TP.HCM xây dựng bệnh viện dã chiến 3 tầng, cuối năm nay Bệnh viện Trung ương Huế mới rút quân
Dự kiến cuối năm nay, Trung tâm hồi sức tích cực do Bệnh viện Trung ương Huế quản lý sẽ rút quân khỏi TP.HCM.
Sở Y tế TP đã xây dựng bệnh viện dã chiến 3 tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 từ trung bình, nặng và nguy kịch.
Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc với Sở Y tế TP.HCM ngày 22-10 – Ảnh: X.M.
Ngày 22-10, đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Y tế TP.HCM về công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các trung tâm hồi sức đến cuối năm.
Không rút quân đồng loạt
Mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết trong thời gian chống dịch vừa qua, TP.HCM đã nhận hỗ trợ rất lớn từ trung ương đến cơ sở y tế địa phương trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Sau khi hoàn thành công tác này, các bệnh viện hồi sức tích cực COVID-19, các bệnh viện dã chiến, thu dung… sẽ dần rút quân.
Theo thứ trưởng Bộ Y tế, việc rút quân này phải thực hiện theo 3 nguyên tắc. Thứ nhất, có kế hoạch giao – nhận rõ ràng giữa đơn vị bàn giao và đơn vị tiếp nhận, đặc biệt là giữa các trung tâm hồi sức tích cực với các bệnh viện trên địa bàn TP.
Thứ hai, ngày 15-10 không phải là thời gian rút quân tuyệt đối. Thời gian tới, khi TP.HCM có yêu cầu thì lực lượng y tế tuyến trung ương vẫn tiếp tục hỗ trợ. Hiện lực lượng quân đội ở Bệnh viện 5G và các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế vẫn đang tiếp tục làm việc.
Thứ ba, tất cả những trang thiết bị, vật tư y tế… của 3 bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế đã mang đến hỗ trợ TP thì mang về khi rời khỏi; nhưng nếu nhận hỗ trợ từ TP hay tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức thì phải bàn giao lại TP để tiếp tục phục vụ điều trị người bệnh.
Video đang HOT
“Rút lui có kế hoạch, có chuyển giao; có người đi, người nhận rõ ràng. Không để thiếu hụt trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác điều trị cho người bệnh TP.HCM” – thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, TP.HCM cũng cần tái cơ cấu hệ thống y tế phù hợp với tình hình mới, việc nâng cao chất lượng y tế cơ sở, phát hiện dịch, xử lý, khoanh vùng… vẫn phải thực hiện theo nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định 4800 của Bộ Y tế.
“Mặc dù TP đang ở giai đoạn là bình thường mới nhưng số ca mắc còn cao. Các cơ sở điều trị dù có số lượng bệnh nhân giảm nhưng cần tái cơ cấu bệnh viện dã chiến và tăng cường điều trị F0 tại nhà” – thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý.
Đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Trung ương Huế tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG
Xây dựng bệnh viện dã chiến 3 tầng
Báo cáo Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết đến nay, TP đã chuyển giao Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức lần lượt cho Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Đại học Y dược TP.
Còn Bệnh viện Trung ương Huế tại Trung tâm hồi sức tích cực thuộc Bệnh viện dã chiến số 14 (quận Tân Phú) dự kiến sẽ rút quân vào cuối năm nay.
Để đáp ứng tình hình mới, ông Thượng cho biết sở đã xây dựng bệnh viện dã chiến 3 tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 từ trung bình, nặng và nguy kịch; do các bác sĩ tại các bệnh viện luân phiên hỗ trợ. Sở kỳ vọng với bệnh viện này, số ca hồi sức sẽ giảm và bệnh nhân không cần phải chuyển viện.
“Xác định không thể nào bệnh viện sạch COVID-19, sắp tới các bệnh viện đa khoa trên địa bàn TP phải thành lập khoa COVID-19″ – ông Thượng nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cũng cho rằng người dân cần xác định sống chung với dịch COVID-19 nhưng phải an toàn và hiệu quả. Các tỉnh, thành phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng để đáp ứng tình hình dịch COVID-19 cao nhất.
“Không phải bệnh viện không COVID-19 mà phải chủ động đón tiếp bệnh nhân, phân luồng cách ly. Mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng phù hợp với quan điểm y tế” – ông Khuê nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đồng ý xây dựng mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng theo đề xuất Sở Y tế TP.HCM. Ông cũng đề nghị tất cả các cơ sở y tế phải bố trí vị trí, địa điểm phù hợp để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 vì vẫn còn bệnh nhân COVID-19 đi khám bệnh.
Những nữ chiến sỹ áo blouse trắng kiên cường nơi tuyến đầu chống dịch
Gác lại bộn bề lo toan gia đình, những nữ y, bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên - Huế) không ngại khó khăn bước vào trận chiến chống COVID-19.
Vượt lên trên tất cả những rào cản về thể trạng và sức khỏe, tinh thần trách nhiệm cao cùng y đức của người thầy thuốc đã trở thành sức mạnh giúp các chị tiếp tục chiến đấu với những đêm trắng, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.
Những nữ y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế xung phong chia lửa cho Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Ảnh: TTXVN phát
Cách nhau hơn 1.000 km, tại Thừa Thiên - Huế, bố mẹ nữ bác sỹ Mai Thị Hồng Vân (Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trung ương Huế) vẫn luôn mong đợi những cuộc điện thoại từ cô con gái đang ở TP Hồ Chí Minh. Những cuộc gọi thưa thớt và ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn vài ba câu báo cáo tình hình sức khỏe, nhưng đủ để khiến đấng sinh thành an tâm và tự hào về cô con gái của mình.
Xa gia đình đã gần 2 tháng nay, bác sỹ Vân là một trong những nhân viên y tế đầu tiên đến Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 (Bệnh viện Dã chiến số 14) để nhận nhiệm vụ khi "chảo lửa" TP Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn dịch bệnh cam go nhất. Nhiều đợt "đổi quân" đã qua đi, nhưng chị vẫn tiếp tục ở lại. "Tôi vẫn muốn bám trụ lại nơi đây để mỗi ngày được giúp các bệnh nhân phục hồi chức năng, sớm trở về với cuộc sống thường ngày. Không biết trận chiến này sẽ mất bao lâu nhưng tôi quyết tâm chiến đấu, hoàn thành sứ mệnh của mình cho đến khi Trung tâm được chuyển giao" - bác sỹ Vân khẳng định chắc nịch.
Nữ nhân viên y tế Bệnh viện Trung ương Huế trong ngày xuất quân vào TP Hồ Chí Minh chống dịch. Ảnh: TTXVN phát
Xung phong vào tuyến đầu chống dịch nơi xa với mong muốn giúp bệnh nhân mắc COVID-19 phục hồi chức năng sau điều trị bằng những kiến thức, kinh nghiệm của mình, nhưng bác sỹ Vân cũng không khỏi lo lắng khi hằng ngày phải trực tiếp tiếp xúc với mầm bệnh. Thế nhưng chỉ cần nhìn thấy bước đi chập chững của người bệnh sau cơn nguy kịch, tiếng nói chuyện rôm rả trong khu ra viện hay những cái vẫy tay chào tạm biệt của bệnh nhân khi xuất viện, nữ bác sỹ trẻ đã có thêm sức mạnh và động lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Nữ y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế tham gia công tác tiêm phòng vaccine chống COVID-19. Ảnh: TTXVN phát
Các bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 hầu hết đều là những ca bệnh rất nặng, biểu hiện suy hô hấp kèm theo suy chức năng các cơ quan hoặc hôn mê cần thở máy. Để giành giật lại sự sống cho những người bệnh đang cố duy trì từng hơi thở cần phải có máy móc, thiết bị y tế hỗ trợ. "Tôi vẫn còn nhớ ánh mắt của một nữ bệnh nhân trung niên khi phải trải qua những cơn khó thở và nỗi ám ảnh từ tiếng kêu tít tít của chiếc máy thở. Đã có lúc cô ấy rơi vào tình trạng nguy kịch. Vậy nhưng với sự tận tâm cứu chữa của các bác sỹ và cố gắng tập luyện của người bệnh, may mắn đã mỉm cười. Được thấy cô ấy có thể chập chững đi lại được là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao đối với không chỉ tôi và còn của tập thể đội ngũ nhân viên y tế tại trung tâm" - bác sỹ Vân chia sẻ.
Nữ điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Huế tận tình chăm sóc con của một sản phụ mắc COVID-19. Ảnh: TTXVN phát
Nhiệm vụ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 thì ở nơi đâu cũng vậy, đều là những công việc nguy hiểm, xa gia đình và cách ly với xã hội. Ở "thành trì" Thừa Thiên - Huế, nhiệm vụ chống dịch của những nữ chiến sỹ mặc áo blouse trắng Bệnh viện Trung ương Huế cũng không kém phần vất vả. "Tại bất cứ mặt trận nào, đều thấy bóng dáng nhỏ bé nhưng kiên cường của những nữ chiến sỹ áo trắng. Từ sàng lọc, hỗ trợ khai báo y tế cho người dân khám chữa bệnh đến điều trị, chăm sóc dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân, phục hồi chức năng cho bệnh nhân mắc COVID-19 hay tiêm vaccine phòng COVID-19... các nữ y, bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế đều luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với sự quyết tâm, tận tụy và chịu khó" - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế Hoàng Thị Lan Hương bộc bạch.
Nữ kỹ thuật viên Bệnh viện Trung ương Huế tham gia công tác xét nghiệm COVID-19. Ảnh: TTXVN phát
Đặc biệt, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, Bệnh viện Trung ương Huế liên tiếp đón hàng chục bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch từ các tỉnh, thành phố miền Trung đến điều trị tại Trung tâm cách ly, điều trị người bệnh COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Gần 500 nhân viên y tế từ các cơ sở của đơn vị được huy động để điều trị cho các bệnh nhân, trong đó khoảng 50% là các nữ bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm, nhân viên buồng phòng, vệ sinh...
Là điều dưỡng trưởng phụ trách tại trung tâm, chị Nguyễn Thị Ngọc bắt đầu một ngày mới làm việc khi con thơ còn chưa thức giấc. Lúc chị trở về cũng là lúc con đã ngủ say. Con nhỏ đang còn ở độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" rất cần bàn tay chăm sóc, quan tâm của mẹ nhưng điều dưỡng Ngọc đành để mọi việc nuôi nấng, chăm sóc con nhờ cả vào người thân để phục vụ nhiệm vụ chống dịch, thực hiện "mệnh lệnh từ trái tim".
Điều dưỡng Ngọc cho biết, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng khi được Ban Giám đốc Bệnh viện phân công nhiệm vụ, chị sẵn sàng tham gia vào tuyến đầu chống dịch để chăm sóc, phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Nắm bắt được tâm lý sợ hãi, lo lắng của người bệnh, vì thế chị cùng các điều dưỡng khác luôn cố gắng, kiên trì động viên họ vượt qua giai đoạn khó khăn của bệnh tật. Nhiều đêm, điều dưỡng Ngọc cùng các y, bác sỹ tại trung tâm phải thức trắng đêm kiểm tra tình trạng từng bệnh nhân, đốc thúc người bệnh ăn uống đầy đủ... Những cử chỉ ấm áp ấy đã vực dậy tinh thần chiến đấu của nhiều người bệnh; kết nối yêu thương giữa họ với nhân viên y tế dù tất cả đều chưa từng biết rõ mặt nhau.
Nữ nhân viên y tế Bệnh viện Trung ương Huế tận tình chăm sóc người bệnh nhiễm COVID-19. Ảnh: TTXVN phát
Bác sỹ Mai Thị Hồng Vân và điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc chỉ là hai trong số nhiều nữ y, bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế đã tình nguyện hy sinh, chọn việc khó, nguy hiểm để phục vụ nhân dân, đất nước trong thời dịch. Trong bộ áo quần bảo hộ ngột ngạt, tất cả họ đều phải trải qua cảm giác khó thở, bí bách và kiệt sức. Chỉ một hơi thở nhẹ cũng đủ khiến kính bảo hộ và tấm chắn giọt bắn mờ đi. Bởi những khó khăn ấy mà nhiều thủ thuật được tiến hành mỗi ngày lại trở nên rắc rối và kém thuận hợi hơn. Dẫu vậy, họ vẫn chưa bao giờ quên nở nụ cười và giữ tinh thần lạc quan trước người bệnh dù đôi bàn tay đã nhăn nheo, nứt nẻ hay những chiếc áo thấm đẫm mồ hôi.
Với phương châm "làm hết việc, không làm hết giờ", các nữ chiến sỹ áo trắng Bệnh viện Trung ương Huế đã tỏa sáng y đức của người thầy thuốc. Đội ngũ y, bác sỹ nữ của bệnh viện nhiều năm được Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn ngành Y tế trao tặng Huân, Huy chương và Bằng khen. Đặc biệt, năm 2020, tập thể vinh dự được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng giải thưởng Phụ nữ Việt Nam.
Dịch COVID-19: Khánh Hòa cơ bản kiểm soát dịch bệnh, sẵn sàng chuyển trạng thái mới BS Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa đã trả lời Báo Sức khỏe&Đời sống khi Khánh Hòa trở lại trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Phòng dịch COVID-19 từ thôn, tổ PV: Thưa bác sĩ, đến nay tình hình dịch COVID-19 ở địa phương diễn biến...