TPHCM: Phố lồng đèn cấm khách chụp hình
Bán lồng đèn chứ không phải hội chợ triển lãm”, đó là lời của một người bán lồng đèn tại đường Lương Nhữ Học và Phú Định, Quận 5, TP.HCM để giải thích vì sao mùa trung thu năm nay họ lại treo biển cấm chụp hình ở Phố lồng đèn.
Cứ thành thông lệ, hàng năm mỗi dịp Trung thu là Phố lồng đèn ở đường Lương Nhữ Học và Phú Định lại rực rỡ sắc màu, nhộn nhịp người mua kẻ bán. Các nghệ nhân làm lồng đèn cũng tập trung làm sản phẩm tại đây. Nơi đây không chỉ cung cấp lồng đèn cho TP HCM mà còn là đầu mối lồng đèn và các phụ kiện, đồ chơi trung thu cho các tỉnh thành lân cận TP HCM, khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Trung. Cũng vì sự đặc biệt này mà rất nhiều khách du lịch tìm đến Phố lồng đèn tham quan, chụp hình.
Tối 28/09, nhằm 13 tháng 8 âm lịch, sau cơn mưa dầm kéo dài từ sáng đến chiều tối, các gian hàng lồng đèn bắt đầu bày bán trở lại, lượng khách cũng tăng dần từ chiều tối đến khuya.
Cả khu phố rực rỡ với hàng ngàn chiếc lồng đèn đủ màu sắc, kiểu dáng
Lồng đèn và đồ chơi trung thu được bày bán từ trên lề đường xuống dưới lòng đường.
Nhưng năm nay, tại hầu hết các cửa hàng, bênh cạnh những chiếc lồng đèn rực rõ còn có thêm một tấm biển ghi dòng chữ “Xin vui lòng không chụp hình tại đây”. Người bán hàng cho biết những tấm biển này là do chính họ dựng lên để thông báo cho khách tham quan không được chụp hình tại khu vực gian hàng của họ và việc này lần đầu tiên diễn ra sau hàng chục năm Phố lồng đèn tồn tại, bởi năm nay lượng khách tham quan Phố lồng đèn tăng đột biến.
Mỗi cửa hàng trưng từ 1-2 tấm biển cấm chụp hình.
…xen lẫn cùng với sự rực rỡ của lồng đèn.
Video đang HOT
Người bán hàng phải trưng biển cấm chụp hình vì khách tham quan cứ vào tận khu vực bày bán lồng đèn để tạo dáng chụp hình mà không mua hàng
Dạo quanh Phố lồng đèn, thỉnh thoảng chúng tôi lại chứng kiến cảnh người bán hàng quát tháo, chửi bới khách chụp hình gần các gian hàng, có người cả gậy để xua khách. Thấy chúng tôi giơ máy ảnh lên, một người bán hàng tỏ vẻ ngao ngán và lắc đầu. Sau khi biết chúng tôi là phóng viên, anh Đức, tiểu thương tại đây phân bua: “Không phải chúng tôi làm khó gì khách tham quan. Nhưng vì chúng tôi mở ra các sạp hàng, bày hàng để bán chứ không phải là mở hội chợ triển lãm. Hàng ngày có vô số người từ người mẫu, ca sỹ, các cô chân dài cho đến sinh viên, người dân kéo đến đây chỉ để chụp hình chứ không mua gì cả. Và chỉ vì phục vụ khách chụp hình mà hàng hóa đình trệ, không bán được, bởi khách đến mua hàng cũng chỉ mê mẩn… nhìn người mẫu chụp hình! Chính vì thế mà chúng tôi bức xúc, nên phải dùng giải pháp cấm chụp hình tại khu vực bán hàng của mình”.
Đôi tân lang – tân nương này cuối cùng cũng chọn được một góc lý tưởng để chụp hình sau khi mua ủng hộ tiệm “vài chiếc lồng đèn”.
Có mặt trong nhóm khách tham quan, bạn Thu Thủy, sinh viên Trường Đại học kinh tế Tp.HCM, vừa bị một chủ cửa hàng đuổi vì chụp hình tỏ ra bức xúc: Tụi em chỉ muốn đến xem và muốn chụp một vài tấm hình làm kỷ niệm và để khoe cùng bạn bè về sự độc đáo của Phố lồng đèn. Nhưng vừa rút máy ảnh ra thì bị người bán hàng xua đuổi thậm tệ khiến bọn em rất bức xúc, vì nơi này là ngoài đường, nơi công cộng mà tại sau lại cấm khách như thế ?…”.
Còn Nhật Vân, một nhân viên văn phòng cho biết, cô dạo phố lồng đèn cùng bạn bè để chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm, nhưng đi hết cả khu phố rồi đành ra về tay không vì mỗi lần tạo dáng định chụp thì nhìn ánh mắt không mấy thân thiện của người bán hàng, cô lại không có hứng thú chụp nữa.
Nhiều người dân đến tham quan để ghi nhận lại những khoản khắc đáng nhớ của gia đình mình.
Đáp lại lời Nhật Vân, một tiểu thương bán lồng đèn ở đây bực dọc: “ Năm nay chúng tôi chẳng bán được bao nhiêu hết, phần lớn bọn họ (khách tham quan) chỉ đến chụp hình và lấy đủ các món hàng có trong sạp để tạo kiểu rồi sau đó bỏ đi, họ kéo từng tốp 6 -7 người xúm lại gian hàng nhưng chẳng mua món nào hết, còn làm rách cả lồng đèn, phải cãi vã mướt mồ hôi họ mới chịu đền tiền. Nếu khách đến tham quan đàng hoàng, mua vài món ủng hộ thì muốn chụp bao nhiêu mà chả được”.
Bất chấp bị cấm, nhiều teen vẫn “liều lĩnh” tạo dáng.
Còn phó nháy quyết định dạt người mẫu ra giữa đường để chụp.
Đoàn khách du lịch này thì sau khi chứng kiến cảnh tượng khiếm nhã của người bán dành cho các phó nháy chỉ biết đứng một góc xa để ghi lại hình ảnh Phố lồng đèn.
Việc treo biển cấm và xua đuổi khách chụp hình là những hành động tự phát, xuất phát từ sự bức xúc của các tiểu thương đang buôn bán tại Phố lồng đèn, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch của TP HCM, khi nơi này đang thu hút sự quan tâm đông đảo của nhiều du khách trong nước và ngoài nước.
Theo 24h
Bất an "phố lồng đèn"
Đường Lương Nhữ Học (Q.5, TPHCM) những năm gần đây được biết đến như một "phố lồng đèn" trong lòng thành phố. Cứ mỗi mùa Trung thu, người đổ về đây như trẩy hội. Tuy vậy, cái thú "du Trung thu" ấy có thể sẽ biến thành nỗi ám ảnh...
Người xe = chật như nêm
Đây là khu tập trung buôn bán lồng đèn Trung thu và các đồ chơi truyền thống khác của người Hoa. Lồng đèn cứ về đêm lại lung linh tỏa sáng nên phố lồng đèn thu hút rất đông người đến mua, tham quan để được hòa vào không khí lễ hội náo nhiệt.
Việc mua bán lồng đèn ở nơi đây đã diễn ra từ mấy chục năm về trước nhưng khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, cái tên "phố lồng đèn" mới được biết đến rộng rãi và lượng khách đến với con đường đầy màu sắc này mỗi năm cũng ngày một đông.
Ô tô, xe máy và người đi bộ cùng chen nhau trên phố tạo nên một không khí vô cùng hỗn loạn, bát nháo và nguy hiểm
Ông Tài, một người bán cà phê bên lề đường Lương Nhữ Học cho biết, khách hàng bây giờ không chỉ có trẻ em mà ngày càng thêm nhiều người lớn, chủ yếu là giới trẻ tới vui chơi. Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều diễn viên, sinh viên trường điện ảnh còn đến để quay phim chụp ảnh. Nhiều cặp tình nhân đến dạo phố lồng đèn. Và báo chí cũng viết nhiều hơn về nơi này nên tối nào phố cũng đông.
Đường đông. Xe ô tô lấn xe máy. Xe máy và người đi bộ chen nhau. Lại thêm tình trạng nhiều người đi xe máy ngược chiều để tiện mua hoặc ngắm lồng đèn. Hậu quả là liên tục xảy ra những tai nạn bỏng pô xe gắn máy trên đường.
Cứ thi thoảng thấy một cô gái trẻ mặc váy ngắn kêu thất thanh là người dân trên phố lại bình thản giải thích: "Bỏng pô". Theo ông Tài, đêm nào cũng có người bị bỏng pô xe. "Đông quá mà! Người và xe chen lấn nhau như vậy làm sao mà không bỏng!".
Chính vì lý do này mà nhiều đứa trẻ không dám chen lấn chơi ở phố lồng đèn. Dù rất thích ánh sáng rực rỡ đầy màu sắc với những chiếc lồng đèn nhiều hình thù ngộ nghĩnh hai anh em bé Võ Lê Thanh Lâm (học sinh lớp 2 trường Bông Sao - Quận 8) và Võ Lê Chi Mai mới dạo được 3 cửa hàng đã đòi về. Không khí quá ngột ngạt khiến trẻ dễ mỏi mệt, chán nản.
Móc túi, cướp giật "như rươi"
Tình trạng người chen nhau đến không còn không khí để thở khiến phường trộm cắp dễ bề hoạt động
Anh Thu, một người giữ xe trên lề đường, cho biết ở đây liên tục xảy ra các vụ móc túi, giật dây chuyền, cướp điện thoại... Theo anh Thu, người đông, xe đông nên bọn tội phạm dễ bề hoạt động, chúng đi thành nhóm, một kẻ len lỏi hành động rồi chuyển tang vật ngay cho đồng bọn. Điện thoại đắt tiền cũng là đích để bọn đạo chính nhắm tới. Tình trạng các cô gái bị rạch túi lấy ví và điện thoại xảy ra thường xuyên.
Lực lượng dân phòng dù có nghe tiếng nạn nhân truy hô cũng không thể tiếp cận đối tượng nghi can ngay bởi khi len được đến nơi thì tang vật đã được chuyển đi... tận đâu rồi.
Trên một con đường chỉ rộng 6m, dài vỏn vẹn 100m, nhưng chính quyền dường như bất lực với phường tội phạm?
Nghĩ xa hơn về phố cổ Chợ Lớn
Bà Hía, một phụ nữ giữ xe trên lề đường cho biết, mỗi mùa Trung thu, phố lồng đèn hoạt động mạnh khoảng một tháng rưỡi. Lượng người bắt đầu tập trung đông từ mùng 1/7 âm lịch. Từ đó cho đến Rằm tháng 8, đêm nào cũng đông.
Theo ông Tài, mỗi mùa Trung thu, chính quyền có cấm xe trong 3 ngày, từ ngày 13 - 15/8 âm lịch. "Được mấy ngày đó là có trật tự thôi. Chứ còn những ngày khác thì rất bát nháo" - ông nói.
Phố lồng đèn Lương Nhữ Học thuộc phường 11, quận 5, là địa điểm nằm gọn trong khu quy hoạch bảo tồn phố cổ Chợ Lớn. Bên cạnh không gian cổ kính, những hoạt động thương mại mang tính chất văn hóa như "phố lồng đèn" là rất đáng quý. Bên cạnh biểu hiện bề nổi là hiện tượng tập trung vui chơi Trung thu qua việc ngắm sắc màu lồng đèn, nơi đây còn có cả một bề dày truyền thống văn hóa thể hiện trong việc sản xuất, kinh doanh... đồ chơi truyền thống của người Hoa.
Nói như vậy để thấy rằng việc bảo vệ một không gian văn hóa - thương mại như phố lồng đèn là hết sức cần thiết. Song để làm được việc đó, trước mắt chính quyền cần có hướng giải quyết những vấn nạn nói trên, trước khi nghĩ đến những đề án phát triển "to tát" khác.
Theo Dantri
Trung thu trẩy hội phố lồng đèn Những chiếc lồng đèn đủ loại, đủ chất liệu, màu sắc lung linh trong đêm tạo nên vẻ lộng lẫy của phố lồng đèn Chợ Lớn (Q.5). Đầu tháng 7 đến trung thu mỗi năm, con đường Lương Nhữ Học lại khoác lên mình chiếc áo mới của những ánh đèn lung linh nhiều màu sắc toả ra từ các loại lồng đèn....