TP.HCM phát hiện 2 trẻ mắc bệnh sởi, đều chưa tiêm vaccine
Sở Y tế TP.HCM vừa phát hiện 2 trẻ mắc bệnh sởi vì chưa được tiêm vaccine phòng sởi. Hiện chưa phát hiện mối liên hệ dịch tễ giữa hai trẻ này.
Cụ thể, hệ thống giám sát sốt phát ban nghi sởi của TP.HCM ghi nhận 2 trẻ mắc bệnh sởi cư trú tại 2 phường thuộc quận Bình Tân.
Đáng lưu ý, cả 2 trẻ đều ở lứa tuổi 13 – 15 tháng tuổi và chưa được tiêm phòng vaccine phòng bệnh sởi. Cả 2 trẻ đều sốt trước khi phát ban vài ngày kèm theo các triệu chứng viêm hô hấp.
Trường hợp thứ nhất là bé gái 13 tháng tuổi, nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ngày 20/5 với triệu chứng sốt ngày thứ 6, sổ mũi, nổi ban rải rác toàn thân, kết mạc mắt đỏ, mi mắt sưng, đau họng. Sau khi khám và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi.
Trường hợp thứ 2 là bé trai 15 tháng tuổi, nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ngày 24/5 với triệu chứng sốt ngày thứ 4, sổ mũi, ho đàm, tiêu lỏng, xuất hiện hồng ban rải rác ở vùng tai, mắt, thân. Bé được chẩn đoán là bệnh sởi, viêm phổi bội nhiễm và hiện vẫn sốt cao.
Hãy đưa trẻ 9 tháng và 18 tháng tiêm vaccine sởi (Ảnh minh họa Kim Dung)
Ngay sau khi ghi nhận thông tin về hai ca bệnh này, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) phối hợp Trung tâm Y tế quận Bình Tân điều tra dịch tễ và triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng.
Video đang HOT
Kết quả điều tra dịch tễ ban đầu chưa phát hiện mối liên quan giữa 2 trường hợp này, chưa phát hiện thêm ca bệnh mới tại nơi trẻ sinh sống và đi học.
Gia đình cho biết, trẻ thường bị bệnh và do cha mẹ đi làm xa nên không đưa trẻ đi tiêm vaccine ngừa bệnh sởi.
Trong ngày 26/5, Trung tâm Y tế quận Bình Tân đã tổ chức tiêm bù vaccine sởi tại phường Tân Tạo. Hoạt động tiêm bù này sẽ tiếp tục triển khai ở các phường khác trong quận.
Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến hết tháng 4/2024, tỷ lệ trẻ đủ 18 tháng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi đối với lứa trẻ sinh năm 2018, 2019, 2020, 2021 lần lượt là 93,2%; 90,1%; 91,7% và 93,6%. Mức bao phủ này đạt chỉ tiêu tối thiểu theo yêu cầu của Bộ Y tế, nhưng chưa đạt chỉ tiêu của TP.HCM đề ra (trên 95%).
Sở Y tế TP.HCM tiếp tục kêu gọi phụ huynh đưa con đến các trạm y tế để tiêm vaccine để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh sởi. Hai liều vaccine phòng sởi mang lại hiệu quả ngăn ngừa bệnh sởi đến 97%.
Trẻ em sẽ được tiêm chủng miễn phí 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế.
Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân cần lưu ý thực hiện các biện pháp khác để phòng bệnh sởi, như vệ sinh cá nhân, nhà cửa, đảm bảo dinh dưỡng tăng sức đề kháng. Khi có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Vào 'mùa' bệnh sốt xuất huyết
Mùa mưa năm nay đã bắt đầu bằng những cơn mưa lớn với tần suất khá dày. Mưa xuống giúp thời tiết mát mẻ hơn nhưng là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển, bệnh sốt xuất huyết (SXH) gia tăng.
Bác sĩ Nguyễn Khổng Tường Minh, Phó trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - 2, khám sức khỏe cho một bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - 2. Ảnh: Hạnh Dung
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa muỗi đốt để tránh mắc bệnh SXH. Bệnh SXH đến nay vẫn chưa có thuốc chữa đặc hiệu và mỗi người có thể mắc 4 lần trong đời, lần sau thường nặng hơn lần trước.
Đã có một ca tử vong
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 850 ca bệnh SXH, trong đó có một trường hợp tử vong là bệnh nhi N.N.H. (15 tuổi, ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu).
Điều tra dịch tễ cho thấy, em H. bị sốt cao, được người nhà cho uống thuốc, điều trị tại nhà. 3 ngày sau đó, em được người nhà đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ chẩn đoán H. bị SXH, yêu cầu nhập viện. 2 ngày sau đó, bệnh nhi bất tỉnh, được lọc máu và chăm sóc đặc biệt nhưng không qua khỏi với chẩn đoán sốc SXH dengue nặng, tổn thương đa cơ quan, tổn thương gan nặng, xuất huyết tiêu hóa.
Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Văn Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu, cho hay trong phạm vi 200m từ nhà em H. có nhiều vật dụng chứa nước có lăng quăng như: bình bông, quạt hơi nước, nước đọng trong các khe cửa sắt. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý ổ dịch, tuyên truyền để người dân lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, diệt lăng quăng, ngủ mùng, diệt muỗi... để phòng bệnh SXH.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - 2, theo ThS-BS chuyên khoa I Nguyễn Khổng Tường Minh, Phó trưởng khoa Nhiễm, từ đầu năm đến nay, khoa ghi nhận rải rác số ca bệnh SXH, trong đó có những ca bệnh nặng.
Cụ thể như bệnh nhân N.H.V. (46 tuổi, ngụ phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa) nhập viện trong tình trạng sốt cao ngày thứ 3, huyết áp thấp. Qua xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị SXH nặng, suy thận cấp, thiếu nước, tiểu đường tuýp 2, tăng men gan. Các bác sĩ đã tiến hành bồi hoàn nước, cân bằng nước, điện giải, điều trị kháng sinh, nhiễm trùng, dự phòng. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhân ổn định nên đã được xuất viện.
Theo bác sĩ Minh, trường hợp bệnh nhân V. may mắn vào viện kịp thời, được chẩn đoán và điều trị đúng cách nên qua cơn nguy hiểm. Ngược lại, nếu bệnh nhân rơi vào sốc SXH, tình trạng suy thận diễn tiến nặng sẽ phải lọc máu, điều trị rất khó khăn, dài ngày, nguy cơ tử vong 50%.
Nên tiêm vaccine ngay khi có vaccine
Mới đây, vaccine phòng bệnh SXH Qdenga do Hãng Dược phẩm Takeda sản xuất đã được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành. Đây là vaccine phòng SXH đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam. Trước đó, vaccine này đã được phê duyệt ở 30 quốc gia trên thế giới.
Vaccine dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên, bất kể đã mắc bệnh hay chưa, lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng. Dự kiến vaccine Qdenga sẽ có mặt tại Việt Nam từ tháng 9-2024.
Bác sĩ Nguyễn Khổng Tường Minh khuyến khích người dân nên đi tiêm vaccine phòng bệnh SXH khi có vaccine, bởi đây là loại bệnh truyền nhiễm với số ca mắc nhiều nhất trong số các bệnh truyền nhiễm. Trường hợp bệnh nặng có thể tử vong. Phụ nữ mang thai cần chủ động phòng bệnh vì "bà bầu" nhiễm SXH sẽ có nguy cơ sảy thai cao hơn những "bà bầu" không nhiễm SXH. Nếu sản phụ nhiễm SXH vào thời điểm sinh đẻ sẽ gây khó khăn cho vấn đề cầm máu, dù sinh thường hay sinh mổ. Ngoài ra, cả mẹ và con đều có thể gặp một số biến chứng khác về tim, phổi; quá trình điều trị khó khăn, phức tạp hơn nhiều.
Bác sĩ Minh cũng đặc biệt lưu ý, người dân khi có dấu hiệu sốt cao liên tục và khó hạ sốt cần đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời, không nên đến các phòng khám tư nhân để truyền nước bừa bãi. Bởi lẽ, việc truyền nước trong điều trị SXH phải rất thận trọng, bác sĩ phải tính toán rất chi li, nếu không sẽ khiến cho bệnh tình của bệnh nhân ngày càng nặng hơn, có thể vào sốc SXH, tụt huyết áp, khó thở...
Những người có yếu tố nguy cơ cao cần lưu ý khi bị SXH gồm: trẻ em dưới 6 tuổi, người béo phì, thai phụ, người từ 60 tuổi trở lên, người có bệnh nền như: tiểu đường, tăng huyết áp... Những người ở xa cơ sở y tế, sống một mình nếu có các biểu hiện của bệnh SXH cần sớm đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc.
Ghi nhận 2 ca bệnh ho gà, 12 ổ dịch bệnh dại Bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết trong 2 tuần đầu tháng 5-2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 ca bệnh ho gà tại huyện Định Quán và thành phố Biên Hòa. Đây là những ca bệnh đầu tiên sau 4 năm không ghi nhận...