TPHCM sẽ đưa người ăn xin vào trung tâm hỗ trợ xã hội
Để hạn chế tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố, trước mắt sẽ kiên quyết tập trung đối tượng này vào trung tâm hỗ trợ xã hội kịp thời.
Ảnh minh họa: Tuoitre.vn
Đây là nội dung của dự thảo giải quyết tình trạng lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015 được đưa ra để lấy ý kiến, do sở Lao động thương binh xã hội TP.HCM tổ chức chiều ngày 17/8.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ cho họ tìm kiếm việc làm, đồng thời sẽ tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho các đối tượng khi đang ở tại trung tâm hỗ trợ. Song song đó, sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố có đối tượng lang thang xin ăn để đưa họ về địa phương rồi địa phương sẽ đưa về gia đình, hỗ trợ những người này từng bước ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Ngược lại, thành phố sẽ yêu cầu gia đình đối tượng phải có cam kết với địa phương về trách nhiệm quản lý người thân của mình, không để xảy ra tình trạng tái lang thang…
Video đang HOT
Mục tiêu từ nay đến năm 2015, mỗi năm thành phố sẽ tổ chức lao động sản xuất tại chỗ thường xuyên cho 800 người, đồng thời tạo điều kiện để gia đình bảo lãnh cho khoảng 1.000 người lang thang xin ăn khác đang trú trong các trung tâm hỗ trợ, bảo trợ xã hội về với gia đình.
Theo VTC
Đi đêm bị bắt vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội
Do không mang giấy tờ tùy thân nên các đương sự đã bị nhốt đến tám ngày.
Anh Trần Đức Dự (tạm trú 105/66 Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM), cho biết: Khoảng gần 12 giờ đêm 7-8, do xe máy bị hư nên anh cùng bốn người bạn ở chung nhà trọ dẫn xe đi bộ trên đường Nguyễn Oanh (đoạn ngã tư An Nhơn, thuộc phường 6, quận Gò Vấp). Bất ngờ, hai bảo vệ dân phố chặn lại đòi kiểm tra giấy tờ tùy thân và giấy tờ xe. Vì không có miếng giấy nào lận lưng nên năm người đã bị bảo vệ dân phố đưa về trụ sở Công an phường 6.
Bị nghi ngờ là kẻ gian
Tại đây, các anh cho biết mình là công nhân của Công ty TNHH Xây dựng điêu khắc trang trí Lạc Hồng (phường An Phú, quận 2) và đang làm việc tại một công trình căn hộ cao cấp, ai cũng có gia đình và chỗ ở ổn định. Nhưng Công an phường 6 vẫn lập hồ sơ quy các anh vào diện người lang thang, cơ nhỡ, thậm chí còn nghi ngờ các anh có hành vi phạm tội. Họ đã giữ các anh ở trụ sở suốt đêm.
Đến 7 giờ ngày 8-8, anh Dự gọi điện thoại về cho vợ báo sự việc. Vợ anh liền mang giấy tờ tùy thân của cả năm người và giấy tờ xe đến Công an phường 6 để xin cho cả nhóm được trở về nhà. Nhưng một cán bộ đã từ chối giải quyết rồi còng tay năm người đưa ra ô tô chở đến Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.
Anh Trần Hữu Vạn Phước (trái) , một trong năm người bị bắt vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM sáng 8-8, vui mừng khi được cha bảo lãnh vào sáng 16-8. Ảnh: THÀNH NHÂN
"Tại đây, chúng tôi bị cắt tóc, giam vào phòng C3 hai ngày, sau đó chuyển qua phòng C5, C6. Trong căn phòng rộng khoảng 45 m2, chúng tôi phải ở cùng với 25 người khác. Trong nhiều ngày ở lại đây, chúng tôi bị người vào trước ở chung phòng đánh đập; bị lấy đồ ăn, thức uống do người nhà gửi vào" - anh Dự giật mình khi nhớ lại.
Ngày 10-8, trung tâm đã hỏi từng người một về việc có trộm cắp, hút chích ma túy hay không nhưng cả năm người đều trả lời giống như đã nói với cơ quan công an trước đó. Sau đó, trung tâm mới hướng dẫn họ cách làm thủ tục để gia đình bảo lãnh.
Ngày 12-8, anh của Dự từ Thừa Thiên-Huế mang theo các giấy tờ bảo lãnh có xác nhận của địa phương đi vào TP.HCM và cùng mẹ từ quận 9 đến trung tâm bảo lãnh cho Dự về nhà. Riêng bốn người còn lại vẫn còn phải tiếp tục ở lại trung tâm vì cha mẹ ở ngoài quê chưa vào kịp. Mãi đến sáng 16-8, gia đình của bốn anh mới đến được trung tâm để bảo lãnh cho thân nhân. Cũng trong ngày 16-8, anh Dự đã được Công an phường 6 cho nhận lại chiếc xe máy.
Lỗi không mang theo giấy tờ tùy thân
Trung tá Phan Văn Vui, Phó Trưởng Công an phường 6 (quận Gò Vấp), cho biết: "Khoảng 2 giờ sáng 8-8, chúng tôi có tiếp nhận năm người do bảo vệ dân phố đưa về vì nghi ngờ họ thuộc đối tượng xấu. Tất cả đều say, mùi rượu bốc lên nồng nặc và khi hỏi thì không ai có giấy tờ tùy thân. Họ khai đang ở phường 15, quận Tân Bình nhưng khi chúng tôi đưa một người trong số họ đến Công an phường 15 để xác minh thì công an khu vực ở đó lại nói họ chưa đăng ký lưu trú tại phường. Cho nên chúng tôi đã lập hồ sơ ban đầu và chuyển giao cho cán bộ phường để đưa năm người lên Trung tâm Hỗ trợ xã hội".
Cũng theo Trung tá Vui, khi vợ anh Dự mang giấy tờ đến thì công an phường đã cử lực lượng hỗ trợ cho cán bộ phường chuyển người lên trung tâm. Bấy giờ, công an phường đã hướng dẫn gia đình liên hệ với trung tâm để bảo lãnh theo đúng thẩm quyền.
Ông Phan Ngọc Anh, Trưởng phòng Quản lý giáo dục hồ sơ - Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM, giải thích: Trung tâm thường tiếp nhận những đối tượng là người ăn xin trên đường phố; người lang thang sống trên vỉa hè không có giấy tờ tùy thân. Đối với năm người được phường 6, quận Gò Vấp đưa lên nêu trên, do hồ sơ ghi là diện lang thang và không có giấy tờ tùy thân nên trung tâm mới nhận.
Theo quy định của trung tâm, các đối tượng bị cấm hút thuốc, không được sử dụng tiền mặt; nếu người thân có gửi tiền vào thì tiền đó sẽ được chuyển vào căn tin để người bị tạm giữ chi phí vào việc ăn, uống theo nhu cầu. Trung tâm cũng có quy định các đối tượng phải cắt tóc gọn gàng để đảm bảo vệ sinh và để không bị nắm tóc đập đầu vào tường trong trường hợp có đánh nhau.
Theo Pháp Luật TP
TP. Hồ Chí Minh: Bao giờ hết người ăn xin? Già cả, bệnh hoạn, tàn tật... không thể mưu sinh người ta mới phải ngửa tay ăn xin và người Việt Nam vốn giàu lòng nhân ái, luôn sẵn lòng giúp đỡ họ. Lợi dụng điều này, không ít kẻ lười lao động đã dùng nhiều mánh, kể cả "khổ nhục kế", tổ chức chăn dắt "cái bang" để xin tiền. "Công nghệ...