TPHCM: Ì ạch dự án bãi đậu xe ngầm
Sau nhiều năm, các dự án bãi đậu xe ngầm ở trung tâm thành phố đều nằm trên giấy. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đã ra “tối hậu thư”: “Nhà đầu tư không đủ năng lực thì giải quyết dứt khoát, tránh tình trạng đắp chiếu”.
Chiều 22/3, lãnh đạo UBND TPHCM đã nghe Sở Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo tình hình thực hiện đầu tư xây dựng bãi đậu xe ô tô trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường cho biết, theo quy hoạch, khu vực quận 1 có 4 bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, sân bóng đá thuộc công viên văn hóa Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư. Dự kiến, khi đưa vào khai thác, 4 bãi đậu xe ngầm đáp ứng được 6.300 xe ô tô và 4.000 xe máy.
Phối cảnh bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám
Trong đó, bãi đậu xe công viên Lê Văn Tám đã được ký hợp đồng BOT, song còn nhiều vấn đề phải giải quyết như ký phụ lục hợp đồng, xin giấy phép xây dựng, trình thẩm định thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công. Ông Cường cho biết: Dự kiến dự án khởi công vào tháng 10/2017 và hoàn thành năm 2019.
Được biết, dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám từng được động thổ từ năm 2010 nhưng sau đó rơi vào tình trạng “đắp chiếu”. Đến kỳ họp của UBND TP vào đầu tháng 1/2015, đại diện Sở GTVT TP cho biết, dự án này chuẩn bị khởi công vào cuối tháng 4/2015. Tuy vậy, sau đó Sở GTVT TP lại báo cáo dự kiến dự án sẽ khởi công trong năm 2016. Đến nay, Sở tiếp tục báo cáo dự kiến khởi công là tháng 10/2017. Chính vì thế, thời điểm khởi công dự án vẫn là dấu chấm hỏi.
Trong khi đó, bãi đậu xe ngầm tại sân khấu Trống Đồng thì chưa có giấy phép xây dựng, chưa xong cả phương án giải phóng mặt bằng. Còn bãi đậu xe tại công viên Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư thì vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi.
Lo ngại về tiến độ các dự án bãi đậu xe ngầm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đặt câu hỏi: “Dự án công viên Lê Văn Tám đã nghe từ lâu, bây giờ vướng mắc gì cần giải quyết. Dự án ký hợp đồng BOT rồi, có cắt được không?”.
Ông Bùi Xuân Cường cho biết: Đã yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục, sớm triển khai thi công. Nếu không đảm bảo các yêu cầu, chậm tiến độ thì có thể thu hồi.
Chưa an tâm với cách làm việc của Sở GTVT, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa ra “tối hậu thư”: “Trong 2 tuần lễ, Sở phải làm việc với nhà đầu tư. Khó thì tháo gỡ, nếu không năng lực thì cắt để chọn nhà đầu tư khác”.
Video đang HOT
Đồng thời, ông Khoa cũng yêu cầu rà soát lại tiến độ, năng lực của các nhà đầu tư đang thực hiện các dự án bãi đậu xe ngầm. Đơn vị nào đủ năng lực, quyết tâm thì tiếp tục làm. Còn trường hợp như công viên Lê Văn Tám thì dứt khoát phải có hướng giải quyết, tránh tình trạng “đắp chiếu”.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đồng ý thành lập tổ công tác liên ngành làm đầu mối để giải quyết các vướng mắc liên quan đến các dự án bãi đậu xe ngầm như kiến nghị của Sở GTVT. Ông cũng yêu cầu phải xác định vị trí quy hoạch không gian ngầm rồi mới bố trí cho xây bãi đậu xe và đảm bảo giữ nghiêm quy hoạch.
Người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu Sở GTVT TP báo cáo đầy đủ những khó khăn, vướng mắc sau khi làm việc với các nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, TP sẽ kiến nghị các Bộ có cơ chế, chính sách hỗ trợ. TP phải quyết tâm làm để giải quyết tình trạng thiếu bãi đậu xe ở trung tâm thành phố.
Quốc Anh
Theo Dantri
Hai công viên ở trung tâm Sài Gòn từng là nghĩa trang lớn
Công viên Lê Thị Riêng và Lê Văn Tám trước năm 1975 là nghĩa trang lớn, một dành cho giới thượng lưu, một là nơi chôn cất tầng lớp bình dân.
Công viên Lê Văn Tám (quận 1, TP HCM) trước năm 1975 vốn là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Khu vực này được giới hạn bởi 4 tuyến đường Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu và Phan Liêm.
Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi vào năm 1965 (ảnh tư liệu). Nơi này nguyên thủy là nghĩa trang chôn cất các sĩ quan và binh lính người Pháp trong cuộc chiếm đóng Sài Gòn. Người dân thời đó cũng gọi là Đất thánh Tây.
Thời Việt Nam Cộng Hòa, các chính trị gia cao cấp, tướng tá và thành viên nổi bật đương thời cũng được chôn tại đây. Nổi tiếng nhất là Tổng thống Ngô Đình Diệm và em trai - cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu. Hai người đã bị quân đảo chính ám sát vào ngày 2/11/1963.
Năm 1983, chính quyền TP HCM quyết định ngừng hoạt động, di dời hàng nghìn ngôi mộ ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi về nghĩa trang Lái Thiêu (Bình Dương) và dự kiến xây nơi này thành thành Cung Văn hóa thiếu nhi thành phố. Tuy nhiên, về sau nơi đây được quy hoạch thành công viên Lê Văn Tám. Trong ảnh là bức tượng Lê Văn Tám đặt tại trung tâm công viên với hình ảnh bó đuốc sống.
"Trước đây tôi làm kế toán cho Sở vệ sinh thành phố. Chính tôi cùng nhiều người khác đã tham gia công tác di dời hàng nghìn ngôi mộ. Những người có thân nhân chôn trong nghĩa trang được cho 2 tháng để cải táng, nếu không có người nhận thì được hỏa táng, di dời nơi khác. Còn lại hài cốt của lính Pháp được đưa về quê chôn cất", bà Trần Dục Mùi (70 tuổi, quận 3) chia sẻ.
Hiện nay, công viên có nhiều loài cây rợp bóng mát, là nơi dạo chơi, tập thể dục của người dân thành phố. Và hai năm một lần, ở đây cũng diễn ra hội sách TP HCM cùng nhiều hoạt động giải trí khác.
Đây cũng là nơi có dự án bãi đậu xe ngầm 100 triệu USD với quy mô chứa 2.000 xe máy, 1.250 ôtô, 28 xe buýt, xe tải và một bên là ba tầng hầm dành cho thương mại. Tuy nhiên, sau ngày động thổ vào tháng 8/2010, đến nay dự án đang "án binh bất động" vì vướng một số thủ tục và chưa biết bao giờ mới thi công.
Tương tự, công viên Lê Thị Riêng (quận 10) cũng từng là nghĩa địa lớn của Sài Gòn. Trước năm 1975, nơi này là nghĩa trang Đô Thành. Công viên được giới hạn bởi đường Cách Mạng Tháng 8, Bắc Hải, Trường Sơn.
Nếu như nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi là nơi chôn cất của giới thượng lưu thì nơi này là chỗ an nghỉ của tầng lớp bình dân. Theo các cao niên, qua các thời kỳ chiến tranh, nhiều nấm mồ không tên mọc lên tại đây, mà đa số là của lính chết trận không người thân nhận xác. Trong ảnh tư liệu là cổng chính của nghĩa trang trước năm 1975 với bức tượng Địa tạng vương màu đen khá nổi tiếng, cao 5 - 6 m. Tượng này sau đó được di dời về Quan Âm tu viện ở Biên Hòa.
Trong kế hoạch chỉnh trang thành phố, nghĩa địa Đô Thành được giải tỏa vào năm 1983 để xây dựng thành công viên Lê Thị Riêng như ngày nay.
Ngay lối vào là khu nhà truyền thống, bia tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Trong đó có mộ phần bà Lê Thị Riêng (Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền nam Việt Nam).
Ở công viên còn có bia tưởng niệm Tổng bí thư Trần Phú. Theo đó, năm 1999 chính quyền đã tìm thấy phần mộ của ông tại công viên này sau 68 năm ngày ông hy sinh.
Bao quanh công viên là hồ nước tạo cảnh quan. Theo ông Đinh Quang Sử (68 tuổi, quận 10), hồ nước này trước giải phóng vốn là một con rạch thông ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. "Hồi ấy, nghĩa trang rộng lắm, nhiều người chết vô danh được chôn tập thể ở đây, khu này xưa vắng hoe, ít người lai vãng", bác Sử nói.
Hiện nay công viên Lê Thị Riêng có 80% mảng xanh trên diện tích 8 ha với nhiều đồi, cây cỏ, bồn hoa đan xen lối đi.
Quỳnh Trần
Theo VNE
Hệ thống xử lý nước thải 800 triệu USD sẽ "hồi sinh" sông Tô Lịch? Sáng 7/10, UBND TP Hà Nội khởi công Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì) với công suất 270.000 m3/ngày đêm. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu đô la này được kỳ vọng sẽ làm "sống lại" các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ. Sở Xây dựng...