TPP sẽ thúc đẩy FDI vào công nghệ cao
Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI) sẽ đổ vào Việt Nam không chỉ trong các lĩnh vực dệt may, da giày, mà còn là công nghệ cao.
Một tháng trước đây, Samsung Display (Hàn Quốc) đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để bỏ thêm 3 tỷ USD vào nhà máy sản xuất các loại màn hình thế hệ mới, trước đó có vốn đầu tư 1 tỷ USD ở KCN Yên Phong (Bắc Ninh). Nhưng Samsung Display không phải là nhà đầu tư duy nhất đặt chân tới Việt Nam vào thời điểm này. Cơ hội sẽ còn lớn hơn nữa, thậm chí là “chưa từng có”, “lớn nhất trong lịch sử”, khi TPP chính thức được ký kết.
Điều này trên thực tế đã được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước khẳng định từ lâu. Bởi theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, TPP mở ra cơ hội giao thương thuận lợi giữa Việt Nam và 11 quốc gia thành viên còn lại của TPP. Thương mại phát triển, thị trường rộng mở sẽ kéo theo FDI.
Cùng với Samsung, nhiều đại gia công nghệ như Intel, Microsoft, LG, Jabil… đã chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình
Chưa kể, cùng với TPP, Việt Nam cũng đã và đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do khác ( FTA), cũng như sẽ gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay. Trong bối cảnh hội nhập, ít nhà đầu tư mở nhà máy sản xuất chỉ để phục vụ tiêu thụ nội địa, mà cái đích xa là cơ hội đưa hàng vào thị trường rộng lớn mà Việt Nam có thể kết nối sau khi thực thi các cam kết FTA.
Không chỉ là dệt may hay da giày như nhiều nhận định, theo Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, với việc cả Trung Quốc và các đối thủ chính của Việt Nam tại Đông Nam Á đều không tham gia TPP, thì Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, nhằm tiến thêm một bước trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thực tế thì sau sự xuất hiện của Intel khoảng 10 năm trước đây, đã có một làn sóng đầu tư của các đại gia công nghệ đổ vào Việt Nam. Sự xuất hiện sau đó của Samsung, LG, Microsoft… và nhiều tên tuổi khác, như Bosch, Nidec, Jabil… đã chứng minh điều này.
Chưa kể, thời gian gần đây, liên tục có thông tin về việc các đại gia công nghệ này đã chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình. Intel, Samsung, Microsoft, rồi LG, Jabil đều đã khẳng định điều này. Samsung cho đến nay đã đầu tư 14,2 tỷ USD tại Việt Nam. Jabil đã cam kết đầu tư thêm 500 triệu USD nữa ở TP.HCM. Còn Microsoft và LG đều đang dịch chuyển các cơ sở sản xuất vào Việt Nam.
Video đang HOT
Cú hích TPP sẽ tác động lớn hơn nữa tới dòng vốn này. Bởi một trong những cam kết trong TPP là Việt Nam và các quốc gia thành viên sẽ phải thực thi nghiêm túc và triệt để quyền sở hữu trí tuệ.
“Bảo vệ nghiêm ngặt quyền sở hữu trí tuệ chính là điều cần thiết để khuyến khích FDI tại Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã cải thiện khuôn khổ pháp lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong những năm gần đây, nhưng hành vi vi phạm và việc thực thi luật pháp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ vẫn là mối quan ngại chung của các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam”, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nói.
Cũng theo vị này, nếu sở hữu trí tuệ được thực thi hiệu quả, sẽ góp phần quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực nhằm thu hút FDI và khuyến khích sáng chế – một trong những yếu tố hàng đầu Việt Nam đang quan tâm để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Các cam kết liên quan đến bảo hộ đầu tư cũng được cho là sẽ có tác động tích cực đến thu hút FDI ở Việt Nam. TPP cho phép sử dụng các vấn đề về cơ chế dân chủ, do đó Nhà nước và doanh nghiệp có thể kiện lẫn nhau, điều mà xưa nay hiếm gặp ở Việt Nam.
Thực hiện cơ chế này, theo ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, nguy cơ bị kiện của Chính phủ Việt Nam sẽ cao hơn trước đây rất nhiều. Nhưng bù lại, thì đó lại là điều mà các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm: một cơ chế minh bạch và hiệu quả, không bị cơ quan quản lý “xử ép”, không lo bị thu hồi tài sản nếu không phải vì phục vụ mục đích công…
Một trong những cam kết lâu nay khiến các nhà đầu tư nước ngoài đau đầu, đó là phải thực hiện tỷ lệ nội địa hóa khi sản xuất – kinh doanh tại Việt Nam có thể cũng sẽ được bãi bỏ, bởi TPP nghiêm cấm việc đặt ra các yêu cầu kiểu như vậy. Có nghĩa là, một cơ chế hoàn toàn mở sẽ được thiết lập và điều này sẽ tác động tích cực tới các quyết định đầu tư vào Việt Nam, vốn lâu nay vẫn được coi là địa điểm sản xuất hàng đầu thế giới.
Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã nhiều lần khẳng định rằng, Việt Nam chấp nhận hội nhập mạnh mẽ hơn với các FTA. Qua đó, Chính phủ và doanh nghiệp mong muốn nhất là mở rộng thị trường, chứ không chỉ bó hẹp ở quy mô 93 triệu dân. Và đó cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài.
“Tuy nhiên, để làm được điều này, phải cải cách thể chế kinh tế, hệ thống pháp luật theo thông lệ quốc tế, đồng thời chấp nhận cạnh tranh, mở rộng đầu tư”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Theo Báo Đầu Tư
Việt Nam chủ động tham gia "cuộc chơi" TPP một cách sòng phẳng
Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, khi các cam kết hội nhập được thực thi sẽ giúp tăng cường năng lực sản xuất nội địa để giảm bớt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu cũng như sản phẩm nhập khẩu đầu vào từ thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác.
Việt Nam bắt buộc phải tính đến yếu tố chủ động hơn nữa sự đa dạng của thị trường thông qua tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cùng hàng loạt các chính sách vĩ mô của Nhà nước.
"Hụt hẫng" vì Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nửa đầu năm 2015, tăng trưởng xuất khẩu có những bước chưa đạt được kì vọng. Tình trạng tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn dưới 9% kéo dài suốt trong những tháng đầu năm 2015 đã khiến 6 tháng đầu năm chưa đạt được cả về mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu và cả mục tiêu xuất siêu.
"Chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực rất lớn của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh thương mại toàn cầu và thương mại khu vực đang phải chịu đựng những ốm yếu do nền kinh tế thế giới. Nhiều nền kinh tế trên thế giới đang có những vấn đề nội tại cũng như trong quan hệ chung với kinh tế toàn cầu. Thương mại toàn cầu không đạt được tăng trưởng cao và rất nhiều quốc gia xuất khẩu có độ mở lớn, trong đó tại các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á đều thấy tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu ở mức độ rất thấp, thậm chí là âm", Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, tăng trưởng của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm có được cải thiện và tháng sau cũng tốt hơn tháng trước. Tuy nhiên, trong tháng 8, Trung Quốc đã đột ngột thay đổi tỷ giá của đồng Nhân dân tệ không chỉ một lần gây ra không ít những hụt hẫng, bất ngờ và những tác động bước đầu tạo ra những bất lợi lớn cho các ngành hàng, sản phẩm của Việt Nam.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, cơ quan điều hành đã có sự phản ứng rất linh hoạt, nhanh nhạy để đối phó với biến động trên thế giới, đặc biệt là sự chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều chỉnh tỷ giá đồng ngoại tệ đối với đồng USD.
"Điều chỉnh này cũng đã giúp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong khắc phục những thách thức cũng như khó khăn nhất thời do vấn đề tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ tác động vào thị trường tiền tệ thế giới, cũng như tác động vào thị trường thương mại thế giới, trong đó có những thị trường có liên quan đến những ngành hàng lớn của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản như thị trường Nhật Bản, châu Âu, Mỹ...", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Mục tiêu cân bằng thương mại với Trung Quốc
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, phản ứng linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô thông qua điều chỉnh tỷ giá nội tệ đã giúp cho các doanh nghiệp trước mắt khắc phục khó khăn. Trước mắt và trong ngắn hạn thì những thay đổi về mặt tỉ giá của đồng Nhân dân tệ và USD đã không tác động nhiều đến cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam.
Tuy nhiên, xét về lâu dài thì do nền kinh tế và các sản phẩm Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ như dệt may, da giày và một số ngành công nghiệp khác phụ thuộc vào nguồn cung cấp trang thiết bị, máy móc, công nghệ từ Trung Quốc. Do vậy, trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam chưa thể thay đổi ngay được mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa thị trường Việt Nam và thị trường Trung Quốc, trong đó phần nhập siêu sẽ nghiêng về phía Việt Nam.
"Và rõ ràng nếu Việt Nam chưa phát triển một cách lành mạnh công nghiệp hỗ trợ và đồng bộ cùng với đó là các ngành sản xuất và công nghiệp khác, đồng thời chưa nâng cao được trình độ công nghệ, hiệu quả về đầu tư đặc biệt liên quan đến năng suất lao động, thì Việt Nam sẽ còn phụ thuộc tương đối lớn vào thị trường Trung Quốc trong nhập khẩu các sản phẩm phục vụ cho ngành sản xuất, xuất khẩu và cả những mặt hàng sản xuất phục vụ thị trường nội địa cũng hàng tiêu dùng", Thứ trưởng Tuấn cho hay.
Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng, chiến lược đa dạng hóa thị trường cùng các chiến lược thị trường của Việt Nam đến năm 2020 càng có ý nghĩa khi xác định được nhiệm vụ, yêu cầu và cả những biện pháp, giải pháp đã làm trước đó và lâu dài. Trong đó, Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách không chỉ trong thương mại mà trong cả đầu tư sản xuất, trong công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng,... mới có thể tính đến cải thiện thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc, tiến tới cân bằng cán cân thương mại này.
"Trong khuôn khổ các FTA mà đã kí kết với nhiều quốc gia thì cũng cần phải hiểu với mức độ toàn cầu hóa ngày càng nhanh và sâu rộng và trong những nội dung hội nhập mà Việt Nam đã và đang đàm phán đã đặt ra những yêu cầu rất cao thì lợi thế về nguồn nguyên liệu, sản phẩm công nghiệp phụ trợ từ thị trường truyền thống khá thuận lợi như Trung Quốc chắc cũng sẽ không tồn tại lâu dài", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông cũng dẫn giải thêm rằng, do những quy tắc xuất xứ trong FTA đã nêu ra rất chặt chẽ và có những đòi hỏi cao. Chính vì vậy, Việt Nam bắt buộc phải tính đến yếu tố chủ động hơn nữa sự đa dạng của thị trường thông qua tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cùng hàng loạt các chính sách vĩ mô của Nhà nước.
"Ở đây chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ chứng kiến có thể có những thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, thuận lợi hơn khi chúng ta thực thi các cam kết hội nhập. Đồng thời, cũng sẽ tăng cường năng lực sản xuất nội địa để giảm bớt phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu cũng như sản phẩm nhập khẩu đầu vào từ thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác", lãnh đạo ngành công thương lạc quan nhìn nhận.
Phương Dung
Theo Dantri
Bầu Đức: "Tôi không ngán TPP" Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang đến nhiều thách thức cho ngành chăn nuôi Việt Nam, song mô hình nuôi bò của ông "miễn nhiễm" với khó khăn này. Ngay khi TPP được ký kết, nhiều chuyên gia lo ngại ngành chăn nuôi...