vài chục nghìn một chùm sung, mua về bày lên mâm ngũ quả chỉ vì nó liên quan đến "sung", "sung sướng", "sung túc". Không có sức khỏe thì có "sung" được không, không chịu làm ăn thì có "sướng", có đầy đủ được không?
Rồi thì người ta còn "khênh" cả đào rừng, mai rừng về nhà để chơi Tết, chỉ để cho lạ mắt, chứ thực sự chẳng biết vẻ đẹp trong tự nhiên phải đặt đâu cho hợp lý.
Cứ nhìn người Nhật thưởng hoa đào ở nơi công cộng từ khi hoa nở cho đến khi hoa tàn, mà chẳng một cành hoa nào bị tổn thương, mới thấy họ biết cách chơi hoa và biết biến cách chơi ấy thành đạo.
Bỗng thấy cay cay sống mũi, khi vào ngày 30 Tết từ Nam đến Bắc, nhiều chợ hoa bỗng biến thành một chợ rác khổng lồ. Người bán hoa ngồi đập nát hoa của mình hay vặt hết trái để chở mang về, còn cây thì vứt đầy đường phố, hay ném xuống kênh mương, chẳng khác gì "bạo hành" khí xuân.
Thực dụng đến nao lòng
Ước chi trước khi cho người ta bán hoa, chính quyền sở tại bảo họ viết cam kết, hoa không bán hết thì tặng lại cho các công viên, nơi công cộng, đài tưởng niệm và chính quyền cho người đến gom hoa đi trang trí, hỗ trợ phần nào cho người bán hoa thì hỗ trợ, không hỗ trợ được thì người bán hoa cũng làm đẹp cho những nơi công cộng ấy.
Không những thế, vừa hết ba ngày Tết, tất cả những đào, quất (tắc), vạn thọ bị vứt đầy đường ngõ chung với các loại rác thải sinh hoạt. Kiểu chơi xuân như thế phần nào cũng phản ánh cái thói quen "ăn xổi ở thì". Cái đẹp đã hết nhiệm vụ đứng làm cảnh trong không gian ngôi nhà, khi ấy người ta chẳng còn quan tâm hoa có số phận gì, họ chỉ xem đó là cái phải ném bỏ như rác.
Hóa ra người Việt mình cũng yêu hoa, nhưng thực dụng đến nao lòng.
Ai cũng muốn đẩy rác, đẩy cái thua thiệt ra khỏi nhà mình, nên chẳng bao giờ đi đến cùng với cái đẹp ngay cả khi nó úa tàn. Đành rằng hoa nào rồi cũng biến thành rác, nhưng mất gì vài phút để bẻ nhỏ cành, bó gọn như một hành động chia tay cái đẹp.
Nhưng một phần chuyện lo Tết, chơi Tết cũng ít nhiều liên quan đến quy định nghỉ tết. Thực ra nên cho người dân nghỉ tết sớm và đi làm sớm. Cứ cho rằng vui ba ngày Tết (30, mùng 1, mùng 2) là đủ, thì ngày mùng 3 đi làm là đẹp rồi. Ngồi nhà thêm cũng chẳng biết làm gì ngoài ăn nhậu và bài bạc rạc dài.
Cho nghỉ Tết sớm để người dân có nhiều thời gian hơn để mua sắm, kích cầu. Đồng thời, cho nghỉ Tết sớm, người dân sẽ có thêm thời gian dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Còn cứ như đến cận ngày Tết mới được nghỉ, thì còn thời gian đâu mà lo Tết, chơi Tết.
Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi... Câu hát ấy chẳng phải để người ta cuồng cẳng lên mà lo. Ít lo Tết đi, có lo, thì lo gần cho những nhu cầu sinh hoạt vừa đủ thôi chứ đừng lo xa cho việc thăng quan tiến chức, đừng phô khoe quá đáng. Được như thế thì chẳng phải khổ vì Tết, sẽ có nhiều thời gian hơn để thưởng xuân và chiêm nghiệm chính mình.
"Mưa xuân không cao thấp, cành hoa có ngắn dài" (Vua Trần Thái Tông), cứ bình dị chọn một cành đào, một cành mai, một chậu vạn thọ, một cây quất nhỏ, đặt vào chỗ trang trọng nhất trong phòng khách, hay trước cửa nhà, đồng thời dạy con cháu bày biện một mâm ngũ quả nhỏ xinh dâng cúng ông bà, ai bảo ngôi nhà của mình không tràn ngập màu xuân. Tết được như thế thì trang nghiêm mà thanh thản lắm!
Thái Nam Thắng
Theo VNN
Những chú ngựa sáng rực chào đón Xuân Giáp Ngọ Chào Xuân Giáp Ngọ, trên đường phố nội ô TP Bạc Liêu, rất nhiều chú ngựa dũng mãnh vươn mình. Cùng gây ấn tượng là gần 1.000 chiếc nón lá rực sáng trên đường. Tối 26/1 (nhằm 26 tháng Chạp), đường phố nội ô TP Bạc Liêu lên đèn sáng lung linh; đông đảo người dân đã đổ ra đường vui chơi trước...