TPHCM lên tiếng về dự án lấn sông Đồng Nai
Lo ngại việc lấn sông Đồng Nai làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến việc khai thác nước thô cung cấp cho hệ thống cấp nước TPHCM, UBND TPHCM đã có văn bản đề nghị xem xét tác động môi trường của dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị “phố trên sông”…
UBND TP vừa có văn bản gửi Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và UBND tỉnh Đồng Nai về việc lấn sông Đồng Nai để làm dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai “phố ven sông” của công ty Toàn Thịnh Phát.
Dự án lấp sông đang được tạm dừng thi công vì những phản ứng trong dư luận, chờ ý kiến của các bộ ngành. UBND TPHCM cũng đề nghị làm rõ tác động môi trường của dự án vì ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước của TP (ảnh Trung Kiên)
Theo UBND TP, theo quy hoạch cấp nước TPHCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt, sản lượng nước thô cung cấp cho hệ thống nước TPHCM từ sông Đồng Nai khoảng 2,5 triệu m3/ngày đêm.
“Do việc lấn sông Đồng Nai có thể làm thay đổi dòng chảy gây ảnh hưởng đến việc khai thác nước thô cung cấp cho hệ thống cấp nước TPHCM nói riêng và môi trường khu vực hạ lưu nói chung, UBND TPHCM đề nghị Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai xem xét tác động môi trường của dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai “Phố trên sông” của Công ty Toàn Thịnh Phát đến các khu vực vùng hạ lưu sông Đồng Nai, đặc biệt là việc khai nước thô cung cấp nước cho TPHCM”,nội dung văn bản nêu rõ.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định chấp thuận đầu tư dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (rộng hơn 84.000m2) cho Công ty cổ phần Đầu tư – Kiến trúc – Xây dựng Toàn Thịnh Phát triển khai khu đô thị Pegasus Residence. Dự án này có phần diện tích lấn sông lên tới hơn 77.200m2.
Video đang HOT
Dự án đang trong quá trình lấp sông thì vấp phải sự phản ứng từ dư luận và giới khoa học về tác động môi trường và những thảm họa khôn lường từ dự án. Đến chiều 27/3, lãnh đạo công ty Toàn Thịnh Phát đã có văn bản đề nghị tỉnh Đồng Nai cho tạm ngừng thi công dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan kiểm tra.
Nội dung kiểm tra hướng đến việc thực hiện dự án, đánh giá tác động của dự án, xử lý theo thẩm quyền, quy định của pháp luật hiện hành. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ đề xuất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 5/2015.
Trong khi đó, tại chuyến khảo sát của Đoàn công tác Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kiểm tra thực địa Dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” tại thành phố Biên Hòa vào đầu tháng 4/2015, TS Vũ Ngọc Long – Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới phía Nam – đánh giá khu vực cuối nguồn sông Đồng Nai là TPHCM là nơi ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Theo TS Vũ Ngọc Long, nếu dự án này được triển khai, khả năng mùa khô từ tháng 1, 2, 3, một khi dòng chảy xuống hạ nguồn không đủ nước rửa mặn thì nước mặn xâm nhập bên trong. Hệ sinh thái khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ sẽ tăng độ mặn, loài ưa mặn sẽ lấn loài ưa lợ nên hệ sinh thái sẽ thay đổi.
Và mới đây, tại hội thảo “Phát triển bền vững lưu vực sông – thách thức và giải pháp” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu lập pháp (Quốc hội), cùng mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức chiều 12/5 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng đã lên tiếng, đề nghị nên dừng dự án.
Quốc Anh
Theo dantri
Dự án lấn sông Đồng Nai: Khảo sát nguồn nước, địa chất dòng sông
Mẫu nước sông Đồng Nai đã được các nhà khoa học lấy đi xét nghiệm đồng thời lấy ý kiến người dân xoay quanh dự án lấn sông của tỉnh Đồng Nai.
Đoàn công tác khảo sát nguồn nước và địa chất dòng sông Đồng Nai
Ngày 27/3, đoàn các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái học miền Nam và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã tiến hành khảo sát hiện trường khu vực thực hiện Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai và phỏng vấn người dân sinh sống bên vùng dự án. Ngoài ra, các nhà khoa học đã tiến hành lấy mẫu nước nhằm đánh giá hiện trường dự án sông Đồng Nai.
Trước đó, hàng loạt các cơ quan chức năng, tổ chức và các nhà khoa học đồng loạt lên tiếng phản đối việc lấp sông của tỉnh Đồng Nai. Quyết liệt nhất, tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định cấp phép xây dựng dự án này.
"Chúng tôi, các thành viên thuộc Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, quan tâm sâu sắc và bày tỏ sự lo ngại về việc Công ty CP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát đã và đang triển khai ồ ạt việc thi công dự án này. Mặc dù dự án này đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch 1/500 và chấp thuận đầu tư (Quyết định số 2230/QĐ-UBND ngày 21/7/2014) dưới một hình thức công trình cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị nhưng thực chất đây là một hoạt động xây dựng lấn chiếm và tạo nên hạ tầng lớn cản trở dòng chảy, nắn dòng sông, chiếm mặt nước tự nhiên trên sông, dòng chảy tự nhiên của con sông Đồng Nai mà hậu quả sẽ làm suy giảm chất lượng nguồn nước, tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ, gây xói lở bờ sông"- thông báo của VRN nêu rõ.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, đại diện khu vực phía nam của Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) trao đổi với người dân
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cho rằng, dự án lấn sông khi triển khai cần nhìn nhận về mặt kỹ thuật có cho phép hay không. Tiếp đó là giá trị phát triển bền vững, công trình này không phải làm cho 5-10 năm, mà phải nghĩ đến thời gian lâu hơn. Một dự án như vậy nói không ảnh hưởng dòng chảy và tác động môi trường thì rất vô lý.
Tiến sĩ Long cho biết thêm, ngoài ảnh hưởng đến dòng chảy, xói mòn bờ sông thì môi trường sinh thái cũng sẽ có nguy cơ biến mất. Khi tạo vật cản bê tông lớn, lấn chiếm ra 100m trên mặt sông, theo nguyên tắc sẽ hình thành bậc thang trụ, như vậy việc lấn sông thực tế sẽ ra tới 400-500m. Khi đáy sông thay đổi sẽ tạo dòng xoáy hàm ếch phía dưới, gây tình trạng sạt lở bờ bên kia là điều không tránh khỏi.
Dự kiến, sáng ngày 28/3, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ làm việc tới tỉnh Đồng Nai để làm rõ các vấn đề liên quan dự án này.
Trung Kiên - Vĩnh Thủy
Theo dantri
Vì sao dự án lấn sông Đồng Nai vẫn "sống khỏe"? Cơ sở nào để công trình lấn sông của tỉnh Đồng Nai vẫn "thoải mái" triển khai bất chấp phản ứng từ nhiều phía? Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, trong quá trình lập dự án, UBND phường Quyết Thắng (TP. Biên Hòa) đã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại địa phương về phương án Quy hoạch...