TP.HCM sau ngày 30.9: Đã tiêm 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 có được về quê?
Nhiều người trẻ ở TP.HCM hiện tại đã tiêm hai mũi vắc xin ngừa Covid-19 rất mong muốn được về quê sau hàng tháng ở yên tại chỗ để chống dịch.
Được về quê, đi làm… là những mong muốn của người trẻ khi họ tiêm hai mũi vắc xin ngừa Covid-19. Ảnh TẤN ĐẠT
“Trông riết cho con về, thèm gì mẹ nấu ăn cho đã…”
Anh Lữ Duy Tường, 24 tuổi, đang ở trọ tại Q.7, TP.HCM, mấy ngày nay vui như mở hội khi vừa tiêm xong mũi vắc xin phòng Covid-19 thứ hai, trong khi đó quê nhà tại xã An Hiệp, huyện Ba Tri, Bến Tre của anh cũng chỉ còn áp dụng Chỉ thị 15. Anh Tường bây giờ chỉ nghĩ đến việc “không biết sau ngày 30.9, tôi có được về quê hay không?” vì gần 5 tháng nay do “ở yên tại chỗ” để chống dịch nên anh cũng chưa thăm ba, mẹ mình lần nào.
Anh Tường đã tiêm hai mũi vắc xin và rất muốn về quê khi quê nhà cũng đã áp dụng chỉ thị 15 . Ảnh NVCC
“Gia đình tôi thì không khỏi lo lắng, cứ gọi hỏi thăm tình hình liên tục và mong ngóng ngày tôi được trở về. Mẹ tôi cuộc gọi nào cũng nói trông riết cho con về, thèm gì mẹ nấu ăn cho đã, mấy tháng nay ở trển nhịn thèm. Tội nghiệp! và kêu: Cha mày, ổng nhớ thằng út Tường lắm rồi, mỗi lần nhớ là ổng mở hình lên coi. Tôi nghe mà lặng người, thương cha mẹ đứt cả ruột. Giờ chỉ trông các chuyến xe đồng hương giúp mọi người về quê”, chàng trai 24 tuổi tâm sự.
Hơn 3 tháng qua, nhiều người không được ăn bữa cơm gia đình . Ảnh NVCC
Giống như anh Tường, chị Lê Thị Mỹ Hạnh, 28 tuổi, quê Tiền Giang, đang sống tại chung cư Chương Dương Home, TP. Thủ Đức, TP.HCM, cũng sốt ruột không kém về vấn đề về quê sau ngày 30.9. Chị Hạnh đã tiêm hai mũi vắc xin ngừa Covid-19 cách đây 2 tuần hơn. Ứng dụng khai báo sức khỏe của chị cũng chuyển “màu xanh”. Hiện tại, chị Hạnh không mong gì hơn ngoài việc trông chuyến xe đồng hương hoạt động trở lại để về quê thăm gia đình.
“Thẻ xanh” của chị Mỹ Hạnh . Ảnh NVCC
“Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nhớ quê da diết mà không thể về, trước đó muốn về là xách xe chạy, giờ thì chịu. Khi tôi hoàn thành 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 nên cảm thấy yên tâm được phần nào. Hiện tại, tôi đã quen với làm việc trực tuyến nên rất mong dịch ổn định để được về quê thăm ba, mẹ vì cũng gần 4 tháng rồi chưa được gặp mặt họ”, chị Hạnh nói.
Số ca tử vong do Covid-19 liên tục giảm tại TP.HCM và nhiều tỉnh
Mong đi làm kiếm tiền rồi mới về quê
Trong khi đó, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, 23 tuổi, làm truyền thông tại số 311 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM, mong muốn được di chuyển bình thường sau ngày 30.9 để kiếm tiền rồi đợi sang năm hẳn về quê cho yên tâm.
Ánh làm công việc truyền thông, chuyên đi quay đường phố, ẩm thực Sài Gòn nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công việc cũng như nguồn thu nhập chính cũng “đóng băng”, hiện tại Ánh dựa vào số tiền ít ỏi từ những bài cộng tác các báo mạng. Cô nàng 9X này hy vọng, đầu tháng 10, TP.HCM mở cửa trở lại, ưu tiên những người đã tiêm vắc xin được đi làm, cô sẽ làm việc để kiếm tiền bù đắp lại những tháng ngày mất thu nhập.
Bên cạnh đó, nhiều người trẻ muốn ra đường đi làm để có tiền, cuối năm về quê sau . Ảnh TẤN ĐẠT
“Tôi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 rồi, nhưng cũng không có ý định về quê. Thật sự, tôi nhớ nhà lắm nhưng 3 tháng này không có thu nhập thì về quê cũng không vui tí nào. Với lại, tôi lo lắng rằng về quê thăm nhà khoảng 2 tuần thì có dễ lên lại thành phố trong tháng hay không? Nên chỉ mong, hết tuần này tôi được đến cơ quan đi làm, gặp được đồng nghiệp. Cố gắng cày 3 tháng cuối năm, mong có tiền rồi về quê sau, lúc đó dịch cũng ổn định hơn rất nhiều”, Ngọc Ánh tính toán.
Nên về quê trong điều kiện nào?
Tại buổi “live stream”, đối thoại trực tiếp với người dân vào giữa tháng 9, ông Lê Hòa Bình Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chia sẻ: “Nếu bà con cô bác muốn về quê thì thành phố sẵn sàng, nhưng có người đưa đi phải có người đón về. Nếu địa phương đồng ý tiếp nhận, đủ năng lực xét nghiệm, cách ly thì thành phố sẵn sàng hỗ trợ.Tuy nhiên, trong thời gian này chúng tôi mong người dân tạm thời hạn chế di chuyển hoặc người dân có thể liên hệ với hội đồng hương của mỗi tỉnh để đăng ký, các tỉnh sẽ hỗ trợ thêm. Còn nếu không có người đưa đi và đón về thì người dân không được qua chốt kiểm soát…”.
Người dân nên về quê trên những chuyến xe do hội đồng hương tổ chức . Ảnh LÊ NAM
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, giảng viên chuyên ngành tai – mũi – họng Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, khuyến cáo mọi người cần lưu ý thời gian tạo miễn dịch của mũi hai vắc xin ngừa Covid-19.
“Trong khi tiêm mũi vắc xin thứ hai mới có vài ngày mà di chuyển đi làm hoặc về quê thì khả năng bị lây nhiễm Covid-19 rất cao. Trung bình mất khoảng 2-4 tuần để liều vắc xin thứ hai có được miễn dịch sau khi tiêm. Nếu đạt được thời gian ấy, kết hợp với việc đảm bảo nguyên tắc 5K thì mọi người thoải mái di chuyển”, tiến sĩ, bác sĩ Minh nói.
Bác sĩ Minh hy vọng mọi người luôn thực hiện 5K dù đã tiêm hai mũi vắc xin . Ảnh ẢNH: LÊ NAM
Bác sĩ Minh khuyên đối với trường hợp đã tiêm hai mũi vắc xin muốn về quê thì nên đi theo những chuyến xe đồng hương tổ chức, nghiêm túc thực hiện quy định cách ly. Số lượng hành khách trên xe chỉ từ 30% đến 50%. Mọi người phải luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên…
Mọi người phải đãm bảo giãn cách . Ảnh LÊ NAM
Tiến sĩ, bác sĩ Minh còn căn dặn: “Khi tiêm mũi 2 vắc xin ngừa Covid-19 đủ thời gian miễn dịch thì khả năng lây nhiễm rất ít nhưng mọi người vẫn đảm bảo chế độ giãn cách. Nếu không sẽ bị nhiễm mặc dù có triệu chứng nhẹ nhưng chúng vẫn có khả năng lây lan cho người khác”.
Bí thư TP.HCM: Có thể cuối tháng 9 mới kiểm soát được dịch
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhìn nhận TP.HCM có thể không hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát dịch trước ngày 15/9.
Thành phố cần thêm khoảng 2 tuần để làm việc này.
"Có thể TP.HCM không hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thẳng thắn nhìn nhận tình hình tại hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM để cho ý kiến về kế hoạch chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế chiều tối 11/9.
Tính đến nay, TP.HCM đã trải qua 103 ngày giãn cách với những bước đi, mục tiêu, giải pháp theo hướng ngày càng nâng lên, ngày càng tăng cường, siết chặt. Ông Nên đánh giá đến nay, chỉ vài quận, huyện đạt tiêu chí kiểm soát dịch bệnh, các địa phương còn lại vẫn phải tiếp tục cố gắng. TP.HCM sẽ chọn địa phương làm thí điểm để nới lỏng dần, từ đó rút kinh nghiệm cho thành phố.
Không nôn nóng, an toàn là trên hết
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết đối chiếu với Quyết định số 3979 của Bộ Y tế, TP.HCM chỉ có một số địa phương cơ bản đáp ứng tiêu chí kiểm soát dịch bệnh. Đa số phải tiếp tục phấn đấu thêm một thời gian nữa.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới có thể nói rằng khó "quét sạch F0" với biến chủng Delta trong một thời gian nhất định trên địa bàn lớn, có đặc điểm phức tạp như TP.HCM. Trong khi đó, việc áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt không thể kéo dài quá sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế. Quan điểm này mới so với trước đây và TP.HCM sẽ báo cáo Trung ương để xin ý kiến.
Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh việc giãn cách hoặc nới lỏng ở mức độ nào phụ thuộc vào chuyển biến tình hình dịch bệnh và nguy cơ của từng khu vực, từng địa bàn.
"Phương châm chung của TP.HCM phải an toàn trên hết. An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn", ông Nên quán triệt.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Thu Hằng.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM khẳng định kế hoạch của thành phố không thể tách rời mà phải có sự phối kết hợp chặt chẽ với tình hình chung của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Thành phố tuyệt đối không chủ quan, không nôn nóng, triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn.
"Điều này có thể hiểu đơn giản những ngày đầu phòng chống dịch, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 15 toàn thành phố và Chỉ thị 16 có trọng tâm, trọng điểm. Còn bây giờ thực hiện mở ngược lại, thực hiện Chỉ thị 16 toàn thành phố và thực hiện Chỉ thị 15 có trọng tâm, trọng điểm. Nơi nào an toàn thì nới lỏng dần", ông chỉ rõ.
Bí thư yêu cầu trước hết phải chọn địa phương làm thí điểm để TP.HCM rút kinh nghiệm thực hiện sau này.
Có thể không hoàn thành mục tiêu kiểm soát dịch trước 15/9
Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM yêu cầu phải bám sát những trụ cột chính trong phòng chống dịch. Thành phố từng bước khôi phục hoạt động bình thường mới ở từng lĩnh vực.
Xác định chiến lược y tế là một trong những trụ cột khi mở cửa trở lại, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu củng cố lại hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở và trung tâm y tế cấp quận, cấp thành phố. Đồng thời, TP.HCM cần có cơ chế, chính sách thu hút, quy tụ y tế tư nhân; kết hợp tây y với đông y, y học dân tộc tham gia phòng chống dịch.
Ông Nên chỉ đạo phải có chính sách nhà ở cấp tốc cho người dân, công nhân, người lao động trên địa bàn TP.HCM để "chia lửa", giảm tải các khu nhà trọ chật hẹp hiện nay.
Về chiến lược giáo dục đào tạo, ông Nguyễn Văn Nên nhận định học trực tuyến có bất tiện nhưng trong nguy có cơ, cần tạo môi trường thuận lợi, huy động các nguồn lực tham gia vào giáo dục - đào tạo bằng nhiều loại hình. "Đừng để trường hợp nào bị bỏ rơi, đừng để trường hợp nào không được đến trường", ông lưu ý.
Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu phải tạo điều kiện để phát huy sự tương trợ, đùm bọc, hỗ trợ của cộng đồng, của doanh nghiệp trong và ngoài nước với người dân có hoàn cảnh khó khăn.
"Người ta đi làm từ thiện mà còn xét giấy, hạch sách, làm khó làm dễ này kia thì phiền quá", ông Nên nhắc nhở.
Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu tạo điều kiên tối đa cho hoạt động thiện nguyện. Ảnh: Phạm Ngôn.
Bí thư Thành ủy yêu cầu tạo điều kiện thông thoáng cho người làm từ thiện đi lại nhẹ nhàng nhất, thuận lợi nhất, không có bất cứ phiền phức nào. Ngoài ra, ông đề nghị phải kiến tạo cơ chế để huy động và phát huy nguồn lực lớn từ xã hội, nguồn lực trong dân, nguồn lực trí thức...Thành phố cũng phải làm nhanh, có hiệu quả chiến lược về khoa học công nghệ.
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh từng chiến lược phải chú ý tính khả thi, lộ trình, đặc biệt quan tâm gắn chiến lược này với chiến lược khác, nhất là y tế và công nghệ.
"Không phải chiến lược riêng mà phải liên kết với nhau để có khả thi cao, mới phục vụ cho bình thường mới được", ông nói. Để chuẩn bị "bộ chiến lược mang tính chất lịch sử" sắp tới, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh các chính sách không ban hành vội vã mà phải chuẩn mực.
Bí thư Nên nhìn nhận có thể TP.HCM không hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, mà chỉ có một số quận, huyện hoàn thành.
Do đó, TP.HCM phải "xin thêm" một thời gian nữa, có thể tới hết tháng 9/2021 để tập trung thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết 86. Ông giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM thảo luận để có văn bản sớm xin ý kiến của Chính phủ.
"Chúng ta đang trong chặng đường khó khăn, phải cố gắng tập trung để vượt qua. Khi hệ thống chính trị vượt qua thì nhân dân vượt qua, vì mình là người chèo, người cầm lái. Do đó, đề nghị toàn hệ thống cố gắng vượt qua khó khăn và tự tin rằng nếu bài bản như vậy thì sẽ thành công", Bí thư Nguyễn Văn Nên kêu gọi.
TP.HCM thêm 1.497 người mắc COVID-19, tăng 174 ca so với ngày 5/8 Tối 6/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, địa phương ghi nhận thêm 1.497 ca mắc COVID-19, tăng 174 ca so với ngày 5/8. Theo HCDC, tính từ 18h ngày 5/8 đến 18h30 ngày 6/8, TP.HCM ghi nhận 4.060 trường hợp mắc COVID-19 mới. Số liệu cho thấy sự tăng nhẹ ca mắc COVID-19 ở TP.HCM, tăng 174 người...