TP.HCM: Hướng đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa trên biển
Nhằm đảm bảo ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa ra biển từ các nguồn thải trên đất liền và từ các nguồn thải trên biển, hướng đến mục tiêu giảm 75% rác thải nhựa trên biển vào năm 2030, mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Nhằm nâng cao ý thức về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường biển, giúp hình thành thói quen giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy trong mọi hoạt động trên địa bàn TP.HCM.
UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương và đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 75% rác thải nhựa trên biển; 100% các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển.
Năm 2030, TP.HCM giảm 75% rác thải nhựa trên biển.
Để thực hiện được mục tiêu trên, UBND TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc xây dựng các nội dung tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa đối với biển và đại dương, môi trường và sức khỏe con người.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên & Môi trường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc điều tra, thống kê, phân loại các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền từ các hoạt động trên biển để làm cơ sở đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đã được đề ra.
Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam, chỉ số tiêu thụ nhựa hiện nay trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh, khoảng 50 kg/năm/người. Sản phẩm nhựa Việt Nam được chia làm các nhóm chính, gồm nhựa bao bì (39%), nhựa gia dụng (32%), nhựa vật liệu xây dựng (14%), nhựa công nghệ cao (9%) và nhóm còn lại (5%). Mặc dù nhận thức và ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân đã có những chuyển biến tích cực, cùng với đó tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn tăng dần theo các năm, trong đó có chất thải nhựa và túi nylon, tuy nhiên Việt Nam vẫn tạo ra khoảng 1,83 triệu tấn nhựa không được quản lý hàng năm.
Ông Huỳnh Minh Nhựt – Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị TP.HCM cho biết, rác là nguồn tài nguyên, nhưng nếu rác thải không được phân loại và tái chế hợp lý sẽ nguy hại cho môi trường và chất lượng sống của người dân. Do đó, trong bối cảnh TP.HCM đang nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường, Công ty cũng chuyển đổi hoạt động theo hướng hiện đại hóa trang thiết bị để nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.
Không dừng lại ở hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn, hoạt động thu gom và xử lý chất thải y tế cũng được Công ty đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu xử lý ngày càng cao của thành phố. Cụ thể, với trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn, Công ty đã đầu tư xe ép kín chuyên dụng. Việc đưa xe ép kín chuyên dụng vào hoạt động sẽ từng bước giúp giảm ô nhiễm thứ cấp trong quá trình thu gom rác thải.
Vấn nạn hát karaoke bằng loa kéo lên bàn chất vấn HĐND
"Sở Tài nguyên môi trường nói trách nhiệm của văn hóa, văn hóa nói của tài nguyên môi trường, công an. Vậy ai xử lý?", Chủ tịch HĐND đặt câu hỏi về việc xử lý tiếng ồn karaoke.
Tại phiên chất vấn sáng 11/7 của kỳ họp HĐND TP.HCM thứ 20, đại biểu Tăng Hữu Phong, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, nhắc lại đề xuất dừng hát karaoke bằng loa kẹo kéo của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Tô Thị Bích Châu. Ông Phong đặt câu hỏi về trách nhiệm của Sở Văn hóa Thể thao và hướng khắc phục vấn đề này.
Trả lời chất vấn của đại biểu về tiếng ồn của karaoke, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Huỳnh Thanh Nhân cho biết thời gian qua, ngành văn hóa thể thao nhận được nhiều phản ánh của người dân về vấn đề này và đã giao thanh tra phối hợp với quận, huyện xử lý.
Đùn đẩy trách nhiệm, ai xử lý?
"Về quy định của Chính phủ thì sở không có chức năng để đo tiếng ồn và phải ký hợp đồng với đơn vị chức năng để đo tiếng ồn, xử lý theo quy định", ông Nhân trả lời và cho biết trách nhiệm đo tiếng ồn là của Sở Tài nguyên Môi trường, còn xử lý vi phạm hành chính trong an ninh trật tự do Công an TP.HCM xử lý.
Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao đề nghị các quận, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường quản lý, xử lý kịp thời để không phát sinh mâu thuẫn khi xảy ra tiếng ồn, dẫn đến hành vi đáng tiếc.
Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Huỳnh Thanh Nhân trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Huy.
Sau trả lời của Sở Văn hóa Thể thao, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ yêu cầu các sở, ban, ngành có trách nhiệm liên quan giải trình về phương thức xử lý vi phạm về tiếng ồn do karaoke.
"Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao nói trách nhiệm chỉ có một khúc, còn lại là Công an TP, Sở Tài nguyên Môi trường và chính quyền địa phương. Tài nguyên môi trường nói trách nhiệm của văn hóa, văn hóa nói của tài nguyên môi trường, công an. Vậy ai xử lý?", lãnh đạo HĐND chất vấn và yêu cầu đại diện Sở Tài nguyên Môi trường trả lời.
Nói về trách nhiệm quản lý trong vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167 cho phép UBND các cấp và thanh tra chuyên ngành kiểm soát tiếng ồn từ 22h-6h ở khu dân cư. Với nguồn gây tiếng ồn lớn, năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 155 cho phép ngành tài nguyên môi trường và cơ quan có thẩm quyền đo đạc, xử lý.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm có 46 trường hợp bị lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính từ 100.000-300.000 đồng. "Mức thấp nhưng là giải pháp chấn chỉnh ban đầu gây ồn khu dân cư, ảnh hưởng đến hoạt động người dân", Giám đốc sở nhận định và cho biết sẽ tiếp thu đề xuất của UBMTTQ để tham mưu UBND thời gian tới.
Chưa thống nhất trách nhiệm trong quản lý karaoke
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQ, cho biết đây không phải lần đầu tiên vấn đề người dân bị làm phiền bởi tiếng karaoke bị phản ánh. Tại kỳ họp HĐND thứ 6 và thứ 9 HĐND khóa IX, MTTQ đã nêu vấn nạn trên và đề xuất phương án giải quyết.
"Tại các cuộc họp tổ dân phố, khu phố, người dân thường xuyên phản ánh việc hàng quán, nơi tiệc tùng mở karaoke làm phiền gia đình mình. Chúng ta không thể ép buộc người dân trong hoạt động tinh thần, ý kiến của MTTQ là cần có biện pháp để người dân nhận thấy không nên làm phiền người khác, đặc biệt tại các khu dân cư san sát nhau, sự ảnh hưởng là rất lớn", bà Tô Thị Bích Châu nêu ý kiến.
Theo bà Châu, khi bị làm phiền bởi tiếng loa kéo trong thời gian dài, liên tục, người dân dễ bị ức chế và dẫn đến mâu thuẫn, thậm chí xảy ra án mạng như trường hợp từng xảy ra tại huyện Bình Chánh. Để xử lý vấn đề này, chính quyền cần có sự đồng thuận của người dân, đưa quy định về sử dụng loa kéo vào Hương ước, Quy ước của khu dân cư. Nếu người dân không chịu tuân thủ, chính quyền các cấp mới xem xét xử lý hành chính theo quy định pháp luật.
Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ yêu cầu các sở, ngành giải trình về trách nhiệm trong quản lý tiếng ồn do karaoke. Ảnh: Quang Huy.
Nêu nhận định về vấn nạn hát karaoke bằng loa kéo, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ đề nghị Giám đốc sở Văn hóa Thể thao cần làm việc với các sở, ngành để rà soát lại những quy định pháp luật, từ đó hình thành bộ tiêu chí ứng xử cộng đồng.
Ngoài ra, Chủ tịch HĐND TP.HCM nhận định các cơ quan còn chưa thống nhất trong quản lý hát karaoke bằng loa kéo, cách hành xử của cán bộ văn hóa với vấn đề này còn chưa rõ trách nhiệm. Bà Lệ đề nghị các sở, ngành cần hướng dẫn chính quyền cấp quận, huyện giải pháp để giải quyết vấn nạn trên.
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND thứ 20 khóa IX, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tô Thị Bích Châu đề nghị UBND thành phố đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp, nhắc nhở người dân tự giác thực hiện.
Chủ tịch UBMTTQ thành phố cho rằng thời gian qua, cơ quan chức năng còn thiếu kiên quyết trong xử lý trường hợp hát karaoke với tiếng ồn quá lớn. Nhiều hộ dân liên tục bị "tra tấn" vì loa kéo, gây bất hòa, thậm chí xảy ra án mạng.
Ngày 14/4, vụ án mạng xảy ra trên địa bàn huyện Bình Chánh khi Nguyễn Thanh Khoa (30 tuổi, quê Bến Tre) ngồi nhậu và hát karaoke bằng loa kẹo kéo tại nhà trọ của người quen. Nghe ồn ào, ông N.V.B. (50 tuổi, ở trọ kế bên) nhắc nhở thì 2 bên xảy ra xô xát. Trong lúc ẩu đả, Khoa đã dùng dao đâm ông B. nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong. Công an huyện Bình Chánh sau đó tạm giữ Khoa để điều tra hành vi giết người.
Vào tháng 6/2019 cũng tại huyện Bình Chánh, anh Dương Thành Rớt (28 tuổi) ngồi nhậu chung nhóm bạn tại bãi đất trống. Trong lúc nhậu, Rớt thuê loa kẹo kéo đến bãi để hát karaoke vui vẻ với nhóm bạn. Thời điểm này, anh Trần Thanh Tiến (40 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) đồng thời mở loa hát karaoke, cách đó 20 m. Do anh Tiến mở loa karaoke với âm lượng lớn hơn loa kẹo kéo của nhóm Rớt nên 2 bên xảy ra mâu thuẫn. Án mạng xảy ra sau đó.
'Âm thanh loa kéo có thể đạt mức 120 dB gây điếc tai'
Bác sĩ Trần Ngọc Minh cho biết tai người chỉ có thể chịu được âm thanh ở mức 85 dB, tương đương tiếng người hét lớn, trong khoảng 15 phút nếu nghe lâu có thể gây hại tính giác.
Vùng 4 Hải quân hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển Những năm qua, Vùng 4 Hải quân vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo vừa tích cực giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển phát... Cán bộ, chiến sĩ đảo Thuyền Chài A cấp cứu ngư dân gặp nạn. Ảnh: CTV Cùng với nhiệm vụ chính trị trọng tâm làm nòng cốt bao...