TPHCM sẵn sàng mở lại khu cách ly với 10.000 giường bệnh
“Chúng tôi đã chuẩn bị các phương án mở lại các khu cách ly tập trung ở các trường Đại học quốc gia, khu ký túc xá… với khoảng 10.000 giường” – ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết.
TPHCM lên phương án mở lại khu cách ly (ảnh: HCDC)
Chiều ngày 9/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Tổ thường trực đặc biệt chống COVID-19 tại TPHCM của Bộ Y tế đã họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM dưới hình thức trực tuyến.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã cáo báo tình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố. Tính đến thời điểm hiện tại, Thành phố có 32 ca mắc COVID-19; đã truy vết và lấy mẫu được 1.324 F1 của 32 trường hợp trên. Có 926 mẫu âm tính, số còn lại chờ kết quả. Bên cạnh đó, 396 F2 cũng đã có kết quả âm tính.
Theo ông Bỉnh, khi kiểm tra, truy vết những căn nhà kế cận, tổng rà soát cộng đồng là 5.851 mẫu; có 3.024 mẫu âm tính, còn 2.827 mẫu chờ kết quả. Chiều nay lô cuối cùng sẽ có kết quả xét nghiệm.
Phong tỏa, cách ly địa điểm có ca mắc COVID-19 từng đến (ảnh: HCDC)
Trong 24 giờ qua, TPHCM đã kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị trong toàn bộ hệ thống Y tế Thành phố và phối hợp chặt chẽ vối các cơ quan Y tế đóng trên địa bàn Thành phố. Nâng cao cảnh báo trong phòng, chống dịch: nhanh chóng, thần tốc truy vết các ca lây nhiễm F1, F2, điều tra truy vết, khoanh vùng dịch tễ, xét nghiệm (RT – PCR) và có kết quả trong 24 giờ.
Khoanh vùng, phong tỏa tạm thời 8 ổ lây nhiễm trong cộng đồng đề xử lý tiêu độc khử trùng và điều tra, xét nghiệm cho người tiếp xúc. Xét nghiệm toàn bộ nhân viên, cán bộ công nhân viên của BV 175 gồm 1.932 (Viện Pasteur sẽ tiến hành xét nghiệm) đã có kết quả âm tính.
Liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất, cơ quan chức năng đã xét nghiệm tất cả nhân viên sân bay có tiếp xúc với hành khách trong đêm ngày 7/2, có 1.276 trường hợp âm tính.
Ngành y tế phối hợp Cảng vụ Hàng không miền Nam kiểm tra lại hoạt động trong sân bay để đánh giá các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, có biện pháp chấn chỉnh; Xét nghiệm lại lần 2 của toàn bộ 1.600 nhân viên bốc xếp của Công ty phục vụ mặt đất sân bay Tân Sơn Nhất (VIAGS), trong đó 1.400 trường hợp âm tính.
Video đang HOT
TPHCM phong tỏa nhiều khu vực có người mắc COVID-19 (ảnh: HCDC)
Để đảm bảo an toàn mức độ cao cho toàn bộ hành khách đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, tiến hành xét nghiệm lần 2 các nhân viên làm việc trong nhà ga có tiếp xúc với hành khách, thực hiện trước 24 giờ, các ca có xét nghiệm âm tính mới thực hiện nhiệm vụ trong ngày hôm sau (trong đêm 7/2 đã thực hiện xét nghiệm cho gần 1.900 nhân viên sẽ làm việc trong ngày 9/2, tất cả đều âm tính). Đồng thời sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người nhà của 1.600 nhân viên làm việc tại VIAGS.
TPHCM dự trữ đầy đủ các sinh phẩm, test kit xét nghiệm, phối hợp với các cơ quan Y tế đóng trên địa bàn Thành phố đảm bảo năng lực xét nghiệm từ 30.000-40.000 mẫu đơn trong 24 giờ (nếu thực hiện mẫu gộp 5 có thể nâng công suất lên 120.000-150.000 mẫu/ngày). Tất cả bệnh viện công lập (5 đội/BV) và Trung tâm Y tế (3 đội/ĐV) đều tham gia, đảm bảo công suất 100.000 mẫu/ngày.
“Chúng tôi đã chuẩn bị các phương án mở lại các khu cách ly tập trung ở các trường Đại học quốc gia, khu ký túc xá… với khoảng 10.000 giường; Ngành y tế chủ động kết hợp với các cơ sở khác chuẩn bị khoảng 500 giường. bệnh viện dã chiến Cần Giờ tái hoạt động với 600 giường, Bệnh viện dã chiến Củ Chi 300 giường, 1.000 giường Bệnh viện Ung Bướu… Tất cả đã sẵn sàng cách ly các trường hợp F1 và điều trị COVID-19″ – ông Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin.
TPHCM: Khẩn trương làm rõ bị nhiễm SARS-CoV-2 khi tiếp xúc người âm tính
Tiếp xúc với những trường hợp âm tính nhưng nhiều người lại bị nhiễm SARS-CoV-2, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu xét nghiệm kháng thể để làm rõ.
Các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 đang được triển khai quyết liệt trên địa bàn TPHCM (ảnh: Phạm Nguyễn)
Theo thông tin từ BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, đến nay sáng 9/2, qua rà soát hơn 8.100 mẫu được lấy từ các nhân viên của Sân bay Tân Sơn Nhất đã phát hiện 7 trường hợp dương tính, trong đó có 6 nhân viên công ty phục vụ mặt đất VIAGS. Ngoài ra, có 1 ca bệnh là nhân viên của hãng hàng không Vietnam Airline làm nhiệm vụ giám sát công tác bốc xếp hàng hóa có mối liên hệ dịch tễ trực tiếp với nhóm công nhân bốc xếp nhiễm bệnh.
Liên quan đến 4 ca công bố sáng 8/2, BS Trí Dũng cho biết đây là kết quả của việc xét nghiệm mẫu gộp 5. Cụ thể, sáng ngày 7/2, ngành y tế phát hiện 4 trường hợp nghi ngờ nên đã khẩn trương lấy 20 mẫu đơn để chạy thì có 16 trường hợp âm tính. Sau đó thì phát hiện 25 trường hợp dương tính (đã được Bộ Y tế công bố) trong số các mẫu trong gia đình liên quan đến 20 mẫu trên.
Việc truy vết, khoanh vùng lấy mẫu xét nghiệm được cơ quan chức năng thực hiện triệt để (ảnh: Phạm Nguyễn)
Quá trình điều tra dịch tễ ghi nhận, 15 trường hợp (trong số 25 bệnh nhân được công bố) có tiếp xúc với 6 trường hợp âm tính trong nhóm 20 ca nghi nhiễm trước đó. Theo BS Trí Dũng, trên thực tế cho thấy có những trường hợp âm tính nhưng lại lây bệnh cho người khác hoặc đây là những người đã mắc bệnh nhưng cơ thể tạo được kháng thể, tự khỏi bệnh.
GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ: "Người có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng lại lây SARS-CoV-2 cho những trường hợp tiếp xúc, đây là vấn đề đau đầu của ngành y tế thành phố. Nếu không xác định được cơ chế lây nhiễm việc phòng chống dịch sẽ gặp nhiều khó khăn, các xét nghiệm kiểm tra truy tìm nguyên nhân đang được thực hiện".
Thứ trường Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện nhanh xét nghiệm kháng thể, làm rõ nguyên nhân người tiếp xúc với trường hợp âm tính nhưng bị nhiễm bệnh
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo: "Việc xét nghiệm cần tiến hành rà soát lại trong cộng đồng, sân bay. Đề nghị các đơn vị liên quan làm nhanh xét nghiệm kháng thể đối với nhóm bốc xếp ở sân bay. Cần phải có những bằng chứng khoa học để xem các nhóm bệnh nhân vì sao tiếp xúc với người âm tính nhưng lại dương tính, phải làm thật nhanh việc này để có giải pháp chống dịch hiệu quả nhất".
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM phải có quy định về mặt thời gian kể từ khi lấy mẫu đến khi có kết xét nghiệm cụ thể là bao lâu sẽ hoàn thành, tránh để tình trạng qua một ngày mới cho ra được kết quả xét nghiệm bởi điều này là chậm trễ so với sự lây lan của virus.
Mọi hoạt động lễ hội dịp Tết Nguyên Đán tại TPHCM đang được thắt chặt kiểm tra y tế
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định: "Tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM đang diễn biến phức tạp tuy nhiên nếu so với Đà Nẵng thì còn có nhiều khác biệt. Thời điểm bùng phát ở Đà Nẵng dịch đã tấn công vào đầu não của y tế, còn hiện nay tại TPHCM, ngành Y tế đã và đang chủ động phòng dịch, chủ động phát hiện ca bệnh, khoanh vùng xử lý ổ dịch. Đến nay, đã phát hiện 32 ca bệnh chia 2 nhóm một nhóm bốc xếp và một nhóm liên quan đến các gia đình của các nhân viên đang làm việc tại công ty phục vụ mặt đất sân bay Tân Sơn Nhất".
Để công tác phòng chống dịch hiệu quả, Thứ trưởng yêu cầu cần tăng thêm nhóm đối tượng thuộc diện truy vết, tăng cường các biện pháp kỹ thuật để xem tình hình đã xảy ra từ lúc nào, ai đã mắc bệnh đến nay đã hết chưa, nguồn lây ra sao, nguyên nhân nào khiến người nhiễm đã hết bệnh nhưng lại lây cho người khác. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng.
Người dân cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong hoạt động phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm bệnh (ảnh: Phạm Nguyễn)
Để thực hiện nhiệm vụ trên, ông yêu cầu các bộ phận liên quan của Y tế trung ương và địa phương tại TPHCM ngay trong hôm nay phải thành lập các nhóm phối hợp giữa các thành viên tổ thường trực của Bộ Y tế và các đơn vị có liên quan của y tế tại TPHCM. Các nhóm phải khẩn trương đánh giá tình hình thực tế, đưa ra các khuyến cáo phù hợp đối với các hoạt động tại TPHCM.
Liên quan đến việc xét nghiệm, khoanh vùng xử lý dịch, cách ly, điều trị và công tác truyền thông, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị ngành y tế thành phố sử dụng hiệu quả các nguồn lực để không lãng phí nhưng đảm bảo đủ năng lực kịp thời khoanh vùng truy vết các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân F0 được phát hiện.
TPHCM hiện đang phong tỏa, cách ly nhiều khu vực có liên quan đến ca bệnh với nguy cơ lây nhiễm cao
Với các đơn vị Viện, Bệnh viện... trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn TPHCM và các vùng lân cận, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần nâng lên mức cao nhất từ công tác xét nghiệm, thu dung, điều trị, tổ xét nghiệm sẽ có phân phối phù hợp. Bên cạnh đó, tổ thường trực sẽ lập các đoàn kiểm tra giám sát các khu khu cách ly tập trung, khu cách ly y tế, các khu vực phong tỏa tại thành phố thông qua kinh nghiệm đã triển khai tại các tỉnh thành khác như Hải Dương, Đà Nẵng, Sơn Lôi, Hạ Lôi, Trúc Bạch... để có những góp ý giúp hoạt động phòng chống dịch của thành phố thực hiện tốt hơn.
Trong dịp Tết công tác kiểm tra giám sát phải được đặc biệt lưu ý, Thứ trưởng đề nghị lập đường truyền trực tuyến, thường xuyên nối mạng với Y tế thành phố, Bộ Y tế, nối mạng với các cuộc họp trực tuyến của Bộ trưởng Y tế, các bệnh viện trực thuộc có thể họp nhóm nhỏ, có chỉ đạo đề xuất nhanh chóng, gọn gàng, hiệu quả, không nhất thiết phải tập trung đông người.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 Chiều 8-2, ngay sau hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội nghe báo cáo và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã đi thăm, động viên lực lượng thực hiện nhiệm vụ tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19...