TP.HCM, “thủ đô” bệnh hô hấp châu Á?
“Ô nhiễm không khí ngày càng gây hại cho sức khoẻ cộng đồng, làm tăng các bệnh hô hấp, tai mũi họng, tình trạng dị ứng, hen phế quản, đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ”, cảnh báo này được nêu lên tại một hội thảo tháng qua của hội Tai – mũi – họng TP.HCM.
Gây nhiều bệnh nguy hiểm
Cách đây nửa năm, ông Cường, 62 tuổi, còn ở tại một căn nhà mặt tiền sát ngã ba Cách Mạng Tháng Tám và Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP.HCM. Ông thường xuyên bị viêm xoang, viêm mũi dị ứng và bệnh ngày một nặng hơn. Ông nói: “Đi chữa bệnh, bác sĩ nói do tôi ở ngay giao lộ thường kẹt xe và ô nhiễm không khí nặng nên khuyên tôi chuyển đến nơi khác ở. Tôi nghe lời, lên Củ Chi sống với con gái, không khí thoáng đãng và không bị ô nhiễm, từ đó bệnh đỡ hẳn”.
Một nghiên cứu của trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID) cho thấy chất lượng không khí ở TP.HCM ngày một giảm.
Tại hội thảo “Những cảnh báo mới về an toàn hô hấp” do hội Tai – mũi – họng TP.HCM tổ chức, các chuyên gia cho biết bệnh nếu không khí bị ô nhiễm, tai, mũi, họng là những cơ quan bị tấn công đầu tiên, nhưng do nhiều người nghĩ đó là những bệnh đơn giản, không cần đi bác sĩ chữa dứt điểm, vì thế dễ dẫn đến mạn tính hoặc sinh ra nhiều bệnh khác.
Ông Cường may mắn vì còn có thể chuyển đi nơi khác có không khí trong lành, còn ông Mạnh, 58 tuổi, ngụ không xa ngã ba đường Trường Chinh – Lê Trọng Tấn, quận Tân Bình, thì vô phương. Sống ở đây 40 năm, nhưng ông cho biết tình trạng kẹt xe, xả khí ô nhiễm từ xe cộ, ở đây ngày một nặng.
Về nhà sau nửa tháng điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, trong căn nhà nhỏ độ 12m2, ông tâm sự: “Cuộc sống của tôi và gia đình thật bế tắc vì nạn ô nhiễm không khí. Bác sĩ nói tôi phải đi sống ở một nơi không ô nhiễm thì bệnh mới giảm. Nhưng cả gia đình trông vào xe bán càphê ngay nhà, đi nơi khác không biết làm ăn được không. Mà muốn đi cũng không đủ tiền mua nhà mới để ở”.
Tại một hội thảo khoa học, PGS.TS Trần Văn Ngọc, trưởng khoa hô hấp bệnh viện Chợ Rẫy, chủ tịch hội Hô hấp TP.HCM, cho biết: “Ô nhiễm không khí tấn công lên hệ hô hấp gây ra COPD, viêm phế quản, đặc biệt là ung thư phổi. Tuỳ cơ địa mỗi người và cường độ tiếp xúc với không khí ô nhiễm mà các bệnh này xuất hiện sớm hay muộn mà thôi”.
Chẳng lạ khi lượng bệnh nhân mắc bệnh hô hấp, tai mũi họng và dị ứng rất phổ biến ở các bệnh viện lớn nhỏ của TP.HCM. PGS Lê Thị Tuyết Lan, chủ tịch hội Hen – dị ứng – miễn dịch lâm sàng TP.HCM, từng gọi TP.HCM là “thủ đô hen suyễn châu Á” khi mỗi năm có khoảng 3.000 ca tử vong vì hen phế quản, bên cạnh yếu tố di truyền, nạn ô nhiễm không khí chính là thủ phạm dẫn đến căn bệnh này. PGS nói: “Hơn 7 triệu xe gắn máy xả thải thì không khí còn gì trong lành”.
Video đang HOT
Chất lượng không khí xấu dần
Một nghiên cứu của trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID) cho thấy chất lượng không khí ở TP.HCM ngày một giảm. Cụ thể, nếu trong sáu tháng đầu năm 2016 chỉ có 20,5% số giờ có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở nhóm không tốt cho sức khoẻ, thì sáu tháng đầu năm 2017 con số này là 28%. Tương tự, nồng độ bụi siêu mịn PM 2,5 của sáu tháng đầu năm 2016 đạt trung bình 26,6g/m3, nhưng của sáu tháng đầu năm 2017 là 29,96g/m3. So đường kính của một sợi tóc là 60m, bụi siêu mịn PM 2,5 chỉ 2,5m, nhỏ hơn 24 lần nên xâm nhập dễ dàng vào phổi, đi vào máu và tấn công nhiều bộ phận trong cơ thể. Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp bụi này vào chất sinh ung thư nhóm 1 cho con người, nhóm nguy hiểm nhất trong số năm nhóm. Không chỉ thế, PM 2,5 còn gây đột quỵ não, bệnh tim mạch, thận, Alzheimer, sa sút trí tuệ, loãng xương…
Tại TP.HCM, bụi PM 2,5 là vấn đề đáng lo ngại. Kết quả quan trắc PM 2,5 tại điểm lãnh sự quán Hoa Kỳ của Green ID trong quý 3/2017, cho thấy chỉ số AQI ở mức độ trung bình, nồng độ bụi PM 2,5 đạt trung bình 24,45g/m3. Theo cách tính này, số ngày vượt chuẩn quốc gia là 1, nhưng nếu dựa theo chuẩn WHO, số ngày vượt chuẩn là 39.
PGS.TS Hồ Quốc Bằng, trưởng phòng Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, viện Môi trường và tài nguyên (đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết điểm quan trắc ở trên không đại diện cho cả TP.HCM, nhưng đây cũng là nơi ít bị ô nhiễm không khí. Trong khi đó, theo TS Lê Việt Phú, giảng viên đại học Fulbright TP.HCM, những ước lượng dè dặt cho thấy vào năm 2013 có hơn hơn 40.000 người chết do ô nhiễm PM 2,5 tại Việt Nam, gấp 3 – 4 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Tại TP.HCM, con số này lên đến hơn 3.000 người!
5 giải pháp phòng tránh ô nhiễm không khí
1. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì phương tiện cá nhân và hạn chế phát thải.
2. Tránh lui tới nơi ô nhiễm không khí nặng. Không hít thở sâu khi đi sau ôtô, xe máy đang gây ô nhiễm. Tránh ra ngoài vào giờ cao điểm, nơi tắc nghẽn giao thông.
3 Chọn nơi ở có không khí trong lành, tránh xa nguồn gây ô nhiễm không khí lớn.
4.Tập thể dục đúng chỗ, xa nơi ô nhiễm không khí.
5. Sử dụng khẩu trang phù hợp.
(Nguồn: Green ID)
Theo Tâm An (Thế Giới Tiếp Thị)
Hàng trăm hộ dân khốn khổ vì ô nhiễm bụi than
Nhiều năm qua, hơn 200 hộ dân ở phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa phải sống trong cảnh khốn khổ vì ô nhiễm từ không khí, bụi than. Sự việc trên đã được bà con kiến nghị nhiều lần đến các cấp chính quyền, song tình trạng ô nhiễm không được khắc phục mà ngày càng trầm trọng hơn.
Ngay ở đoạn đê sông Mã thuộc khu vực Cảng Lễ Môn, cách nhà dân chỉ vài chục mét, từ nhiều năm nay đã hình thành một bãi tập kết than rộng hàng nghìn m2. Than được đổ lộ thiên cao bằng nóc nhà nhưng chỉ được che chắn một cách sơ sài. Máy xúc, máy xay và xe ben ra vào vận chuyển than liên tục.
Theo ghi nhận, hàng trăm hộ dân phải sống trong cảnh cửa đóng then cài. Không những vậy, bà con phải dùng bạt, nilon che chắn nhà cửa, quần áo, bát đũa... cả ngày lẫn đêm vì bụi than từ các bãi tập kết, xay than của nhiều công ty tại khu vực cảng Lễ Môn. Hầu hết cây cối, rau màu cho đến từng gian phòng của người dân, khắp nơi đều có bụi than đen kịt.
Sản xuất, tập kết không che chắn khiến bà con nhân dân khốn khổ chịu cảnh ô nhiễm nhiều năm
Bà Nguyễn Thị Trương bức xúc: "Nhà cửa, vật dụng trong nhà lau chùi thường xuyên nhưng cứ vài tiếng sau lại bị phủ một lớp bụi than dày. Quần áo cũng không dám phơi ở ngoài trời. Các loại cây trồng, rau, nước uống cũng bám đầy bụi than.
Người dân chúng tôi phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu về tình trạng sức khỏe. Vào những ngày nắng nóng, mùi hóa chất quyện vào không khí cùng khói bụi than bay vào khu dân cư khiến người dân chúng tôi khốn khổ, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ. Gia đình tôi có cháu nhỏ phải cho ở nhờ nhà người quen vì không thể chịu được bụi than và ô nhiễm không khí".
Ông Lưu Doãn Hường, tổ trưởng tổ dân phố 4, phường Quảng Hưng, cho biết: "Cả khu phố có 260 hộ dân nhưng có tới hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ bụi than, khói thải từ các cơ sở sản xuất. Cả ngày lẫn đêm, người dân phải thường xuyên đóng kín cửa.
Chỉ vài phút dùng giấy hay tay miết nhẹ vào bất cứ ở đâu trong nhà cũng thấy bụi than
Có nhà phải dùng băng dính, xốp, nhựa che hết các ô thoáng, khe cửa để ngăn không cho bụi bay vào nhà. Nhiều người dân trong thôn đã mắc các bệnh như viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi, viêm họng hạt, phổi tắc nghẽn mãn tính... Bức xúc về tình trạng ô nhiễm không khí do bụi than, khí thải người dân đã có đơn, thư phản ánh với chính quyền địa phương. Thế nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục".
Ông Nguyễn Ngọc Thọ, Phó chủ tịch UBND phường Quảng Hưng, xác nhận tình trạng các bãi than nằm trong cảng Lễ Môn gây ô nhiễm cho khu dân cư nhiều năm qua.
Những con đường đầy bụi than
Cũng theo ông Thọ thì khu vực tập kết bãi than là của Công ty than Thanh Hóa và một số đơn vị khác thuê lại khu vực cảng của Công ty CP cảng Thanh Hóa để kinh doanh. Chính quyền địa phương cũng đã mời các đơn vị có liên quan đến làm việc, tìm biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm bụi than, nhưng vẫn không thể khắc phục.
"Với quyền hạn và trách nhiệm của mình, chúng tôi cũng chỉ đôn đốc, yêu cầu các đơn vị kinh doanh than che chắn các bãi than, chứ không thể yêu cầu dừng hoạt động. Theo chúng tôi được biết, thì chức năng của cảng chỉ phục vụ làm kho bãi chứa hàng hóa, nhưng không hiểu sao họ vẫn cho các đơn vị kinh doanh than xay than ở trong cảng, mà đây chính là hoạt động gây bụi bẩn ra các khu dân cư xung quanh" - ông Thọ cho biết thêm.
Bình Minh
Theo Dantri
Hà Nội muốn ôtô được rửa sạch trước khi vào thành phố Sau gần 20 năm, kế hoạch xây trạm rửa xe tự động tại các cửa ngõ Thủ đô được lãnh đạo ngành môi trường Hà Nội nói tới. Tại hội thảo về chất lượng không khí ngày 19.10, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho hay chính quyền Thủ đô có kế hoạch xây dựng các trạm...