TPHCM: Muốn hết ngập trước hết phải ngăn thủy triều
Theo TS Trương Đình Hiển, việc xây hồ điều tiết chống ngập là cần thiết nhưng không phải làm vào thời điểm này. Ông lo ngại, nếu không tính đúng thì “tiền mất mà tật vẫn mang”. Muốn chống ngập trước hết phải ngăn chặn thủy triều vào thành phố…
Hơn 100.000 tỷ đồng để chống ngập trong 5 năm tới
TPHCM đang loay hoay với bài toán cân bằng lấp – đào. Kênh rạch bị san lấp nhiều chính là nguyên nhân gây ngập nặng cho thành phố (ảnh Đình Thảo)
Theo kế hoạch đầu tư các dự án chống ngập của UBND TPHCM giai đoạn 2016 – 2020, thành phố tiếp tục xây dựng và cải tạo 200 km cống thoát nước; nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (dài 32 km) và rạch Xuyên Tâm (dài 8,2 km); xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao; xây dựng 3 hồ điều tiết. Bên cạnh đó, thành phố đầu tư xây dựng 8 cống kiểm soát triều, 68 cống nhỏ dưới đê và 19km bờ bao xung yếu thuộc 2 bờ sông Sài Gòn.
Để thực hiện các dự án trên, thành phố cần tổng nguồn kinh phí khoảng 100.241 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí chưa có nguồn vốn cần huy động là 66.820 tỷ đồng. Nếu được triển khai thực hiện, các dự án trên sẽ giải quyết chống ngập cho khu vực rộng 550 km2 của thành phố và giải quyết an sinh xã hội cho khoảng 6,6 triệu dân thuộc 13 quận trung tâm.
Về hồ điều tiết, thành phố sẽ xây 3 hồ ở khu trung tâm (hồ Bàu Cát, quận Tân Bình; hồ Gò Dưa, quận Thủ Đức; và hồ Khánh Hội, quận 4) để góp phần giải quyết tình trạng ngập nước, với tổng kinh phí khoảng 950 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TPHCM – cho biết, đơn vị đang triển khai đồ án quy hoạch 103 hồ điều tiết với tổng diện tích 875 ha. Xây hồ điều tiết tại công viên Bàu Cát là dự án thí điểm hồ điều tiết ngầm đầu tiên, nếu thành công sẽ nhân rộng.
Dự kiến hồ điều tiết Bàu Cát có khả năng trữ 10.000 m3 nước mưa, có chức năng giúp giảm ngập khi mưa vươt tần suất thiết kế hiện hữu: gần 76 mm trong vòng 3 giờ cho một lưu vực khoảng 20 ha xung quanh khu vực Bàu Cát. Nếu TP đồng ý, dự án có thể thi công ngay trong quý II/2016 và hoàn thành sau 8 tháng thi công.
Ông Đỗ Tấn Long – Trưởng phòng quản lý thoát nước Trung tâm điều hành chương trình chống ngập – cho biết, nếu thành phố thực hiện xong các dự án theo quy hoạch thoát nước giai đoạn 2016 – 2020 sẽ hết ngập, nhưng lượng mưa phải không vượt tần suất dự báo.
Loay hoay bài toàn lấp – đào
Xây hồ điều tiết là cần thiết nhưng nếu không tính đúng thì “tiền mất mà tật vẫn mang” (ảnh Đình Thảo)
Video đang HOT
Theo TS Nguyễn Bách Phúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TPHCM, nhiều người tưởng rằng đỉnh triều cường dâng cao là do ảnh hưởng biến đổi khí hậu gần đây. Nhưng không phải như thế, mực nước biển trong 30 năm qua, theo đo đạc chính xác chỉ dâng thêm khoảng 2 cm. Trong khi đó, đỉnh triều tại TPHCM lại dâng cao tới 40 cm.
Theo thống kê, trước năm 1995, đỉnh triều cường tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) cao không qua 1,3 m. Còn năm 2015, đỉnh triều đã lên tới 1,7 m. Vậy nguyên nhân nào đã làm đỉnh triều cường dâng cao 40 cm trong khi mực nước biển chỉ dâng cao có 2 cm?
Theo ông Phúc, không gian chứa nước triều cường bị thu hẹp. Huyện Nhà Bè, quận 7 vốn là nơi thoát nước của thành phố, là không gian để chứa nước triều cường. “Nhưng chúng ta đã lấp hết những hồ, ao, đầm, vùng trũng trong thành phố để xây cất khu dân cư, khu công nghiệp,… Quá trình đô thị hóa đã lấp sạch vùng trữ nước và thành phố ngày càng ngập nặng là điều dễ hiểu. Bây giờ giải quyết theo kiểu giật gấu vá vai thì không thể nào hiệu quả”, ông Phúc nói.
TS Nguyễn Bách Phúc nói: “Về lý thuyết thì xây hồ điều tiết sẽ giải quyết tình trạng ngập úng. Thế nhưng thực tế hiện nay thì dù xây hơn trăm hồ cũng chẳng thấm vào đâu chứ nói 3 hồ. Hàng trăm nghìn ha đất sình lầy bị sang lấp, giờ đi xây hồ điều tiết thì chẳng khác nào lấy muối bỏ biển”.
Đồng quan điểm, chuyên gia về động lực học biển và công trình thềm lục địa TS Trương Đình Hiển – Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – nói: “Việc đô thị hóa mạnh mẽ xuống khu vực phía Nam (khu Hiệp Phước, Nhà Bè) thành phố mà thiếu tính toán đã phải trả giá. Chúng ta lấp kênh, rạch để phát triển hạ tầng, khu công nghiệp, nước không có chỗ để thoát thì phải nằm lại thành phố. Rõ ràng là trước đi lấp sông bây giờ lại đào hồ, chúng ta đang loay hoay với bài toán cân bằng lấp – đào”.
Phải dứt điểm loại trừ thủy triều vào thành phố
Theo TS Trương Đình Hiển, trước khi xây hồ điều tiết cần đánh giá xác đáng các nguyên nhân và quan trọng là hồ điều tiết phải đảm bảo chứa nước mưa chứ không phải chứa nước triều.
Ông Hiển nhấn mạnh: “3 nguyên nhân gây ngập cho TPHCM là do thủy triều, nước mưa và nước thải. Muốn khỏi ngập thì phải thanh toán 3 thành phần này. Nhưng nếu chập 3 thành phần này để thanh toán thì sẽ rất khó. Phải nghiên cứu, dứt điểm từng nguyên nhân một”.
Theo ông Hiển, việc đầu tiên là TPHCM cần tập trung lực lượng, tài lực để ngăn không cho thủy triều vào thành phố, dứt điểm càng sớm càng tốt. Nếu gặp lượng mưa lớn và nước thải, kết hợp với thủy triều nữa thì rất nguy hiểm. Từ 5 – 10 năm tới phải dứt điểm loại thủy triều ra khỏi khu vực TPHCM.
“Trước hết TPHCM phải khoanh vùng, khu vực nào nước thủy triều lên tràn bờ thì phải xây đê bao. Chỗ nào cao, nước thủy triều vào theo cống thì phải xây cống ngăn triều. Các rạch thông ra sông đều có đập ngăn triều. Đừng bận tâm xây 103 hồ chứa nước. Đây là chiến lược không phù hợp”, ông Hiển nói.
Việc thứ hai, vào mùa khô phải xem xét các vùng bị ngập. Thời điểm này không mưa nên ngập chỉ có thể là do hệ thống cống thoát nước thải bị nghẹt. Cần phải thay cống mới, mở rộng cống để dẫn nước thải ra kênh.
“Sau khi loại 2 yếu tố trên khỏi vòng chiến đấu mà đến mùa mưa vẫn còn ngập thì chắc chắn là ngập do mưa. Mà ngập do mưa thì chỉ có 2 điều, hệ thống cống không thoát nước kịp và không có chỗ chứa nước mưa. Đây là thời điểm tập trung loại trừ nguyên nhân ngập do mưa”, ông Hiển phân tích.
“Để thoát nước mưa, trước hết phải nạo vét, cải tạo hệ thống kênh rạch tạo thành những vùng chứa nước mưa và nước thải. Thành phố có lợi thế là hệ thống kênh, rạch nhiều. Khi mình tận dụng hết các kênh, rạch để làm hồ chứa nước thải mà vẫn còn bí thì lúc đó hãy tính khu vực nào cần đào hồ điều tiết. Còn bây giờ mình đào hồ không khéo hồ điều tiết sẽ là chỗ thủy triều vào rồi đứng đó, để cho nước mưa nó leo lên thì cũng ngập nặng”, ông Hiển lo ngại.
Theo TS Trường Đình Hiển, nếu TPHCM không thật nghiêm túc, quyết tâm và cụ thể trong công tác chống ngập thì 20 năm nữa khi biến đôỉ khí hậu tới, mưa lũ phức tạp thì nhiều khu phố sẽ bị xóa sổ. Hậu quả khôn lường.
Quốc Anh
Theo Dantri
Vì sao đầu tư gần 29.000 tỷ đồng TP HCM vẫn ngập
Quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu, thiếu vốn... là các nguyên nhân khiến công tác chống ngập tại TP HCM chưa hiệu quả.
Trong 10 năm qua TP HCM đã đầu tư gần 29.000 tỷ đồng cho công tác chống ngập. Ảnh: An Nhơn
Để giải quyết vấn đề thoát nước, từ năm 2001 TP HCM đã quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước trên địa bàn (Quy hoạch 752 do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản lập). Chủ yếu áp dụng các giải pháp nâng cấp cống thoát nước, san nền và kiểm soát triều cục bộ, từ năm 2003. Song song đó, quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM (Quy hoạch 1547 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông lập) được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2008 cũng đang triển khai.
Theo ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP HCM - năm 2008, trên toàn địa bàn TP có tới 126 điểm ngập chia làm sau vùng chính. Trong đó, vùng trung tâm (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Tân Phú, Bình Tân và một phần quận 5, 8 , Bình Thạnh) có tới 85 điểm ngập. Ba năm sau, khi thành phố xác định trong giai đoạn 2011-2015 tập trung tối đa giải quyết tình trạng ngập nước thì vùng trung tâm chỉ còn 31 điểm ngập.
Hàng loạt công trình cải thiện môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ trongthời gian qua đã được triển khai; mới nhất là dự án nâng cấp đô thị (lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm) hoàn tất giúp tình trạng ngập nước giảm đáng kể.
Đến nay, khu vực trung tâm chỉ còn hai điểm ngập là đường Phan Anh, đường Ung Văn Khiêm và 7 điểm ngập ngoại vi (An Dương Vương, Hồ Học Lãm, Huỳnh Tấn Phát, Gò Dầu, Trương Vĩnh Ký, Tân Quý, Lê Đức Thọ). "Hồi năm 2008, lưu lượng mưa ở mức 100 mm thành phố bị ngập tới 126 điểm nhưng nay chỉ còn 6-7 điểm", ông Long cho biết.
Đánh giá hiệu quả của các dự án chống ngập tại TP HCM, các chuyên gia cho rằng dù thành phố đã xóa được nhiều điểm ngập ở nội thành, song tình trạng này đang có xu hướng xuất hiện ở khu vực ngoại thành như quận 2, 7, 9, Thủ Đức, Bình Tân... Chứng tỏ thành phố đang "đuổi" ngập từ chỗ này sang chỗ khác chứ chưa phải "xử lý" ngập. Mới đây nhất, cơn mưa vũ lượng 142 mm xuất hiện chiều 15/9 đã khiến thành phố xuất hiện 66 điểm ngập.
Cơn mưa chiều 15/9 làm 66 điểm ở khắp các quận huyện TP HCM ngập nặng. Ảnh: Hải Hiếu.
Về nguyên nhân khiến các dự án chưa hiệu quả như mong đợi, UBND TP cho rằng, với Quy hoạch 752 hiện thành phố chỉ xây mới và cải tạo gần 2.600 trên 6.000 km2 hệ thống thoát nước; nạo vét hơn 60 km trong 5.005 km kênh rạch và đã hoàn thành giai đoạn 1 của một trong tổng số 12 nhà máy nước thải. Tổng số vốn dành cho quy hoạch này là 24.300 tỷ đồng. Còn Quy hoạch 1547 thì mới xây dựng được một trong số 10 cống kiểm soát triều (Nhiêu Lộc - Thị Nghè) và hơn 60 km đê bao (tổng số 149 km) với tổng số vốn hơn 4.700 tỷ đồng.
"Chậm trễ là do thiếu vốn. Để triển khai 2 quy hoạch trên cần số tiền lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng thực tế thành phố mới đầu tư được 25.000 tỷ nên khối lượng công việc còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng quá chậm cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án chống ngập", Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho biết.
Cùng với việc chậm triển khai các quy hoạch thoát nước, TP HCM đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi khiến công tác chống ngập gặp thêm nhiều khó khăn. Một trong số đó là biến đổi khí hậu khiến lượng mưa ngày càng lớn và đỉnh triều trên sông ngày càng cao.
Cụ thể, các cơn mưa có vũ lượng trên 100 mm xuất hiện ngày càng nhiều (mỗi năm 3 lần) và triều cường năm sau luôn cao hơn năm trước với đỉnh triều hiện là 1,68 m so với 10 năm trước đây chỉ là 1,5 m. Ngoài ra, địa hình thấp (41% diện tích có cao độ dưới một mét) và hệ thống kênh rạch chằng chịt (hơn 3.000 tuyến dài hơn 5.000 km) cũng góp phần làm cho TP HCM ngập nặng hơn những nơi khác.
Bên cạnh đó, theo UBND TP, quy hoạch cũ của đô thị Sài Gòn với quy mô dân số chỉ khoảng 2 triệu người nên cơ sở hạ tầng, trong đó hệ thống thoát nước cũng được quy hoạch và thiết kế tương ứng. Tuy nhiên, đến nay dân số thành phố đã hơn 10 triệu người, chưa tính dân vãng lai, dẫn đến lượng nước thải cũng tăng gấp 5 lần.
Quán cà phê bị ngập trong cơn mưa lớn. Ảnh: Duy Trần
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội tư vấn KHCN và Quản lý TP HCM) lại cho rằng, biến đổi khí hậu dù có tác động nhưng không thể gây ảnh hưởng nhanh đến tình hình ngập tại TP HCM như vậy. Hiện, chưa có câu trả lời vì sao triều cường ngày càng cao một cách bất thường.
"Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ nguyên nhân là biến đổi khi hậu làm mực nước biển dâng cao. Nhưng thực tế năm 1995-2010 nước biển chỉ dâng cao tối đa 2 cm, trong khi thủy triều ở TP HCM lại dâng 20-25 cm và có thể cao hơn nữa. Không ai đi nghiên cứu vì sao nước biển chỉ dâng 2 cm mà triều cường lại cao hơn gấp nhiều lần như vậy? Đây mới chính là nguyên nhân gây ngập", ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, các vùng sình lầy ở quận 7, Nhà Bè vốn là những lá phổi, nơi thoát nước cho toàn thành phố, nhưng đã bị san lấp hết để xây dựng công trình nhà cửa. "Thành phố ngập nặng là do chúng ta đã làm chết những lá phổi này. Đã sai lầm khi cho đô thị hóa xuống vùng trũng thấp, đã lấp sạch cả vùng trữ nước nên thành phố ngày càng ngập. Bây giờ cứ đi chống ngập theo kiểu giật gấu vá vai thì có bao nhiêu tiền đi nữa cũng không thể nào hiệu quả được", ông Phúc nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐHQG TPHCM) cho rằng, nguyên nhân chính khiến thành phố ngập ngày càng nặng là do quá trình đô thị hóa, bêtông hóa thiếu kiểm soát. Nhiều công trình xây dựng chiếm mất diện tích thoát nước, san lấp kênh rạch nhưng lại không có gì để bù đắp, trong khi công trình thoát nước chỉ được đầu tư nhỏ giọt.
"Quá trình xây dựng đô thị, phát triển hạ tầng của thành phố đã bắt đầu từ mấy chục năm trước. Trong khi công tác chống ngập chỉ mới bắt đầu độ 10 năm trở lại đây. Thông thường, khi chi 10 đồng cho phát triển đô thị như xây khu chung cư, khu công nghiệp, khu dân cơ mới... thì phải có 2 đồng dành cho hạ tầng chống ngập. Nhưng thực tế, con số này ở TP HCM chưa tới 10% yêu cầu", ông Phi phân tích.
Theo tiến sĩ Phi, vốn đô thị hóa phần lớn là của tư nhân, san lấp kênh rạch, xây dựng cao ốc nhưng lại không dành lối thoát cho nước mà chỉ muốn đẩy nước đi chỗ khác. "Chống ngập cứ chống ngập, san lấp kênh rạch vẫn san lấp thì không thể hiệu quả được", ông nói.
Hữu Nguyên
Theo VNE
TPHCM: Hàng nghìn tỉ đồng không ngăn nổi nước ngập! Nhiều ngày qua, tình hình ngập nước tại TPHCM diễn biến hết sức nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Việc thành phố đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để chống ngập, nhưng tình hình vẫn không khả quan là mấy. Cứ sau mỗi trận mưa lớn, các tuyến đường ở thành phố lại hóa...