TQ tuyển mãi vẫn chưa đủ người thử nghiệm thuốc khắc chế virus corona
Tiến độ thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị virus corona ở Trung Quốc chậm hơn dự kiến vì quá ít bệnh nhân đủ điều kiện thử nghiệm khi phần lớn có sử dụng thuốc khác từ trước.
Trung Quốc đang cho thử nghiệm lâm sàng phương thuốc điều trị người nhiễm chủng virus corona mới tại Vũ Hán. Tuy nhiên, các bệnh viện đang khá chật vật tìm người đáp ứng đủ điều kiện thử nghiệm, theo Wall Street Journal.
Yêu cầu đặt ra là bệnh nhân không sử dụng bất kỳ thuốc nào khác trong vòng 30 ngày, trong khi đa số những ca nhiễm ở Vũ Hán lại đang không đáp ứng tiêu chí này.
Tiến độ thử nghiệm lâm sàng chậm hơn dự kiến. Trong vòng 10 ngày đầu, các bệnh viện chỉ tìm được chưa đến 200 ứng viên, còn mục tiêu đặt ra cho thử nghiệm hiệu quả là hơn 700 người.
Thử nghiệm lâm sàng cho thuốc điều trị virus corona được tiến hành đầu tiên tại bệnh viện Kim Ngân Đàm ở Vũ Hán vào đầu tháng 2. Ảnh: AP.
Khó tìm người thử nghiệm
Đã có 168 bệnh nhân với các triệu chứng nghiêm trọng và 17 bệnh nhân có triệu chứng từ trung bình đến nhẹ đăng ký tham gia thử nghiệm thuốc điều trị. Các bệnh nhân được chọn từ 11 cơ sở y tế trên khắp Vũ Hán, theo thông báo ngày 15/2 của Zhang Xinmin, một quan chức tại Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.
Thử nghiệm lâm sàng cho remdesivir của hãng dược Gilead Sciences được công bố đầu tiên vào ngày 5/2 tại bệnh viện Kim Ngân Đàm, một trong những cơ sở chủ lực tại Vũ Hán điều trị người dương tính với virus corona. Theo Tân Hoa xã, kế hoạch thử nghiệm lâm sàng cần điều trị cho 760 người nhiễm, trong đó có 308 người có triệu chứng từ nhẹ đến vừa và 452 người có triệu chứng nặng.
Để tham gia dùng thử thuốc, người bệnh nặng cần được bắt đầu điều trị trong vòng 12 ngày kể từ khi phát bệnh và chưa dùng thêm bất kỳ loại thuốc nào trong 30 ngày đổ lại. Người bệnh vừa và nhẹ cần bắt đầu điều trị trong vòng 8 ngày kể từ khi phát bệnh.
Những tiêu chuẩn mà đơn vị phát triển đặt ra đã loại đi phần lớn ứng viên. Nhiều người nhiễm virus corona tại thành phố Vũ Hán đều chọn tự mua thuốc uống tại nhà. Điều này có thể xuất phát khuyến nghị từ truyền thông nhà nước giữa tình cảnh bệnh viện Vũ Hán quá tải, do những tin đồn trên mạng hoặc do người nhiễm còn mắc phải những căn bệnh khác.
Một số bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng rõ rệt cũng không thể thử nghiệm điều trị bằng thuốc mới vì xét nghiệm âm tính với virus corona, dù kết quả có khả năng thiếu chính xác.
Theo Tân Hoa xã, bệnh nhân đầu tiên được thử nghiệm điều trị bằng remdesivir là một nam giới 68 tuổi. Ông đã xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng và đang được điều trị ở Kim Ngân Đàm.
Zhao Jianping, bác sĩ tại bệnh viện Thái Khang Đồng Tế, trưởng nhóm cố vấn điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona, cho biết 2/3 các ca nặng tại bệnh viện sẽ được điều trị bằng remdesivir. Số ca còn lại được điều trị song song bằng các biện pháp tiêu chuẩn, nhưng vẫn được cho thêm giả dược Remdesivir.
Với biện pháp giả dược, người bệnh không biết mình dùng thuốc mới hay không, giúp tâm lý không bị ảnh hưởng và đảm bảo hiệu quả so sánh tác dụng của thuốc mới.
Người phát ngôn của Gilead Sciences nói nghiên cứu trên hai nhóm người bệnh nặng và người bệnh vừa được bắt đầu cách nhau 1 tuần. Công ty khẳng định thử nghiệm lâm sàng được thực hiện bởi giới chức Trung Quốc.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt người dân tại Bắc Kinh. Ảnh: Getty.
Thử nghiệm các liệu trình khác
Theo ông Zhang Xinmin, ngoài remdesivir, biện pháp điều trị bằng chloroquine trị sốt xuất huyết và favipiravir trị cúm sẽ đã cho thấy hiệu quả trong một số thử nghiệm lâm sàng.
Sun Yanrong, một quan chức khác của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, ngày 17/2 xác nhận chloroquine đã chứng minh hiệu quả trong điều trị người nhiễm virus corona mà không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Các chuyên gia đã đề xuất bổ sung vào bộ hướng dẫn toàn quốc thuốc chloroquine, vốn nằm trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trong hơn 70 năm qua, trong đợt cập nhật về phương án điều trị cho người nhiễm virus corona.
Hai hãng dược quốc doanh lớn tại Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất chloroquine, theo thông báo ngày 18/2 từ Zhao Shitang, quan chức tại Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản nhà nước.
Thuốc điều trị cúm favipiravir cũng được thử nghiệm so sánh cùng Kaletra, một loại thuốc AVR (viết tắt của antiretroviral, giúp ngăn virus sinh sôi) chuyên dùng để điều trị bệnh nhân nhiễm HIV.
Bệnh viện Thâm Quyến Số 3 tuần qua thông báo thử nghiệm lâm sàng cho thấy favipiravir hiệu quả và ít tác dụng phụ hơn. Nghiên cứu được thực hiện trên 80 ca dương tính. Cơ sở này đã đề nghị mở rộng quy mô thử nghiệm để điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona.
Favipiravir được phát triển bởi Nhật Bản để trị cúm và thể hiện hiệu quả trong điều trị người nhiễm viurs Ebola. Các cơ quan quản lý thuốc của Trung Quốc tuần qua cũng phê duyệt sử dụng favipiravir để điều trị cúm và thử nghiệm lâm sàng trong điều trị người nhiễm virus corona mới.
Các nỗ lực thử nghiệm thuốc điều trị đang tiếp tục được đẩy nhanh giữa lúc số ca dương tính tại Trung Quốc tiếp tục tăng, dù số ca nhiễm mới đã có xu hướng giảm những ngày qua. Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) của Trung Quốc ngày 19/2 cập nhật tổng ca nhiễm được xác nhận tại Trung Quốc đại lục lên 74.185 người. Số ca tử vong tại Trung Quốc đại lục được NHC công bố là 2.004 tính tới hết ngày 18/2.
58 triệu dân Hồ Bắc được lệnh tự cách ly khẩn cấp
Các nhà chức trách yêu cầu 58 triệu người dân tại Hồ Bắc tự cách ly và cấm các phương tiện lưu thông trên đường.
Theo
Nhật Bản lên kế hoạch thử nghiệm thuốc HIV điều trị bệnh nhân Covid-19
Chính phủ Nhật Bản không bình luận về việc sẽ mất bao lâu để loại thuốc mới được phê duyệt.
Nhật Bản có kế hoạch thử nghiệm thuốc điều trị HIV để điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 (nCoV), trong bối cảnh số ca mắc virus ngày càng tăng gây ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với nền kinh tế của đất nước cũng như sức khỏe cộng đồng.
Yoshihide Suga, phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ, cho biết trong cuộc họp báo ngày 18/2 rằng chính phủ " hiện đang chỉ đạo điều chế các chế phẩm để các thử nghiệm lâm sàng với việc sử dụng thuốc điều trị HIV trên virus corona chủng mới có thể bắt đầu sớm nhất có thể".
Ông Suga cho biết ông không thể bình luận về việc sẽ mất bao lâu để loại thuốc mới được phê duyệt.
Một người phụ nữ đeo khẩu trang chạy băng qua đường tại Shibuya ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 17/2/2020. (Ảnh: Reuters)
Tổng số ca nhiễm được xác nhận tại Nhật Bản là 523 vào ngày 17/2, bao gồm 454 trường hợp từ tàu du lịch Diamond Princess được cách ly ngoài cảng Yokohama - theo Bộ Y tế Nhật Bản. 1 người đã chết vì virus cho đến nay.
Dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế Nhật Bản, làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế, sự lây lan của virus corona đã khiến Tokyo đặt giới hạn đối với đám đông công chúng trong khi một số công ty bắt đầu hối thúc nhân viên làm việc tại nhà.
Quyết định thử nghiệm với thuốc điều trị HIV của Tokyo được đưa ra khi những loại thuốc này được quảng cáo là thuốc chữa bệnh virus corona tiềm năng trên toàn thế giới. Cho đến nay, chưa có liệu pháp nào chứng minh được 100% hiệu quả chống lại loại virus khiến 1.900 người thiệt mạng tại Trung Quốc đại lục này.
Người dân ở Trung Quốc đã bắt đầu khám phá những cách không chính thức để có được phương pháp điều trị. Trong khi đó, tại Thái Lan, các bác sĩ cho biết họ dường như đã có một số thành công trong việc điều trị các trường hợp nhiễm virus corona nặng bằng cách kết hợp thuốc trị cúm và HIV.
VĂN ĐỨC (Nguồn: Reuters)
Theo vtc.vn
'Kiệt sức' - bác sĩ tại tâm dịch Vũ Hán quá tải và thiếu sự bảo vệ Các bác sĩ tại tiền tuyến chống đại dịch viêm phổi virus corona đang đối diện với muôn vàn khó khăn, từ số bệnh nhân tăng vọt đến nguy cơ nhiễm bệnh vì không đủ trang thiết bị. Mệt mỏi. Không đủ nhân lực. Những nhân viên y tế Trung Quốc tại tuyến đầu Vũ Hán trong hơn 1 tháng qua phải tiếp...