TP.HCM sẽ có hệ thống nước sạch uống tại vòi?
Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) vừa đề xuất xây dựng các bể chứa nước sạch để chủ động dự trữ nguồn nước sạch. Qua đó ngành cấp nước thành phố sẽ hướng đến hệ thống cấp nước “uống ngay tại vòi”.
Tại cuộc họp với các cơ quan chức năng cùng các chuyên gia về việc xây dựng các bể chứa nước lớn trong mạng lưới cấp nước TP.HCM sáng nay (17.4), đại diện Sawaco cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang đe dọa đến nguồn cấp nước thành phố.
Để đảm bảo cấp nước an toàn, Sawaco đề xuất xây dựng 5 bể chứa nước quy mô lớn đặt tại khu vực quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, khu vực trung tâm, khu vực phía nam và phía tây thành phố. Bên cạnh đó Sawaco đề xuất cải tạo 7 thủy đài hiện hữu, xây dựng một số bể chứa quy mô nhỏ để chứa nước sạch. Tổng dung tích của các bể chứa theo thiết kế khoảng 458.000m3. Sawaco dự kiến thực hiện từ nay đến năm 2024 với kinh phí hơn 3.600 tỷ đồng.
Thủy đài trên đường Hoàng Diệu, Q.4, một trong những thủy đài được đề nghị cải tạo để chứa nước sạch.
Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng giám đốc Sawaco thông tin, hiện nay hệ thống cấp nước của thành phố đang đối mặt nhiều khó khăn, nhất là vấn đề suy giảm chất lượng nguồn nước do ô nhiễm môi trường và các tác động của BĐKH. Trong khi đó, năng lực dự phòng của hệ thống cấp nước thành phố còn hạn chế khi chưa có nguồn nước thô và các công trình xử lý nước dự phòng, chưa có bể chứa nước sạch dự trữ và phân phối trên mạng…do đó Sawaco đề xuất xây dựng bể chứa nước phân phối kết hợp với tác cấu trúc mạng lưới cấp nước nhằm nâng cao năng lực cung cấp nước, giảm năng lượng trong truyền tải nước đồng thời nâng cao khả năng dự trữ nước sạch đảm bảo an toàn cấp nước.
Đại diện Sawaco khẳng định, cùng với các hồ chứa nước thô, nước ngầm, các bể chứa nước sạch sẽ đảm bảo nguồn nước dự phòng, dự trữ cho hệ thống trong trường hợp có sự cố nghiêm trọng về nguồn nước sông Sài Gòn, Đồng Nai. Bên cạnh đó các bể chứa còn có chức năng điều hòa áp lực nước, hỗ trợ công tác phòng cháy chữa cháy tốt hơn, dễ kiểm soát hoạt động cấp nước. Đặc biệt các bể chứa sẽ giúp ổn định chất lượng nước, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch đạt chuẩn tiến tới một hệ thống cấp nước “uống nước tại vòi”, đây là điều mà thành phố đang hướng tới.
Liên quan đến đề xuất của Sawaco, nhiều ý kiến cho rằng đây là việc thành phố cần làm hiện nay. Tuy nhiên cần phải nghiên cứu kỹ các giải pháp cũng như địa điểm thực hiện để phù hợp tình hình thực tế.
PGS.TS Trần Đình Hạ, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, với quy mô lớn như vậy, việc xây dựng các bể chứa nước sạch là điều cần thiết để ứng phó với BĐKH, ô nhiễm môi trường. Nhưng khi làm cần xem lại quy mô, vị trí bể chứa để phù hợp với sự phát triển của thành phố trong tương lai. Ngoài ra cũng cần xác định lại mục tiêu của các bể chứa này cho chi tiết, cụ thể hơn.
Tương tự, chuyên gia Trần Đình Cương cho rằng, việc xây dựng các bể chứa nước sạch cần thực hiện ngay bởi hiện nay mới làm là muộn so với các nước. Còn việc xây dựng 5 bể chứa lớn như đề xuất vẫn còn quá ít so với quy mô thành phố. Bên cạnh đó ông cũng lưu ý cần xác định lại thời gian cũng như nguồn vốn thực hiện vì cho rằng thời gian thực hiện trong 8 năm là hơi ngắn, còn nguồn vốn dự kiến ban đầu khá ít. Khi thực hiện, các đơn vị cần chú ý đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để làm sao ảnh hưởng ít nhất đến người dân trong khu vực.
Đến tháng 4.2017 tổng dung tích các bể chứa hiện hữu và đang xây dựng của các nhà máy nước thành phố là 720.000m3, đóng góp thời gian dự trữ lý thuyết là 9 giờ. Đến giai đoạn 2025 dự kiến tổng dung tích các bể chứa nước sạch trên địa bàn thành phố khoảng 1.200.000m3, khi đó các bể chứa đóng góp thời gian dự trữ lý thuyết là 10 giờ.
Theo Danviet