TQ nói không làm ăn với Triều Tiên, số liệu “nói” khác
Không dễ gì để Trung Quốc từ bỏ quan hệ làm ăn kinh tế mang về hàng tỉ USD doanh thu mỗi năm cho người dân vùng biên.
Ông Kim Jong-un chúc mừng binh sĩ Triều Tiên vì vụ phóng thành công tên lửa hôm 4.7.
Thời gian gần đây, Trung Quốc chịu áp lực rất lớn từ Mỹ và cộng đồng quốc tế vì nước này được xem là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên. Bắc Kinh cũng là quốc gia có kim ngạch thương mại hai chiều lớn nhất với Bình Nhưỡng. Số tiền chảy vào Triều Tiên được cho là sử dụng vào chương trình nghiên cứu, chế tạo tên lửa và vũ khí hạt nhân gây tranh cãi.
Ngay sau khi cảm nhận được áp lực của cộng đồng quốc tế và sự khó kiểm soát của Triều Tiên, Bắc Kinh tuyên bố không nhập khẩu than từ Bình Nhưỡng. Biên giới chung với quốc gia láng giềng bị phong tỏa khiến giao thương hai chiều gặp nhiều khó khăn.
Bất chấp tuyên bố không làm ăn với Triều Tiên, số liệu thống kê của cục hải quan Trung Quốc cho thấy điều ngược lại. Dữ liệu mới nhất cho thấy Trung Quốc nhập hàng hóa từ Triều Tiên giảm 13,2% trong 6 tháng đầu năm, xuống còn 880 triệu USD.
Trái lại, kim ngạch xuất khẩu sang Triều Tiên lại tăng đột biến lên 1,67 tỉ USD (tăng 29,1%) so với cùng kì năm ngoái. Kim ngạch hai chiều tăng 10,5% lên 2,55 tỉ USD chỉ trong nửa năm 2017. Số liệu này cho thấy điều hoàn toàn khác với tuyên bố mạnh mẽ của Trung Quốc trước đây.
Theo CNBC, hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Triều Tiên chủ yếu là sản phẩm may mặc và các sản phẩm hàm lượng chất xám thấp, không nằm trong danh mục cấm của Liên Hiệp Quốc. Thông tin được ông Hoàng Song Bình, phát ngôn viên cục hải quan Trung Quốc, cung cấp.
Video đang HOT
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Trung Quốc vì mối quan hệ thân thiết của nước này với Triều Tiên. Ông Trump yêu cầu Trung Quốc có biện pháp cần thiết về kinh tế để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân và tên lửa.
Trong 10 năm qua, Mỹ và Liên Hiệp Quốc đã áp đặt rất nhiều lệnh trừng phạt nhằm ngăn chặn quá trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 4.7 cho thấy Triều Tiên đã tiến bộ rất nhanh trong chương trình tên lửa và buộc cộng đồng quốc tế cân nhắc các biện pháp mới mạnh tay hơn.
Theo Danviet
Cách Hàn Quốc "ra đòn" nếu biết Triều Tiên sắp tấn công
Do không sở hữu vũ khí hạt nhân, cách đánh của Hàn Quốc sẽ rất khác so với Triều Tiên trong trường hợp xung đột quân sự leo thang mất kiểm soát.
Máy bay không người lái Global Hawk.
Hàn Quốc đã chuẩn bị sẵn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, hỏa lực phòng không, tàu chiến để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Tờ National Interest cho biết hiện nay quân đội Hàn Quốc đã lên sẵn kế hoạch mang tên "Trả đũa và trừng phạt quy mô lớn Triều Tiên" (KMPR), với sự hiện diện của hàng trăm quả tên lửa với độ chính xác cao và biệt đội thiện chiến tham gia.
Là một quốc gia phi hạt nhân, Hàn Quốc có ít lựa chọn hơn trong việc đối phó chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Thay vì xây dựng kho vũ khí hạt nhân của riêng mình, Seoul sử dụng vũ khí truyền thống với thông số kĩ thuật ưu việt, bao gồm máy bay do thám không người lái Global Hawk, các thiết bị trinh sát từ xa, đội đặc nhiệm, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Chiến đấu cơ F-15K.
Thiết bị giám sát như Global Hawk sẽ là thiết bị đầu tiên có khả năng phát hiện một cuộc chiến tranh hạt nhân được phát động. Dấu hiệu rõ ràng nhất là khi Triều Tiên huy động các bệ phóng di động chở theo tên lửa tầm ngắn KN-01 Toksa, Hwasong-2, Hwasong 7; tên lửa tầm bán trung Nodong-1, tên lửa tầm trung Hwasong-12.
Ngoài ra, Hàn Quốc có thể dựa vào đội tiếp nhiên liệu xuất hiện bất ngờ ở một khu vực nào đó để biết Bình Nhưỡng chuẩn bị tham chiến. Quá trình di tản tầng lớp tinh hoa Triều Tiên khỏi các thành phố lớn hoặc tới các hầm trú ẩn bên dưới lòng đất tại Bình Nhưỡng cũng là chỉ dấu quan trọng cho một cuộc chiến trước mắt.
Khi xác định rõ ràng Triều Tiên chuẩn bị tấn công Hàn Quốc, chính phủ Seoul sẽ ra lệnh kích hoạt kế hoạch KMPR. Đội đặc nhiệm Hàn Quốc, được sự hỗ trợ của lính Mỹ, sẽ nhảy dù và trinh sát các địa điểm nghi bắn tên lửa. Các đơn vị này có thể tấn công tên lửa bằng vũ khí hạng nặng hoặc yêu cầu không quân, tên lửa hành trình yểm trợ.
Tên lửa Hyunmoo hiện đại của Hàn Quốc.
Hỏa lực của chiến dịch KMPR là một tổ hợp các loại vũ khí chiến lược, tên lửa hành trình và đạn đạo. Hàn Quốc có 60 chiến đấu cơ F-15K, loại tốt nhất hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Loại này có thể bắn được tên lửa đa năng, độ chính xác cao như AGM-84E ở khoảng cách trên 200 km. AGM-84E chuyên dùng để tiêu diệt hỏa lực và các xe chở tên lửa đối phương.
Hàn Quốc có tổng cộng 270 tên lửa hành trình Taurus của Đức, có thể sử dụng trên các máy bay F-15K. Tên lửa siêu âm Taurus có tầm bắn trên 400km, có thể tiêu diệt mọi mục tiêu ở phía bắc Bình Nhưỡng. Đầu đạn mới của tên lửa này có khả năng "khoan" boongke và các cơ sở bên dưới mặt đất.
Tên lửa hành trình Taurus do Đức sản xuất.
Tên lửa Hyunmoo cũng là sát thủ bầu trời, có thể tiêu diệt các mục tiêu trong phạm vi 400 km, đủ sức tấn công phần lớn lãnh thổ Triều Tiên. Loại tên lửa này phóng từ xe tải, có thể đánh phá các tòa nhà quân sự và chính phủ tại Bình Nhưỡng. Tên lửa Hyunmoo 3B mới nhất cho phép Hàn Quốc phóng linh hoạt từ nhiều loại thiết bị khác nhau.
Khi kế hoạch KMPR kích hoạt, hàng trăm tên lửa truyền thống sẽ khai hỏa về phía bắc, tiêu diệt các mục tiêu tên lửa Triều Tiên, phá hủy các cơ sở hạt nhân Bình Nhưỡng. Đây sẽ là đòn đánh mạnh vào khả năng dùng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Một phần của kế hoạch KMPR là tấn công chính quyền Bình Nhưỡng. Năm 2016, một quan chức Hàn Quốc trả lời hãng tin Yonhap: "Với bất kì địa điểm nào tại Triều Tiên, chúng tôi cũng có thể nã tên lửa và vô hiệu hóa những sở chỉ huy, cơ quan trọng yếu nhất. Nói cách khác, thủ đô Bình Nhưỡng sẽ bị phá hủy toàn bộ".
Hàn Quốc có trong tay 3.000 lính thủy đánh bộ thiện chiến và khi cần, họ sẽ là lực lượng cảm tử xông vào chiến tuyến Triều Tiên. Đơn vị mang tên "Spartan 3000" này có mục tiêu "xóa bỏ và làm tê liệt mọi hoạt động của trung tâm chỉ huy khi chiến tranh nổ ra".
Tờ National Interest nhận định Hàn Quốc có thể giành chiến thắng, tuy nhiên cái giá phải trả không hề nhỏ khi Triều Tiên sẽ bắn tên lửa hàng loạt và trọng pháo đáp trả. Theo kịch bản mà tờ Daily Beast từng đưa ra, hàng triệu người Triều Tiên sẽ trở thành nạn nhân nếu chiến tranh hai miền bùng nổ.
Theo Danviet
Trung Quốc nổi giận vì bị gán trách nhiệm với Triều Tiên Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói "bị đâm sau lưng cũng chẳng hay chút nào". Phát ngôn viên Cảnh Sảng. Ngày 11.7, Trung Quốc bất ngờ lên tiếng phản đối sau khi Mỹ liên tục yêu cầu Bắc Kinh gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng để buộc nước này dừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Trước đó,...