TPHCM: Không thu quỹ trường, lớp, mọi khoản thu đưa lên hệ thống quản lý
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM nhấn mạnh trách nhiệm của hiệu trưởng trong lạm thu và yêu cầu không được thu quỹ lớp, quỹ trường, tất cả đưa lên hệ thống quản lý để Sở giám sát.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM – phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Hoa Hoa).
Không thể nói hiệu trưởng không biết về lạm thu
Tại Hội nghị giao ban cấp tiểu học, THCS của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM ngày 4/10, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD&ĐT – nhấn mạnh tới công tác thu chi đầu năm học và tổ chức liên kết đào tạo.
Theo ông Hiếu, TPHCM là địa phương đầu tiên có Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND về các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn năm học 2023-2024.
Đây là cơ sở pháp lý để nhà trường triển khai thực hiện một số nội dung giáo dục trên tinh thần dịch vụ, cung ứng dịch vụ.
Ông nhấn mạnh: “Không có khái niệm quỹ lớp, quỹ trường. Tôi đề nghị Phòng Kế hoạch – Tài chính (Sở GD&ĐT TPHCM) hướng dẫn tất cả các khoản thu của trường đều phải được thực hiện thu trên hệ thống không dùng tiền mặt, để Sở quản lý được việc trường thu như thế nào”.
Người đứng đầu Sở GD&ĐT TPHCM cũng thẳng thắn chỉ ra sai sót không ít trường mắc phải là thu số “chẵn”. Ông cho hay, để tổ chức thu, Sở GD&ĐT đã yêu cầu trường xây dựng dự toán thu – chi cụ thể về những nội dung gì, sau khi dự toán xong mới tính ra số học sinh của lớp, trường để quy ra con số thu cụ thể.
Do đó, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trường nào thu “chẵn” số tối đa 300.000 đồng/học sinh/tháng là Phòng Kế hoạch – Tài chính sẽ xuống kiểm tra xem cách dự toán của trường như thế nào và sẽ xử lý nếu không làm rõ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các phòng GD&ĐT tham mưu với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chấn chỉnh xử lý các trường hợp thu không đúng quy định.
Video đang HOT
Theo ông, Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn, tập huấn do đó thu sai là phải xử lý.
“Trong trường học, tất cả việc thu của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì hiệu trưởng cần nắm rõ để bàn bạc, đảm bảo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh. Nếu ngó lơ hoặc không quan tâm chỉ đạo thì lỗi lớn của hiệu trưởng nhà trường”, ông Hiếu cho hay.
Không xếp môn tự chọn vào chính khóa
Đối với việc xếp thời khóa biểu các môn học thuộc chương trình đề án của thành phố, chương trình liên kết, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhấn mạnh, việc xếp các lớp trên tinh thần tự nguyện là mấu chốt của vấn đề mà hiện nhiều trường đang vướng.
Trong các văn bản chỉ đạo hướng dẫn đầu năm, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các khoản thu dịch vụ phải được sự đồng thuận của phụ huynh. Các cơ sở cần sắp xếp lớp theo nguyện vọng của phụ huynh học sinh.
Trường nào chưa chỉ đạo chặt chẽ hoặc phụ huynh chưa có sự đồng thuận phải cân nhắc, trao đổi với phụ huynh hiểu rõ.
Tin nhắn đề nghị của một giáo viên tại TP Thủ Đức cho biết không học liên kết học sinh phải ra khỏi lớp (Ảnh: Phụ huynh cung cấp).
“Trong hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, khi giáo viên đã dạy hết giờ nghĩa vụ rồi (23 tiết/tuần) mà còn dư giờ theo giờ chính khóa (35 tiết/tuần), trường chủ động thực hiện chương trình đề án của thành phố, chương trình liên kết trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh”, ông Hiếu nói thêm.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM cũng làm rõ: Trong khái niệm dạy học 2 buổi/ngày, không có khái niệm buổi nào là buổi chính mà việc xếp thời khóa biểu cần đảm bảo khoa học, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng đối tượng học sinh, cần đan xen các tiết học để đảm bảo hài hòa với năng lực tiếp thu của học sinh.
Giám đốc Sở cho rằng xếp thời khóa biểu là một nghệ thuật, cần xếp làm sao học sinh vừa sức với tiếp thu, phù hợp với năng lực, lứa tuổi tâm sinh lý để các em không bị quá tải.
Có hiện tượng lạm dụng thuyết trình
Ông Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận thời gian qua có tình trạng giáo viên lạm dụng hình thức thuyết trình trong dạy và học khi đổi mới phương pháp. Môn nào, tiết nào giáo viên cũng bắt học sinh chuẩn bị bài thuyết trình ở nhà để vào lớp trình bày.
Theo ông, đổi mới phương pháp dạy học là phải giảm tải, tạo hứng thú cho học sinh. Lạm dụng các phương pháp đổi mới dạy học sẽ gây áp lực cho học sinh, gây ra phản cảm nặng nề trong việc dạy và học.
Do vậy, giáo viên các bộ môn phải có sự phối hợp với nhau, thống nhất bao nhiêu tiết thuyết trình trong một tuần, một tháng sẽ vừa sức với học sinh, tránh tình trạng không lạm dụng.
Ông Nguyễn Văn Hiếu nêu rõ, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin khác với giao bài tập về nhà. Khi nhà trường đổi mới phương pháp dạy học với phương pháp lớp học đảo ngược, sử dụng phần mềm LMS trong quản lý dạy học thì có nội dung giám sát, giao nhiệm vụ, chuẩn bị bài, nghiên cứu bài học khác với giao bài tập về nhà.
“Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc tiểu học, giáo viên không được giao bài tập về nhà để giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, học sinh ở nhà cũng phải nghiên cứu, chuẩn bị bài cho tiết học mới và phương pháp mới song cần phải vừa sức”, ông Hiếu nói.
Quỹ lớp chi 260 triệu, phòng GD-ĐT chỉ đạo hoàn trả 250 triệu cho phụ huynh
Liên quan đến vụ quỹ lớp chi 260 triệu đồng tại một lớp học ở Trường Tiểu học Hồng Hà, Phòng GD-ĐT Bình Thạnh, TP.HCM yêu cầu hoàn trả gần 250 triệu đồng cho phụ huynh, đồng thời phê bình giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng.
Năm học mới chưa đầy một tháng nhưng các khoản chi quỹ của lớp 1/2, Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã hơn 260 triệu đồng, khiến nhiều phụ huynh bức xúc.
Về vụ việc này, Phòng GD-ĐT Bình Thạnh vừa thông tin Trường Tiểu học Hồng Hà tổ chức họp cha mẹ học sinh (CMHS) các lớp 1 năm học 2023 - 2024 vào ngày 13/8, trong đó có lớp 1/2.
Trong phiên họp này, phụ huynh lớp 1/2 đã thống nhất chọn và bầu Ban đại diện CMHS tạm thời của lớp. Sau cuộc họp, Ban đại diện CMHS xin ý kiến nhà trường cải tạo lớp học vì học sinh các lớp tích hợp sẽ học tại phòng học này trong 5 năm (từ lớp 1 đến lớp 5).
Phòng học hiện hữu của lớp sẽ được sửa chữa các hạng mục: làm nền, lắp đặt máy lạnh, sơn tường, quạt, bảng trượt, tủ... Phụ huynh cam đoan việc đầu tư cơ sở vật chất của lớp thực hiện trên tinh thần tự nguyện và phụ huynh đồng thuận. Nội dung được sự nhất trí của 29/32 phụ huynh (vắng 3 người).
Các khoản chi quỹ của lớp 1/2, Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM) hơn 260 triệu đồng khi năm học mới chỉ bắt đầu được vài tuần.
Về hiện trạng lớp học, nhà trường đã trang bị đầy đủ bàn ghế, đèn, quạt, bảng tương tác... nhưng phụ huynh vẫn có nguyện vọng cải tạo lớp học khang trang và đầy đủ tiện nghi để con em được học suốt 5 năm học. Nhà trường đã đồng thuận theo nguyện vọng của phụ huynh, cải tạo sửa chữa lớp gồm các hạng mục như: lắp đặt máy lạnh, quạt hút, lát lại nền, làm tủ lớp, tủ giày, xây bồn hoa trước lớp...
Về các khoản thu chi, Ban đại diện đã công khai trên group phụ huynh do Bà Nguyễn Thị Thúy Quyên - Thủ quỹ Ban đại diện CMHS lớp 1/2, như sau: Tổng số tiền hội lớp đã thu: 313.300.000 (31/32 học sinh); Tổng số tiền hội lớp đã chi: 260.328.500; Tồn: 52.971.500.
Nhận được thông tin, Phòng GD-ĐT yêu cầu nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời tiến hành họp với Ban đại diện CMHS và toàn thể CMHS lớp 1/2 để trao đổi các nội dung liên quan đến việc vận động, công tác thu - chi Quỹ hoạt động Ban đại diện CMHS. Báo cáo kết quả thực hiện về Phòng GD-ĐT ngay sau cuộc họp.
Trả lại gần 250 triệu đồng tiền quỹ lớp thu từ phụ huynh
Theo đó, đối với công trình cải tạo lớp học do Ban đại diện cha mẹ học sinh đã quyết với gần 228 triệu đồng, ban đại diện sẽ hoàn trả lại cho phụ huynh. Đối với khoản chi 20,5 triệu gồm chi tiền ăn uống, văn nghệ hỗ trợ cô giáo, làm lồng đèn, internet cũng sẽ hoàn trả lại cho phụ huynh. Khoản tiền 12,7 triệu đồng mua đồ dùng cho học sinh và quà ngày tựu trường, ban đại diện vẫn chi khoản này.
Sau sự việc, Phòng GD-ĐT Bình Thạnh cũng đã ban hành văn bản chấn chỉnh, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn quận.
Trong thời gian chờ văn bản của Văn phòng UBND về hướng dẫn thu học phí và các khoản thu khác năm học 2023 - 2024, phòng GD-ĐT yêu cầu các trường chỉ được tạm thu tiền ăn bán trú về việc hướng dẫn thu học phí và các khoản thu khác năm học 2022 - 2023. Tất cả các khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh.
Ngoài ra, Phòng GD-ĐT chỉ đạo Trường Tiểu học Hồng Hà theo dõi và giám sát việc thực hiện hoàn trả tiền thu - chi sai quy định của ban đại diện Cha mẹ học sinh lớp 1/2 và và có báo cáo. Phòng chỉ đạo nhà trường thực hiện phê bình đối với bà Huỳnh Ngọc Thủy - Giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2, về các sai phạm nêu trên.
Phòng GD-ĐT đã có văn bản phê bình bà Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng nhà trường, về việc chưa thực hiện tốt vai trò quản lý, chưa thực hiện đúng quy trình vận động, công tác thu chi Quỹ hoạt động Ban đại diện CMHS theo đúng quy định.
Một lớp thu chi quỹ đầu năm hơn 310 triệu đồng: Hiệu trưởng lên tiếng Một lớp 1 tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM có bảng thu chi quỹ lớp đầu năm hơn 310 triệu đồng. Bảng kê các khoản thu, chi của lớp học này khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Trong bài viết được đăng tải trên một hội nhóm phụ huynh có con vào lớp 1, phụ huynh tên N.T cho rằng "lỡ cho con vô trường...