TPHCM muốn mở rộng Tân Sơn Nhất ngược hướng với tư vấn Pháp
Trong khi tư vấn Pháp đề xuất mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam thì TPHCM đề xuất mở rộng về phía Bắc (sân golf). PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (thành viên nhóm nghiên cứu của TPHCM) cho biết phía tư vấn Pháp nêu ra phương án mở rộng sân bay về phía Nam nhưng họ không thấy tổng thể lớn bên ngoài sân bay.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không – Đại học Bách khoa TPHCM) – thành viên nhóm nghiên cứu được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thành lập – cho biết TPHCM đưa ra phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc.
Phương án này có nhiều điểm khác với đề xuất của đơn vị tư vấn quốc tế là công ty ADP-I (cộng hòa Pháp) báo cáo với Bộ Giao thông vận tải vào chiều 27/2 – mở rộng về phía Nam.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết quan điểm của TPHCM là mở rộng sân bay về phía Bắc
Theo ông Tống, chủ trương nhất quán của TPHCM là mở rộng sân bay Tân sơn Nhất về phía Bắc (sân golf), dù có xây đường cất hạ cánh thứ 3 hay không. Tuy nhiên, tất cả các phương án đều cần phải được xem xét, cân nhắc thiệt hơn. Năm 1995, Thủ tướng đã phê duyệt diện tích sân bay Tân Sơn Nhất là 1.120ha.
Ông Tống cho rằng, trước đây công ty tư vấn ADCC của Bộ Quốc phòng đưa ra số liệu cực đoan và cho rằng phương án mở rộng sân bay về phía Bắc là rất tốn kém, không khả thi. Còn lần này phía tư vấn Pháp đưa ra số liệu “vừa phải hơn”.
Để nâng công suất sân bay lên 60-70 triệu hành khách mỗi năm, ADP-I đề xuất phương án xây dựng đường băng thứ ba về phía Bắc dài 2.600m, cách đường băng hiện nay 790m và xây dựng nhà ga hành khách hoạt động tách biệt với nhà ga hiện hữu.
ADP-I phân tích, mặc dù tăng công suất sân bay nhưng việc xây dựng đường băng mới sẽ phải giải phóng mặt bằng rất nhiều. Để xây dựng đường băng mới phải lấy sân golf ở phía Bắc và cả đất quốc phòng, chi phí xây dựng khoảng 35.000 tỷ đồng, chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng (khoảng 45.000 tỷ đồng).
Ông Tống cho biết: “Theo tiêu chuẩn quốc tế, hai đường băng cách nhau tối thiểu 760m, họ lại đưa ra con số 790m. Trong khi đất phía trên là hình tam giác, dời đường băng ra xa chừng nào thì diện tích đền bù giải tỏa sẽ nhiều chừng đó. Đường băng tiêu chuẩn dài từ 2.400-2.600m, họ lại chọn con số 2.600m. Như vậy, diện tích đèn bù giải tỏa nhiều lên, chi phí tốn kém nhiều hơn”.
Cùng với đó, PGS Tống cho biết phương án của TPHCM đưa ra là đường băng thứ ba sẽ dài 2.400m và cách đường băng thứ hai 760m. Như vậy, phương án này giúp hạn chế phát sinh phần đền bù giải tỏa. Việc mở rộng sân bay nên giới hạn trong phạm vi đường Trường Chinh và Quang Trung.
“Thành phố cũng đề xuất dùng biện pháp lấy đất đổi đất sẽ ít tốn kém hơn. Phần diện tích (sân golf – phía Bắc) nằm trên đỉnh tam giác ít ồn. TP sẽ giải tỏa khu vực này rồi xây chung cư tái định cư, dời dân cư ra. Người dân sẽ có lợi hơn vì tránh xa đường băng hơn”, ông Tống nói.
Video đang HOT
Phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất hiện là sân golf
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Thiện Tống cũng đề cập đến tiến độ của sân bay Long Thành để có đánh giá tổng quan về lợi ích kinh tế. Theo ông, nếu năm 2025 sân bay Long Thành hoàn thành thì việc xây dựng đường băng thứ 3 ở Tân Sơn Nhất (đảm bảo phục vụ 70 triệu lượt hành khách) là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu sân bay Long Thành “trễ hẹn” thì cần phải làm đường băng thứ ba, vì nếu không đáp ứng được nhu cầu thì thiệt hại kinh tế rất lớn.
“Không ai có đủ cơ sở vững chắc để mà khẳng định sân bay Long Thành sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2025 cả. Tất cả phải có căn cứ khoa học chứ không thể nói bằng lời hứa sẽ nỗ lực làm sớm. Do đó, không nên giới hạn sân bay Tân Sơn Nhất là 50 triệu hành khách mà đặt là phát triển tối ưu để mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội”, ông Tống nói.
Theo ông Tống, đến khi sân bay Tân Sơn Nhất không phát triển được nữa thì mới cần đến sân bay Long Thành. Do đó, trên trên cơ sở dự báo tốc độ phát triển của sân bay này mà tính toán thời gian, đầu tư kinh phí để xây dựng sân bay Long Thành vào thời gian thích hợp.
Mở rộng sân bay về phía Bắc giúp TPHCM sẽ giúp sân bay Tân Sơn Nhất được kết nối tốt hơn. Nếu xây đường băng thứ 3, TPHCM đề xuất phương án lấy đất đổi đất để giảm chi phí giải phóng mặt bằng
Ông Tống cho biết, tư vấn Pháp đề xuất mở rộng sân bay về phía Nam với lý do giảm diện tích đất cần thu hồi, giảm khối lượng công việc thi công… Tuy nhiên, theo ông Tống, phương án này thể hiện phía tư vấn Pháp “không nhìn thấy tổng thể lớn bên ngoài sân bay”.
“Công ty tư vấn Pháp đề xuất nên mở rộng ở phía Nam. Nhưng phương án này sẽ dồn thêm khách về phía Nam, gây ùn tắc cho khu vực này nên bất lợi về kết nối với sân bay”, ông Tống nói.
Theo TS Tống, việc mở rộng sân bay về phía Bắc còn góp phần giải quyết vấn đề giao thông, giúp hành khách kết nối sân bay thuận tiện hơn. Nếu mở lối vào ở Quang Trung, Tân Sơn thì phá vỡ được thế độc đạo là đường Trường Sơn như hiện nay. Nếu mở rộng sân bay về phía Nam thì rất bất lợi vì ùn tắc giao thông, hành khách trễ bay, đó là chưa nói ảnh hưởng kinh tế, xã hội…
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết vào ngày thứ 7 tới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân sẽ nghe nhóm nghiên cứu báo cáo chi tiết các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
“Tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, phương án về mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Thủ tướng thông báo sẽ có quyết định sớm, dự kiến là trung tuần tháng 3″, ông Tống chia sẻ.
Đề xuất của nhóm nghiên cứu TPHCM về mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất:
Giai đoạn 2018-2020: Có thể xây nhà ga T3 với năng suất 10 triệu khách/năm tại phía Nam để đáp ứng nhu cầu trước mắt trong vài năm tới; Quy hoạch và xây dựng đường vành đai sân bay xung quanh sân bay; Thuê tư vấn quốc tế thiết kế cảng HKQT TSN đạt năng suất tối đa.
Giai đoạn 2020-2022: Xây nhà ga hành khách T4 ở phía Bắc năng suất 20 triệu khách/năm, đường lăn, bãi đỗ tương ứng ở phía Bắc theo phương án 1 nhưng dịch ra phía Bắc nhiều hơn để dành chỗ cho việc xây dựng đường băng thứ 3; Cải tạo và mở rộng các nhà ga hành khách T1, T2 và T3 ở phía Nam, nâng tổng năng suất lên mức 55 triệu khách/năm.
Giai đoạn 2022-2025: Xây đường băng thứ 3 dài 2.400m theo phương án 2. Hoàn thiện hệ thống đường lăn, sân đỗ đồng bộ với đường băng thứ 3; Mở rộng nhà ga hành khách T4 phía Bắc để có năng suất 35 triệu khách/năm nhằm nâng tổng năng suất các nhà ga lên mức 70 triệu khách/năm, hoàn thiện hệ thống các công trình phía Bắc…
Bài: Quốc Anh
Ảnh: Phạm Nguyễn
Theo Dantri
Giải quyết "điểm đen" giao thông Tân Sơn Nhất, "quá tầm tay" TPHCM
Theo các chuyên gia, "điểm đen" kẹt xe sân bay Tân Sơn Nhất là của vùng phía Nam chứ không phải riêng gì của TPHCM. Để giải quyết ùn tắc giao thông khu vực này cần phải có sự chung tay của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải vì "không nằm trong tầm tay" thành phố.
Tại hội thảo "Giải pháp giải tỏa ách tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất" diễn ra ngày 7/11, TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM - bày tỏ sự e ngại khả năng sân bay Long Thành không kịp đưa vào khai thác năm 2025. Do đó, việc giải quyết ùn tắc giao thông, nâng khả năng phục vụ của sân bay Tân Sơn Nhất là rất cấp thiết.
Kẹt xe trên đường Trường Sơn (ảnh Đình Thảo)
Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng giao thông là "bộ xương" đô thị nên đất dành cho giao thông phải được ưu tiên hàng đầu. Song các giải pháp mở rộng đường khu vực sân bay Tân Sơn Nhất phải giải tỏa nhà dân, chi phí rất cao, trong khi nguồn lực tài chính còn hạn chế.
Do đó, TS Cương đề xuất mượn đường hoặc đổi đất để có đường qua đất quốc phòng phía Nam sân bay. Việc mở đường song hành với đường Cộng Hòa là rất cấp thiết, không chỉ giải quyết ùn tắc giao thông khu vực sân bay mà còn giúp đảm bảo nhu cầu giao thông đối ngoại giữa TP với khu vực Tây Bắc và nối qua Campuchia.
Để hạn chế lưu lượng giao thông qua đường Trường Sơn, TS Cương đề xuất mượn đường qua doanh trại quân khu 7. Con đường này nối tuyến Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ xuyên qua doanh trại rồi ra đường Nguyễn Thái Sơn, Phạm Văn Đồng. Theo ông Cương, khơi được luồng tuyến này chắc chắn sẽ giải tỏa ngay tình trạng ùn tắc trên đường Trường Sơn.
"Đây là giải pháp "một mũi tên trúng nhiều đích", ít tốn kém nhưng hiệu quả cao. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ. Khó khăn lớn nhất của những giải pháp này là không nằm trong tầm tay thành phố. Nếu không được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải và quân khu 7 ủng hộ thì không có hy vọng thực hiện", ông Cương nói.
Xe quá cảnh qua đường Trường Sơn là nguyên nhân dẫn đến kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất
Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng các dự án giải quyết ùn tắc giao thông cho sân bay Tân Sơn Nhất cần được phân loại theo nhóm trên cơ sở phân tích nhóm nguyên nhân để đầu tư mang lại hiệu quả.
Theo TS Nguyên, việc đường Trường Sơn vào sân bay ùn tắc là do lượng phương tiện "quá cảnh" quá lớn, có đến 70% lượng xe qua đường Trường Sơn không vào sân bay.
"Chúng ta chưa thấy nhóm giải pháp nào phục vụ cho nhóm nguyên nhân nào, làm mà không đúng quy trình dẫn đến cái nọ chèn cái kia, hiệu quả không cao. Ví dụ cầu vượt vào sân bay không nhằm vào nguyên nhân quan trọng nhất là mượn đường Trường Sơn. Cầu chỉ cho xe vào nhưng lại thiếu đường ra, chỉ vào mà không ra. Chúng ta đi làm cái việc mà đáng lý phải làm sau nên không hiệu quả", ông Nguyên nói.
TS Nguyên cho rằng TPHCM là "đô thị béo phì dân số, quá tải giao thông". Do đó, ông cho rằng giải quyết ùn tắc giao thông sân bay Tân Sơn Nhất không thể làm cục bộ mà phải nhìn tổng thể vào quy hoạch giao thông của thành phố.
Theo ông, hiện nay đường Trường Sơn, Phạm Văn Đồng là những tuyến nối miền Đông với miền Tây thành phố nên hút phương tiện qua đây. Do đó, phải tổ chức phân luồng từ xa để hạn chế xe qua đường Trường Sơn.
"Tôi đề ra giải pháp hơi cực đoan nhưng việc thu phí qua đường Trường Sơn đối với các xe không vào sân bay. Đây không phải là chúng ta lợi dụng hình thức như BOT nhưng trong lúc cấp bách này thì cần làm", ông Nguyên đề xuất.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất cần được kết nối giao thông tốt hơn
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hành không Đại học Bách khoa TPHCM - cho rằng cần phá vỡ thế "độc đạo" vào sân bay Tân Sơn Nhất mới giải quyết được tình hình giao thông. Theo ông, việc mở rộng sân bay lên khu vực phía Bắc và thêm cổng vào sân bay ở đường Tân Sơn, Quang Trung cho phép nâng năng suất sân bay lên 70 triệu khách mỗi năm.
Theo TS Tống, sân bay là lợi thế của thành phố nên cần tăng cường kết nối giao thông với quốc lộ 1, quốc lộ 22, vào trung tâm thành phố tốt hơn. Ông cũng cho rằng việc giải quyết ùn tắc giao thông sân bay là của Chính phủ và các bộ chứ không riêng gì chính quyền thành phố.
Đồng quan điểm, GS. TS Nguyễn Trọng Hòa - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - nhấn mạnh rằng cần phải tăng kết nối giao thông cho sân bay Tân Sơn Nhất. Theo ông, đây là "điểm đen" giao thông của vùng chứ không phải riêng TP. Do đó, Chính phủ cùng các bộ, ngành phải chung tay cùng TPHCM.
Quốc Anh
Theo Dantri
Càng phát triển Tân Sơn Nhất, hậu quả cho TPHCM càng nghiêm trọng! Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, dư địa để phát triển sân bay Tân Sơn Nhất là không có. Càng phát triển Tân Sơn Nhất thì hậu quả về môi trường cho TPHCM càng nghiêm trọng, TPHCM sẽ bị đe dọa lớn về an ninh an toàn. Trước các phương án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn...