TPHCM: Năm 2018 phải xử lý dứt điểm các điểm lấn chiếm hệ thống thoát nước
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu trong năm 2018, các địa phương phải xử lý dứt điểm các điểm lấn chiếm hệ thống thoát nước. “Không được viện lý do. Không thể nói do mấy ông trước quản lý yếu kém, giờ tôi không làm được. Nếu nói như thế thì sau này mình cũng là nạn nhân khi không còn công tác ở địa phương”, ông Tuyến nói.
Chiều 28/5, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì cuộc họp về tình hình chống ngập của thành phố, với sự tham dự của Trung tâm chống ngập TP, một số sở/ngành liên quan và lãnh đạo 24 quận/huyện.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập TP – cho biết từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố xuất hiện 22 trận mưa, với trận mưa lớn nhất có vũ lượng gần 120mm (chiều 19/5).
Trận mưa khiến 10 tuyến đường bị ngập từ 0,1-0,25m và xuất hiện ngập nước trong mưa trên 22 tuyến đường, nước rút hết sau mưa từ 10-20 phút. Theo tiêu chí đánh giá, có 10 tuyến đường ngập và 22 tuyến đường không ngập.
Chiều 19/5, mưa ngập tới yên xe mà thống kê chỉ ngập từ 0,1-0,25m (ảnh: Trương Nhân)
Về nguyên nhân gây ngập, ông Dũng cho rằng do thành phố xuất hiện những trận mưa có vũ lượng lớn, gây quá tải cho hệ thống cống hiện hữu cũng như một số tuyến đường được đầu tư mới không đáp ứng được nhu cầu thoát nước.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, hạ tầng thoát nước theo không kịp; hệ thống kênh, rạch thoát nước chưa được nạo vét đạt yêu cầu; hệ thống cống hiện hữu đã cũ chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước.
Cũng theo ông Dũng, do công tác quản lý hạn chế nên tình trạng lấn chiếm, xâm hại hệ thống thoát nước còn phổ biến, tốc độ di dời các trường hợp lấn chiếm chưa đạt yêu cầu.
Theo quy hoạch, khu vực lõi thành phố (lưu vực 650km2) cần 6.000km cống thoát nước, tuy nhiên đến nay chỉ hoàn thành chưa tới 3.000km. Trong khi đó, hệ thống cống kiểm soát triều chỉ mới hoàn thành 1/10 cống (cống Nhiêu Lộc – Thị Nghè). Nguồn lực đầu tư hạn chế cũng ảnh hưởng đến khả năng chống ngập của thành phố.
Video đang HOT
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng ngập nước là bức xúc chung của thành phố, nguyên nhân thì có nhiều, từ lịch sử cho tới công tác quản lý hiện nay, quản lý quy hoạch yếu kém, nguyên nhân chủ quan, khách quan và cả ý thức người dân. Do đó, giải pháp chống ngập căn cơ là phải dựa vào trách nhiệm của cộng đồng mà trước hết là công tác quản lý Nhà nước.
Về nhiệm vụ của Trung tâm chống ngập, ông Tuyến cho biết hiện thành phố đang bàn phương án giao cho đơn vị này vận hành công trình đã nghiệm thu, chức năng quản lý Nhà nước sẽ giao về cho Sở Giao thông vận tải và các địa phương.
Tại cuộc họp, ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Trung tâm chống ngập phải cải tiến cách báo cáo, đánh giá khoa học hơn, đầy đủ hơn, đặc biệt là từ “tụ nước” – bị dư luận phản ứng, người dân bức xúc – sau cơn mưa lớn chiều 19/5.
“Nước ngập gây bức xúc, cản trở giao thông, nguy hiểm cho người đi đường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân là vấn đề bức xúc, chính quyền thành phố có trách nhiệm xông pha giải quyết. Trong lúc người dân bức xúc mà nói “tụ nước” nghe sao lạnh lùng quá. Đối với xã hội thì phải nói thực tế, còn ở mức độ nào thì phải phân tích”, ông Tuyến nói.
Mưa lớn khắp thành phố nhưng thống kê chỉ có 10 tuyến đường bị ngập, còn 22 tuyến đường bị “tụ nước” (ảnh: Trương Nhân)
Theo ông Tuyến, Trung tâm chống ngập phải thông tin đầy đủ, cụ thể về các điểm ngập thì mới xác định rõ nguyên nhân, đưa ra giải pháp phù hợp.
“Báo cáo phải thể hiện được bức tranh công tác chống ngập của thành phố, như vậy mới mời chuyên gia góp ý, mời gọi đầu tư cũng như tuyên truyền, nâng cao ý thức cùng chung tay chống ngập cho người dân. Nếu phân tích nguyên nhân không đúng thì đầu tư lãng phí, không hiệu quả”, ông Tuyến nói.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Trung tâm chống ngập phải cung cấp thông tin đầy đủ, nhanh chóng cho báo chí, người dân về tình hình ngập nước, nhất là mùa cao điểm ngập.
“Không thể lấy lý do gì để bao biện cho tình trạng ngập, phải báo cáo chính xác, minh bạch. Nếu không thông tin đầy đủ thì khó nhận được hiến kế chống ngập. Thành phố không có gì phải giấu giếm. Cái gì chưa tốt thì bị phê phán, góp ý thì tiếp thu để hoàn thiện”, ông Tuyến thẳng thắn.
Về tình trạng lấn chiếm hầm ga, cống, cửa xả, kênh rạch… ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, ông Tuyến yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát và xử lý triệt để trong năm 2018. “Không được viện lý do gì hết. Không thể nói do mấy người quản lý yếu kém. Nói như thế thì sau này mình cũng là nạn nhân khi không còn làm công tác ở địa phương”, ông Tuyến nói.
Quốc Anh
Theo Dantri
Trung tâm chống ngập TP.HCM bỏ từ "tụ nước" trong báo cáo ngập
Chiều 28.5, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp với Sở GTVT, Trung tâm chống ngập và 24 quận huyện để bàn giải pháp chống ngập do mưa. Cuộc họp đã đề cập đến báo cáo liên quan đến cụm từ "tụ nước" sau cơn mưa chiều 19.5.
Tại cuộc họp, báo cáo về tình hình ngập do cơn mưa ngày 19.5 gây nên, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập đã không dùng tự "tụ nước" trong báo cáo của mình.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, báo cáo ngập, giải pháp chống ngập dừng dùng từ chuyên môn quá, mà phải đi sâu vào giải pháp căn cơ. "Vừa qua, ngập như vậy mà dân đang bức xúc, các anh dùng từ tụ nước thì gây thêm bức xúc cho dân, dùng từ chuyên môn, chuyên ngành... không đúng thời điểm gây phản ứng ngược", ông Tuyến nói về từ "tụ nước" mà vừa qua Trung tâm chống ngập dùng trong báo cáo.
Theo đó, báo cáo về cơn mưa ngày 19.5, ông Dũng cho biết vũ lượng mưa có nơi đo được từ 111,9-119mm, gây ngập 32 tuyến đường. Vũ lượng trung bình đạt từ 60mm trở lên đến 119,3mm và trải dài 24 quận huyện.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, phó giám đốc trung tâm chống ngập đã không dùng từ "tụ nước" trong báo cáo tình hình ngập tại cuộc họp chiều 28.5. Ảnh: Hồ Văn
"Trong cơm mưa 19.5 có 10 tuyến ngập sâu, thời gian rút 30 phút đến 3 giờ, cá biệt, có nhiều tuyến đường sau 5 giờ vẫn còn ngập. Ngoài ra, do mưa lớn trong thời gian ngắn nên xuất hiện ngập nước tại 22 tuyến đường, 10-20 phút sau nước mới rút", ông Dũng báo cáo lại tình trạng ngập nhưng không dùng từ "tụ nước" như trong báo cáo của Sở GTVT ngày 22.5.
Trước đó, ngày 22.5, trong cuộc gặp mặt định kỳ với báo chí hàng tháng để cung cấp thông tin và trả lời chất vấn, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (thuộc Trung tâm chống ngập) cho biết, ngoài 10 tuyến ngập sâu thì 22 tuyến đường khác... chỉ "tụ nước".
Đường Hồ Học Lãm ngập nặng, người dân bì bõm lội nước về nhà nhưng lại nằm trong danh sách "tụ nước".
Báo chí sau đó đã chứng minh nhiều tuyền đường, trong đó có tuyến Hồ Học Lãm ngập hết bánh xe lại nằm trong tuyến đường "tụ nước". Nhiều tuyến đường như Sinco, Xô Viết Nghệ Tĩnh... nước ngập sâu nhưng lại không nằm trong danh sách những tuyến đường này.
Đường Sinco ngập hết bánh xe nhưng lại không nằm trong danh sách ngập hay tụ nước.
Cũng tại cuộc họp, ông Dũng cho rằng nguyên nhân ngập nước chủ yếu trong ngày 19.5 là do trận mưa này có vũ lượng vượt thiết kế của hệ thống thoát (tối đa là 95,5mm) trong khi vũ lượng mưa đạt 119,3mm.
Ngoài nguyên nhân mưa vượt tần suất, hầu hết các tuyến đường ngập có hệ thống thoát nước nhỏ, xuống cấp và đang trong giai đoạn đề xuất đầu tư trước và sau 2020 tùy thời gian, hoàn cảnh. Tình trạng xả rác gây nghẹt cống, lấn chiếm hệ thống thoát nước, cộng thêm các dự án chưa hoàn thành cũng ảnh hưởng đến tình trạng thoát nước. Cũng theo ông Dũng, mục tiêu quy hoạch thoát nước vùng lõi phải đạt 6.000km cống, tuy nhiên hiện nay chỉ đạt tầm 3.000km.
Theo Danviet
Xây dựng đô thị thông minh nên "liệu cơm gắp mắm" Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng TPHCM không nên xây dựng đô thị thông minh giống mô hình có sẵn nào vì điều kiện khác xa nhau. Thay vào đó, thành phố nên xuất phát từ thực tiễn nhu cầu quản lý, phù hợp với khả năng và tình hình tài chính. Chiều...