TP.HCM lên phương án cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM ông Lê Hòa Bình đã chỉ đạo các ngành liên quan tiến hành cải tạo, chỉnh trang lại chợ Bến Thành.
Nguồn kinh phí được dùng cho việc thiết kế là từ nguồn vốn xã hội hóa.
Chợ Bến Thành sẽ được cải tạo lại. Ảnh ĐÌNH SƠN
Cụ thể, ông Lê Hòa Bình đã cơ bản thống nhất với ý tưởng cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành theo đề xuất của Công ty TA Landscape (đơn vị tư vấn thiết kế). Giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế nhằm triển khai ý tưởng chi tiết hơn, báo cáo UBND TP trước ngày 28.2. Giao UBND quận 1 phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố, đơn vị tư vấn triển khai thực hiện phương án thiết kế chi tiết.
Trong đó phải thống kê có bao nhiêu gian hàng và tiểu thương kinh doanh trong chợ, các nội dung đề xuất thay mới, sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang hoặc trùng tu: Nền chợ, hệ thống cấp, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy.
Kiểm định hệ thống kết cấu chịu lực của mái và hệ thống tường bao, điều chỉnh chiều cao mái để thông thoáng và lấy sáng, lợp mái ngói thay thế mái tôn giả ngói hiện trạng, quảng cáo điện tử, trùng tu 4 cổng chính…
Video đang HOT
Vẽ thiết kế chi tiết modul các gian hàng (sẽ thực hiện sau khi hoàn thành công tác cải tạo chỉnh trang chợ, tiểu thương tự bỏ kinh phí làm theo thiết kế để đảm bảo đồng bộ), dự toán chi phí thực hiện.
Trong quá trình thực hiện cần lấy ý kiến của Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Công thương và Trung tâm Bảo tồn di tích (Sở Văn hóa và Thể thao) để hoàn thiện phương án, gửi Sở Xây dựng trước ngày 28.2 để tổng hợp báo cáo trình thường trực UBND TP xem xét.
Đối với Sở Xây dựng, ông Lê Hòa Bình giao thẩm định về công tác kiểm định kết cấu, chất lượng hiện trạng công trình và hồ sơ thiết kế cải tạo chỉnh trang chợ Bến Thành, tổng hợp báo cáo đề xuất, trình Thường trực UBND TP xem xét thông qua phương án thiết kế chi tiết trước ngày 8.3.
Chợ Bến Thành là một trong những biểu tượng của TP.HCM, nơi du khách, nhất là khách nước ngoài ghé thăm, mua sắm. Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912, với diện tích 13.056 m.
Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành (tên gọi chính thức vẫn được sử dụng cho đến ngày nay).
Hiện chợ Bến Thành nằm ở khu vực trung tâm TP.HCM, giữa các đường Phan Bội Châu – Phan Chu Trinh – Lê Thánh Tôn – Công trường Quách Thị Trang. Chợ kinh doanh các ngành hàng gồm: quần áo, vải sợi, giày dép, thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tươi sống, trái cây, hoa tươi…
Chợ Việt xưa nay: Chợ Bến Thành nhìn từ ký ức miệt vườn
Một ngày ngồi tàu thủy kênh xáng Xà No, đến đêm tôi mới được ngồi xe khách đi Sài Gòn.
Mười một tuổi, năm 1963 ấy, là lần đầu tiên tôi biết "mùi Sài Gòn".
Mùi Sài Gòn rất đặc trưng, nó lưu trong mũi cô bé miệt Hậu Giang rất lâu, có lẽ là mãi mãi. Mùi khói ôtô trộn với mùi hoa lá cổ thụ thoảng ra, bên dưới là mùi cần lao của đám đông phố phường. Và mùi phở - mười một tuổi mới biết có thứ điểm tâm tên là phở.
Cô tư của tôi, cô Ràng - tên nhân vật trong những tác phẩm của tôi - hứa "Rồi Tư sẽ cho con đi cho biết chợ Bến Thành với phi trường Tân Sơn Nhất". Cô tôi luôn dẫn dắt tôi như vậy đó, từ câu chuyện sống, chuyện xử thế đến những địa danh.
Để cô cháu thoải mái ngồi và thoải mái với đồng tiền eo hẹp, cô Ràng không chọn xe xích lô. Eo ơi, chú ngựa nâu dễ thương như cổ tích, tôi reo lên, đây mới là cổ tích nè. Cô giảng giải, các chủ xe đều ở mạn Hóc Môn Bà Điểm. Tôi bảo sao Bến Lức - Long An không có? Cô rằng, đất trầm thủy hợp với trâu, Hóc Môn Bà Điểm đất cao, đất pha cát, hợp để nuôi ngựa. Cô của tôi là từ điển địa chí của tôi dù bà như mọi phụ nữ thời đó, chữ lõm bõm nhưng kiến văn đầy bụng.
Sàn xe trải chiếu dày cho chiếu không tuột. Hông xe thoáng, có thanh chắn bằng gỗ để tựa lưng. Vài khách phụ nữ dọc đường. Ngóng mãi từ An Đông rồi thì cũng đến Bến Thành. Cô tôi xin chủ xe thổ mộ cho ngựa đi chầm chậm để cháu tôi nghiêng ngó. Xà ích đứng tuổi, trạc với cô tôi và cả hai bắt đầu huyên thuyên đủ thứ. Nghe họ tung hứng rất ư tương đắc, như thể là đã là bạn bè. Nắng và gió và mọi thứ lạ lẫm như một bộ phim có tiếng vó ngựa, tiếng lục lạc lẫn trong nhịp đập của trái tim phố thị sầm uất.
Chuyện rằng Bến Thành sửa chữa lớn vào năm 1952 (Ô, tôi reo trong lòng, đúng năm tôi ra đời). Trước đó nó được khánh thành ngày 28 tháng 3 năm 1914, (tôi lại reo lên vì tôi biết, ấy cũng là năm người Pháp khởi công tuyến đường thủy Xà No). Còn trước đó nữa, nó là chợ Bến Nghé, nơi thương hồ Đồng Nai xuống và thương hồ mạn lục tỉnh lên. Nửa thế kỷ chiếm Đông dương, người Pháp mới lấp rạch để dời chợ Bến Nghé lên, vì nó ở gần thành Quy, dân bắt đầu gọi là chợ Bến Thành.
"Ba tôi có thổ mộ từ thời đó, ông đánh xe chở nhà giàu Bà Điểm lên coi hoàn công, ông hay kể, hội dài ba ngày trời, chợ dựng bằng sườn gỗ lợp tranh thôi mà có hàng trăm ngàn người đi hội. Còn có người đấu cọp nữa - chủ xe tiếp tục khi thấy cô tôi chuyện vãn ăn ý quá - bữa cuối đó người thắng là phụ nữ mới ghê chớ, bà Võ Thị Vuông, con một bá hộ đồn điền cao su ở Thủ Dầu Một". Phụ nữ á, tay không đấu cọp á, cô tôi quay sang tôi: "Con thấy chưa, nối dài Bà Trưng Bà Triệu đó".
Xà ích đã cho ngựa đi thật chậm lướt qua cửa chính hình vòm. Bốn mặt đều có đồng hồ, thấy chưa? Ông còn ngoắc một người quảy thùng cà rem dạo, mua cho tôi một que kem, trong ba màu kem mê ly có ở thùng lạnh, bao giờ tôi cũng chọn màu xanh lơ.
Bến Thành thật gợi cảm và uy nghi. Nó là nhà lồng chợ Cần Thơ mà tôi biết khá rõ nhưng gấp 10 lần hơn, 4 mặt đường và hai sảnh hông thật choáng rộng để người đến và người đi luôn được trong bóng mát. Chủ xe còn khoe rằng, nhà chợ còn có 12 cửa phụ. Cô tôi chép miệng: "Bữa nay mình còn tham quan phi trường, cưỡi ngựa xem hoa cho con biết vầy thôi, lần sau mình sẽ vô chợ, Tư sẽ cho ăn cà-ri Ấn".
Ký ức ban đầu lưu luyến ấy thật bồng bềnh. Các bạn hãy hình dung một cô bé với cỗ xe thổ mộ như là xe nhà, với người hướng dẫn du lịch không công của xứ Bà Điểm nổi tiếng người hay đất hay, tôi đã đi như trong mơ. Còn nhớ những chiếc ghế đá đối diện cửa chính, ghế kiểu Pháp. Lưng tựa thoáng và cao, mặt ghế rộng để cho cả gia đình có trẻ con ngồi chen vào nhau ấm áp.
Sau này tôi hay "có nhiệm vụ" đưa bạn bè ngoại quốc hoặc bạn bè hải ngoại đi Bến Thành. Đó là hành trình gần như điểm kết sau khi họ tự đi nhiều nơi của Sài Gòn. Bến Thành để trầm trồ thứ kiến trúc hàng trăm năm không thấy chối - theo ngôn ngữ thời nay. Và để, dĩ nhiên, mua sắm và đặt may, nhất là may áo dài bằng các thứ lụa Việt Nam đã phong phú lên nhiều.
Ẩm thực ư, tôi nghĩ, khu ăn của Bến Thành chưa tương xứng với vị thế của nó, hoặc ấy là chủ ý của Ban quản lý chợ (thành lập từ năm 2000), rằng mùi của bếp núc sẽ ám vào người và vào gấm vóc của chợ. Và nữa, do xe cộ đông ngốt lên nên người ta không chủ trương kéo dài chợ đêm cho ăn nhậu, chỉ vì sẽ ách tắc giao thông mà thôi.
Như mọi khu nhà lồng được người Pháp giúp bảo tồn để giữ gìn dấu ấn cho kiến trúc văn minh Pháp, thật may, qua cả lần tu sửa vào 1985, vòm chợ như ta thấy, nguyên vẹn đẹp và có thể nói, chừng như nó có đẹp hơn. Rồi sẽ là điểm đầu của hầm metro Bến Thành - Suối Tiên, khi ấy, chắc chắn vị thế này sẽ trở nên đắc địa một cách thiêng liêng và đầy hứng khởi.
Hải Phòng: Cá trăm đen, rau xanh cứ đem ra chợ là bán hết veo Các mặt hàng thực phẩm tươi sống lẫn rau xanh sau Tết nguyên đán tại Hải Phòng, giá bán có tăng nhẹ nhưng cơ bản ổn định. Năm nay, nhiều người dân không đi mua tích trữ hàng như trước. Sức mua vẫn đều đều và trở lại như ngày thường sớm hơn. Theo ghi nhận của PV tại một số chợ truyền...