TPP tác động đến ngành ngân hàng: Rủi ro đến từ dòng vốn ngoại
Sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP) đạt được thỏa thuận bước đầu, nhiều doanh nghiệp Việt đang đứng trước cơ hội tiếp cận nguồn vốn từ nước ngoài để phát triển sản xuất kinh doanh. Nhưng đằng sau cơ hội này cũng tồn tại không ít rủi ro.
“Hiệp định của thế kỷ 21″ đã kết thúc giai đoạn đàm phán vào ngày 5/10 vừa qua. Trong đó, các vấn đề liên quan đến tài chính, ngân hàng cũng đã được xem xét cụ thể. Tuy chỉ tác động gián tiếp nhưng với quy mô rất lớn, ngành tài chính ngân hàng sẽ có nhiều ảnh hưởng.
Các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Xuất hiện nhiều “sóng” lớn
Hiến chương về dịch vụ tài chính của TPP vẫn chưa được công bố chi tiết nhưng có thể thấy đây là một khía cạnh mà 12 thành viên của TPP rất cẩn thận suy xét để vừa bảo đảm mang đến lợi ích tổng thể cho nền kinh tế nhưng cũng vừa bảo vệ phần nào hệ thống tài chính nước nhà trước sức ép cạnh tranh mới, nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Chính vì thế, ngành tài chính Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục chứng kiến các thay đổi lớn khi TPP bắt đầu có hiệu lực. Thủ tục hành chính được đánh giá sẽ có sự thay đổi khá lớn. Đó chính là cơ chế cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể khởi kiện chính phủ các quốc gia sở tại nơi mình hoạt động nếu họ cảm thấy chính phủ quốc gia này đưa ra các quy định bất hợp lý, trái với TPP và gây thiệt hại cho họ, nhà đầu tư nước ngoài (cơ chế ISDS). Do đó, các quyết định mang nhiều tính hành chính các bộ, ngành thực hiện trong nhiều năm nay sẽ phải được tính toán và xem xét rất cẩn trọng trước khi đưa ra, đặc biệt nếu các quyết định ấy ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại.
Cùng với đó, các nước có đưa ra cam kết không phá giá đồng nội tệ của mình để mang lại lợi thế cạnh tranh khi tham gia vào TPP. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam hiện nay. Cơ chế thực thi cam kết này như thế nào chưa được công bố, nhưng có thể nói các chính sách về điều hành tỷ giá của NHNN trong các năm tới sẽ theo các chuẩn mực chung của các nước thành viên TPP. Đi kèm với thách thức thì đây cũng là cơ hội lớn cho hệ thống ngân hàng, kể cả trong và ngoài nước. Các ngân hàng sẽ có cơ hội cải thiện mạnh mẽ doanh thu hoạt động nhờ tài trợ cho các hoạt động thương mại gia tăng giữa các thành viên TPP.
Ngoài thủ tục hành chính, cam kết không phá giá đồng nội tệ thì một trong những thay đổi lớn nhất về ngành tài chính ngân hàng nước ta có lẽ phải kể đến việc TPP sẽ cho phép các tập đoàn tài chính nước ngoài bán dịch vụ của mình sang thị trường các quốc gia thành viên khác mà không cần phải thành lập chi nhánh tại đó.
Video đang HOT
Điều này đồng nghĩa với việc, sau khi cho phép các ngân hàng nước ngoài thành lập ngân hàng con (có vốn 100% nước ngoài) theo thỏa thuận khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giờ đây Việt Nam nhiều khả năng sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm đa dạng hơn của các ngân hàng ngoại tại Việt Nam mà không cần nhìn thấy cơ sở hoạt động của họ tại Việt Nam.
Dĩ nhiên, về khía cạnh kinh doanh, điều này sẽ cho phép các ngân hàng ngoại tiết giảm chi phí để từ đó sẽ đưa những sản phẩm tiết kiệm và vay vốn hấp dẫn tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, TPP cũng quy định dỡ bỏ một số quy định hạn chế đối với các ngân hàng ngoại tại Việt Nam như quy định các ngân hàng ngoại chỉ được phép mở một văn phòng tại mỗi tỉnh…
Điều này sẽ tạo ra sức ép rất lớn cho các ngân hàng nội, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, tuy nhiên, việc này cũng mang đến một dòng chảy vốn lớn từ các ngân hàng ngoại vào Việt Nam, nơi mà quy mô hoạt động của các đơn vị này vẫn còn rất khiêm tốn.
Không phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngoại
Như đã phân tích ở trên, sau khi gia nhập TPP, thị trường tài chính sẽ nhộn nhịp, năng động. Điều này có được do lưu thông tiền tệ trong các nước TPP thuận lợi, tỷ giá ổn định sẽ giúp dòng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp đổ vào Việt Nam… dẫn tới nền sản xuất trong nước tăng trưởng mạnh, xuất khẩu cũng sẽ tăng mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi vào TPP, chắc chắn nền kinh tế Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn mới, trong đó nhu cầu vốn càng ngày càng tăng. Muốn cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu và phát triển thì vấn đề vốn luôn là trọng tâm. Để chuẩn bị cho việc nắm bắt cơ hội từ những hiệp định như TPP, vấn đề quan trọng của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp là phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ, cơ sở sản xuất kinh doanh…
Cũng theo TS. Hiếu thì hiện tại, điều mà nhiều ngân hàng Việt Nam còn đang thiếu là nguồn vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, vì các ngân hàng nước ngoài rất trường vốn, có những dòng vốn trung, dài từ các quỹ đầu tư, từ thị trường vốn dồi dào và chi phí thấp, nên nhiều khả năng các ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với một sự cạnh tranh rất lớn.
Ngoài ra, thị trường TPP là tự do, không chỉ về thương mại xuất nhập khẩu mà cả về tài chính. Như vậy, các ngân hàng nước ngoài họ có thể cho các doanh nghiệp ở Việt Nam vay, nếu chứng minh được khả năng. Do đó, hiện tượng tự do hóa trong TPP sẽ trở thành hiện tượng tự do hóa trong ngành tài chính Việt Nam và những quy định về tỷ giá, chính sách về tỷ giá có lẽ sẽ có nhiều thay đổi trong giai đoạn 5-10 năm tới.
Trong trường hợp nếu các ngân hàng Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp hay lãi suất cao hơn các ngân hàng nước ngoài thì các doanh nghiệp sẽ không sử dụng ngân hàng truyền thống nữa mà thay vào đó họ sẽ sử dụng vay vốn ngoại để phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ với báo chí, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, cho biết nếu phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngoại dẫn đến sự bất ổn cho nền kinh tế. Cộng với đó, với tỷ lệ nợ nước ngoài (cả nợ công và nợ tư nhân) ngày một tăng lên của Việt Nam, cộng với tầm quan trọng của tỷ trọng FDI trên cán cân thanh toán và sự mở cửa hơn nữa của thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng ta đang ngày càng phụ thuộc vào vốn ngoại. Trong bối cảnh đó, khi thị trường tài chính toàn cầu gặp những cú sốc lớn khiến dòng vốn quốc tế biến động mạnh, nền kinh tế Việt Nam sẽ càng dễ tổn thương.
Một cú sốc khiến vốn ngoại ngưng vào hoặc chảy ra sẽ tác động khó lường tới sức ép phá giá ngoại tệ và sự ổn định của hệ thống tài chính. Ngược lại, sự đổ vào nhanh chóng của vốn ngoại sẽ làm tăng bong bóng bất động sản, tài sản tài chính và đẩy giá tiền đồng lên như những gì đã diễn ra trong giai đoạn 2006-2008.
Cũng theo ông Tuấn thì khối doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa ở Việt Nam phải có nội lực đủ lớn, thì khi vốn ngoại có rút đi, vốn nội cũng có thể thay thế, mua lại tài sản vốn ngoại bán ra để giảm sốc cho nền kinh tế.
Theo Người tiêu dùng
Áp lực đối với ngành thép
Mở cửa thị trường, tham gia toàn cầu hóa, đã mở ra cơ hội lớn cho nhiều ngành kinh tế, song không ít ngành, lĩnh vực thấy ngay bất lợi vì phải đối diện với cạnh tranh khốc liệt. Đối với ngành thép, việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt ra khá nhiều áp lực, bởi quy mô nhỏ, vốn mỏng và thiếu năng lực trong việc giải quyết các tranh chấp về phòng vệ thương mại,...
Sản xuất phôi thép tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.
Yếu thế cạnh tranh
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, một trong những ngành sẽ phải chịu áp lực lớn khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực chính là ngành thép của Việt Nam. Nhiều năm trở lại đây và đến thời điểm hiện tại, thép Việt Nam vẫn từng ngày bị "lép vế" trước thép Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt với giá thấp. Nguy cơ khó cạnh tranh với thép nhập khẩu càng gia tăng khi hàng loạt các FTA được ký. Ngành thép Việt Nam đang gặp những rào cản lớn về quy mô, năng lực nội tại làm giảm khả năng cạnh tranh, kìm chân doanh nghiệp (DN). Sự yếu thế cả về vốn và nguồn nhân lực khiến cho các DN thép của Việt Nam không thể đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất. Công nghệ sản xuất lạc hậu chỉ là một trong hàng loạt vấn đề mà ngành thép vấp phải hiện nay. Ngoài việc phải căng mình cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ, ngành thép còn "đau đầu" đối phó những vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài. Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) Nghiêm Xuân Đa nhẩm tính, trong tháng 9 vừa qua, ngành thép đã bị các nước kiện chống bán phá giá tới ba lần, còn nếu tính từ khi tham gia xuất khẩu, con số này lên tới vài chục lần. Tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, cộng đồng DN không chỉ phải chuẩn bị về nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn phải chuẩn bị thật kỹ về khả năng phòng vệ, nắm rõ "luật chơi" ở sân chơi toàn cầu mới có thể trụ vững trên thương trường ở thời kỳ hội nhập.
Khi hội nhập, "hàng rào" thuế quan sẽ dần dỡ bỏ, DN trong nước phải đối diện hàng loạt các mặt hàng giá rẻ tràn vào, không thể bắt buộc người tiêu dùng mua hàng Việt trong khi những sản phẩm nước ngoài có ưu thế vượt trội về giá cả cũng như chất lượng. Các FTA mà Việt Nam đã và đang ký kết sẽ có tác động cả hai mặt, tích cực và tiêu cực. Nhưng riêng ngành thép, những tác động tiêu cực có tính chất mạnh mẽ hơn so với những tác động tích cực. FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (VCUFTA) với năm quốc gia Nga, Ác-mê-ni-a, Bê-la-rút, Ka-dắc-xtan và Kít-gi-xtan dù mở ra cơ hội không nhỏ cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, song đối với ngành thép đang là nguy cơ khủng khiếp. Nước Nga được mệnh danh là "người khổng lồ" của ngành thép, nhiều chuyên gia nhận định, nếu như thép Nga tràn vào, các DN thép Việt vốn yếu đuối sẽ bị "bóp chết" một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, các DN cần phải tự nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại để khi cần thiết có thể đối phó với thép nhập khẩu giá rẻ, cạnh tranh không lành mạnh trong nước cũng như tham gia các vụ kiện phòng vệ ở nước ngoài. Đối với các DN khi vướng vào những vụ kiện này rất cần sự giúp sức từ các cơ quan chức năng cũng như phía hiệp hội. Nhiều chuyên gia phân tích, để bảo vệ sản xuất trong nước, Việt Nam cần chú trọng đến các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ cấp. Thực tế, đã có một số DN thép trong nước thắng kiện khi có đầy đủ thông tin chứng minh không bán phá giá tại thị trường nước ngoài. Song, để làm được việc này, đòi hỏi DN không chỉ có tiềm lực về kinh tế, mà cần thông thạo, hiểu sâu về luật lệ, các công cụ phòng vệ trước các cuộc tranh chấp thương mại quốc tế.
Tự lực vươn lên
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) vừa được hai nước ký kết. Việt Nam sẽ cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu, chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu ở các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt may, nguyên liệu nhựa, sắt thép, cáp điện,... nhập khẩu từ Hàn Quốc theo cam kết VKFTA. Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), với cam kết của Việt Nam, các sản phẩm sắt thép là nhóm phải chịu sức ép mở cửa trước tiên. Chưa cần chờ đến khi VKFTA có hiệu lực, thép nhập khẩu từ Hàn Quốc đã rất sẵn tại thị trường trong nước,nhập khẩu thép từ Hàn Quốc chỉ đứng sau Trung Quốc và Nhật Bản. Đại diện Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cho rằng, hội nhập là xu hướng tất yếu, các DN thép Việt Nam không còn con đường nào khác là phải tự vươn lên bằng chính nỗ lực của bản thân, nâng cao khả năng quản trị, hạ giá thành,... để đưa ra được những sản phẩm chất lượng cao, có tính cạnh tranh. Tính cạnh tranh được đánh giá ở nhiều chỉ tiêu như chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giá cả, khả năng cung ứng,...
Liên quan những vấn đề của ngành thép khi hội nhập, Thứ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhận định, khi đã mở cửa, tham gia toàn cầu hóa, Việt Nam phải chấp nhận nguyên tắc của kinh tế thị trường. Những biện pháp hỗ trợ cho DN của Chính phủ, cơ quan quản lý cũng chỉ có tính tạm thời. Do đó, các DN thép phải chấp nhận nguyên tắc cạnh tranh với sản phẩm của các nền kinh tế khác. Hơn nữa, sự hỗ trợ từ cơ chế đối với ngành thép cũng giống như muối bỏ biển, nếu chính năng lực cạnh tranh của ngành quá yếu. Như vậy, các DN phải luôn nỗ lực trong việc nâng cao khả năng quản lý và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Hồ Nghĩa Dũng, ngành thép phải xây dựng những DN đủ lớn với quy mô 4-5 triệu tấn/năm, chỉ khi mở rộng quy mô, các sản phẩm thép trong nước mới có thể chống chọi được với sản phẩm thép nhập khẩu giá rẻ. Mặc dù ngành thép gần đây có mức tăng trưởng khá, song công suất thực tế của không ít nhà máy chỉ đạt 60% thiết kế, do bị thép nhập khẩu cạnh tranh. Các DN thép sản xuất cầm chừng còn có cả yếu tố chủ quan. Những năm trước đây, tốc độ phát triển của ngành rất nóng, cung vượt xa cầu, khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, sản lượng sụt giảm là đương nhiên. Tổng công suất sản xuất thép xây dựng Việt Nam đã đạt hơn 11 triệu tấn, trong khi khả năng tiêu thụ chỉ khoảng sáu triệu tấn. Năm nay, thị trường thép bắt đầu quá trình đào thải một cách quyết liệt, chứng kiến sự "biến mất" của một số tên tuổi. Trong quá trình hội nhập, các DN sản xuất trong nước sẽ được bảo hộ trong vài năm đầu, đây là thời gian "vàng" để các DN tái cơ cấu, chuẩn bị nội lực cạnh tranh. Những DN nào không bứt phá để phát triển, việc bị đào thải là tất yếu và cần thiết để ngành phát triển thật sự trong tương lai.
Hơn lúc nào hết, trên bước đường hội nhập, các DN ngành thép cần phải biết đoàn kết hơn nữa để cùng nhau phát triển và yếu tố quyết định cho DN vượt qua khó khăn trước mắt cũng như lâu dài chính là chất lượng và giá thành sản phẩm.
Trước áp lực cung vượt cầu gay gắt, VSA đã kiến nghị các bộ ngành liên quan thu hồi một số dự án thép chưa triển khai, không khả thi hoặc không tuân thủ về công nghệ sản xuất. Theo ước tính, có 28 trong số 42 dự án đã đăng ký thực hiện giai đoạn 2013 - 2025 ít khả thi do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định quy hoạch ngành, quy định về quá trình cấp phép đầu tư. Do đó, cần xem xét cắt giảm dự án thép không phù hợp quy hoạch, công nghệ lạc hậu.
Bài và ảnh: MINH TRANG
Theo_Báo Nhân Dân
Giảm thuế, hụt thu: Trả giá TPP? Hiệp định TPP vừa được thông qua có thể xem như dấu mốc trong các sự kiện kinh tế đình đám của năm 2015 đối với kinh tế Việt Nam. Trong số các quốc gia tham gia vào TPP, có thể nói Việt Nam, mặc dù là nền kinh tế có GDP bình quân đầu người thấp nhất nhưng lại có những lợi...