TPHCM: Ngày đầu tiên cách ly xã hội có sự chệch choạc
Một số địa phương lúng túng, chệch choạc về cung ứng hàng hóa, giao thông, an ninh trật tự trong ngày đầu tiên thực hiện cách ly xã hội. Lãnh đạo TPHCM yêu cầu chấn chỉnh, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.
Những tồn tại cần tháo gỡ
Báo cáo nhanh của các quận huyện cho thấy, công tác phòng chống dịch Covid-19 đang được triển khai triệt để theo chỉ đạo của thành phố và Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế một số vấn đề đã phát sinh trong đợt cao điểm cách ly xã hội chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn TPHCM.
Thành phố đang nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện cách ly xã hội (Ảnh: Nguyễn Quang).
Tại buổi giao ban trực tuyến giữa lãnh đạo thành phố cùng các quận huyện và thành phố Thủ Đức, đại diện Quận 7 cho biết, địa bàn có đặc thù là Khu chế xuất Tân Thuận, số lượng công nhân rất lớn, việc lập danh sách, truy vết có khó khăn. Quận kiến nghị tăng cường lực lượng để phục vụ công tác truy vết của các công ty trong khu chế xuất đồng thời có phương án cách ly, điều trị đối với những trường hợp dương tính.
Liên tiếp những chuyến xe cấp cứu hướng đến những “điểm nóng Covid-19″ trên địa bàn TPHCM (Ảnh: Nguyễn Quang).
Tại huyện Bình Chánh, lãnh đạo huyện cho biết, trên địa bàn đã phát hiện khoảng 300 ca dương tính với SARS-CoV-2 qua test nhanh nhưng mới có 100 ca được chuyển đến bệnh viện điều trị, 200 ca còn lại chưa có đơn vị tiếp nhận.
Ngoài ra, bệnh viện huyện đã chuyển công năng sang điều trị Covid-19 nên hoạt động chăm sóc, điều trị các bệnh lý thông thường cho người dân đang gặp khó khăn.
Video đang HOT
Nguồn thực phẩm trước thời điểm cách ly xã hội rất căng thẳng nhưng đến nay đã được cung ứng ổn định (Ảnh: Nguyễn Quang).
Quận 12, địa bàn giáp ranh với tỉnh Bình Dương hiện còn nhiều vướng mắc liên quan đến việc kiểm tra kết quả xét nghiệm đối với những người ra vào thành phố. Cụ thể, Quận đã lập chốt kiểm soát các phương tiện từ các tỉnh đi về TPHCM nhưng quá trình thực hiện còn thiếu thống nhất về giá trị hiệu lực của giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính, đang chờ ý kiến thống nhất của thành phố.
Phải tập trung cao độ để kiểm soát dịch
Trước tình hình trên, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM cho biết: “Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc chống dịch, mỗi địa phương cần thực hiện đúng nhiệm vụ phân công, tránh chống chéo, sao để các hoạt động đạt kết quả cao. Cán bộ cơ sở phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền cho người dân hiểu đúng để thực hiện tốt nhất các quy định trong thời gian cách ly”.
Thành phố đã chính thức bước vào 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (Ảnh: Nguyễn Quang).
Ông Mãi nhấn mạnh: “Hiện còn có những chệch choạc trong tổ chức giao thông, cung ứng hàng hóa, an ninh trật tự… ở các địa phương. Những ngày tới, chúng ta phải sắp xếp, đảm bảo từng người từng gia đình thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Thành phố chỉ còn gần 15 ngày để dập dịch và quyết tâm chỉ mất một lần cách ly như này nên phải tập trung cao độ để cố gắng kiểm soát được tình hình, tránh tính trạng như những lần giãn cách chưa chặt chẽ theo đúng quy định”.
Ông Mãi lưu ý vấn đề xét nghiệm, yêu cầu các địa phương nghiên cứu kỹ hơn kế hoạch của Ban chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Y tế. Đợt cách ly xã hội này, phương án xét nghiệm có sự thay đổi rất căn bản với mục tiêu phải tầm soát, tách được các F0 ra khỏi cộng đồng, xây dựng vùng an toàn, xóa vùng nguy cơ cao”.
Tình trạng hỗn loạn giao thông đã xảy ra trong ngày đầu thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố (Ảnh: Nguyễn Quang).
Để đạt được mục tiêu trên, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các vùng nguy cơ và xét nghiệm ngẫu nhiên cho vùng bình thường mới. Mặt khác, theo lãnh đạo Thành ủy TPHCM, việc lấy mẫu phải gắn liền với năng lực xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, tổ chức lực lượng không vượt quá năng lực xét nghiệm của cơ sở. Ông Mãi quán triệt, phải nhanh chóng trả kết quả để kiểm soát F0 truy vết tiếp xúc để thu hẹp vùng nguy cơ và nguy cơ cao.
Ông Mãi cũng kêu gọi người dân trong thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, người dân cần thực hiện nghiêm các quy định, mọi người cần ở nhà, không ra ngoài khi không có việc thực sự cần thiết. Việc xét nghiệm, ngành y tế sẽ tổ chức các đội đến từng nhà để lấy mẫu.
Thành công của cuộc chiến chống dịch Covid-19 cần sự đồng thuận và ủng hộ của người dân (Ảnh: Nguyễn Quang).
Phó Bí thư Phan Văn Mãi nhắc nhở, ở những địa bàn chưa tổ chức xét nghiệm phải thông báo cho người dân trước. Người dân nếu không có vấn đề sức khỏe cần cấp cứu thì không đi tới bệnh viện. Những người có biểu hiện ho, sốt cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất. Ông Mãi yêu cầu, trong vòng 30 phút đến một giờ, đội lấy mẫu lưu động phải ngay lập tức đến lấy mẫu để thực hiện tốt việc xét nghiệm và giúp người dân an tâm trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe.
Riêng với những khó khăn về y tế tại huyện Bình Chánh, ông Mãi cho rằng, cần thiết phải có bệnh viện tạm để đáp ứng điều trị bệnh lý thông thường cho người dân. Huyện Bình Chánh cần có đề xuất lên Sở Y tế, tham mưu Bộ Y tế để có phương án. Trung ương luôn sẵn sàng chi viện lực lượng và trang thiết bị hỗ trợ TPHCM chống dịch.
Công tác xét nghiệm trong thời gian TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16
Từ 0 giờ ngày 9/7 TP.Hồ Chí Minh đã tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, những biện pháp phòng, chống dịch đang được triển khai quyết liệt hơn để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.
Theo nhận định từ các chuyên gia, do tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh nên đợt dịch này đã bùng phát và lây lan trong gia đình, khu nhà trọ, nơi làm việc, tòa nhà văn phòng, cơ sở sản xuất môi trường thông khí kém, máy lạnh trung tâm. Biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha khoảng 60%. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các ca nhiễm biến thể Delta cũng cao hơn so với người nhiễm biến thể Alpha. Nghiên cứu cũng cho thấy ca mắc biến thể Delta có thể lây nhiễm mạnh hơn và lâu hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trong buổi làm việc sáng ngày 9/7
Trong thời gian TP.Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các công tác điều tra truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch sẽ được triển khai triệt để theo hướng đúng trọng tâm, trọng điểm để ngăn chặn sự phát tán của dịch bệnh.
Theo đó, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lại công tác xét nghiệm trên địa bàn theo đó việc điều phối xét nghiệm sẽ được giao cho các đơn vị quận, huyện phụ trách từ công tác tổ chức lấy mẫu, điều phối xe vận chuyển mẫu đến các phòng thí nghiệm được phân công thực hiện nhằm đảm bảo nhanh chóng, thông suốt trong công tác xét nghiệm; Các đơn vị từ thành phố sẽ tham gia điều phối tổng thể cũng tham gia điều phối khi các đơn vị quận, huyện gặp tình trạng quá tải.
Bên cạnh đó, các đơn vị được phân công cũng liên tục rà soát, kiểm tra, đánh giá các đơn vị thực hiện xét nghiệm để tiến hành điều chỉnh, điều phối nhằm đảm bảo đáp ứng tiến độ, kết quả xét nghiệm theo quy định.
Song song việc điều phối xét nghiệm, công tác tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian tới cũng có sự thay đổi phù hợp tùy theo mức độ nguy cơ của từng địa bàn.
Đối với hình thức xét nghiệm, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương cho biết hiện đang phối hợp cùng các đơn vị để tiến hành triển khai tập huấn thực hiện xét nghiệm mẫu gộp bằng phương pháp test nhanh để đáp ứng nhanh chóng cho công tác phòng chống dịch của Thành phố.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống chống dịch COVID-19 tại TP.HCM cho biết, căn cứ tình hình giãn cách tại TP.HCM cùng kinh nghiệm chống dịch được tích lũy trong thời gian qua Bộ Y tế khuyến nghị đối với các khu vực nguy cơ cao và rất cao sẽ thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát theo hình thức mẫu gộp hộ gia đình (tất cả các thành viên trong một gia đình được thực hiện chung một mẫu) trong đó khu vực nguy cơ rất cao nên được tầm soát với tần suất 3 ngày/ lần, với các khu vực nguy cơ cao thực hiện 1 tuần/ lần nếu có điều kiện thực hiện tiến hành nâng cao tần suất; đối với các khu vực nguy cơ sẽ được tiến hành tầm soát theo hộ gia đình.
Về vấn đề hỗ trợ từ Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, các lực lượng luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM bao gồm công tác lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tế, hỗ trợ chuyên môn, công tác điều trị... Bộ Y tế sẽ dựa trên yêu cầu từ TP.HCM để tiến hành hỗ trợ, điều phối và phối hợp cho phù hợp với các lực lượng sẵn có.
Đối với vấn đề tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, trong thời gian tới Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục có sự ưu tiên phân bổ vắc xin cho thành phố, song song đó cũng sẽ phối hợp cùng thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phù hợp với tình hình thực tiễn giãn cách tại đây.
Quảng Ngãi hỏa tốc thêm 2 địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 Quảng Ngãi vừa bổ sung huyện Sơn Tịnh và Trà Bồng vào danh sách các huyện thị giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Chợ Trà Bồng đang được phong tỏa - Ảnh: T.N Chiều 9-7, UBND tỉnh Quảng Ngãi phát đi văn bản hỏa tốc về việc điều chỉnh, bổ sung áp dụng các biện pháp chống dịch đặt thù trong...