TP.HCM: Hoa Tết đồng loạt giảm giá… vẫn ‘đìu hiu’ khách mua
Ngày 30 Tết, nhiều tiểu thương bán hoa ở TP.HCM đồng loạt giảm giá mạnh nhưng vẫn lo lắng không bán hết hoa vì không có khách ghé mua.
Ngày 30 Tết, nhiều mặt hàng vẫn chưa bán xong, nhiều người bán hoa tại TP.HCM quyết định ‘xổ hết’, giảm đến hơn nửa giá để sớm về nhà ăn Tết.
Ghi nhận của PV VTC News sáng nay (11/2) tại Công viên 23 tháng 9 ( Quận 1, TP.HCM), nhiều tiểu thương bán hoa đã đồng loạt giảm giá tới 50% nhưng vẫn ít khách ghé mua.
Ông Hùng (quê Long An) cho biết: “Năm nào vợ chồng tôi cũng đưa hoa lên Sài Gòn bán, nhưng năm nay bán buôn ế ẩm quá. Ngày 30 Tết rồi vẫn rất ít khách ghé mua hoa. Dù đã treo biển giảm giá đến 50%, mà vẫn không bán được. Tôi chỉ mong bán hết hoa để về quê ăn Tết cùng gia đình”.
Dù đã treo bảng giảm giá đến 50%, thế nhưng anh Tống Thanh Hiên (quê Bình Dương) vẫn lo lắng không bán hết hoa vì khách ghé mua hoa rất ít. “Tôi đã treo bảng giảm giá từ ngày 29 Tết, nhưng hoa không bán được. Như hoa cúc trước đó tôi bán 1 chậu 120 nghìn đồng, còn hai ngày nay bán 2 chậu 90 nghìn đồng mà rất ít khách đến mua hoa, chủ yếu người ta đến hỏi giá rồi lại bỏ đi”, anh Hiên buồn bã nói.
Những chậu hoa cúc được tiểu thương treo bảng giảm giá.
Bà Hương (tiểu thương bán hoa Tết ở Công viên 23 tháng 9, TP.HCM) cho biết: “Như những năm trước, tôi vẫn nhập hoa lan từ Lâm Đồng về Sài Gòn Bán, nhưng năm nay chỉ mong bán đủ vốn chứ khách mua hoa rất ít. Hôm nay đã 30 Tết rồi, nên tôi quyết định giảm giá để còn nhanh chóng về nhà đón Tết cùng gia đình”.
Video đang HOT
Khảo sát nhanh tại khu Trung Sơn ( Quận 7, TP.HCM) các tiểu thương bán hoa cho biết đã đồng loạt giảm giá tất cả các loại hoa. Cụ thể, hoa cúc giảm giá đến 50%, hoa giấy giảm khoảng 40% và cây mai giảm khoảng 30%.
Anh Thái Vũ (quê Long An) cho biết: “Tôi chở hoa từ Long An lên Sài Gòn bán 2 địa điểm là Quận 7 và huyện Bình Chánh, tuy nhiên do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nên buôn bán ế ẩm. Vì thế nên hôm nay tôi giảm giá mạnh hoa cúc chỉ mong lấy lại vốn, còn hoa giấy và cây mai nếu không bán được tôi lại thuê xe vận chuyển về quê chăm để sang năm bán tiếp”.
Theo anh Bình (tiểu thương bán hoa ở đường Nguyễn Văn Linh, đoạn qua huyện Bình Chánh) chia sẻ, ế hoa là tình trạng chung của Tết năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. “Vì thế mình lấy hoa từ nhà vườn miền Tây cũng ít hơn năm ngoái. Bán không được năm nay thì năm sau bán tiếp, đành chấp nhận thôi chứ ai cũng chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 như mình mà”, anh Bình nói.
Vợ chồng chuyên gia vượt 1600km chi viện xét nghiệm cho tâm dịch Hải Dương
Bỏ lại những nỗi niềm riêng, vợ chồng anh Duy vượt trên 1600km từ TP.HCM ra Hải Dương để chi viện xét nghiệm Covid-19.
Vợ chồng chuyên gia sinh học phân tử Nguyễn Danh Duy và Phạm Bích Kiểu tại CDC Hải Dương - Ảnh: Nguyễn Liên
Sáng 30/1, vợ chồng chuyên gia sinh học phân tử Nguyễn Danh Duy (sinh năm 1977) và Phạm Bích Kiểu (sinh năm 1980) nhận được cuộc gọi gấp từ người bạn đang thực hiện công tác xét nghiệm Covid-19 tại Hải Dương.
Đầu dây bên kia cho biết, tình hình phía Hải Dương rất cấp bách, kêu gọi sự giúp sức của hai chuyên gia giàu kinh nghiệm.
Từ TP.HCM, vợ chồng anh Duy lập tức gật đầu.
Lúc này, phòng xét nghiệm riêng của hai vợ chồng vừa bước vào xây dựng, mọi thứ từ nguyên vật liệu, máy móc, trang thiết bị còn bày ngổn ngang. Anh chị xin thêm 4 ngày để sắp xếp công việc cá nhân trước khi ra miền Bắc hỗ trợ.
Thế nhưng, trong ngày, họ nhận tiếp cuộc gọi thứ hai. Người bạn chia sẻ, các mẫu bệnh phẩm đang dồn về rất lớn, thậm chí tới 8000 - 10.000 mẫu/ngày, nhân lực của CDC Hải Dương không đủ để đáp ứng. Không đắn đo thêm, anh Duy vội đổi vé máy bay, đặt chuyến sớm nhất ngay sáng hôm sau.
"Tình hình gấp như vậy, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài bỏ dở mọi thứ để đi", chị Kiểu nói.
Hồi tháng 7, tháng 8, khi dịch bệnh bùng phát ở miền Trung, vợ chồng anh Duy từng vào Đà Nẵng, Quảng Nam chi viện 1 tháng. Con trai mới 6 tuổi phải nhờ ông bà nội, ngoại sang chăm. Lần này đi gấp, lại không may ông bà đều đang ốm, anh chị đành gửi con về quê ngoại ở Bạc Liêu, nhờ người dì chăm sóc.
Sáng 31/1, hai chuyên gia có mặt ở CDC Hải Dương, được lãnh đạo đơn vị giao chịu trách nhiệm toàn bộ ê kíp xét nghiệm.
Hai chuyên gia được giao chịu trách nhiệm toàn bộ ê kíp xét nghiệm Covid-19, trong đó tập trung vào công tác đọc và trả kết quả - Ảnh: Nguyễn Liên
Anh Duy cho biết, quy trình xét nghiệm SARS-CoV-2 gồm nhiều công đoạn, từ nhận mẫu, phân loại và đánh số các mẫu, sau đó làm sạch, tách chiết mẫu, cho chạy trên máy RT PCR, cuối cùng là đọc và trả kết quả. Tất cả các công đoạn đều đòi hỏi chuyên môn, tính chính xác.
Những ngày đầu, vợ chồng anh vừa trực tiếp xử lý mẫu, vừa đào tạo, hướng dẫn cho các kỹ thuật viên, sinh viên chưa nhiều kinh nghiệm. Khó khăn xảy đến khi sai sót liên tiếp phát sinh, họ phải vừa làm, vừa điều chỉnh.
Sau này, khi các kíp đã nhuần nhuyễn hơn, anh chị tập trung vào công tác phân tích và trả kết quả, kết hợp giám sát toàn bộ quy trình.
Nhìn vào đồng hồ đã chỉ 14h, chị Kiểu thủ thỉ, hôm nay không ăn sáng, nhưng mải việc nên đến giờ vẫn chưa thấy đói. "Có khi, đây lại là cách giảm cân hiệu quả", chị đùa vui.
Mọi ngày, vợ chồng chị cùng các thành viên của ê kíp xét nghiệm bắt đầu công việc khoảng 7 - 8h sáng, làm liên tục tới khoảng 2h sáng hôm sau. "Có những ngày phải cố đến khoảng 4h sáng mới xong việc. Cũng có những hôm về phòng rồi nhưng lại mất ngủ vì quá mệt", anh Duy tâm sự.
14h30', anh chị tạm ngừng công việc để ăn trưa. Anh Duy nói, mấy hôm nay, bữa trưa cũng là bữa ăn duy nhất trong ngày, bởi cần tiết kiệm tối đa thời gian cho việc xét nghiệm.
Vợ chồng anh Duy cùng đồng nghiệp tạm ngừng công việc để ăn trưa - Ảnh: Nguyễn Liên
Mỗi ngày, các mẫu bệnh phẩm dồn về CDC Hải Dương vẫn lên đến hàng nghìn mẫu, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của toàn ê kíp. Từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên đến nay, CDC Hải Dương đã xét nghiệm khoảng 32.000 mẫu bệnh phẩm.
"Áp lực lớn nhất với chúng tôi là thời gian và sự chính xác. Việc sớm tìm được ca dương tính giúp đơn vị dịch tễ nhanh chóng khoanh vùng, truy vết; sớm xác định các ca âm tính lại giúp "giải phóng" trường hợp đủ điều kiện khỏi cách ly.
Tuy nhiên, vẫn cần đảm bảo yếu tố "chính xác", tức phải tìm được đúng người thì công tác dập dịch, kiểm soát dịch mới hiệu quả. Chỉ một sai sót trong xét nghiệm có thể gây ra hàng loạt vấn đề phía sau", anh Duy chia sẻ.
Sau bữa cơm trưa, chị Kiểu tranh thủ chút thời gian ít ỏi để gọi về cho con trai (tên gọi ở nhà là Cà Rốt), xem video con chơi đùa, đàn hát. Mấy hôm nay vợ chồng chị vắng nhà, con vẫn chơi rất ngoan, nghe lời dì và bà ngoại. Cháu không kể với ba mẹ, nhưng lại tâm sự với bà rằng: "Con buồn khi ba mẹ phải đi làm xa".
Năm nay là năm đầu tiên Cà Rốt phải đón Tết xa ba mẹ. Chị Kiểu bộc bạch, ngay từ khi nhận thông tin về tình hình tại Hải Dương, anh chị đã xác định khó có thể trở về nhà kịp trong dịp Tết. Thương con, nhưng anh chị quyết định giấu đi tâm tư để lên đường.
Với vợ chồng chị, gia đình là một phần của xã hội, giúp xã hội cũng là giúp gia đình, giúp người thân của mình.
Ngắm nhìn hình ảnh con giúp chị Kiểu quên đi mệt mỏi trong công việc - Ảnh: Nguyễn Liên
26 Tết, phòng làm việc của vợ chồng anh Duy và kíp xét nghiệm vẫn chưa có đào mai, chỉ có ngổn ngang giấy tờ, số liệu. Anh Duy bảo, bận rộn quá, anh quên mất hôm nay là thứ mấy, cũng không nhớ đã có mặt tại CDC Hải Dương bao nhiêu ngày.
"Không ăn Tết năm nay, sang năm chúng tôi vẫn có Tết. Nhưng dịch bệnh nếu để bùng phát mạnh hơn thì rất nguy hiểm. Tôi mong dịch sẽ sớm được kiểm soát để bà con trở lại với cuộc sống yên ấm bình thường", anh Duy tâm sự.
Bệnh viện Quân Y 175 cách ly 21 người tiếp xúc nhân viên sân bay Trước khi có kết quả nghi mắc Covid-19, nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất đến khám tại Bệnh viện Quân Y 175 (Bộ Quốc phòng). Liên quan ca dương tính với SARS-CoV-2 vừa được ghi nhận là nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên họp khẩn với lãnh đạo và ngành y...