Trả giá vì dính vào đường dây ma túy của “Hoa hậu Điện Biên” Nguyễn Thị Hoa
Ngày tôi, em trai và em dâu bị tuyên án chung thân, cha tôi ngồi dưới hàng ghế dưới tòa chết lặng đi, không nói được câu nào. Cả đời ông có lẽ không bao giờ tưởng tượng ra được sẽ có một ngày những đứa con ông hết mực yêu thương, dưỡng dục lại…
Những người tù trong trại giam vẫn gọi án có thời hạn là án số, còn án chung thân – án vô thời hạn là án chữ. 10 năm sống trong trại giam, cuối cùng, Nguyễn Trung Thành cũng chờ được đến ngày mình được chuyển từ “án chữ” xuống “án số”. Đó là điều mà khi bước chân vào cánh cửa trại giam, y hoàn toàn không dám mơ tới.
Những hoài niệm hạnh phúc đau đớn của một người tù
Tôi là một trong những đầu mối lớn trong đường dây ma túy của “Hoa hậu Điện Biên” Nguyễn Thị Hoa, vụ án đã từng tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí hơn 10 năm trước đây. Hơn 10 năm trời phải trả giá bằng án tù chung thân cho sai lầm mình đã mắc phải, thế nhưng tôi đã mất nhiều hơn cái án tù chung thân đó rất nhiều, khi nhìn hạnh phúc ấm êm đang có vuột khỏi tầm tay mà không cách gì níu giữ lại được và phải sống trong nỗi ân hận chứng kiến cha mẹ già suy sụp, đau đớn trước lỗi lầm của con cái.
Tôi còn nhớ, khi tôi bị bắt, không chỉ cha mẹ, vợ con tôi mà tất cả bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm, láng giềng sống quanh nhà vợ chồng tôi đều bàng hoàng. Bởi không ai có thể tin rằng, một cán bộ mẫu mực như tôi, một người sinh ra trong một gia đình nề nếp như tôi, lại phạm phải tội ác đó.
Video đang HOT
Gia đình tôi vốn là gia đình gia giáo. Bố tôi từng là giám đốc nông trường Điện Biên, nên tôi và 4 người em của mình đều được cha mẹ cho ăn học đầy đủ và giáo dục đến nơi đến chốn. Là con trai trưởng trong gia đình, tôi đã trở thành niềm tự hào của cha mẹ khi ngày một phương trưởng, thành đạt và là một cán bộ ngân hàng có năng lực ở Điện Biên khi ấy. Tôi có 1 người vợ hiền lành và 1 đứa con trai ngoan ngoãn, nên suốt những năm tháng đó, gia đình hạnh phúc của tôi luôn khiến tất cả những bạn bè, hàng xóm xung quanh ao ước, ngưỡng mộ. Vợ chồng tôi sống với nhau cả chục năm trời mà vẫn hạnh phúc như ngày mới cưới. Cả 2 chúng tôi đều hiền lành, từ khi nên vợ, nên chồng đến khi có con cái chưa bao giờ to tiếng với nhau. Chúng tôi tôn trọng nhau, yêu thương nhau và cùng nhau nuôi dạy con cái. Đã có những thời điểm, khi cùng vợ con ra ngoài đường, tôi thường ngẩng cao đầu hạnh phúc và tự hào về gia đình của mình.
Cuộc sống riêng viên mãn cùng với sự nghiệp ngày càng tiến tới khiến tôi luôn là hình mẫu lý tưởng trong mắt nhiều người. Nhưng tôi lại đánh mất nó vì một phút tham lam mù quáng. Ngày đó, vợ chồng em trai tôi có một chiếc xe khách riêng để chạy xe đường dài. Em dâu tôi cũng đi theo phụ xe cho chồng. Chính trong những chuyến xe Điện Biên – Hà Nội đó, 2 vợ chồng em tôi gặp Nguyễn Thị Hoa. Ban đầu, người đàn bà đó làm thân với em dâu tôi, thường xuyên qua lại thăm hỏi, quà cáp cho các cháu. Khi đã chiếm được cảm tình của em tôi, cô ta mời em dâu tôi về nhà rồi gợi ý chuyện tham gia vào đường dây buôn bán ma túy của cô ta.
Làm ăn ở ngoài, nên 2 vợ chồng em trai tôi rất quan tâm đến lợi nhuận. Khi nghe Nguyễn Thị Hoa đề nghị, các em tôi đã đồng ý tham gia vận chuyển ma túy. Ngày đó do được cấp trên tín nhiệm, nên tôi được giao những trọng trách mới ở ngân hàng. Vì công việc, tôi thường xuyên phải đi lại giữa Hà Nội và Điện Biên. Đó là lúc, cậu em trai ruột của tôi đến đề nghị tôi chuyển ma túy về Hà Nội. 1, 2 lần đầu nghĩ đơn giản chỉ là xách hộ, nhưng những lần sau thì tôi tham gia luôn đường dây của em trai và em dâu mình. Lợi nhuận kiếm được đã khiến tôi mờ mắt, không hình dung ra hậu quả mà mình sẽ phải gánh chịu khi sự việc vỡ lở.
Năm 1999, khi đường dây ma túy của Nguyễn Thị Hoa bị vỡ lở, 2 vợ chồng em trai tôi bị bắt đầu tiên. Ít lâu sau đó, thì đến lượt tôi sa lưới pháp luật. 3 đứa con bị bắt liên tiếp đã khiến bố mẹ tôi hoàn toàn suy sụp. Bố tôi nằm ốm liệt giường suốt một thời gian dài. Mẹ tôi ngã bệnh nặng rồi từ đó không bao giờ trở lại tỉnh táo bình thường được nữa. Là con trai trưởng, được cha mẹ tin tưởng, nên tôi hiểu, nỗi thất vọng mà tôi đã gây ra cho cha mẹ lớn đến mức nào. Vợ tôi lúc đó đang theo học lớp nâng cao ở Hà Nội, nghe tin chồng bị bắt cũng ngất lịm đi vì không thể chịu được cú sốc đó.
Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày tôi bị tra tay vào còng số 8 và bị công an đưa đến văn phòng làm việc ở ngân hàng để khám xét. Tất cả bạn bè, đồng nghiệp đều nhìn tôi, vừa trách móc, vừa đau đớn. Đó là lúc tôi hiểu mình đã tự tay đánh mất hạnh phúc và danh dự của chính mình.
Tội lỗi lớn nhất của một người con
Ngày tôi, em trai và em dâu bị tuyên án chung thân, cha tôi ngồi dưới hàng ghế dưới tòa chết lặng đi, không nói được câu nào. Cả đời ông có lẽ không bao giờ tưởng tượng ra được sẽ có một ngày những đứa con ông hết mực yêu thương, dưỡng dục lại trở thành những tên tội phạm với mức án khủng khiếp như thế. Không chịu nổi cú sốc đó, quá xấu hổ với bà con làng xóm, cha mẹ tôi bỏ về quê ở Thanh Hóa ở suốt một thời gian dài và chỉ quay lại Điện Biên khi nỗi đau đã nguôi ngoai phần nào.
Những năm ở trong tù, điều mà tôi đau đớn nhất là mỗi lần cha tôi xuống thăm, tôi đều thấy ông già hẳn đi, ánh mắt khắc khoải, đau đớn. Mỗi lần gặp con, ông không mắng chửi, không trách móc, chỉ ứa nước mắt vì thương những đứa con nông nổi, dại dột. 2 anh em tôi ở chung một trai giam, những lần có cơ hội gặp nhau vào dịp cuối năm, hay những lần viết thư cho nhau, điều mà chúng tôi thường xuyên nói đến nhất là sự ân hận, day dứt với cha mẹ già. Tôi và em trai tôi đi tù, cha mẹ tôi phải nuôi cả 3 đứa cháu. Mà tôi biết, cứ nhìn thấy chúng, ông bà sẽ nghĩ đến chúng tôi và lại thêm đau lòng. Mẹ tôi quá đau đớn vì con nên bây giờ chẳng còn tỉnh táo nữa. Có lần xuống thăm tôi, bà gần như không nhận ra được tôi là ai. Đó là tội lỗi lớn nhất mà phận làm con như chúng tôi đã mắc phải.
Bước vào trại giam, không chỉ mất đi công danh, sự nghiệp, tôi còn mất luôn cả gia đình hạnh phúc của mình. Suốt 6 năm đầu ở trong trại giam, vợ tôi vẫn xuống thăm nuôi đều đặn và chăm sóc tôi với tất cả tình yêu thương và trách nhiệm của một người vợ. Nhưng cô ấy càng chăm sóc tôi như thế, thì tôi lại càng cảm thấy lương tâm cắn dứt, càng cảm thấy có lỗi với vợ. Ngày tôi bị bắt, cô ấy mới 30 tuổi. Không chỉ dở dang hạnh phúc, con đường sự nghiệp của vợ tôi cũng bị tôi làm ảnh hưởng. Không muốn làm khổ cô ấy, nên lần nào gặp nhau, tôi cũng động viên cô ấy viết đơn ly dị. Mỗi lần nghe tôi đề cập đến chuyện đó, cô ấy chỉ khóc, và nói sẽ chờ tôi.
Nhưng án tù chung thân của tôi chẳng biết ngày về, tôi chẳng nỡ lòng nào hủy hoại tuổi xuân của cô ấy. 1 lần, 2 lần tôi đòi ly dị, cô ấy không chịu, nhưng cứ bền bỉ từ năm này qua năm khác, cuối cùng cô ấy cũng đồng ý kí vào đơn. Ngày 2 vợ chồng mỗi người một ngả, nằm trong trại giam, tôi thấy như mình vừa mất đi một nửa cuộc đời. Nhưng biết làm sao khác được! Đó là cái giá mà tôi phải trả cho lỗi lầm của mình, là cách duy nhất để người vợ mà tôi hết mực yêu thương có thể được hạnh phúc.
Mất vợ, mất công danh, sự nghiệp, bây giờ, niềm hi vọng duy nhất của tôi chính là đứa con trai nhỏ đã bắt đầu đến tuổi trưởng thành, biết yêu thương bố và biết vượt qua số phận để vươn lên. Dù đã trải qua những vấp ngã, những sai lầm và đổ vỡ trong cuộc đời, cuối cùng, tôi vẫn thấy mình may mắn, vì vẫn nhận được sự yêu thương, chăm sóc và tha thứ của cha mẹ và những người em trong gia đình. Tôi đi tù, lại mang trong mình căn bệnh dạ dày, những người em gái của tôi dù cuộc sống đều có những lo lắng riêng vẫn gom góp, dành dụm để lo cho tôi một cuộc sống thoải mái trong trại giam.
Ngày đầu tiên bước vào song sắt nhà tù, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ sống để đợi được đến ngày về. Nhưng bây giờ, tôi đã đi được một nửa chặng đường, đã xóa bỏ được án tù chung thân của mình xuống mức án 20 năm. Đó là hạnh phúc, là may mắn mà tôi có được và phải gìn giữ. Nhưng đó cũng là điều nhắc nhở tôi về tình cảm gia đình, về sự hi sinh và tha thứ mà nhữhg người thân trong gia đình dành cho tôi, để tôi có cơ hội trở về và sửa chữa lỗi lầm của mình.
Theo ANTD