TPHCM không đồng ý thành lập “siêu sở”
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, hiện nay công việc của các Sở Kế hoạch – Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài chính… là rất “khủng khiếp”. Nếu nhập các sở lại với nhau thì công việc sẽ quá tải, dẫn đến trì trệ, tác động đến sự phát triển của thành phố.
Chiều 27/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND TPHCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Tại buổi giám sát, ông Uông Chu Lưu đề cập vấn đề được xã hội quan tâm là Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành. Trong đó, hợp nhất Sở Kế hoạch – Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch – Tài chính; Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị.
“TPHCM thấy việc sáp nhập này thế nào, có làm được không?”, ông Uông Chu Lưu hỏi.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong (ảnh P.A)
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng nêu quan điểm: “Trung ương hỏi nếu nhập lại thì có làm được không? Dưới góc độ chuyên môn, tôi thấy vẫn làm được nhưng đề nghị cân nhắc vì khối lượng công việc và đối tượng quản lý của các sở ở thành phố rất lớn, tính chất công việc phức tạp”.
Ông Hùng cho biết từ nay đến năm 2025, TPHCM giao cho Sở Xây dựng tổ chức di dời, bố trí lại cuộc sống của 20.000 hộ dân ven kênh rạch, tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân nơi đây. Ngành xây dựng cũng đang nhận nhiệm vụ chỉnh trang đô thị.
Video đang HOT
Trong khi đó, Sở Quy hoạch – kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải công việc cũng rất nặng nề. “Tinh thần là tinh gọn bộ máy nhưng phải xem xét khả năng thực hiện, lộ trình, quy mô và tính chất đặc thù của thành phố, không thể giống các tỉnh, thành khác”, ông Hùng nói.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng việc sáp nhập các sở sẽ hình thành “siêu sở”, gây quá tải, ách tắc trong giải quyết công việc. Ông dẫn chứng công việc của Sở Kế hoạch – Đầu tư đang rất nặng nề, nhất là trong bối cảnh thành phố hướng tới con số 500.000 doanh nghiệp, trong năm 2017 phải thành lập mới 50.000 doanh nghiệp.
Còn trong năm 2016, Sở Kế hoạch – Đầu tư đã giải quyết 273.000 hồ sơ, tiếp nhận 50.000 văn bản và phát đi 35.000 văn bản. Có 87 quốc gia, vùng lãnh thổ đến TPHCM đầu tư. Mỗi tháng có khoảng trên 4.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập… Hiện Sở này cũng đang theo dõi 6.722 dự án.
“Tôi chỉ nói một vài con số ở Sở Kế hoạch – Đầu tư thôi, chưa nói đến Sở Tài chính. Nếu nhập lại như vậy thì làm sao làm nổi, mà không làm nổi, nó sẽ khiến trì trệ, tác động đến sự phát triển của TP”, ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền THCM nhìn nhận, nếu nhập Sở GTVT, Sở Quy hoạch – Kiến trúc cùng với Sở Xây dựng cũng sẽ thành “siêu sở”. Việc này sẽ gây khó khăn ách tắc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Với quy mô, khối lượng công việc rất nặng nề, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kiến nghị Trung ương giao chủ tịch UBND TP có quyền chủ động để điều tiết thêm thu nhập cho đội ngũ để tái tạo sức lao động, đảm đương nhiệm vụ.
“Hôm rồi, TPHCM được Bộ Nội vụ mời ra. TP và Hà Nội khi thảo luận tách nhập các sở, chúng tôi trả lời rất rõ là đề nghị giữ nguyên hiện trạng. Tất nhiên, Hà Nội có trả lời riêng của Hà Nội, TPHCM có báo cáo riêng của TPHCM”, ông Phong nói.
Ông Uông Chu Lưu ủng hộ việc TPHCM có cách tổ chức bộ máy chính quyền đô thị phù hợp với điều kiện dân số, kinh tế, xã hội. Ông Lưu cho rằng, TPHCM cần đẩy mạnh chuyển đổi để một số đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự chủ, tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên.
Quốc Anh
Theo Dantri
TPHCM sẽ ra mắt tuyến buýt đường sông đầu tiên vào tháng 6
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại các yêu cầu, điều kiện để khai thác tuyến buýt sông đầu tiên của thành phố đúng kế hoạch là tháng 6/2017. Ông nhấn mạnh, vấn đề an toàn cho hành khách là tiêu chí số một.
Từ năm 2010, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương lập dự án mở tuyến buýt sông. Tuy nhiên, đến năm 2012 vì nhiều lý do, dự án này đã tạm ngưng.
Đến tháng 7/2015, một lần nữa dự án tuyến buýt sông được đề xuất trở lại và chính quyền TPHCM thông qua chủ trương, giao các đơn vị nghiên cứu, triển khai. Trong đó, lãnh đạo thành phố đặc biệt nhấn mạnh đến việc tận dụng lợi thế giao thông thủy chằng chịt. Việc phát triển giao thông thủy sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng, góp phần giảm tải cho giao thông bộ và phục vụ phát triển du lịch.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết vấn đề an toàn hành khách là tiêu chí số một
Theo Sở GTVT TP, dự án 2 tuyến buýt sông đầu tiên của thành phố đã được UBND TPHCM phê duyệt. Các đơn vị chức năng cũng đã bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư xây dựng, hoàn thiện bến bãi. Dự kiến, tuyến số 1 được khai thác từ tháng 6/2017 và tuyến số 2 là đầu năm 2018.
Cụ thể, 2 tuyến buýt sẽ hoạt động trên sông Sài Gòn với tổng chiều dài khoảng 21 km. Tuyến số 1 đi từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến Linh Đông (quận Thủ Đức) dài khoảng 10,8 km với 7 trạm dừng. Tuyến số 2 đi từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến Lò Gốm (quận 8) dài 10,3 km, với 9 trạm dừng.
Trong 2 năm đầu, giá vé 15.000 đồng/người/lượt và sau đó điều chỉnh dựa vào tình hình thị trường, thành phố sẽ quản lý giá. Thời gian khai thác 2 tuyến buýt sông là 50 năm.
Nếu đúng kế hoạch, tháng 6/2017 TPHCM sẽ khai thác tuyến buýt sông đầu tiên
Trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá 2 tuyến buýt sông sẽ góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn. Ông đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại các tiêu chí, điều kiện để đảm bảo đưa vào khai thác đúng kế hoạch là tháng 6/2017.
Ông Phong nhấn mạnh: "Vấn đề an toàn cho hành khách là tiêu chí số một".
Quốc Anh
Theo Dantri
"Bảo kê vỉa hè là có thật nhưng chưa phát hiện được" Trả lời Chủ tịch UBND TPHCM về việc báo chí phản ánh tình trạng bảo kê vỉa hè, Phó Chủ tịch UBND quận 1 - ông Đoàn Ngọc Hải thừa nhận: "Bảo kê vỉa hè là có thật nhưng bây giờ chưa phát hiện được". Bên lề cuộc họp về tình hình xây dựng bãi đậu xe ô tô trên địa bàn thành...