TPHCM: Thuê đất công giá rẻ mà vẫn khai báo lỗ hàng chục tỷ đồng
Nhiều địa chỉ đắc địa nhưng lại báo cáo kinh doanh không có lãi. Có nơi rộng hàng ngàn m2, vị trí nằm ngay trung tâm quận 1 mà vẫn báo lỗ hàng chục tỷ đồng…
Nhiều đơn vị chưa chặt chẽ trong kê khai địa chỉ nhà, đất công
Tại phiên thảo luận hội trường chiều 11/7 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 của HĐND TPHCM khóa IX, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, nhìn tổng thể thì nguồn tài nguyên đất của thành phố không phải không có nhưng có lúc chính quyền buông lỏng quản lý.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng người dân ở trong dự án “treo” Thanh Đa đã quá sức chịu đựng
Theo ông Khuê, có những dự án nhằm vào khu dân cư ổn định để đền bù giải tỏa trong khi vẫn còn nhiều quỹ đất đang bị lãng phí. Nhiều mặt bằng kho bãi đang được sử dụng chưa đúng mục đích, lãng phí… – ông Khuê đề nghị rà soát, thu hồi để xây dựng trường học, công trình phúc lợi xã hội.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng phải kiên quyết hơn nữa trong xử lý dự án “treo”. Cử tri Bình Thạnh kiến nghị sớm xem xét dự án “treo” hơn 20 năm ở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh).
“Mặc dù cách quận 1 không xa và đông dân cư nhưng điều kiện cuộc sống của người dân không đạt yêu cầu, nhà cửa không được xây dựng, đường xuống cấp, môi trường không đảm bảo”, ông Khuê nói.
Theo ông, trong thời gian dài thành phố đã kêu gọi đầu tư nhưng đến nay đã quá sức chịu đựng của người dân.
“Tôi gặp một người thanh niên sinh ra ở Thanh Đa 25 năm trước. Nay người thanh niên này đã lập gia đình rồi nhưng nhà cửa, đường xá khu vực này không có gì thay đổi và dường như còn tệ hơn. Mong HĐND TP quan tâm vấn đề này. Tôi cảm nhận đây như vùng hoang hóa, người dân sống quá chật vật”, ông Khuê nói.
Theo ông Khuê, trong thực hiện cơ chế đặc thù, thành phố phải rà soát các dự án, tham khảo ý kiến người và lắng nghe đề xuất của người dân.
Nhiều đại biểu HĐND TPHCM phản ánh tình trạng lãng phí đất công
Trong khi đó, đại biểu Cao Thanh Bình cho biết, qua khảo sát thì thấy nhiều đơn vị chưa chặt chẽ cập nhật, kê khai địa chỉ nhà, đất công, không đưa vào danh sách. Nhiều địa chỉ bị lấn chiếm, tranh chấp, gây khó khăn trong quá trình xử lý. Cơ quan chức năng cũng chậm việc xác định ranh, đo vẽ khi các đơn vị trình phương án giải quyết…
Video đang HOT
Ngoài ra, nhiều đơn vị cho thuê nhà, đất sai thẩm quyền. Văn phòng UBND quận, huyện, phòng quản lý đô thị, UBND xã vẫn đứng ra ký hợp động cho thuê trong khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Theo ông Bình, hiện nay, thành phố giao cho các đơn vị quản lý, cho thuê nhà, tuy nhiên quản lý không chặt chẽ, để nợ tiền thuê nhà nhiều năm. Thậm chí, có đơn vị nợ tiền thuê nhà trên 70 tỷ đồng nhưng lại không quyết liệt giải quyết rốt ráo.
Ngoài ra, nhiều nơi cũng liên doanh, liên kết cho thuê nhà, đất giá rất rẻ, thậm chí xin thuê để cho thuê lại. Nhiều địa chỉ đắc địa nhưng lại báo cáo kinh doanh không có lãi.
“Vị trí đắc địa như 101 Nguyễn Du, dự án khai thác 1.786m2 từ năm 2.000 nhưng quá trình khai thác thì đơn vị lại báo lỗ 36 tỷ đồng vào năm 2015, còn năm 2016, 2017 kinh doanh không có lãi”, ông Bình nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng tình trạng lãng phí đất công, nhà bỏ hoang kéo dài nhiều năm gây bức xúc cho người dân
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng tình trạng lãng phí đất công, nhà bỏ hoang kéo dài nhiều năm gây bức xúc cho người dân. Lợi nhuận không vào ngân sách nhưng vào túi riêng cá nhân, tổ chức. Trong khi đó, thành phố đang thiếu kinh phí giải quyết vấn đề ngập nước, thiếu trường học, mở rộng cơ sở y tế…
Cam kết dứt điểm dự án “treo” 26 năm ở Thanh Đa
Về dự án “treo” ở Thanh Đa, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thay mặt chính quyền thành phố chia sẻ khó khăn với người dân ở Thanh Đa.
“Tôi thấy được bức xúc của bà con nơi đây. Trước tôi làm đại biểu Quốc hội thuộc tổ quận Bình Thạnh, sau khi tôi chuyển công tác rồi quay về thành phố thì dự án cũng chưa có chuyển động gì”, ông Phong chia sẻ.
Theo ông Phong, dự án ở Thanh Đa do liên danh một doanh nghiệp trong nước với một doanh nghiệp nước ngoài. Sau đó, doanh nghiệp nước ngoài xin rút và doanh nghiệp trong nước cam kết triển khai dự án. Tất nhiên, thành phố sẽ thẩm định năng lực doanh nghiệp thật chặt chẽ.
Ông Phong cho biết, trước đây Chính phủ đồng ý cho liên danh nước ngoài, bây giờ chỉ còn doanh nghiệp trong nước nên phải báo cáo Thủ tướng, do đó thủ tục có kéo dài.
“Ủy ban cũng đã xin ý kiến Thành ủy và cam kết chỉ đạo giải quyết dứt điểm dự án. Doanh nghiệp không làm được thì nhất định thành phố sẽ thu hồi dự án, không kéo dài nữa. Chúng ta đặt mình vào bối cảnh người dân thì hiểu khó khăn, vất vả như thế nào”, ông Phong nói.
Năm 1992 dự án Thanh Đa – Bình Quới được UBND TPHCM phê duyệt và đến năm 2004 dự án đã được TPHCM giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được dự án và đến năm 2010 chính quyền TPHCM đã thu hồi quyết định.
Sau đó, một đơn vị trong nước được UBND TPHCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28.
Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do có sự thay đổi về chủ đầu tư – công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án. UBND TP đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho doanh nghiệp trong nước tiếp tục triển khai dự án.
Quốc Anh
Theo Dantri
ĐBQH TP.HCM bức xúc vì dự án treo, lấn kênh rạch "hành dân"
Hàng loạt vấn đề nhức nhối liên quan đến các quá trình cấp giấy phép xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, sử dụng hành lang kênh rạch, hay các dự án treo "hành dân"... đều được đưa ra tại cuộc họp.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân có buổi làm việc với Đoàn ĐBQH về những việc liên quan đến đất đai TP.HCM.
Sáng 18.10, tại Hội trường Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP Trương Vĩnh Tuyến đã có buổi làm việc với các thành viên của Đoàn ĐBQH cùng các sở ban ngành liên quan về tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Bao giờ chấm dứt "tay không bắt giặc"?
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, TP đã cấp được 188.898 hồ sơ cho các hộ gia đình, cá nhân (đạt 187,4% so với 6 tháng cùng kỳ năm ngoái). Cũng trong khoảng thời gian này, thành phố (TP) cấp được 10.895 hồ sơ cho các tổ chức (đạt 234,8% so với 6 tháng đầu năm 2016).
Tính đến thời điểm hiện tại, 17/24 quận, huyện báo cáo vẫn còn tồn đọng 42.131 hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, gần 15.000 trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay, hơn 21.000 hồ sơ vướng quy hoạch, vi phạm đất đai, 6.066 người dân không có nhu cầu cấp GCN. Ngoài ra, còn một số ít hồ sơ của các tổ chức cũng chưa được giải quyết.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ì ạch là do hồ sơ trễ hạn lớn, thực hiện được văn phòng một cấp, cấp đổi cấp lại, chuyển bằng hình thức qua bưu điện. Tuy nhiên việc thẩm định, trình lên sở mất nhiều thời gian so với yêu cầu.
Liên quan đến vấn đề nổi cộm nhất và nhức nhối trong thời gian gần đây là việc chủ đầu tư lấy dự án đi thế chấp GCN, Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định, hiện có tình trạng một dự án chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, lại đem thế chấp tài sản hình thành trong tương lai nhưng không công khai cho khách hàng biết, đến khi người mua phát hiện và đi khiếu nại.
"Những dự án chưa giải chấp thì không thể cấp GCN cho cá nhân, nếu áp dụng nghị quyết giải quyết nợ xấu thì ngân hàng lấy tài sản, làm sao cấp GCN cho dân được. Tình trạng chủ đầu tư cứ tay không bắt giặc, người mua không có cơ hội thực hiện chính sách thế chấp vay tiền, phải có phương án xử lý", ông Lịch nói.
Tiến sĩ Lịch cũng cho rằng, từ khóa 12, TP đã vướng 2 vấn đề: "Khu 31 ha An Phú muốn cấp GCN cho hộ dân, chủ đầu tư phải hoàn thành hạ tầng thì nhà nước mới cấp giấy, các chủ đầu tư bầy nhầy không bàn giao, người dân ngồi chờ. Các anh làm ăn kém, bắt người dân làm con tin. Nhà đầu tư thì phần ai nấy thi công, băm nát giao thông, lộn xộn đến mức độ đường sá không tới được".
Ai quản lý 2 bờ sông Sài Gòn?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đánh giá, hiện TP.HCM đang có nghịch lý ở chỗ, những người có nhu cầu hợp pháp thường bị chậm trễ, phiền nhiễu, nhiều trường hợp phải chung chi, lót tay, bôi trơn mới xong việc. Những người làm bừa làm càn, cho thuê, bán chuyển nhượng lấy tiền làm giàu thì không xử lý nổi, chậm, không xử lý được, phạt cho tồn tại rồi cấp phép cho phần không hợp pháp.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa "tâm tư" khi nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM "xé rào".
"Hơn 10 năm qua, vấn đề cản trở hội nhập, chờ đợi đất nước tuân thủ pháp luật hơn, nhưng càng hội nhập càng vi phạm pháp luật trắng trợn hơn. Tôi nghe nhiều ý kiến người dân phản ánh, nếu chậm xử lý, xử lý nương tay là khuyến khích người ta vi phạm làm cho gia tăng, ngày càng nghiêm trọng.
Vi phạm ngang nhiên, giữa ban ngày trên đất nước ta, phá cả rừng, lấp sông, lấn biển, xây những tòa nhà vượt hàng chục tầng giữa những đô thị lớn, vẫn cứ vi phạm. Riêng lĩnh vực đất đai, đặc biệt TP.HCM phải nghiêm túc xem xét lại vì tình trạng vi phạm pháp luật có tính lây lan, anh làm bậy tôi cũng làm bậy, chuyện này nhảy qua chuyện kia.
Thứ hai, có hiện tượng chung các bờ sông, bờ biển nhân hóa hết, TP.HCM có cuộc thi thiết kế bờ sông Sài Gòn bây giờ không biết đâu rồi, bất công vì bờ sông biến thành của một số người giàu. Việc này phá hỏng bộ mặt đô thị. Nhìn từ trên cao thấy sông Sài Gòn bị thu hẹp như thế nào. Hai bờ sông phải để cho cộng đồng, xây dựng mảng xanh, cho người dân đi dạo. Sắp tới biển Cần Giờ không khéo cũng bị như vậy", ông Nghĩa nói.
Đại biểu Nghĩa cho rằng, việc quy hoạch kéo dài hành dân rõ ràng là yếu kém ở khâu quản lý. Ví dụ dự án lớn như Bình Qưới 25 năm qua dân không được xây dựng, chuyển nhượng, sửa chữa, đã đấu tranh nhưng tiếp tục treo.
"Tôi đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc quản lý hai bờ sông Sài Gòn tìm hiểu những khu vực nào đã cấp cho tư nhân, chỗ nào trở thành dự án tư nhân cộng đồng không được đi vào. Đến nay còn những khu nào, đã giải quyết lấn trái phép đến đâu, một số dự án bất động sản bán rất đắt, tình trạng như thế nào, đang xem xét cấp tiếp các dự án nào... để chúng tôi biết chính quyền làm là đúng luật hay sai luật, lỗi của TP hay của Trung ương, hay của ai trong việc quản lý hai bờ sông Sài Gòn", ông Nghĩa nói.
Siêu dự án Thanh Đa - Bình Quới của Tập đoàn Bitexco treo 25 năm làm cho cuộc sống người dân nơi đây rơi vào cảnh khó khăn.
Cũng trong vấn đề liên quan đến sử dụng đất và lấn sông, Bí Thư Nhân chỉ đạo các ban ngành liên quan cần rà soát xung quanh và đối chiếu hiện trạng qua các thời kỳ 2006, 2010, 21017. Sau đó có những thống nhất, đề xuất để thực hiện trong thời gian tới.
Theo Danviet
Đại biểu TPHCM khóc khi thấy công nhân ngâm mình dưới cống rác Hình ảnh các công nhân phải trầm mình dưới nước hôi thối, bị bỏng hoá chất hay nhiều lần đạp phải kim tiêm làm nhiều đại biểu (ĐB) HĐND TPHCM xúc động. Công nhân ngâm mình vớt rác dưới cống. Ảnh: N.B Ngày 11.7, kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục với phiên thảo luận tại hội trường. ĐB Nguyễn...