TPHCM: Phát hiện kho hóa chất “khủng” hơn 365 tấn có nguy cơ cháy, nổ
Trong 365 tấn hóa chất bị phát hiện có hàng chục tấn hóa chất tiền thuốc nổ, dễ cháy, hóa chất gây đột biến di truyền.
Kho hàng chứa hơn 365 tấn hóa chất có nguy cơ cháy, nổ vừa bị phát hiện. Ảnh: Hoàng Thuận
Sở Công Thương TPHCM đã có báo với UBND TPHCM về việc kiểm tra kho hóa chất nguy hiểm, độc hại nằm tại địa chỉ Lô 30, đường số 2, KCN Tân Tạo ( phường Tân Tạo A, quận Bình Tân).
Theo Sở Công Thương, đơn vị này đã phối hợp cùng Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Phòng An ninh kinh tế Công an thành phố và Công an quận Bình Tân tiến hành kiểm tra đối với Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hóa chất Thiết bị Đại Việt (Công ty Đại Việt, TP Hà Nội) tại kho hóa chất nói trên.
Qua kiểm tra, đoàn liên ngành đã phát hiện Công ty Đại Việt lập kho chứa hóa chất nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ. Kho hàng có diện tích hơn 2.200m2. Tổng khối lượng hóa chất nguy hiểm đang tồn chứa là hơn 365,2 tấn. Trong đó, Công ty Đại Việt chứa 245,8 tấn và Công ty TNHH Thương mại Hóa chất Tân Việt Trung (Công ty Tân Việt Trung) chứa 119,4 tấn.
Cụ thể, lực lượng chức năng phát hiện hơn 35,5 tấn hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp. Trong đó có hơn 15,6 tấn hóa chất là tiền chất công nghiệp như: Toluene, Acetone, Acid Sulfuric. Các hóa chất là dung môi dễ cháy, hóa chất dễ cháy hoặc tự cháy như: bột kim loại nhôm, Magie… Các hóa chất ăn mòn mạnh như Acid Nitric, Ethanolamine..
Ngoài ra, trong kho cũng có hơn 41,3 tấn hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp. Trong đó có các hóa chất gây đột biến di truyền cấp 1B, độc tính sinh sản cấp 1B, tác nhân gây ung thư cấp 1B, độc tính sinh sản cấp 1B như Sodium Dichromate, Potasium Dichromate. Hóa chất độc cấp tính cấp 1 (tiếp xúc qua da) đồng Xyanua.
Đoàn liên ngành cũng phát hiện hơn 61,5 tấn hóa chất là tiền thuốc nổ dùng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp như Natri Nitrat, Kali Clorat và hàng loạt loại hóa chất khác.
Video đang HOT
Kho hàng đã đóng cổng và không có dấu hiệu hoạt động. Ảnh: Hoàng Thuận
Công ty Đại Việt có trụ sở tại tầng ba số 43 Giảng Võ (phường Cát Linh, quận Đống Đa, TP Hà Nội). Công ty có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp do Sở Công Thương TP Hà Nội cấp tháng 10/2018.
Công ty Tân Việt Trung có trụ sở tại số 87 Giang Văn Minh (phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội) có giấy phép kinh doanh tiền chất nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp do Cục Hóa chất cấp ngày 22/5/2020.
Địa điểm kiểm tra cũng được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho Chi nhánh Công ty Đại Việt vào tháng 7/2008, cấp thay đổi lần 4 vào tháng 9/2017. Đây cũng là địa điểm được Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu vào tháng 1/2019, mục đích là làm kho chứa hạt nhựa. Tuy nhiên, Công ty Đại Việt lại chứa hóa chất nguy hiểm thuộc danh mục hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện ngành công nghiệp, hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh và tiền chất thuốc nổ.
Kho chứa hàng đã được Phòng Cảnh sát PCCC Công an TPHCM phê duyệt phương án PCCC tháng 6/2019. Tuy nhiên, kho này vẫn chưa thực hiện thủ tục thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC theo quy định.
Kho hóa chất cũng không có thông tin thể hiện các đặc tính nguy hiểm của hóa chất theo quy định trên các biển báo nguy hiểm treo tại nhà xưởng, không có rãnh thu gom và thoát nước cho sàn nhà xưởng, kho chứa hóa chất. Không treo, đặt bảng hướng dẫn cụ thể về quy trình, thao tác an toàn ở vị trí dễ thấy, dễ đọc tại khu vực sản xuất có hóa chất nguy hiểm. Không thực hiện phân khu, sắp xếp theo tính chất của từng loại hóa chất nguy hiểm…
Đoàn liên ngành đã lập biên bản làm việc và bàn giao cho Công an quận Bình Tân xử lý.
Ngoài ra, Sở Công Thương TPHCM đã có văn bản kiến nghị Cục Hóa chất, Sở Công Thương TP Hà Nội xem xét xử lý theo thẩm quyền đối với hai doanh nghiệp kinh doanh không đúng nội dung quy định của giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Sở Công Thương TPHCM sẽ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn hóa chất đối với Công ty Đại Việt và Công ty Tân Việt Trung. Đồng thời yêu cầu hai công ty có phương án di dời các hóa chất nguy hiểm, độc hại ra khỏi kho hàng nhằm đảm bảo an toàn theo quy định.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, kho hóa chất đã được đóng cửa cổng và không có dấu hiệu hoạt động. Bên trong có một bảo vệ canh giữ kho hàng. Các doanh nghiệp xung quanh vẫn hoạt động bình thường. Kho hóa chất nằm cách khu dân cư một con kênh.
Suối Rạch Mọi ngày càng ô nhiễm
Nhiều người dân ở ấp Bình Thạch (xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu) cho biết, trước đây, suối Rạch Mọi có nguồn nước dồi dào, trong vắt, nhiều loại cá, tôm tự nhiên sinh sống, là nguồn cung cấp nước thủy lợi và là nơi đánh bắt thủy sản để mưu sinh của người dân trong vùng.
Thế nhưng hơn 15 năm qua, khi một số công ty đến hoạt động và sản xuất trên địa bàn, dòng suối ngày càng ô nhiễm.
Nước suối Rạch Mọi chảy qua ấp Bình Thạch, xã Bình Hòa (H.Vĩnh Cửu) vàng sậm và có mùi tanh hôi. Ảnh: Phương Liễu
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai tại hiện trường, nước suối Rạch Mọi có màu vàng sậm, bốc mùi tanh hôi (theo người dân nơi đây là mùi tanh của gỉ sắt và mùi hôi của hóa chất mạ đinh ốc). Trên mặt nước còn có nhiều váng dầu. Một số mương dẫn nước vào khu vườn của nhà những hộ dân gần đó bùn đọng lại có màu đen đặc.
* Khổ vì nước thải ô nhiễm
Chỉ về những dòng kênh dẫn nước từ suối Rạch Mọi vào vườn bưởi đặc đen như nước cống, ông Phạm Văn Sự (ngụ ấp Bình Thạch, xã Bình Hòa) bức xúc: "Nhà tôi mấy đời trồng bưởi từ nguồn nước này, cây cối luôn tốt tươi. Từ khi một số công ty chuyên sản xuất đinh, ốc vít đi vào hoạt động trên địa bàn đã thường xuyên xả nước có màu vàng đục, mùi hôi axit và váng dầu nhớt ra môi trường thì vườn cây nhà tôi cứ èo uột dần, hoa rụng, quả non cũng rụng".
Một số người dân ở đây cho biết, để "qua mặt" cơ quan chức năng, một số công ty thường lén xả nước thải vào ban đêm hoặc mỗi khi trời mưa to. Điều đáng lo ngại, suối Rạch Mọi là nguồn cung cấp nước chính cho cánh đồng lúa hơn 200ha của xã Bình Hòa và nguồn nước này còn chảy thẳng ra sông Đồng Nai, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước chung rất cao.
Theo UBND xã Bình Hòa, Công ty TNHH Header Plan nhiều lần bị xử phạt hành chính về hành vi xả nước thải chưa qua xử lý, vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra môi trường. Cụ thể, vào năm 2019, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt công ty này 573 triệu đồng về hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Trước đó, vào năm 2016, công ty này cũng bị xử phạt 205 triệu đồng về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra môi trường.
Phải mang nợ tiền triệu vì cứ thả cá xuống ao nuôi là chết hàng loạt, ông Lê Văn Bảnh ở khu 2, ấp Bình Thạch cho biết, gần nhất là vào cuối năm 2019, ông nuôi vụ cá Tết, nhưng chỉ một ngày sau khi thả, hàng ngàn con cá giống của ông chết hàng loạt. Ngoài ra, những cây dừa ông trồng dọc theo bờ suối cũng thối gốc mà chết dần.
Ông Bảnh kể lại, trước kia nước suối Rạch Mọi rất trong và nhiều cá tôm sinh sống nhưng vài năm gần đây nước suối Rạch Mọi đã bị ô nhiễm và làm nông dân ở khu vực này lao đao, có cả những người phải mang bệnh tật bởi tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm này.
Ông Nguyễn Văn Quan, một người dân sống ở khu 2, ấp Bình Thạch, từng làm nghề lưới cá ở suối Rạch Mọi cho biết, tháng 7-2020, ông thấy chân mình bị lở loét và nhiễm trùng nên đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Sau đó, ông được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Sau nhiều ngày theo dõi và làm các xét nghiệm, bệnh viện kết luận ông bị nhiễm một loại virus sống tại nguồn nước có lượng chì rất cao. Ông Quan đã phải điều trị rất tốn kém để ngăn tình trạng nhiễm độc toàn thân, hạn chế tổn thương gan và thận.
Không chỉ gây ảnh hưởng đến nguồn nước mà hoạt động của các công ty này còn gây tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều hộ dân. Bà Phạm Thị Mỹ Lệ có nhà sau lưng Công ty TNHH Header Plan kiến nghị: "Cần di dời các nhà máy này vào khu công nghiệp tập trung, nhằm trả lại nguồn nước, môi trường trong lành, không gian yên tĩnh cho người dân ấp Bình Thạch".
* Đang xác định nguyên nhân
Theo UBND xã Bình Hòa, hiện suối Rạch Mọi là nơi tiếp nhận nguồn nước xả thải bao gồm: nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất của 3 công ty chuyên sản xuất đinh, ốc vít các loại là: Công ty TNHH Header Plan, Công ty CP Hiệp Đạt Đồng Nai, Công ty TNHH A-Plus và khoảng 100 hộ dân sinh sống dọc theo hai bên bờ suối. Ngoài ra, còn có nguồn xả thải sinh hoạt của các hộ phía thượng nguồn Rạch Mọi (thuộc địa bàn xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) chảy vào. Trong đó, riêng tổng lượng nước thải sinh hoạt là 480m 3 /ngày đêm; nước sản xuất của Công ty TNHH Header Plan là 480m 3 /ngày đêm và xả thải vào suối Rạch Mọi với lưu lượng 40m 3 /ngày đêm.
Kênh dẫn nước từ suối Rạch Mọi vào vườn một hộ dân ở ấp Bình Thạch có bùn lắng đọng đen đặc
Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Nguyễn Thanh Bình cho biết, nhiều năm qua, UBND xã đã nhận được ý kiến phản ảnh của người dân ấp Bình Thạch về việc Công ty TNHH Header Plan gây ô nhiễm nguồn nước suối Rạch Mọi, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tuy nhiên, trong khu vực này hiện có 2 công ty khác cũng sản xuất đinh ốc vít là Công ty CP Hiệp Đạt Đồng Nai và Công ty TNHH A-Plus, do đó UBND xã đã đề nghị Phòng TN-MT huyện cho kiểm tra luôn nhằm xác định nguồn phát tán ô nhiễm để có cơ sở xử lý.
Nước giếng của một hộ dân ấp Bình Thạch đóng cặn vàng, có váng dầu không sử dụng được. Ảnh: P.Liễu
Ngày 9-10, Phòng TN-MT huyện đã phối hợp với đại diện Công an H.Vĩnh Cửu và UBND xã Bình Hòa tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Header Plan theo đơn phản ảnh của người dân. Tiếp đó, ngày 14-10, Sở TN-MT và các đơn vị liên quan cũng kiểm tra việc xử lý nước thải sản xuất của công ty này. Qua 2 lần làm việc, Phòng TN-MT yêu cầu Công ty TNHH Header Plan lắp 1 camera giám sát vị trí ngã ba điểm giao nhau của suối Rạch Mọi chảy qua công ty và nguồn nước từ 2 Công ty CP Hiệp Đạt Đồng Nai, Công ty TNHH A-Plus chảy ra và cử cán bộ giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm về xả thải. Đồng thời, yêu cầu người dân khi phát hiện dấu hiệu bất thường báo cho UBND xã để kiểm tra, xử lý. Để xác định nguồn xả thải gây ô nhiễm, Phòng TN-MT huyện đang đề nghị UBND huyện cho tiến hành kiểm tra hoạt động xả thải của các công ty trên để có cơ sở xử lý.
Mua máy lỗi thời để 'đắp chiếu': Lãnh đạo Sở Y tế phải chịu trách nhiệm Thanh tra tỉnh Đắk Nông chỉ rõ nhiều sai phạm liên quan đến đấu thầu, mua sắm vật tư y tế (VTYT), hóa chất và công tác quản lý, sử dụng các trang thiết bị y tế (TBYT) xảy ra tại địa phương. Thanh tra xác định trách nhiệm thuộc lãnh đạo Sở Y tế các thời kỳ, cùng nhiều đơn vị liên...