TP.HCM xét nghiệm tầm soát COVID-19: 500.000 mẫu/ngày sao cho an toàn?
Rút kinh nghiệm từ các lần trước, ghi nhận trong ngày 28-6, nhiều nơi tại TP.HCM đã triển khai công tác lấy mẫu theo kế hoạch của TP.HCM an toàn, nhanh chóng.
TP.HCM sẽ mở đợt lấy mẫu toàn thành phố thay vì chỉ tập trung vào 5 quận huyện có nhiều ca dương tính – Ảnh: DUYÊN PHAN
Các biện pháp mới được thực hiện như phát phiếu thông tin cho người dân đến lấy mẫu trước một ngày, gộp danh sách 15 người/lần…
Phối hợp chặt chẽ, mỗi người mỗi việc
Ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng 28-6 tại điểm lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 ở Trường tiểu học Duy Tân và Trường tiểu học Hiệp Tân, quận Tân Phú, việc lấy mẫu diễn ra khá thuận lợi và nhanh chóng. Người dân được phân luồng, giữ khoảng cách theo quy định.
Là trưởng nhóm sinh viên tình nguyện Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, anh Nguyễn Hoàng Ân luôn nhắc nhở và phân bố thành viên nhóm đều khắp các khu vực để tránh tình trạng người dân đứng ùn ứ. Tuy công tác điều phối vẫn luôn tất bật nhưng một số người dân không hợp tác với người lấy mẫu.
“Có người dân cho rằng việc tập trung lấy mẫu dễ lây lan dịch bệnh nên thường cự cãi một lúc lâu mới thực hiện. Tụi mình cũng mệt nhưng biết tâm lý người dân lo lắng là điều hiển nhiên nên chỉ biết cố gắng làm tốt nhiệm vụ” – anh Ân chia sẻ.
Đến 12h cùng ngày, công tác lấy mẫu tại Trường tiểu học Duy Tân đã hoàn thành. Bà Huỳnh Phương Thảo – phó chủ tịch UBND phường Hiệp Tân – cho biết trong khoảng thời gian từ 9h30 đến 12h đã lấy được gần 4.000 mẫu xét nghiệm cho người dân của 33 tổ dân phố.
Bà Thảo cho biết đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng điều phối có 30 người gồm công an, quân sự, hội viên Hội phụ nữ thuộc phường Hiệp Tân; nhân viên y tế lấy mẫu tại Bệnh viện Quân y 175 (40 người), Bệnh viện Thống Nhất (10 người) và bộ phận nhập liệu thuộc Đoàn phường, sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nên hoàn thành kế hoạch sớm hơn dự kiến.
Cơ sở tự sáng tạo, linh hoạt
Để tránh tình trạng ùn ứ, bà Thảo cho biết trước một ngày việc lấy mẫu diễn ra, chính quyền địa phương đã đến từng hộ dân phát phiếu thông tin xét nghiệm, đồng thời nhắc nhở người dân giữ kỹ phiếu, đến theo khung giờ quy định. 33 khu phố chia thành hai khung giờ lấy mẫu, mỗi khung giờ có 16 khu phố và 17 khu phố.
Video đang HOT
Ngoài ra, phường cũng dùng sơn đánh dấu vị trí người dân đứng chờ lấy mẫu, đảm bảo khoảng cách theo quy định và hạn chế được việc nhắc nhở liên tục. Còn tại đầu điểm phân luồng, phường đặt thêm phiếu thông tin lấy mẫu xét nghiệm, dự phòng cho người dân chưa có phiếu.
“Ban đầu chúng tôi cũng chia mỗi khu phố thành một khung giờ nhưng đến giờ chót lại chia thành hai khung giờ chính cho 16 khu phố và 17 khu phố. Chúng tôi tập trung dồn lực, vừa điều phối vừa lấy mẫu nhanh, không kéo dài nhiều thời gian. Dù không gian trường nhỏ nhưng quá trình lấy mẫu diễn ra thuận lợi” – bà Thảo nói.
Bà Thảo cho rằng hai điểm mấu chốt để dẫn đến việc lấy mẫu diễn ra thuận lợi đó là việc điều phối và công tác lấy mẫu của nhân viên y tế khoa học, rút ngắn được thời gian: gộp chung nhóm lên danh sách, đọc tên từng nhóm 15 người và lấy mẫu xét nghiệm thành một.
“Nếu điều phối không ổn thì sẽ gây ùn ứ, từ đó làm rối cho đội lấy mẫu. Việc lấy mẫu thuận lợi hay không phụ thuộc vào việc điều phối của địa phương. Còn nếu lên danh sách lấy mẫu gộp 15 người trước rồi sau đó mới lấy mẫu thì chúng tôi không đủ nhân lực vì cần thêm nhóm người giám sát tại bàn lấy mã gộp. Nếu khi có sai sót sẽ tốn rất nhiều thời gian để kiểm tra lỗi sai” – bà Thảo nói.
Đồng thời cho biết mỗi địa phương sẽ có mỗi kinh nghiệm điều phối và lấy mẫu khác nhau, điều quan trọng là giữa địa phương và lực lượng lấy mẫu đến từ bệnh viện phải phối hợp tốt với nhau.
Chậm nếu chờ đủ người lấy mẫu theo nhóm
Về quy trình cụ thể, bác sĩ Lê Thùy Dương – phụ trách khoa vi sinh Bệnh viện Quân Y 175 TP.HCM – chia sẻ việc chia thành 2 nhóm riêng biệt, gộp danh sách đủ 15 người rồi mới được lấy mẫu sẽ mất nhiều thời gian.
“Có nhiều nơi nhất định lấy theo cách này. Có những thời điểm thiếu hoặc hơn số người lấy mẫu gộp theo quy định thì phải chờ nhóm lên danh sách phải thêm vào hoặc bớt ra chúng tôi mới được lấy mẫu” – bác sĩ Dương nói.
TP.HCM xét nghiệm toàn thành phố tìm F0
Ngày 28-6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm rộng toàn thành phố để tìm các ca mắc COVID-19 (F0) trong cộng đồng.
TP.HCM huy động 200 xe khách chuyên dụng chở người bệnh COVID-19 nhẹ Quận 5 bác thông tin 17 ca mắc COVID-19 có liên quan đến chợ An Đông TP.HCM: Điều động Phó bí thư thường trực Phan Văn Mãi vào Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19
Sau gần một tháng giãn cách, TP.HCM sẽ xét nghiệm toàn thành phố để truy tìm F0. Trong ảnh: lấy mẫu xét nghiệm tại phường Hiệp Tân (quận Tân Phú, TP.HCM) - Ảnh: D.PHAN
Chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM được đưa ra tại cuộc họp về COVID-19 ở TP.HCM, trước khi TP đến hạn kết thúc giãn cách xã hội đợt 2.
Xét nghiệm, xét nghiệm - truy vết, truy vết
Ông Nguyễn Văn Nên cho biết sau hơn một tuần thực hiện chỉ thị 10 của UBND TP, các ca nhiễm và nghi nhiễm vẫn tăng. Để khống chế dịch và thực hiện mục tiêu kép, ông chỉ đạo TP tăng cường tối đa việc truy vết nhanh hơn, thần tốc hơn. Đẩy nhanh tối đa tốc độ, nâng cao hiệu quả xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm.
Đồng thời, quan trọng nhất là mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm rộng toàn TP để tìm ca mắc COVID-19 (F0) trong cộng đồng.
Mặt khác, theo ông Nên, việc sử dụng test nhanh kháng nguyên là giải pháp quan trọng góp phần hỗ trợ công tác truy vết, phát hiện trường hợp dương tính sớm. Do vậy, ông chỉ đạo ngay khi nhận được bộ test nhanh do Chính phủ hỗ trợ, cần lập tức triển khai thí điểm tại khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), nơi tập trung đông người và các quận, huyện. Rà soát các khu cách ly tập trung, kiểm tra chặt chẽ các khu vực này.
Người dân lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại phường Hiệp Tân (quận Tân Phú, TP.HCM) ngày 28-6 - Ảnh: D.PHAN
Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu khẩn trương thành lập trung tâm thông tin để thu thập, kết nối dữ liệu, thực hiện việc phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh và trung tâm phân phối trang thiết bị y tế có đủ thẩm quyền để đáp ứng kịp thời việc cung ứng thiết bị, vật tư cho việc phòng chống dịch.
Tại buổi họp báo cùng ngày, trao đổi với báo chí về năng lực xét nghiệm của TP để thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, ông Phan Thanh Tâm - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết hiện TP.HCM là một trong những đơn vị có số lượng xét nghiệm khẳng định COVID-19 nhiều nhất. Tổng năng lực mẫu riêng lên đến 20.000 mẫu/ngày.
Vừa qua, để đáp ứng kế hoạch chống dịch, ngành y tế TP đã phối hợp với một đơn vị mở thêm một cơ sở xét nghiệm với năng lực 30.000 mẫu riêng/ngày. Như vậy nếu tính lấy mẫu gộp 10, năng lực lấy mẫu của TP sẽ đạt được 500.000 mẫu/ngày.
Cũng theo ông Tâm, với việc lây lan nhanh của dịch bệnh hiện nay, việc test nhanh kháng nguyên có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là đối với bệnh nhân có triệu chứng. TP sẽ ưu tiên test nhanh kháng nguyên cho 4 nhóm gồm: người trong khu phong tỏa, khu cách ly; người làm công việc thiết yếu; người làm trong khu vực chống dịch và công nhân trong KCN, KCX, Khu công nghệ cao. Khi việc thí điểm thuần thục, ngành y tế sẽ hướng dẫn cho doanh nghiệp tự triển khai, đánh giá kết quả xét nghiệm.
Lập đội công tác đặc biệt khẩn cấp
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận định: TP đã triển khai rất nhiều biện pháp mạnh nhưng ca nhiễm hằng ngày vẫn cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Do đó, ông Phong chỉ đạo Sở Y tế hình thành các đội công tác đặc biệt khẩn cấp đến 22 quận huyện, TP Thủ Đức.
Đồng thời, tăng cường tổ công tác đặc biệt tại những nơi có nguy cơ cao như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng hàng hải, bến xe, nhà ga... và hỗ trợ một số quận huyện đang có tình hình dịch bệnh phức tạp. Riêng tại các KCN, KCX, Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, TP giao cho ban quản lý chịu trách nhiệm cao nhất.
Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm hằng ngày tại các khu cách ly và khu phong tỏa. Trước việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly thông qua nhà vệ sinh chung, các quận không nên bố trí khu cách ly tại các trường học; cần xem xét đưa người cách ly vào khách sạn có trang bị nhà vệ sinh riêng mỗi phòng.
Về xét nghiệm, phải tăng cường năng lực xét nghiệm, xử lý và trả kết quả xét nghiệm nhanh. Ông Phong chỉ đạo tập huấn tốt và tuân thủ các biện pháp an toàn cho những người đi xét nghiệm. Giao Thành đoàn TP.HCM huy động sinh viên của các trường y thành những đội xét nghiệm hỗ trợ cho các quận, huyện.
Tiến hành thí điểm test nhanh kháng nguyên tại các KCN, KCX, Khu công nghệ cao, các ổ dịch, chuỗi lây nhiễm phức tạp. Tầm soát diện rộng quanh các khu cách ly, phong tỏa, các điểm có nguy cơ cao.
Chủ tịch quận huyện được ra quyết định phong tỏa
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP phân nhóm mức độ diễn biến dịch bệnh tại TP Thủ Đức, quận - huyện thành 3 mức độ để có các giải pháp phù hợp (như đồ họa).
Ông Phong chỉ đạo nâng cao vai trò của ban chỉ đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức theo phương châm 5 tại chỗ: nhiệm vụ tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện - vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Chủ tịch UBND quận, huyện toàn quyền quyết định một số vấn đề, trong đó có việc ra lệnh phong tỏa các khu vực trên địa bàn.
Các lần điều chỉnh "nới dần" kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm:
* Từ ngày 26-5 đến 26-6, TP.HCM chỉ xét nghiệm gần 1.114.000 mẫu, tập trung những nơi có nguy cơ cao.
* Từ 26-6 đến 5-7: TP.HCM đổi chiến lược xét nghiệm, mở chiến dịch 10 ngày, lấy mẫu xét nghiệm gộp hơn 5 triệu người tại một số quận huyện có nhiều ca nhiễm với 2 bước: ngày 26 đến 30-6 tại quận 8, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh và Hóc Môn; từ 1 đến 5-7 tại TP Thủ Đức và các quận huyện còn lại.
* Ngày 28-6: do ca nhiễm vẫn ở mức cao, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu mở chiến dịch xét nghiệm rộng toàn TP tìm F0.
TPHCM: 8 người xét nghiệm lần thứ 5 mới phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 Không có biểu hiện bệnh, 8 trường hợp đã cách ly phải xét nghiệm đến 5 lần mới phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, chiếm tỷ lệ 0,4% trong tổng số 1.800 trường hợp nhiễm phát hiện từ khu cách ly. Ngày 28/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, tính đến hết ngày 27/6, trên địa bàn thành phố...